April 27, 2024, 9:51 am

Quang Dũng và những bài thơ bị đốt

Cuối tháng 9 năm trước, đi dự trại sáng tác, tôi và họa sỹ Đỗ Đức ở chung phòng. Đà Lạt mùa này buổi chiều và tối thường mưa liên miên hiếm được ngày nắng ráo. Chừng giữa buổi sáng một ngày đẹp trời chúng tôi được báo có khách. Chưa kịp xuống đón thì nhà văn Chu Bá Nam em ruột nhà văn Đỗ Chu đã đứng trước cửa. Anh là người có quan hệ rộng với nhiều văn nghệ sỹ từ miền Bắc vào sống ở thành phố này đã vài chục năm. Hiện anh đang làm công tác biên tập cho tạp chí Langbian của Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng. Thăm hỏi, trò chuyện chưa tàn ấm trà anh bảo: “Các cậu đã vào đến đây nên đến gặp một trí thức cũ của Hà Nội. Ông có nhiều chuyện đáng nghe”. Thế là anh kéo chúng tôi đến thăm ông Đinh Quý Lân (thường gọi gọn là Đinh Lân) trên 80 tuổi – nhưng anh em thường thân mật gọi bằng anh – đã định cư ở Đà Lạt gần 30 năm. Trong cuộc chuyện trò ông nhắc đến nhiều văn nghệ sỹ cùng thời: nhạc sỹ Hoàng Vân, họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Văn Giáo, Nguyễn Tuân, Văn Cao… Nhưng câu chuyện ông kể ấn tượng nhất là về nhà thơ Quang Dũng.

Nhà thơ Quang Dũng (bìa trái) và gia đình chụp năm 1965 (ảnh tư liệu gia đình)

Theo ông, Quang Dũng là người cao to sống chân thật, giàu tình cảm và rất tử tế với bạn bè được mọi người quý trọng. Tâm hồn nhà thơ nhạy cảm, dễ mủi lòng trước con người và xã hội. Chúng ta biết Quang Dũng quê ở Sơn Tây, từng là giáo viên dạy học tại một trường tư thục ở Ba Vì, ông cũng có thời gian học trường trung cấp quân sự Sơn Tây do đó ông rất quen thuộc với mảnh đất xứ Đoài này. Miền Bắc giải phóng, ông về làm công tác biên tập báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Nhớ lại ông Lân kể: Sau ngày giải phóng, thủ đô nói riêng và miền Bắc nói chung rất khó khăn đói kém, thiếu thốn đủ thứ. Để “làm sạch” thủ đô, những cô gái điếm đều bị thu gom đưa lên Ba Vì để cải tạo bằng lao động sản xuất. Một số binh sỹ người Phi của Pháp không về nước xin được ở lại được ta bố trí vào các tổ đội sản xuất cũng ở Ba Vì. Họ làm quen rồi nảy nở tình cảm với nhau - một số đi đến kết hôn thành các gia đình Phi - Việt. Quang Dũng hay lên khu vực đó chơi gặp gỡ những người lính của phía bên kia. Ông nói về văn học Pháp, về thủ đô Paris, đọc thơ Baudelaire… bằng tiếng Pháp cho họ nghe. Họ rất hứng thú vì chưa bao giờ biết tới “đất mẹ” Pháp và thành phố Paris hoa lệ.

Có một lần sau buổi nói chuyện, một lính người Phi to cao ôm chầm lấy ông cảm động nói: “Rất cám ơn anh đã cho chúng tôi biết nhiều điều hay. Mồng 2 tháng 9 này được nghỉ tôi sẽ về thăm anh.” Quang Dũng mỉm cười: “Ồ, thế thì tốt quá. Chúng ta sẽ vi vu với nhau”.

Vào tầm gần giữa buổi sáng 1 tháng 9, Quang Dũng đang đứng hứng nước ở sân tầng 1 khu nhà bỗng nghe tiếng xì xồ ngoài cổng. Ông liếc nhìn ra thấy một ông tây cao lớn dắt chiếc xe đạp. Trên gác ba ga buộc một chiếc lồng gà có con gà trống bên trong. Xung quanh xe treo, móc các túi khoai, sắn, rau quả lủng củng đang hỏi nhà anh Quang Dũng. Ông vội vàng bỏ xô nước ở đó chạy thẳng lên tầng 3 nhà mình. Ông hốt hoảng nói với vợ: “Chết rồi bà ơi! Có thằng Tây nó đến thăm tôi. Lại còn mang cả quà đến. Tôi sợ tý nữa công an họ đến khám nhà thì gay to. Nó đến nhà, quà thì bà cứ nhận nhưng bảo tôi đi vắng nhé”. Nói xong ông vội với lấy chiếc túi màu nâu đã cũ treo ở tường tụt từ tầng 3 xuống theo đường máng nước phía sau nhà.

Ông chạy một mạch từ nơi ông ở cuối phố Bà Triệu qua nhà máy Cơ khí Trung quy mô sang bên Triệu Việt Vương để đến nhà người bạn thân là bác sỹ Phan Đăng Hoài. Huỳnh huỵch chạy lên tầng 2 mặt xám ngoét ông nói: “Hoài ơi! Nguy hiểm quá, nguy hiểm quá. Mẹ kiếp! Có thằng Ma nơ canh nó đến thăm tao”. Hoài ngơ ngác: “Nó ở bên Nga hả?” - “Không nó là tây Ma-rốc. Tao phải tụt ống nước xuống trốn. Tao sợ công an họ sẽ đến nhà mày ạ…”. Rồi ông ra hành lang mở gói diêm tiết kiệm cạnh bếp lò lấy vài que quẹt vào miếng vỏ diêm tiết kiệm có thuốc. Quẹt mấy que mà diêm không chịu phát lửa. Cái thì gãy, cái thì chỉ xì khói khét lẹt. Mãi mới có que cháy. Ông ném vội một số tờ giấy vào đám lửa. Nhưng do bếp lò quá ẩm nên xì khói um. Bác sỹ Hoài vội chạy ra hỏi: “Đốt cái gì đấy?” - “Mấy thứ vớ vẩn ấy mà”. Ông đáp. May lửa mới bén đen rìa những tờ giấy, Hoài giật ra phủi tro ở mép giấy rồi cầm vào nhà. Quang Dũng đứng ngoài ngó vào hai khóe mắt ưng ửng nước mắt.

Phan Đăng Hoài là bác sỹ, nhưng rất có tâm hồn nghệ sỹ, say mê văn học và có một số sáng tác thơ văn khá hay được bạn bè khích lệ. Cầm bài thơ đã cháy mất đề bài, ông ngửa cổ lên ngâm nga:

Tôi lính qua đường trưa nắng gắt

Nghỉ nhờ em quán lệch tường xiêu

Giàn mướp nghèo chưa hứa hẹn bao nhiêu

Mùa gặt gấp đường xa thường vắng khách

 

Em đắp chăn dày tóc em chịu nặng

Tôi mồ hôi ngực áo chang chang

Đường tản cư bao suối lạ mưa ngàn

Đã mê sảng sốt hồng lên má đỏ

 

Em ở một mình nhà hoang vắng quá

Chiếc khăn điều em đắp có hoa thêu

Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo

Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá

 

Thương nhau qua dặm đường.

Tiền nước tôi đã trả

Đường xa xôi mơ những núi cùng mây…

Để lại vấn vương qua vài sợi tóc

Có gì vương vất từ nơi đây?

 

Sau này mọi ngời mới biết đó là bài thơ Cô gái tản cư. Còn bữa đó Phan Đăng Hoài đọc xong, Quang Dũng ưỡn người ngả mũ chào nói: “Tao đi đây, tao đi đây!”. Rồi phịch phịch, phịch phịch… bước chân nhịp đôi quen thuộc của nhà thơ dáng người cao lớn đi xuống cầu thang.

Chúng ta nhớ rằng vào những thời điểm đó không riêng gì vấn đề văn hóa, tư tưởng mà có những vấn đề lớn khác chúng ta làm thái quá và có những sai sót. Điều quan trọng là sau này chúng ta đã nhận thấy và sửa sai. Nhiều nhà thơ, nhà văn bị kiểm điểm đưa vào nhóm “Nhân văn giai phẩm” sau này không những được minh oan mà một số còn được nhận Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong bối cảnh lịch sử như vậy việc lo xa của nhà thơ Quang Dũng không có gì là khó hiểu. Cũng may là việc đó đã không xảy ra. Ngay bài thơ tuyệt hay Tây tiến của Quang Dũng một thời cũng bị phê phán là anh hùng tiểu tư sản không được phép công bố chỉ lưu truyền trong anh em văn chương đó thôi. Dám thương xót kẻ thù là sai lầm đặc biệt nguy hiểm và tuyệt đối cấm kỵ…

Ngoài bài Cô gái tản cư, Phan Đăng hoài còn cứu được bài thơ dài có tên là Sabi của Quang Dũng. Bài thơ này xuất phát từ những lần lên Sơn Tây, Ba Vì đến chơi ở trại lính Tây sau giải phóng năm 1954 ông đi qua nghĩa địa lính Pháp mà dân ở đó gọi là khu mả Tây. Khi đọc, ông Đinh Lân đôi lần ngắc ngứ vài lần giữa câu để nhớ lại rồi mới đọc lại cả câu. Toàn văn bài thơ như sau:

 

Sabi

 

Ngày đầu tiên khi hòa bình trở lại

Trên đường về quê hương

Tôi đã dừng chân bên một

nghĩa địa dài

Nơi an nghỉ cả tiểu đoàn lính Pháp

Mồ cao mả thấp ngổn ngang

Nghĩa địa kia tôi đã gặp ven đường

Bên những boong ke loang lổ

Có cái đã xây thành nhà mồ

vững chắc

Vẽ quốc kỳ nước Pháp

và đôi dòng chữ tiếc thương

                                      

Những bốt đồn quái gở

Nhưng cả quan và lính không còn

trong đó để mà cố thủ

Rủ nhau nằm hết ra đây

Trên bãi cỏ tìm bình yên bảo đảm

Mỗi người đều để lại tên mình

Những câu sấm truyền định mệnh

Có ghi cả ngày sinh, chức tước,

quê hương

Trời mưa thu mấy hôm qua ai đã

thấy cái buồn nghĩa địa?

Cây cỏ dầm trong nước ngập

mồ hoang

Lại thêm tiếng ễnh ương

làm khúc nhạc lữ hành

Nhoi nhói kêu trong bãi mộ

Thêm vài ngọn lau phất phơ

trước gió

 Có cành cúc vàng gió lay lay

Trước tấm bia đen ghi mấy dòng

chữ trắng

                         *

Sabi, Sabi…

một bài thơ tình rất đẹp

Bằng thứ tiếng nước nào?

Trong tiểu đoàn Âu, Phi đã hy sinh

cho nước Pháp?

Sabi, Sabi …

Giờ đã nằm yên dưới mộ

Bao giờ về với quê hương?

Sabi có phải quê nằm ở

bờ sông Nile?

Hay là nơi trăng sáng

Bãi cát chảy dài có bóng cây

Bao Báp

Trai gái nhảy Băm bu la theo tiếng

trống gọi hồn sa mạc

Sabi! Sabi…

Biết bao giờ vượt biển về với

đất trời bên đó

“Hai mươi”…tuổi trẻ nằm đây

Lòng đất Việt Nam hiền hậu

                     *

Hỡi những ai bên kia chân trời

Đừng dành góc nhà nhỏ thân yêu

Đừng mong bóng quân nhân

trở về quê cũ

Mang những tấm hình

những thành phố viễn chinh

Về làm quà cho em nhỏ, họ hàng

 Hỡi mẹ nghèo ơi cũng đừng mong

Món tiền lương mà Sabi dành dụm

Đổi bằng xương máu nằm đây…

 

Cho tới bây giờ mỗi khi đi qua

vùng nghĩa địa

Tôi lại hình dung bóng dáng Sabi

Khi buông súng trở về với đất

Mà không phải đất quê anh

Sabi còn bao giờ hiểu được

những người bạn thương anh

Chỉ đọc được tên khắc trên bia mộ

Nằm trên đất nước của mình.

Đó là toàn bộ bài thơ theo trí nhớ của ông Đinh Quý Lân. Nếu có gì sai, thiếu, tác giả thật lòng cầu thị xin hân hạnh nhận được mọi sự góp ý, bổ sung của những ai biết về bài thơ này để bài thơ được đầy đủ, toàn vẹn.

Nguồn Văn nghệ số 31/2020


Có thể bạn quan tâm