April 26, 2024, 2:22 pm

Phim hoạt hình đề tài lịch sử - càng khó càng thú vị…

Phim hoạt hình là một thể loại quý tộc, “ngốn” rất nhiều kinh phí. Nếu so sánh với phim hoạt hình bom tấn của Mỹ, như Công chúa tóc xù chẳng hạn, thì chỉ nửa phút phim của họ đã ngốn trọn toàn bộ kinh phí nhà nước đầu tư cho phim hoạt hình ở ta... một năm. Trước khó khăn về kinh phí, làm sao ta có thể sản xuất những bộ phim hoạt hình chất lượng cao về nội dung và hình thức? Theo nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, càng khó càng thú vị, càng khó càng thích làm phim. Bởi động lực lớn nhất của những người làm phim hoạt hình là vì trẻ em.

Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà

* PV: 25 năm làm biên kịch, biên tập cho 120 bộ phim hoạt hình, chị yêu thích đề tài nào nhất?

- Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà: Là một biên kịch lâu năm và là người phụ trách mảng nội dung kịch bản của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, tôi tham gia tất cả các đề tài: phim đồng thoại, phim triết lý, phim sê ri, phim lịch sử, truyền thuyết, cổ tích, nói chung là làm những bộ phim hoạt hình về giáo dục phẩm chất đạo đức, nhận thức của trẻ em, kết hợp với giải trí, miễn là những gì trẻ em thích, nhưng đề tài tôi yêu thích nhất, dành nhiều tâm sức nhất, đó là phim lịch sử. Tôi đã viết các kịch bản phim hoạt hình đề tài lịch sử như Mỵ Châu Trọng Thủy, Kỳ tích đầm Dạ Trạch, biên tập Đinh Tiên Hoàng đế, Đại Hành Hoàng đế, Người thầy của muôn đời, Phật Hoàng Trần Nhân Tông… những phim về truyền thuyết, sự tích, có tính chất lịch sử cũng rất nhiều.

* Làm phim lịch sử cho trẻ em khác với phim lịch sử cho người lớn ra sao?

- Trước hết, “Lịch sử” là một đề tài khó. Nếu mình không làm tốt thì sẽ dẫn đến sa đà vào cái minh họa, khô khan, trẻ em sẽ không thích. Mình chủ trương làm phim lịch sử là lựa chọn những câu chuyện lịch sử hay, đẹp, hấp dẫn để khai thác, để từ đó nhen lòng yêu sử của trẻ em. Phim lịch sử không phải để dạy lịch sử cho trẻ em mà để khơi gợi lòng yêu sử cho trẻ. Qua một bộ phim hoạt hình hấp dẫn thì trẻ em sẽ thích, sẽ tự đi tìm đọc những kiến thức sử trong sách. Và vì thế, khi có quyền lựa chọn, chúng ta sẽ chọn những gì phù hợp. Bởi có thể khai thác được đề tài lịch sử thì nhiều lắm, song với quan điểm làm phim cho trẻ em, tôi chỉ chọn những gì phù hợp với phim hoạt hình, làm thế nào đấy cho trẻ em ham mê lịch sử mới là điều quan trọng.

Đề tài lịch sử thì rất giàu tài nguyên, nhưng để làm phim thì phải đầu tư rất nhiều tiền, chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm hết, không có tiền để làm. Tôi cũng tham mưu, xây dựng mục tiêu làm phim lịch sử của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam là sẽ chọn từng giai đoạn tiêu biểu của lịch sử Việt Nam. Trong giai đoạn tiêu biểu đó lại chọn những câu chuyện tiêu biểu, những nhân vật tiêu biểu để khai thác, và như thế mình sẽ có một list phim tương ứng với một cái cây lịch sử, và trẻ em chỉ cần xem list phim này thì sẽ nắm được những giai đoạn cơ bản của lịch sử Việt Nam.

* Viết kịch bản phim hoạt hình đã khó, kịch bản phim đề tài lịch sử còn khó hơn, đúng không ạ?

- Đúng vậy. Viết kịch bản phim hoạt hình đòi hỏi rất kiên trì, ngoài vốn kiến thức cá nhân, ngoài trường lớp thì cũng cần phải có người đi trước truyền nghề cho. Khi tôi trúng tuyển nhân sự của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, sau ba năm học tập, phải kiên trì nhẫn nại, không… bỏ việc đi nơi khác, tôi mới có kịch bản đầu tay Chiếc khăn lụa xanh. Gần đây tôi có phim đề tài lịch sử Lời hứa Điện Biên. Đây là một đề tài khó, vì là phim lịch sử về giai đoạn đương đại. Làm phim lịch sử về giai đoạn đương đại cực kỳ khó, mà lại cho trẻ em, nên trước khi làm phim này, tôi đã sang bên hãng phim truyện, phim tài liệu, sân khấu nhờ người viết, nhưng không ai viết thực sự… hợp, cuối cùng, tôi ngồi xem lại phim tài liệu A1 bùn, máu và hoa, xem xong tôi khóc nhiều và có cảm hứng viết được kịch bản.

Hoạt hình có thế mạnh là khi làm phim lịch sử thì chúng ta có thể tái hiện lại những trường cảnh hoành tráng mà phim điện ảnh hay truyền hình không có khả năng làm, do yêu cầu kinh phí. Hoạt hình có thể phục dựng được không gian, thời gian, nhân vật. Ví như phim điện ảnh, ta khó chọn được một diễn viên lên được khí chất của nhân vật, nhưng hoạt hình thì lại dễ làm điều đó. Làm phim lịch sử cho trẻ em còn có cái khó là làm sao trung thành với lịch sử nhưng lại phải phù hợp với thẩm mỹ của các em, các em cảm thụ, chấp nhận được. Cách xưng hô của nhân vật, phục trang, bối cảnh, phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói trong phim lịch sử cũng đòi hỏi phải được tìm hiểu kỹ càng.

Ngoài đòi hỏi về quan điểm của phim lịch sử, phim hoạt hình đề tài lịch sử còn cần phải có đủ chất của hoạt hình, tức là độ hấp dẫn cần thiết, nên nhiều khi phải hư cấu, và ở mức độ nào. May mắn là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam có hội đồng nghệ thuật làm việc rất nghiêm túc, theo sát phim và cực kỳ trách nhiệm, nên chúng tôi cũng khá yên tâm. Chứ nói thật là làm phim lịch sử, lúc nào trái tim cũng bị... treo ngược, vì rất sợ... sai.

Cái khó nữa của phim lịch sử là một bộ phim phải có dung lượng đủ dài để nói được vấn đề, mà phim hoạt hình lịch sử ở ta, do hạn hẹp về kinh phí, chỉ khoảng 30 phút là... hết tiền. Vậy thì, trong 30 phút đó phải lên được câu chuyện lịch sử, phải đủ hấp dẫn, lên cá tính nhân vật. Nói chung là bao nhiêu yêu cầu phải chen chúc trong 30 phút đó, nên người làm phim lịch sử rất vất vả, liệu cơm gắp mắm, làm sao để đưa vào phim những gì chọn lọc nhất. Với trẻ em, dù xem phim đề tài gì, nhà làm phim cũng phải có “chiêu” hấp dẫn chúng, chứ không chúng đi đọc sách nhanh hơn.

* Dịp 1/6 này, cuốn truyện dài Đại bàng tái sinh ra mắt độc giả nhỏ tuổi. Chị đã dành cho trẻ em một tình cảm rất lớn, gần như chiếm trọn “con người nghệ thuật” của chị?

- Thế giới trẻ em trong trẻo tiếp cho mình nhiều năng lượng lắm. Ngoài kịch bản phim hoạt hình, tôi còn viết truyện tranh lịch sử. Nhiều năm qua tôi cộng tác dự án truyện tranh lịch sử với các tờ báo, tạp chí dành riêng cho thiếu nhi như Văn tuổi thơ; Nhi đồng chăm học, Thiếu niên tiền phong... Tôi muốn mở rộng khả năng của bản thân, như một cách truyền thêm năng lượng: viết truyện, thơ cho trẻ em, viết kịch bản sân khấu. Đại bàng tái sinh là cuốn truyện dài thiếu nhi được Nxb Hà Nội và công ty sách Thái Hà phát hành là kết quả của một thời gian dài...vật vã của tôi khi trở lại với văn chương.

Trước khi đến với kịch bản phim hoạt hình, tôi đã sáng tác truyện, thơ và đã đăng ở một số báo, tạp chí. Nên nay, sau một thời gian dài dành cho chuyên môn kịch bản, viết văn trở lại là việc không dễ với tôi. Khi viết, tôi đã nhờ các nhà văn uy tín đọc và góp ý, họ đều nói hình ảnh thì ngồn ngộn, nhưng văn lại rất...khô, rất...kịch bản, thiếu chất nội tâm, thiếu cảm xúc. Nhưng tôi không ngại viết đi viết lại rất nhiều lần, nhờ các em nhỏ đọc và nói cảm nhận của chúng, từ đó tôi điều chỉnh bản thảo cho đến khi cuốn sách được xuất bản.

Thế mạnh của tôi vẫn là viết cho trẻ em, từ truyện, thơ, kịch bản sân khấu, kịch bản phim hoạt hình, tôi đều hướng tới trẻ em. Bởi tôi thích trẻ em, và trẻ em cho tôi nhiều thứ, tôi muốn tri ân các em nhỏ, nhờ các em nên mới đưa đến cho tôi công việc tốt như thế này. Bản thân tôi thấy viết cho trẻ em khiến con người mình tốt lên. Nói chung, văn học, thơ, sân khấu, truyện tranh, là những gì mà năm nay tôi muốn dành nhiều thời gian hơn, bởi tôi muốn cho cuộc sống vui vẻ hơn, có thêm năng lượng để quay trở lại làm phim với con người mới.

* Cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong các dự án nghệ thuật dành cho thiếu nhi.

An Cư (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 22/2023


Có thể bạn quan tâm