April 27, 2024, 5:35 am

Phan Thị Thanh Nhàn và những vần thơ đi cùng năm tháng

 Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thuộc thế hệ những nhà thơ được trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc.

Bài thơ Hương thầm đoạt giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1969 đã gây tiếng vang lớn và khẳng định chỗ đứng của chị trên thi đàn. Đúng 15 năm sau, Hương thầm được phổ nhạc và đã nhanh chóng lan tỏa trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

 

Cho nên khi nhắc đến Phan Thị Thanh Nhàn người ta nhớ ngay đến Hương thầm và ngược lại. Phan Thị Thanh Nhàn trở thành nhà thơ nổi tiếng từ đó.

Cửa sổ hai nhà cuối phố

Không hiểu vì sao không khép bao giờ

Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp

Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ

Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu

Rồi theo từng hơi thở của anh

Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực

Anh lên đường hương sẽ bay theo khắp

Họ chia tay vẫn chẳng nói điều chi

Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.

(Hương thầm)

Bên cạnh bài thơ Hương thầm, chị còn có nhiều bài thơ hay khác như: Con đường, Làm anh, Trời và Đất, Rồi có thể, Ngày tháng không quên… Những vần thơ ấy đã có sức cuốn hút diệu kỳ, làm lay động không biết bao nhiêu con tim của nhiều thế hệ. Một câu hỏi đặt ra là điều gì khiến thơ chị có một sức sống lâu bền và mãnh liệt như vậy? Phải chăng đó là những vần thơ mà chị đã trút cả tâm can mình vào đó; những vần thơ không chỉ viết cho riêng mình mà cho tất cả mọi người; không chỉ viết cho thời mình đang sống mà nó còn có sự ám ảnh ở tương lai. Tôi nghĩ, chính tình cảm chân thành, cảm xúc dào dạt, có tính nhân văn, nhân ái nó đã trở thành sức mạnh lan tỏa trong thơ chị.

Không chỉ làm thơ, Phan Thị Thanh Nhàn còn sáng tác văn xuôi, với lối viết riêng đầy duyên dáng qua các tập truyện thiếu nhi: Xóm đê ngày ấy (1977), Tuổi trăng rằm (1982), Bỏ trốn (1995)… Đặc biệt, năm 2010 chị cho ra mắt cuốn Sự cực đoan đáng yêu (thuộc thể loại chân dung văn học). Tập sách thực sự là tài liệu tham khảo quý báu cho những ai quan tâm đến nghiên cứu văn học đương thời.

Vốn là người tinh tế, nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vô cùng đau đớn và xót xa khi chứng kiến biết bao nghịch lý xảy ra trong đời sống; khi những thang bậc, giá trị đạo đức, giá trị con người bị đảo lộn. Chị buồn đến nỗi muốn tìm đến cái chết như là sự giải thoát. Phan Thị Thanh Nhàn liệt kê ra hàng loạt những tiêu cực.

Có đôi lúc buồn

Tôi định tự tử

Sống làm chi khi bè bạn bon chen

Cơ quan quanh năm đấu đá

Sống làm chi khi người yêu thành người lạ

Sống làm chi lương ba cọc ba đồng

Viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ

Sống làm chi khi mọi tượng thần sụp đổ

Người ta tin yêu lại hóa tầm thường

(Yêu đời)

Tất cả những điều đó làm cho chị ngao ngán trước cuộc sống thực tại mà chị vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng. Những nghịch lý đẫm đầy nước mắt. Đó là sự giằng xé, đấu tranh nội tâm dữ dội trong tâm hồn một người đàn bà đang gặp cảnh trớ trêu như chị.

Phan Thị Thanh Nhàn một thời tin yêu, lãng mạn; giờ đây cảm thấy bi quan, yếm thế. Trước những ấm lạnh của cuộc đời, nhà thơ đã tìm cho mình một góc thanh thản cho tâm hồn.

Thôi thì cứ sống vui ơn đời cho ta sống/ Cứ nói cười bơi lội thể thao/ Cứ du lịch nhảy đầm và tán dóc/ Ai muốn nghĩ ta là gì cũng chẳng làm sao.

Chị nhận ra thói đời đen bạc, lòng người giả dối, lắm kẻ ngồi lê đôi mách, đặt điều dựng chuyện… Chị bỏ qua và xem như không hề hay biết. Với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ai cũng có thể là bạn nhưng chị chỉ nhìn họ ở những ưu điểm, học họ ở những điều hay.

Ngôn từ trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn có khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa, bởi đó là ngôn từ của cảm xúc, của một trái tim nhạy cảm. Nhiều bài thơ của chị được bạn đọc yêu mến ngay từ lần đọc đầu tiên.

Chị rất thành công ở mảng thơ viết về tình yêu. Nhiều bài thơ hay, nhiều hình ảnh đẹp, để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc. Một Con đường đã lấy được không biết bao nhiêu sự cảm tình của độc giả với những lời thơ đẹp và hay. Day dứt và ám ảnh.

Nếu anh đi với người yêu

Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi

Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với người nào khác em

 

Hàng cây nay đã lớn lên

Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau

Hai ta không biết vì đâu

Hai con đường rẽ ra xa nhau hoài

 

Nếu cùng người mới dạo chơi

Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu.

Đằng sau những lời thơ ấy, là tâm trạng của nhân vật trữ tình. Lời dặn, sự trách móc, sự mong mỏi từ em gửi đến anh. Em: Xin đừng đi với người nào khác em/ Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu.
Bài thơ Trời và Đất cũng đem đến cho người đọc những liên tưởng và so sánh thú vị. Đem Trời và Đất để so sánh với anh và em. Sau đó đi đến một sự khẳng định Trời và Đất sẽ rất cần nhau!

Vâng, trời đất chẳng hề thân thiếtVà tính tình có giống nhau đâuTrời vui buồn ồn ào lộ liễuĐất trầm tư suy nghĩ trước sau 

Anh ơi! Nếu ví được cao xa như thế/ Em cũng chẳng là trời đất gì đâu/ Nhưng anh có biết không? trời đất/ Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau 

Những cuộc tình trong thơ chị thường kết thúc không có hậu, thế nên thường để lại tổn thương. Mà thua thiệt phần nhiều là ở người phụ nữ.

Rồi có thể ta nhìn nhau ngượng ngập

Anh đi cùng cô gái khác xinh tươi

Tôi cố để không rơi nước mắt

Còn ai đâu thương mến dỗ cho nguôi

(Rồi có thể)

Để rồi nhân vật trữ tình tôi phải thốt lên: Chỉ một phút sống cùng nhau như thế/ Tôi đã mang theo đến trọn đời.

Trong thơ chị còn có nỗi lo âu và ám ảnh về thời gian. Phan Thị Thanh Nhàn ý thức được rằng: Đời người ngắn ngủi mà cứ chìm đắm trong cô đơn, buồn tủi thì không thể được.

Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau

Tôi vẫn còn yêu đời quá

(Yêu đời)

Nhưng trái tim của một người phụ nữ như chị vẫn không tránh khỏi những lo âu, lo lắng khi thời gian – giới hạn đời người – quỹ thời gian của chính đời mình mỗi ngày một cạn. Phan Thị Thanh Nhàn tìm đến tình yêu để được “hồi sinh” và được sống là chính mình sau những tháng ngày đơn côi, băng giá. Thế nhưng hình như số phận đã an bài như vậy, những người đàn ông đến với chị rồi cũng lại ra đi, để lại cho chị một khoảng trống, sự hụt hẫng đến nao lòng.

Ta sẽ xa nhau nhiều tháng nhiều ngày 

Vẫn đôi bờ chung một dòng hăm hở 

Chung tiếng sóng suốt mùa khô mùa lũ 

Chung cái màu quánh đỏ phù sa

(Với sông Hồng)

Thơ Phan Thị Thanh Nhàn bàng bạc nỗi buồn, nỗi cô đơn, khắc khoải khi phải đối diện với thực tế của cuộc sống hiện tại. Nhiều lúc, nhà thơ cảm thấy hờ hững, lạnh nhạt với đời, với người và với ngay cả chính mình!

Bỗng dưng lạnh nhạt với đời 

Không còn rung động trước lời yêu thương 

Nhiều khi điện thoại rung chuông 

Giả vờ đi vắng không buồn cầm nghe 

Soi gương, mình ngán mình ghê 

Nếp nhăn đuôi mắt tràn về khoé môi. 

Họp hành chỉ lặng im thôi 

Hình như hết cả niềm vui nỗi buồn! 

(Với mùa thu)

Nhà thơ nghiệm ra, thời gian đã lấy đi nhiều thứ, trong đó có tuổi trẻ và tình yêu:

Như chớp mắt như chiêm bao/ Vừa thơ ngây đã chớm vào già nua/ Mắt đeo kính, tóc rụng thưa/ Gặp người yêu cũ muốn vờ rằng quên.

Cùng với bước đi của thời gian, Phan Thị Thanh Nhàn có một nỗi lo canh cánh bên lòng, đó là nỗi sợ mất anh. Chị có một sự so sánh rất độc đáo: Ta như hai đứa trẻ nghèo/ Quả ngon chỉ để nâng niu ngắm nhìn/ Đừng bao giờ nhé, chín thêm/ Sợ tan mất giấc mơ em một thời (Không đề II).

Càng về sau, thơ Phan Thị Thanh Nhàn càng đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm. Ngoài sự phản ánh những vấn đề chung của cuộc sống, chị cũng thường hay đề cập đến tình yêu. Nhưng tình yêu trong thơ chị giờ đây không phải là đắm say, dào dạt như thuở ban đầu của tuổi trẻ mà đó là tình yêu của một người phụ nữ đã đi qua hết tuổi thanh xuân.

Cứ ngỡ sẽ lại yêu

Khi gặp người uyên bác

Nhưng khi trò chuyện rồi

Lại e người khinh bạc

Người chồng mà chị cứ nghĩ sẽ cùng chị đi hết cuộc đời này đã vội ra đi quá sớm. Nhưng hình bóng của anh vẫn luôn ở trong tâm hồn và trái tim chị. Những lúc đau buồn nhất, người chồng ấy chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất với cuộc đời chị. Hiếm có người phụ nữ nào như Phan Thị Thanh Nhàn, chồng mất khi chị còn trẻ, phải chịu cảnh mẹ góa, con côi. Một thân một mình nuôi con khôn lớn, bỏ lại đằng sau bao tủi hờn, cực nhọc. Chị nhớ như in niềm hạnh phúc khi có chồng bên cạnh:

Sớm sớm anh dậy trước/ Lẹ làng như con ong/ Thổi cơm rồi đun nước/ Cho em nằm ngủ thêm 

Anh đong gạo mua dầu/ Việc nặng dành làm cả/ Mỗi chiều đi làm về/ Thương dáng anh tất tả 

 

Em pha trà cho anh/ Hai đứa mình cùng uống/ Em có bài thơ nào/ Anh là người đọc trước

Căn phòng có dáng anh/ Tất cả thành thân thiết/ Căn phòng có tiếng anh/ Mỗi ngày là ngày Tết 

(Căn phòng và anh)

Khi cuộc đời không mấy suôn sẻ, khi nỗi buồn đau – vị khách không mời lại cứ bủa vây đến với nhà thơ. Phan Thị Thanh Nhàn lại ngẫm ngợi, trăn trở, suy ngẫm về tình yêu, con người và cuộc đời. Chị muốn tìm về ký ức, tìm về để rồi nhà thơ lại nuối tiếc và xót xa. Phan Thị Thanh Nhàn có một mơ ước cháy bỏng luôn thường trực bên chị: Ước gì gặp lại anh/ Dù chỉ trong phút cuối/ Để nói một lời thôi/ Em đã yêu anh nhất/ Ước gì giọt nước mắt/ Thấm được vào môi anh/ Để trong giờ phút cuối/ Anh biết em ở gần.

Có lẽ, chồng chị đang dưới nấm mộ sâu nghe được những lời da diết như thế cũng cảm thấy ấm lòng. Vì rằng mình có một người vợ quá đỗi thủy chung, tình nghĩa…

Nhiều câu hỏi lại đặt ra với chị. Giá như… Nhưng số phận, định mệnh của con người ta nào ai cưỡng lại nó. Mọi thứ xảy ra bất ngờ, đột ngột lắm sao ta có thể biết trước được điều gì.

Thơ Phan Thị Thanh Nhàn càng về sau càng đầy chiêm nghiệm suy tư. Có lẽ thời gian qua đi, kèm theo đó là bao mất mát, thiệt thòi đè lên tấm thân người đàn bà góa như chị. Nhưng cũng chính những đau thương đó nó lại tiếp thêm động lực để chị vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.

Trong trái tim người đàn bà, thiếu vắng đi chỗ dựa là người đàn ông. Sau những khoảng trống tâm hồn, đôi lúc nhà thơ có một ước muốn: Hay là yêu một chút/ Cho đỡ buồn rồi thôi/ Hay cưới xin nghiêm túc/ Đỡ đần nhau cuối đời.

Giờ đây, khi đã đến tuổi xế chiều – nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sống vui vẻ bên đứa con gái thực sự yêu thương và chăm sóc mẹ. Phan Thị Thanh Nhàn hạnh phúc khi có được những đứa cháu ngoan, hiền. Có được những bạn bè văn nghệ tâm giao, tri kỉ thường hay lui tới để hàn huyên, đàm đạo chuyện đời… Tuy vậy, ẩn đằng sau niềm vui ấy, trên gương mặt và đôi mắt của chị vẫn có nỗi buồn không gọi thành tên. Tôi nghĩ: Đó là nỗi buồn của một người nghệ sĩ có cái nhìn nhạy cảm và cảm thấy bất an trước thời cuộc và trước thế thái nhân tình.

Thơ Phan Thị Thanh Nhàn đằm thắm, dịu dàng và đầy sâu lắng. Trưởng thành từ những năm tháng chống Mỹ đến ngày hôm nay, là một chặng đường lao động nghệ thuật dài với những tìm tòi, sáng tạo của một giọng thơ đầy nữ tính và giàu chất suy tưởng. Với tài năng và lao động nghệ thuật vừa nghiêm túc vừa bền bĩ như chị, tôi tin những vần thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã viết, đang viết sẽ có sức sống lâu bền với thời gian.

NGUYỄN VĂN HÒA

Nguồn Vanvn.vn


Có thể bạn quan tâm