April 26, 2024, 10:55 am

Phác họa tiến trình của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam


Tiểu thuyết lịch sử đã xuất hiện từ lâu trong văn học Việt Nam. Cùng những thăng trầm, biến động của dân tộc, thể tài này đã dần khẳng định được sứ mệnh cao cả, ý nghĩa lớn lao không chỉ trong đời sống văn học mà cả đời sống tinh thần người Việt. Với nhu cầu, thực tiễn ở mỗi thời kì khác nhau, tiểu thuyết lịch sử có khi trở thành một trong những thể loại chủ lưu, có lúc lại đánh mất vị thế, thậm chí không ít lần vắng mặt trong đời sống văn học nước nhà. Mặc dù vậy, như một mạch nguồn không bao giờ vơi cạn, tiểu thuyết lịch sử đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam.
 
1. Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn trung đại

Văn xuôi tự sự thời trung đại xuất hiện khá sớm, ngay từ những năm đầu khi mới giành được độc lập. Hai đặc điểm dễ nhận thấy nhất của văn xuôi tự sự giai đoạn này đó là chưa tách khỏi văn học chức năng (hành chính, tôn giáo) và dấu ấn văn học dân gian trong lối tự sự còn khá đậm đặc. Nằm trong dòng chảy chung, lĩnh vực tự sự lịch sử cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc những đặc điểm ấy. Nó hiện hữu trong sự “lưỡng lự” giữa một bên là văn học chức năng hành chính (lối viết sử) và bên kia là văn học chức năng tôn giáo (lối viết thần tích). Việt điện u linh tập (nửa đầu thế kỉ XIV) của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái (cuối thế kỉ XIV) của Trần Thế Pháp là hai trong số tác phẩm tự sự gợi hứng nhiều nhất cho dòng tự sự lịch sử giai đoạn sau.

Dấu ấn đáng kể nhất của quá trình hình thành thể loại tự sự lịch sử trung đại, đó là sự xuất hiện Thiên Nam vân lục liệt truyện của Nguyễn Hàng khoảng nửa đầu thế kỉ XVI, Hoan Châu kí (Thiên Nam liệt truyện) của dòng họ Nguyễn ở Hoan Châu khoảng giữa thế kỉ XVIII và Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái khoảng cuối thế kỉ XVIII. Dựa vào ba tác phẩm có trước Lĩnh Nam chích quái lục, Việt điện u linh tập và Thiền uyển tập anh ngữ lục, Nguyễn Hàng đã tổ chức xây dựng lại cốt truyện và nhân vật, khiến cốt truyện sinh động, phức tạp hơn và nhân vật đậm chất nghệ thuật, giàu sức khái quát hơn. Với những truyện tiêu biểu như Vuốt rồng, Hai anh em họ Trương, Phạm Cự Nhĩ, Lý Phục Man..., Thiên Nam vân lục liệt truyện được các nhà nghiên cứu đánh giá là “cuộc cách mạng” trong quan niệm của các tác gia tự sự lịch sử thế kỉ XV - XVII, “nấc thang đưa tự sự lịch sử tiến dần đến loại hình văn học đích thực” và Nguyễn Hàng được ghi nhận là người “đã có công đẩy tự sự lịch sử lên một bước” (Nguyễn Đăng Na). Thiên Nam liệt truyện được coi là tác phẩm đầu tiên viết về chiến tranh Lê - Mạc dưới hình thức chương hồi trong văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Không còn thế “lưỡng lự” như các tác phẩm trước đó, tác giả của nó đã thể hiện ý hướng rõ nét trong việc dung hòa giữa lối viết gia phả, lối viết lịch sử kiểu liệt truyện với hình thức tiểu thuyết chương hồi. Bên cạnh việc tái hiện chân thực các sự kiện, biến cố lịch sử trong gần 110 năm (1536 - 1645), tác giả đã bắt đầu chú tâm khai thác tâm lí nhân vật với những suy nghĩ, cảm xúc sinh động. Thiên Nam liệt truyện đã đánh dấu một bước tiến trong loại hình tiểu thuyết chương hồi Việt Nam. Nấc thang từ Thiên Nam vân lục liệt truyện và bước tiến của Thiên Nam liệt truyện đã được hoàn thiện trong Hoàng Lê nhất thống chí (cuối thế kỉ XVIII). Tác phẩm của Ngô gia văn phái chính là đỉnh cao của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại. Đây là tác phẩm duy nhất phản ánh phong trào Tây Sơn một cách chân thực, sinh động. Không chỉ có giá trị về lịch sử, cuốn tiểu thuyết còn có ý nghĩa quan trọng bởi sự tròn trịa về hình thức thể loại cũng như sự phong phú về giá trị thẩm mĩ. Tất cả đã làm nên nét độc đáo cho tác phẩm, đánh dấu một đỉnh cao tự sự lịch sử trung đại Việt Nam.

Bên cạnh những dấu mốc quan trọng đó, dòng tự sự lịch sử trung đại còn ghi nhận các tác phẩm tiêu biểu khác như Nam triều công nghiệp diễn chí (1719) của Nguyễn Khoa Chiêm, Hoàng Việt long hưng chí (1904) của Ngô Giáp Đậu, Việt Lam tiểu sử (1908) của Lê Hoan. Nhìn chung, tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này nghiêng về tính chất tả thực, nặng về mô tả, ít phân tích, luận giải. Mặc dù yếu tố hư cấu đã được một số tác giả quan tâm đưa vào diễn ngôn tự sự lịch sử, song còn khá mờ nhạt. Các tác phẩm chịu ảnh hưởng khá đậm nét từ mô hình kết cấu tự sự của thể loại chương hồi. Mở đầu mỗi hồi đều có hai câu văn theo thể biền ngẫu tóm lược tinh thần nội dung của hồi đó và để kết thúc hồi, mở ra hồi mới là câu kết - mở quen thuộc. Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng những mẫu lời dẫn để chuyển ý, chuyển việc, chuyển đoạn, chuyển câu chuyện.

Có thể nói, từ khi văn học viết xuất hiện, ở Việt Nam đã có một truyền thống liền mạch về truyện lịch sử, truyện danh nhân, những thần tích, thần phả. Chính các tiền đề quý báu này đã góp phần nuôi dưỡng, kích thích sự nở rộ, phát triển mạnh mẽ của tự sự lịch sử những năm đầu thế kỉ XX. Kể từ đây, tiểu thuyết lịch sử bắt đầu khẳng định được vị trí vững chắc trong nền văn học dân tộc với tư cách là một trong những thể loại nòng cốt của văn học.
 
2. Tiểu thuyết lịch sử từ đầu thế kỉ XX đến 1945

Với những tiền đề nội sinh và sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học nước ngoài gắn với tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết lịch sử đã có bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện: đội ngũ sáng tác, số lượng tác phẩm, quan niệm thẩm mĩ, giá trị tư tưởng, hình thức nghệ thuật... Sự nở rộ của tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này được ghi nhận là một tất yếu khách quan, một nhu cầu đổi mới tự thân của nền văn học nước nhà.

Trong hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo lúc bấy giờ, để vượt qua sự kiểm duyệt khắc nghiệt của thực dân Pháp, các nhà văn không còn con đường nào khác là “mượn xưa nói nay”, tái hiện những giai đoạn lịch sử vẻ vang cùng nhiều chân dung anh hùng dân tộc nhằm gián tiếp đánh thức niềm tự tôn dân tộc, nhắc nhở ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trước sự tồn vong của dân tộc. Trong khi đó, việc giao lưu, tiếp xúc với văn hóa, văn học nước ngoài (Trung Quốc, Pháp) tạo cơ hội cho việc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng rõ nét của văn học nước ngoài trong cảm thức, lối viết, phương thức tự sự lịch sử. Tất cả đã làm nên một “mùa vàng” của tiểu thuyết lịch sử trong đời sống văn học dân tộc.

Mở đầu cho giai đoạn này là tác phẩm Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu. Điều khá thú vị, đây là tiểu thuyết được viết bằng chữ Hán. Nó đã phần nào cho thấy điểm gạch nối giữa tiểu thuyết lịch sử trung đại và tiểu thuyết lịch sử hiện đại. Vì lẽ đó, tác phẩm của Phan Bội Châu vừa kế thừa những đặc trưng của tiểu thuyết giai đoạn trước, vừa có sự đổi mới cho phù hợp với quan niệm sáng tác, tư tưởng thời đại và thị hiếu công chúng đương thời. Với cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng, nhà văn họ Phan đã ngợi ca công lao của các vị anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của nhà Minh đầu thế kỉ XV tại trại Trùng Quang, Nghệ An. Không chỉ hướng về lãnh tụ khởi nghĩa, tác giả còn thể hiện một cái nhìn mới mẻ về vai trò của nhân dân, đặc biệt là người phụ nữ trong việc tạo dựng sức mạnh toàn dân tộc nhằm chống lại sự xâm lược của quân giặc.

Sau Trùng Quang tâm sử, hàng loạt tiểu thuyết lịch sử gây tiếng vang ở hai miền Bắc, Nam được công bố: Tiếng sấm đêm đông (1928), Đinh Tiên Hoàng (1929), Vua Bố Cái (1929), Lê Đại Hành (1929) của Nguyễn Tử Siêu; Giọt máu chung tình (1926), Gia Long tẩu quốc (1930), Hoàng tử Cảnh như Tây (1931), Gia Long phục quốc (1932) của Tân Dân Tử; Việt Nam Lê Thái Tổ (1929) của Nguyễn Chánh Sắt; Việt Nam anh kiệt (1926), Việt Nam Lý trung hưng (1929), Lê triều Lý thị (1931), Tiền Lê vận mạt (1932), Trần Hưng Đạo (1933) của Phạm Minh Kiên... Tiểu thuyết lịch sử khoảng ba mươi năm đầu thế kỉ XX tập trung phục dựng những sự kiện, biến cố trọng đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó nhiều tác giả đã ngợi ca công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc, những bậc trai tài gái sắc đã cống hiến cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Không ít vấn đề nội trị, những mối mâu thuẫn, giao tranh giữa các tập đoàn, thế lực, phe cánh trong nước được một số tác giả tái hiện. Nhìn chung, hầu hết các tác phẩm trong giai đoạn này đều chịu ảnh hưởng của lối kết cấu chương hồi khá rõ nét. Nghệ thuật miêu tả nhân vật thiên về hành động, đời sống nội tâm cũng được chú ý nhưng không nhiều. Ngôn ngữ chịu ảnh hưởng đậm nét của lối văn cổ điển - biền ngẫu. Bên cạnh đó đã bắt đầu xuất hiện những tiểu thuyết mang dáng dấp của tiểu thuyết hiện đại phương Tây (tác phẩm của Tân Dân Tử).

Từ đầu những năm 1930 đến 1945, tiểu thuyết lịch sử có sự phát triển mạnh mẽ, tạo được nhiều dấu ấn và thành tựu quan trọng. Đội ngũ người viết đông đảo, số lượng tác phẩm không ngừng gia tăng, đặc biệt có nhiều đổi mới về cảm thức, tư duy và phương thức tự sự lịch sử. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu xoay quanh hai mảng đề tài chống xâm lược và nội trị như: Trần Nguyên chiến kỉ (1935), Việt Thanh chiến sử (1935), Hai Bà đánh giặc (1936), Vua bà Triệu Ẩu (1936) của Nguyễn Tử Siêu; Đêm hội Long Trì (1942), An Tư (1944) của Nguyễn Huy Tưởng; Tiêu Sơn tráng sĩ (1937) của Khái Hưng; Chiếc ngai vàng (1937), Ai lên Phố Cát (1937), Cái hột mận (1938), Gái thời loạn (1938) của Lan Khai; Hòm đựng người (1936), Bà Chúa Chè (1938), Loạn kiêu binh (1939), Ngược đường Trường Thi (1939), Chúa Trịnh Khải (1940), Rắn báo oán (1941) của Nguyễn Triệu Luật… Bên cạnh lối viết truyền thống của tiểu thuyết chương hồi, bắt đầu xuất hiện những ý hướng cách tân thể loại theo tiểu thuyết hiện đại phương Tây (Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật).

Do ảnh hưởng thi pháp lãng mạn của tiểu thuyết phương Tây, nhiều tác phẩm trong giai đoạn này đã khai thác chủ đề tình yêu đôi lứa, tạo dựng diễn ngôn đời tư, thế sự khá đặc sắc. Nhờ vậy, tâm lí nhân vật cùng những chuyển biến phức tạp trong đời sống nội tâm được quan tâm thể hiện. Yếu tố hư cấu và chất tiểu thuyết trong tự sự lịch sử được gia tăng một cách rõ rệt. Một số tác phẩm chỉ neo vào một vài chi tiết trong lịch sử, từ đó sáng tạo, tưởng tượng nên thế giới nghệ thuật sinh động (Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Huy Tưởng...). Đặc biệt, không ít nhà văn đã thể nghiệm lối kể chuyện hiện đại với sự đổi mới trong tổ chức điểm nhìn trần thuật, sự linh hoạt trong xây dựng kết cấu, sự đa dạng trong kiến tạo ngôn ngữ và giọng điệu (tiểu thuyết của Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật...).

Mặc dù vẫn còn những giới hạn trong việc phân tích, luận giải lịch sử cũng như nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết, song tiểu thuyết lịch sử giai đoạn 1930 - 1945 đã có bước tiến vượt bậc về ý nghĩa tư tưởng, giá trị thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật. Đây cũng chính là tiền đề để tiểu thuyết lịch sử vượt thoát khỏi mô hình truyền thống, tiến đến hiện đại hóa sâu rộng trên nhiều bình diện.

3. Tiểu thuyết lịch sử từ 1945 đến 1986

Cách mạng tháng Tám 1945 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng tạo ra thời đại mới trong văn học nước nhà. Văn học giai đoạn này gắn bó chặt chẽ với sứ mệnh phục vụ hai cuộc chiến tranh cứu nước và giải phóng dân tộc. Về mặt đề tài, các nhà văn ưu tiên phản ánh những vấn đề thời sự nóng hổi của dân tộc: bước đi của cách mạng, vận mệnh của dân tộc, đời sống của nhân dân. Về mặt cảm hứng, văn học ngợi ca chủ nghĩa anh hùng và tinh thần lạc quan cách mạng, đề cao ý thức và sức mạnh cộng đồng, khẳng định lí tưởng và niềm tin bất diệt vào thắng lợi của chính nghĩa. Về mặt thể loại, thơ, truyện ngắn, kí - những thể loại ngắn gọn, giàu thông tin thời sự có nhiều cơ hội phát triển hơn những tác phẩm văn xuôi có tính dài hơi, trong đó có tiểu thuyết lịch sử.

Mặc dù chưa được quan tâm như các đề tài và thể loại khác, song tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này vẫn tạo được những dấu ấn và thành tựu đáng kể. Cũng như các thể loại khác, tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này hướng đến nhiệm vụ chính trị, cổ vũ tinh thần đấu tranh qua việc khắc họa truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng của dân tộc. Nổi lên có các tác giả tiêu biểu như Lan Khai - Treo bức chiến bào (1949); Toan Ánh - Thanh gươm Bắc Việt (1950); Nguyễn Huy Tưởng - Sống mãi với thủ đô (1960), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960); Hà Ân - Bên bờ Thiên Mạc (1967), Tổ quốc kêu gọi (1972), Trên sông truyền hịch (1980), Người Thăng Long (1981); Chu Thiên - Hùng khí Thăng Long (1964), Bóng nước Hồ Gươm (1970); Thái Vũ - Cờ nghĩa Ba Đình (1981), Biến động (1984); Nguyên Hồng - Núi rừng Yên Thế (1981); Sơn Tùng - Búp sen xanh (1981); Nguyễn Đức Hiền - Sao Khuê lấp lánh (1984)... Hầu hết các tác phẩm trong giai đoạn này đều tập trung tái hiện nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Điểm khác biệt so với giai đoạn trước là song song với cảm hứng ngợi ca truyền thống anh hùng từ ngàn đời, tiểu thuyết giai đoạn này đã khắc họa hình ảnh nhân dân, nâng lên thành biểu tượng cho vẻ đẹp, sức mạnh, khát vọng của thời đại và dân tộc. Cùng với đó, âm hưởng sử thi dào dạt trên từng trang văn và những nét khắc họa chân dung nhân vật mang lại bức tranh lịch sử hoành tráng, hào hùng. Tư duy tự sự lịch sử cũng được nâng lên một bước khi kết hợp hài hòa giữa tư liệu lịch sử và hư cấu nghệ thuật tạo nên diễn ngôn dân tộc, thời đại sắc nét, chân thực. Tuy tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này có sự phát triển kém sôi động và chưa thật nhiều thành tựu, chưa gây được tiếng vang so với các thể loại khác như thơ, truyện ngắn, kí; song ở một phương diện nào đó, thể loại này vẫn tiếp nối mạch cảm thức có từ trước, cùng với đó là những tìm tòi, thể nghiệm riêng, tạo tiền đề cho những đổi mới, cách tân thể loại giai đoạn sau.
 
4. Tiểu thuyết lịch sử từ 1986 đến nay

Sau năm 1986, văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng có sự vận động và đổi mới trong điều kiện hoàn toàn khác biệt so với những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Đời sống văn học nước nhà phát triển dưới tác động của hàng loạt nhân tố mang tính thời đại. Sự đổi mới và sáng tạo trong không gian văn hóa mới tạo nên những tiền đề quan trọng để mỗi tác giả khai phóng trong ý tưởng, phiêu lưu trong bút pháp, thể nghiệm trong nghệ thuật tự sự tạo nên bức tranh đa chiều, sinh động của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986.

Sau “bộ ba nổi loạn” - Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp, các nhà văn giai đoạn này đã thay đổi cách thức tiếp cận và cái nhìn về lịch sử: viết/ đọc văn phải khác viết/ đọc sử. Các tiểu thuyết gia thiên về luận giải lịch sử hơn là mô tả, minh họa lịch sử. Sự diễn giải ấy bao chứa quan niệm mới về lịch sử và diễn ngôn về lịch sử. Từ đây mở ra chân trời mới cho những tưởng tượng và diễn giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều khuynh hướng, cảm thức, cùng những lối viết rất khác biệt: khuynh hướng chương hồi khách quan (Lê Đình Danh - Tây Sơn bi hùng truyện, Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sĩ - Nam quốc sơn hà, Vũ Ngọc Đĩnh - Mười hai sứ quân, Phùng Văn Khai - Phùng Vương); khuynh hướng giáo huấn, “dùng văn dạy sử” (Hoàng Quốc Hải - Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý); khuynh hướng phân tích, luận giải (Nguyễn Xuân Khánh - Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn; Võ Thị Hảo - Giàn thiêu; Bùi Anh Tấn - Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng, Oan khuất; Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống; Nguyễn Quang Thân - Hội thề; Phan Ngọc Cảnh Nam - Thế kỉ bị mất; Thái Bá Lợi - Minh sư; Trần Thu Hằng - Đàn đáy; Nguyễn Mộng Giác - Sông Côn mùa lũ; Nam Dao - Gió lửa, Đất trời; Uông Triều - Sương mù tháng Giêng; Lưu Sơn Minh - Trần Khánh Dư; Trần Thanh Cảnh - Đức Thánh Trần...).

Các tác phẩm tiêu biểu này không chỉ mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống sinh hoạt, đời tư thế sự, đời sống văn hóa tâm linh dân tộc, mà quan niệm của các nhà văn về một số vấn đề về thể loại và về lịch sử cũng mang những màu sắc thẩm mĩ mới. Hiện thực lịch sử không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện và đời sống cộng đồng qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái mà rộng hơn, sâu hơn, “đời” hơn. Văn học sáng tạo về lịch sử đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp “bề sau, bề sâu, bề xa”. Trong khi miêu tả lịch sử, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người”. Cái nhìn đời tư - thế sự - nhân văn đã thực sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của các nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử. Nhiều nhà văn đề xuất những cách nhìn mới về lịch sử, mở rộng cái nhìn đối với nhiều thời đại trong quá khứ, truy tìm, suy ngẫm và giải mã những vấn đề trong quá khứ, ráo riết tìm lời giải đáp cho các câu hỏi thiết thực của hiện tại. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận, diễn ngôn cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng cái nhìn triết học và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.

Cùng với đó, sự cách tân, thể nghiệm độc đáo về tư duy, phương thức, diễn ngôn tự sự lịch sử đã mang lại những thành tựu đáng kể cho thể loại này. Cho đến nay nhiều tác phẩm không chỉ mang lại những giải thưởng cao quý cho nhà văn mà còn trở thành món ăn tinh thần độc đáo, thú vị thu hút sự quan tâm, bàn luận của độc giả.
 
5. Kết luận

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đã trải qua những giai đoạn vận động, phát triển cùng với sự đổi mới, hiện đại hóa nền văn học nước nhà. Mỗi giai đoạn đều ghi nhận những nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm của các nhà văn. Có thể nói, mặc dù có sự khác nhau về cảm thức, tư duy, lối viết lịch sử, và dù cho có sự thăng trầm dưới ảnh hưởng của lịch sử, xã hội; song dòng tự sự lịch sử như một mạch nguồn âm ỉ chảy, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo đời sống văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Phác họa tiến trình của tiểu thuyết lịch sử, như vậy, là cách để nhận diện những bước phát triển cũng như không ít giới hạn của thể loại.

N.V.H


Nguồn Văn nghệ quân đội


Có thể bạn quan tâm