April 26, 2024, 10:51 pm

Oscar lần thứ 93: Đề cao bình đẳng giới và chống phân biệt chủng tộc

Còn khoảng một tháng nữa lễ trao giải Oscar lần thứ 93 sau nhiều lần trì hoãn sẽ được tổ chức tại Los Angeles’ Union Station và nhà hát Dolby (Los Angeles, Mỹ). Trước đó, bảng đề cử chính thức của Oscar 2021 đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ công bố vào ngày 15/3 với số lượng đề cử kỷ lục dành cho phụ nữ và người da màu, trong đó có nhiều đại diện đến từ châu Á. Cho thấy, những vấn đề nhạy cảm như bình đẳng giới hay phân biệt chủng tộc đã không còn là điểm yếu của Ban giám khảo.

 Cảnh trong phim “Manari”

ĐA DẠNG ĐỀ TÀI

Những bộ phim về giới thượng lưu, tình cảm sướt mướt, hay những cuộc chiến khai thác tốt đa đề tài chiến tranh, sắc tộc dai dẳng đã không còn chiếm mạch chủ đạo tại các liên hoan phim nói chung, dự Oscar nói riêng. Thay vào đó là những bộ phim phản ánh trực diện cuộc sống, những mâu thuẫn giữa các quốc gia, dân tộc về lãnh thổ, đại dịch và sự phân hóa giàu nghèo hay mối quan hệ gia đình rạn nứt trước sự đe dọa của cái Tôi vô cảm, độc tôn... Chưa dừng lại ở sự thay đổi trong quan điểm làm phim (tìm tiếng nói chung giữa người xem và tác phẩm điện ảnh), các liên hoan phim, giải Oscar còn có sự cởi mở hơn khi phát đi những tiếng nói ủng hộ bình đẳng giới, đề cao nhân quyền khi trao nhiều giải thưởng danh giá cho các bộ phim, diễn viên đóng trong các bộ phim khai thác đề tài vốn được cho là nhạy cảm kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Không khác nhiều so với Oscar 92, giải Oscar 93 ghi nhận nhiều bộ phim của các đạo diễn người da màu và dàn diễn viên da màu hùng hậu. Sự đa sắc màu này ngoài đem lại sự bình đẳng cho sân chơi điện ảnh còn mang đến cho công chúng sự cảm nhận và cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống thông qua ngôn ngữ điện ảnh - thứ ngôn ngữ được xem là có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất nhận thức và có khả năng thay đổi hành vi của con người.

Nếu Ký sinh trùng là bộ phim đại diện điện ảnh Hàn Quốc nhận giải Oscar lần thứ 92 thì năm nay, điện ảnh Hàn Quốc vẫn duy trì được phong độ khi Minari của đạo diễn Lee Issac Chung gây bất ngờ với 6 đề cử quan trọng bao gồm Hình ảnh phim đẹp nhất; Đạo diễn xuất sắc nhất; Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất; Nam diễn viên chính xuất sắc nhất; Kịch bản gốc hay nhất; cùng Nhạc phim hay nhất.

Giới  phê bình phim cho rằng, nếu Minari thắng cuộc thì đây sẽ là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc thắng nhiều giải thưởng ở các hạng mục sau Ký sinh trùng (Parasite) từng đạt được vào năm 2019.

Minari (Khát vọng đổi đời), là một bộ phim kể câu chuyện về khát vọng đổi đời của gia đình người Hàn Quốc. Nội dung đề cập đến nhân vật chính là Jacob Yi (do Steven Yeun thủ vai) - người đàn ông có hoài bão tìm kiếm cuộc sống trong mơ trên đất Mỹ. Để thực hiện mục tiêu của mình, Jacob Yi cùng gia đình chuyển đến vùng ngoại ô Arkansas (Mỹ) để khởi nghiệp. Tại đây, Jacob Yi phải đứng trước lựa chọn đánh đổi nhiều thứ, trong đó có những người thân trong gia đình... Để có được quyết định đúng mang tính bước ngoặt cho bản thân và gia đình của mình, Jacob Yi đã phải có những cuộc chiến tâm lý vô cùng phức tạp nhằm đưa ra những quyết định mang tính thỏa hiệp, an toàn nhất có thể cho bản thân và gia đình của mình. Phim Minari sẽ được ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 2/4 tới đây trước khi lễ trao giải Oscar được tổ chức ngày 25/4.

BẢN HỢP CA SẮC MÀU

Ngoài đề cử quan trọng cho giải Phim truyện xuất sắc nhất, Minari còn có diễn viên Steven Yeun, người gốc Á đầu tiên được đề cử cho giải Nam diễn viên xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, nữ diễn viên Youn Yuh-jung, 73 tuổi, cũng trở thành người Hàn Quốc đầu tiên nhận đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn người bà trong phim... Ngoài những gương mặt nữ chính, phụ của Manari, Ocar lần thứ 93 còn ghi nhận có tới 70 phụ nữ nhận được 76 đề cử. Trong đó đạo diễn da màu người Mỹ gốc Trung Quốc Chloe Zhao với tác phẩm Nomadland đã lập nên kỳ tích khi tiếp tục trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên được đề cử cho giải Đạo diễn xuất sắc nhất, dù trước đó với bộ phim này, tên của bà đã được xướng lên ở nhiều giải thưởng danh giá khác.

Sự đa dạng sắc màu không chỉ dừng lại ở những giải đề cử dành cho diễn viên, đạo diễn nữ, đề cử giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cũng có tới 3 ứng cử viên là người da màu với Leslie Odom Jr. (One Night in Miami), Daniel Kaluuya và Lakeith Stanfield (Judas and the Black Messiah). Một diễn viên da màu đáng chú ý khác là Chadwick Boseman với đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, dù nam diễn viên này đã qua đời vì mắc bạo bệnh trước đó.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 93 sẽ diễn ra tại Los Angeles vào ngày 25/4 tới, với thông điệp được cho là đã thể hiện khá rõ quan điểm của các nhà làm phim toàn cầu về bình đẳng giới cũng như chống phân biệt chủng tộc. Và đây chính là điểm đặc biệt của giải thưởng điện ảnh danh giá này.

Được biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lễ trao giải Oscar lần thứ 93 sẽ được tổ chức trực tuyến, chỉ người thắng giải, ban tổ chức được phép dự lễ trao giải. Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ David W. Oxtoby cho biết, Viện sẽ không tổ chức bất kỳ một sự kiện trực tiếp nào, bao gồm những buổi chiếu đề cử, tiệc trưa hàng năm của những người được đề cử hay các chương trình bên lề khác. Những người được phép tham dự lễ trao giải sẽ chính là những người được đề cử, khách mời của họ và người dẫn chương trình.

Trước đó, để tham dự sự kiện điện ảnh quan trọng bậc nhất này, điện ảnh Việt Nam cũng đã có phim tham dự vòng sơ tuyển. Theo đó, tại số 3499/QÐ-BVHTTDL cho phép Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy gửi phim truyện Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ tham dự Vòng sơ tuyển. Mắt biếc là phim chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ra mắt ngày 20/12/2019. Ðây là bộ phim thứ hai sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh dựa trên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngay sau khi ra mắt chỉ 10 ngày, phim Mắt biếc đạt doanh thu 100 tỷ đồng; nhiều địa điểm quay phim trở thành nơi thu hút du khách tham quan, như thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, Mắt biếc vẫn chưa tạo được dấu ấn tại Oscar 93, điều này cho thấy điện ảnh Việt Nam nói chung, các đạo diễn điện ảnh nói riêng cần có cái nhìn cởi mở hơn với điện ảnh thế giới để từ đó tìm được tiếng nói chung về ngôn ngữ nghệ thuật, cách thức chuyển tải ngôn ngữ đời sống lên phim theo hình thức định tính thay vì định lượng. Việt Nam không thiếu những bộ phim lột tả chân thực cuộc sống, nhưng chưa thể khái quát được nét đặc trưng của xã hội. Khoảng cách giàu - nghèo, hay đời sống thượng lưu của một bộ phận người dân vẫn còn chung chung và theo hướng một chiều, phim chưa khai thác được những xung đột giai cấp và những phép tắc lễ nghĩa giữa con người với con người. Từ điện ảnh Việt Nam, có thể nhìn sang điện ảnh Hàn Quốc. Với Ký sinh trùng, đơn giản chỉ là kể câu chuyện về gia cảnh trái ngược của hai gia đình, một bên là gia đình nghèo khổ sống trong một căn hộ tồi tàn, thực chất là căn nhà bán hầm cũ kỹ, còn một bên là gia đình giàu có, xa hoa, sống ở ngôi biệt thự riêng. Nhưng đạo diễn đã khai thác triệt để sự ngăn cách về giai tầng giàu - nghèo trong xã hội. Với hai hoàn cảnh sống khác nhau, họ nhìn đời khác nhau và sản phẩm được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh sống ấy cũng khác nhau. Ký sinh trùng vừa nêu bật nét đặc trưng của xã hội Hàn Quốc, vừa “đụng chạm” đến một chủ đề rất phổ biến của toàn nhân loại thông qua hình thức hài châm biếm (black comedy). Nói cách khác, đạo diễn Bong Joon-ho đã lựa chọn một chủ đề có thể lấy nước mắt của tất cả nhân loại trên thế giới chỉ bằng ngôn ngữ của điện ảnh. Chính vì vậy, không có gì là quá khi Ký sinh trùng nhận được nhiều giải thưởng danh giá và tạo dấu ấn mạnh mẽ tại Oscar lần thứ 92.

Những đề cử đã có và giải thưởng thì vẫn còn đang được cân nhắc bởi những vị giám khảo uy tín. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù phim nào, đạo diễn hay diễn viên nào thắng giải, thì người yêu điện ảnh vẫn sẽ có được những món ăn ngon trên bàn điện ảnh đa sắc màu thế giới.

Nguồn Văn nghệ số 13/2021


Có thể bạn quan tâm