April 27, 2024, 10:55 am

Ông Tư Bạch nói tiểu thuyết

Phùng Ký Tài (sinh năm 1942 tại Thiên Tân) là một nhà văn, họa sĩ, nhà văn hóa học nổi tiếng Trung Quốc. Trong lĩnh vực văn chương, ông cũng sáng tác rất nhiều thể loại, từ thơ ca đến văn xuôi, từ tùy bút đến truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Ông được bạn đọc nước ngoài biết đến qua chùm truyện vừa Roi thần (1984), tiểu thuyết Gót sen ba tấc (1986), tiểu thuyết Âm dương bát quái (1988). Văn Nghệ giới thiệu truyện ngắn Ông Tư Bạch nói tiểu thuyết rút từ tập Tục Thế Kỳ Nhân cũng vừa được Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn xuất bản tháng 7 năm 2022.

Nhà văn Phùng Ký Tài

Người Thượng Hải thích đọc tiểu thuyết tình cảm, người Thiên Tân thích xem tiểu thuyết võ hiệp, cho nên những cao thủ viết truyện võ lâm hùng kỳ phần lớn đều ở Thiên Tân. Đứng hàng đầu là ba vị: Hoàn Châu Lâu Chủ, Trịnh Chứng Nhân và Cung Bạch Vũ. Lại có một người, lúc còn sống danh tiếng còn lớn hơn, nhưng người này đi theo con đường khác: kẻ khác thì viết tiểu thuyết, còn ông ta thì nói tiểu thuyết.

Đại danh ông ta là Bạch Vân Phi, vốn nhà buôn muối, tiền bạc kiếm được, bây giờ vẫn chưa tiêu hết. Ở trong nhà ông ta vốn đứng hàng thứ tư nên người ta vẫn gọi là ông Tư Bạch. Ông Tư Bạch hình dong khác lạ, có thể nói là khác người: thân hình to lớn, nhưng tứ chi ngắn, bụng to ỏng, mông sệ, cái đầu to như cái đấu. Thế nhưng bộ óc ông ta còn kỳ quái hơn cái đầu, chẳng những chỉ cần nhìn liếc mắt qua là không quên, mà còn có nhiều sáng kiến khác lạ, suy nghĩ nhanh hơn hẳn bình thường. Ông ta không đọc nhiều sách, số viết ra còn nhiều hơn số đã đọc. Mới đầu ông ta cũng dùng bút viết, nhưng bút viết không theo kịp óc nghĩ, nên cuối cùng ông ta bèn bỏ bút, đổi sang dùng miệng nói. 

Bấy giờ vệ Thiên Tân thi thoảng lại nổi lên những nhà làm báo, làm tạp chí, vô vàn báo chí muôn màu muôn vẻ đã được ra đời. Những báo chí ấy muốn thu hút người đọc, bèn mời những nhà văn có tiếng đăng tải tiểu thuyết võ hiệp dài kỳ trên báo, tạp chí thì mỗi kỳ một đoạn, báo thì mỗi ngày một đoạn. Những nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng liền trở nên đắt giá, ngày ngày đều phải viết lách cho báo chí đến nỗi phải rạp mình trên bàn viết từ sớm đến khuya, ngày hôm sau lại tiếp tục như vậy. Chỉ có Bạch Vân Phi là sống thư thái, không viết, chỉ nói, chỉ dùng miệng không phải tốn sức. Song, nếu nói đến chuyện ông ta được thư thái thì không chỉ có vậy.

Ông Tư Bạch thích tắm táp. Ông ta nói, một ngày mà không tắm thì khắp người đầy đất, hai ngày mà không tắm thì khắp mình mọc lông. Ông Tư Bạch có một gian tắm riêng ở nhà tắm Hoa Thanh Trì kề bên cạnh tường trường hướng nghiệp – số 4 dãy A. Ông ta đòi gian số 4 ấy, cho khớp với đúng cái tên gọi “ông Tư” của mình để được tốt lành mà cũng dễ nhớ. Một năm bốn mùa, trừ ngày ba mươi tết và rằm tháng Tám ra, còn thì ngày nào ông ta cũng ở đó cả một buổi chiều.

Trước hết ông Tư Bạch ngâm mình ở bên hồ nước nóng cho thỏa thuê rồi, sau đó mới mình trần trùng trục, chỉ quấn ngang hông một cái khăn bông trắng lớn, mở rèm cửa buồng số 4 dãy A tiến vào nằm nghỉ trên cái giường nhỏ. Những buồng riêng trong khu nhà tắm đều được bố trí hai cái giường đơn hai bên phải trái, ở giữa là cái tủ vuông nhỏ. Ông Tư Bạch nằm trên một giường, còn cái giường kia để cho người đến tìm ông ấy dùng làm ghế ngồi. Ông ta vừa nằm xuống, liền có một người phục vụ đến, trước hết kỳ ghét, sau đó sửa chân1, làm một hồi. Đến lúc làm xong xuôi thì toàn thân như lột được một lượt da bỏ, tựa hồ kim thiền thoát xác, nhẹ nhõm thư thái hẳn, từ đầu đến chân thảy đều trơn tru nhẵn nhụi, mông cứ như cái chậu tráng men trắng vậy.  

Tiếp theo, phục vụ lại bưng lên mấy cái đĩa nhỏ, mỗi đĩa một thứ đồ ăn vặt: hạt dưa vị tương, ô mai, đậu phộng tẩm đường, mứt và củ cải xanh mươn mướt xắt miếng của nhà họ Triệu ở ngõ Đại Phong, thêm một bình trà hoa nhài đặc nóng bỏng lưỡi nữa. Những món đồ ăn uống này, có lạnh có nóng có ngọt có mặn có giòn có ướt có cứng có mềm, cách dưỡng sinh như vậy quả thực là thần tiên giữa phố phường.

Khi ấy, rèm cửa lại vén lên, một người mặc áo chùng, đeo kính, tay xách một cái túi nhỏ bước vào, vừa nhìn là biết ngay đó là biên tập của một tòa báo. Anh ta ngồi xuống chiếc giường nhỏ đối diện với ông Tư Bạch, vừa lấy bút lấy giấy ra, vừa nói với ông: “Ông Tư Bạch, ngày mai chúng tôi chưa có bài đăng, hôm nay ông phải nói cho chúng tôi một đoạn. Hai đoạn càng tốt.” Nói xong, anh ta nhìn ông Tư Bạch cười hì hì.

“Anh là bên báo nào thế?”

Dung Báo ạ. Ngày nào tôi cũng đến, mà ông không nhớ à?”      

“Ngày nào cũng bảy tám tòa báo, tạp chí đến tìm tôi, chẳng trước chẳng sau, bảo tôi nói đoạn nào thì tôi nói đoạn đó, làm sao mà nhớ nổi được cả? Tôi không nói lẫn lộn câu chuyện của các anh đã giỏi lắm rồi.”

“Ông Tư, bộ óc của ông không hiểu là bộ óc gì mà nói cùng lúc cả bảy tám bộ tiểu thuyết. Chẳng những Thiên Tân này không có người thứ hai, mà cả thiên hạ cũng chẳng tìm ra được người thứ hai đâu!”

Ông Tư Bạch nghe nói thế thì rất vui lòng, lấy lại tinh thần, bèn nói:

“Trên quý báo đăng dài kỳ bộ nào của tôi thế nhỉ? Thôi, anh đọc đoạn in lần trước cho tôi nghe, rồi tôi sẽ nói tiếp liền.”

Người biên tập đeo kính ấy cười nói: “Ông Tư, trên báo chúng tôi đăng dài kỳ truyện “Võ Đang anh hùng ký” của ông.” Tôi có mang báo ngày hôm nay đến cho ông đây. Vừa mới in xong. Tôi đọc cho ông nghe nhé, đoạn hôm nay là …” – Anh ta lấy từ trong túi ra một tờ báo, cầm trên tay đọc – “Tạ Hổ lặng lẽ bảo Liêu Hàm Anh móc cái khăn tay từ trong người ra, thấm nước, buộc vòng quanh đầu bịt kín lấy mũi. Thổi tắt cái đèn trên bàn, khép áo nằm xuống vờ ngủ, thanh đao để bên cạnh mình. Chẳng bao lâu, trên khung cửa sổ bịt giấy có ánh trăng sáng rọi trắng như tuyết liền xuất hiện một bóng người. Rồi đó bóng người trên cửa sổ chợt hóa lớn hơn. Vốn là kẻ đó đã mò đến trước song, thè lưỡi liếm lên giấy dán cửa, làm giấy thủng một lỗ mà không có một tiếng động. Một ống nhỏ bằng trúc liền được đút ngay vào. Kẻ đó dùng miệng thổi vào đầu ống trúc ở phía bên ngoài, đầu ống phía trong phòng lập tức có một sợi khói xanh phụt ra, từ từ bốc lên, phát ra ánh xanh dưới ánh sáng trăng, trong trẻo dị thường. Đó chính là thứ thuốc mê giết người – Kê minh ngũ canh Phản hồn hương!”-  Anh chàng biên tập đeo kính đọc đến đó thì dừng lại, nói: “Đoạn trước của ông kết thúc ở đó.”

“Rồi! Chúng ta nói làm thì làm thôi. Giờ tôi nói, anh ghi …” - Ông Tư Bạch tựa hồ vừa hút một điếu thuốc lớn, lấy lại tinh thần, đang nửa nằm nửa ngồi, giờ ông ngồi hẳn dậy, để trần vai, lộ rõ thân hình toàn thịt, hai con mắt lấp lánh sáng ngời. Ông ta vừa mở miệng liền nối tiếp câu chuyện phía trước ngay – “Kẻ ở bên ngoài cửa sổ kia thổi thuốc mê vào trong phòng, rất lâu vẫn không thấy động tĩnh gì, liền ghé tai vào nghe ngóng. Trong phòng chỉ thấy tiếng ngáy, bèn rút đao bên người ra nhẹ nhàng cậy cửa sổ, phi thân nhảy vào trong phòng.” Ông Tư nói đến đó, hai con mắt đưa nhìn quanh khắp bốn bề giây lát tựa hồ đang tìm kiếm những câu chữ tiếp theo. Ông ta vừa trông thấy trong buồng có hai cái giường, thì lại nhìn lên nhanh chóng nói tiếp câu chuyện: “Kẻ ấy ra tay rất nhanh, vừa xoay người một cái đã chém bên trái, lại bên phải hai nhát đao xuống hai cái giường hai bên, phát ra hai tiếp phập phập vang giòn. Chợt hắn thấy tiếng đao nghe chừng không ổn, định thần nhìn lại, thì hóa ra trên giường không có ai. Người đâu rồi? Hắn nghĩ bụng không hay rồi, chưa kịp nhìn lại thì hai bóng người đã chợt từ trên trời đáp xuống. Hóa ra Triệu Hổ và Liêu Hàm Anh sớm đã ẩn mình trên xà nhà. Không để cho tên trộm ấy kịp phản ứng, hai người đã bay xuống, cùng lúc bốn cánh tay như chim ưng bắt thỏ, tóm chặt lấy hắn, phút chốc đã dùng dây thừng trói nghiến lại. Châm đèn lên xem, chợt họ không ngăn được kinh ngạc, đồng thanh kêu to: ‘Làm sao lại là ngươi?’.”

Ông Tư ngừng lại rồi. Người biên tập đeo kính nói: “Tôi nghe vẫn chưa đủ. Ông Tư, ông nói tiếp đi!”

“Được rồi, đủ năm trăm chữ rồi đấy. Nút thắt cũng đã có rồi. Chẳng phải là đã nói mỗi ngày cần năm trăm chữ thôi ư?” – Ông Tư Bạch cười nói – “Muốn biết việc tiếp theo thế nào, xin đợi hồi sau phân giải. Anh xem, anh Tần ở bên “Họa báo 369” đã đang đợi kia lâu lắm rồi sao?”

Anh chàng biên tập đeo kính của tờ “Dung báo” khi ấy mới phát hiện ra biên tập họ Tần của tờ “Họa báo 369” đã đứng ở cửa rồi. Bọn họ đều thường tới đây, thỉnh thoảng cũng chạm mặt nhau, nên đều nhận ra, không làm phiền nhau, vội vàng rời đi. Anh Tần bước vào ngồi xuống giường. Ông Tư Bạch uống mấy ngụm trà đặc, không đợi anh Tần cất lời, đã cười bảo: “Tôi đăng dài kỳ trên báo của các anh là truyện “Hoa Diện hiệp” nhỉ. Tôi nhớ, lần trước dường như đã nói đến Hoa Diện hiệp đến một quán vắng giữa rừng đang gọi một mâm lớn thịt beo nướng, đúng không?”

Anh Tần bảo: “Ông tư trí nhớ tốt thật! Đúng là chia quân tám ngả, mà không ngả nào rối loạn, ông thật là bậc kỳ nhân! Câu cuối trong đoạn lần trước của ông là: “nàng cầm đũa gắp trong mâm lên một miếng thịt beo lớn, vừa định cho vào miệng thì hốt nhiên trông thấy một chấm sáng phát quang lấp lánh, tựa như một ngôi sao bạc, kèm theo một làn gió lạnh, nhắm thẳng hướng mặt mình bay vụt tới. Muốn tránh nhưng chẳng thể tránh nổi nữa …”

Khi ấy, ông Tư Bạch đã vừa nghe, vừa đang suy nghĩ. Ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải của ông đang nhón một miếng củ cải xanh biếc bỏ vào miệng. Ánh mắt ông ta chằm chằm nhìn vào miếng củ cải giữa hai ngón tay ấy, miệng đã bắt đầu nói tiếp đoạn truyện của ngày hôm nay: “Hốt nhiên tay nàng lắc nhẹ, cạch một tiếng, chỉ thấy giữa hai chiếc đũa không phải là miếng thịt beo đó, mà là một cây phi đao dài chừng sáu bảy tấc, ánh chói lóa mắt, lưỡi sắc cả hai bên!”

“Hay!” – Biên tập họ Tần kêu to – “Câu mở đầu hôm nay đẹp quá rồi! Đúng là thần bút! Ông Tư nói có là có ngay, trong đầu đầy kỳ tư diệu tưởng thực!”

Họ Tần là một tay cáo già trong làng báo rồi, rất hiểu phải châm lửa quạt gió cho những người viết lách thế nào để khơi dậy hứng thú của họ. Chiêu ấy của anh ta khiến ông Tư Bạch thêm hẳn sức lực, lập tức tinh thần bay bổng, nói thao thao như nước lũ tràn đê. Đang khi không để ý thì bên cạnh biên tập họ Tần đã lại có hai vị một cao, một thấp sắp hàng ngồi một lượt rồi. Đó cũng đều là những biên tập đến lấy bản thảo. Những biên tập ấy ai cũng đều áo chùng bên trong, áo chẽn khoác ngoài, chỉ có điều có người đeo kính trắng, có người kính râm, có người không đeo; có người dùng bút chì, có người dùng bút máy thời thượng, có người theo lối cũ dùng bút lông, hộp mực, đầu bút lông còn có cả nắp bút đồng. Tuy mấy tay biên tập ấy đều là những người tốc ký, nhưng muốn ghi chép tiểu thuyết do ông Tư Bạch nói miệng cũng chẳng phải dễ! Khó nhất là, ông Tư Bạch nói tiểu thuyết, ngôn ngữ tình tiết đều phong phú, xuất khẩu thành chương, thường thường khiến người nghe bị cuốn hút theo mà dừng cả ghi chép.

Điều thực sự khiến người ta không hiểu nổi là, những tiểu thuyết ấy của ông ở đâu mà ra? Chẳng bao giờ thấy ông khổ sở suy tư, cắn nát quản bút, chau mày nhăn mặt như những người khác, cũng không thấy ông gò ép nhốt mình trong thư phòng bao giờ. Chỉ tắm táp, chà lưng, uống trà, cắn hạt dưa, chỉ trời vạch đất chơi nhăng suốt, không động đến quản bút, mà làm ra được bao nhiêu công việc. Hơn nữa lại làm mấy tiểu thuyết trường thiên khác nhau cùng một lúc. Miệng ông ta mới tài, ghi lại lời nói là liền thành văn chương, hoàn toàn không cần phải biên tập gia công nhuận sắc. Các biên tập cứ anh đến tôi đi, hoặc anh đi tôi đến, anh trước tôi sau hoặc tôi trước anh sau, cần đoạn truyện nào, ông ta sẽ nói đoạn ấy. Trong đầu óc ông ta, mấy câu chuyện ấy cứ như những cỗ xe điện của Thiên Tân, đỏ, vàng, chàm, xanh, trắng, tía, hoa, bảy mã hiệu, bảy tuyến đường, xe nào tuyến nấy, tuyệt không đụng nhau bao giờ, cũng chẳng ai lên nhầm xe cả.

Trong cái đầu to như cái gáo của ông ta, những nhân vật, những câu chuyện, những chỗ xuất sắc ấy đều được nảy ra tại chỗ như vậy ư? Có quỷ mới biết! Một thợ sửa chân cho ông ta nói, bà vợ cả và bốn bà vợ lẽ của Vưu lão gia trong cuốn “Thiên Thành tiêu cục” của ông ta chính là năm ngón chân bàn chân trái của ông ấy. Một bữa, khi anh ta sửa chân cho ông Tư Bạch, ông Tư Bạch bỗng nhiên chỉ vào ngón chân út của mình bảo: “Anh xem, dì út này của ta thật đáng thương, vừa gầy vừa nhỏ, ngày nào cũng bị chèn ép vào trong góc xó không dám nói một câu.” Rồi lại bảo: “Ta phải dạy cho cô ấy chút công phu!” Nói xong câu ấy không bao ngày, thì mấy ngón chân ấy của ông ta liền biến thành mấy người đàn bà nhà họ Vưu trong truyện “Thiên Thành tiêu cục”. Ngón chân út ấy biến thành bà năm võ công kỳ tuyệt, về sau độc bá ở tiêu cục.

Lại còn một chuyện nữa. Ngay cửa vào của nhà tắm có một bức bình phong lớn, chính diện vẽ một con rồng đỏ đang phun nước. Bình phong là để chắn gió. Phía sau bình phong là một tấm gương để cho khách tắm chú ý chỉnh trang lại y phục trước khi bước ra khỏi cửa. Ông Tư Bạch mỗi ngày sau khi tắm xong, nói tiểu thuyết xong, mặc quần áo xong xuôi đi ra đều soi mình vào tấm gương lớn ấy để nắn lại cổ áo. Một bên khung tấm gương có cái đinh, buộc sợi dây dài, treo một cái lược bóng loáng. Ông Tư Bạch lần nào soi gương cũng đều cầm lược chải lại đầu tóc một chút. Nhưng chẳng biết làm sao chiếc lược ấy lại hóa thành chiếc lược đồng - một thứ vũ khí sắc bén kỳ tuyệt của tay phóng dao trên hồ trong truyện “Ưng Đàm tam kiệt”. Người ta nói tất cả những cái có trong sách của ông ta đều được vớt từ nhà tắm ra. Nhưng lần ấy, có mấy người họ hàng xa của ông Tư Bạch từ quê nhà Hồ Bắc đến Thiên Tân, đến nhà ông ta vay tiền, khiến ông ấy không vui, thế là hôm sau cũng được vào tiểu thuyết. Việc thật sau khi vào trong truyện tất nhiên không phải là nguyên dạng nữa, có cái thì thành rồng thành phượng, có cái thì ra chó ra lợn, tất cả đều hóa mục nát nên thần kỳ qua đầu óc của ông Tư. Một câu nói đùa cũng có thể ra một vụ án mạng, giai trộm gái điếm lại thành đôi hiệp nữ kỳ tình trong tiểu thuyết. Chẳng ai hiểu nổi trong đầu óc ông Tư Bạch ẩn giấu cái thiên cơ thế nào.

Chuyện trong ngành chỉ trong ngành hiểu rõ. Song, trong giới tác gia bấy giờ, chẳng ai chịu thừa nhận đó là tài năng thiên bẩm của ông Tư Bạch, chỉ chửi rủa ông là “chỉ thuật lại chứ không sáng tác”, tự bản thân không biết viết, phải mượn ngòi bút của người ta để kiếm tiền, lấy danh. Người nói ra câu ấy lại còn là một bậc danh gia, vì thế có người lấy làm bất bình thay cho ông Tư mà mắng chửi lại vị danh gia kia, ông  thử vào nhà tắm nằm mà nói mấy đoạn truyện xem sao. Ông Tư Bạch chẳng những có bộ óc to lớn, lại còn xuất khẩu thành chương, ghi chép ra là văn chương ngay, không cần phải biên tập sửa chữa một chữ nào. Ông cứ đem những lời ông nói chép ra giấy xem, lại không loạn cào cào lên chắc?

Ông Tư Bạch nổi danh một thời, được hâm mộ suốt ba mươi năm. Tất cả những tác phẩm in báo dài kỳ của ông đều do Hữu Chính thư cục ấn hành, lượng phát hành đứng đầu Thiên Tân, phía bắc bán tới tận Hắc Long Giang, phía nam bán mãi tới Hương Cảng. Tận tới năm 1947 mái che hồ nước nóng của nhà tắm Hoa Thanh Trì qua nhiều năm bị hơi nước làm hỏng, sụp xuống một mảng phang luôn vào trên cổ của ông Tư Bạch, khiến ông bị hỏng đốt sống cổ, ngày nào cũng bị ngất, nên đành phải dừng việc đăng truyện dài kỳ trên các báo chí. Một năm sau thì ông Tư quay về quê ở Hồ Bắc để dưỡng thương, dưỡng lão.

Vì vậy, một câu nói cũ trước đây lại được lan truyền ra: ông Tư Bạch rời khỏi nhà tắm là không có tiểu thuyết nữa, tiểu thuyết của ông ta thảy đều là cởi truồng nói ra cả. Nhưng bất luận là lời đồn đại thế nào, chỉ cần mở tiểu thuyết của ông ấy ra đọc thì ai cũng đều phải phục cả.

Châu Hải Đường dịch

_______

1. Một liệu pháp chăm sóc bàn chân của người Trung Quốc, bao gồm từ cắt móng, cạo da chết gót chân, đến xoa bóp bàn chân …

Nguồn Văn nghệ số 34/2022


Có thể bạn quan tâm