April 26, 2024, 12:46 pm

“Ở một mình cho thấu nỗi cô đơn”...

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ NGÔ VĂN PHÚ

Nhà thơ Ngô Văn Phú sinh ngày 8/4/1937 tại Nam Viêm, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Nam Viêm, Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ông từng làm biên tập viên báo Văn học (1961-1963), báo Văn nghệ (1963-1966), tạp chí Văn nghệ Quân đội… từ năm 1972 đến 1976 ông phụ trách tổ thơ và tổ văn xuôi báo Văn nghệ. Từ năm 1976 đến 1998 là trưởng ban thơ, rồi phó giám đốc Nxb Tác Phẩm Mới, tổng biên tập Nxb Hội Nhà văn.

Không chỉ làm thơ, viết truyện, tiểu thuyết lịch sử, Ngô Văn Phú còn làm biên khảo, biên soạn, chủ biên 230 tựa sách gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, biên soạn, nghiên cứu, tạp văn… với các bút danh Ngô Bằng Vũ, Đào Bích Nguyên… trong đó đáng chú ý có: Các tập thơ: Tháng năm mùa gặt (1978), Đi ngang đồi cọ (1986), Cỏ mùa mê (1988), Hoa trắng tình yêu (1995), Chiêm bao (2001), Nhặt nắng trong mưa (2003)… Truyện ngắn: Thần hoàng làng (1992), Giấc mơ hoàng hậu (1993), Người lang thang với mùa thu (2001), Truyện ngắn danh nhân Việt Nam (5 tập, 2006), Sắc độ (tập truyện ngắn, 2013)… Tiểu thuyết: Bụi và lốc (1988), Ngôi vua và những chuyện tình (1989), Gươm thần Vạn Kiếp (1991), Ấn kiếm trời ban (1998), Dòng đời xuôi ngược (2001), Bởi vì (tiểu thuyết, sách dịch, 2015), Thời loạn lạc (2019)… Và một số các tác phẩm khác: Mùa cải hoa vàng (tạp văn, 1998), Cỏ may (tạp văn, 2003), Uy Viễn tướng công (2003), Lý Công Uẩn (2006), Bụi tầm xuân (tạp văn, 2009), Thăng Long- Hà Nội xưa và nay (2009)…

Nhà thơ Ngô Văn Phú đã được trao nhiều giải thưởng như: giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961, giải thưởng văn xuôi báo Văn Học, giải thưởng ca dao của báo Văn Học, 1962; giải thưởng văn học 5 năm của Hội Văn nghệ Hà Nội (1980-1985); giải thưởng 5 năm Văn học Hùng Vương của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (1975-1980), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012...

Do tuổi cao sức yếu, nhà thơ Ngô Văn Phú vừa qua đời vào 15h15 ngày 24/10/2022 tại quê nhà, hưởng thọ 88 tuổi.

Văn nghệ xin trích giới thiệu lại bài viết của nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim về ông nhân dịp ông vừa bước qua tuổi 80…

VN

Cánh cửa sắt đã hoen rỉ cùng tháng năm, chiếc xe đạp cũ kỹ, cọc cạch nằm yên trong hành lang cọc cạch vì đã lâu không được sử dụng. Nhà thơ Ngô Văn Phú giờ chỉ đi bộ ra đường vào buổi sáng đến hiệu phở quen thuộc, ăn một bát phở rồi về nhà miệt mài bên bàn làm việc; trưa ăn quà vặt cho qua bữa, tối tự cắm một nồi cơm với chút lạc rang, chút thịt, chút rau…

Ông ở một mình trên căn gác nhỏ tầng 5 trong khu  tập thể cũ trên đường Kim Mã, bóng tối bủa vây căn nhà trong chiều muộn vì những cuốn sách cũ che hết cả bóng đèn tuýp. Ngôi nhà đôi khi lặng thinh vì chỉ có tiếng nói từ chiếc ti vi đời cũ. Ngồi với ông, nhấp ngụm trà nhạt đã nguội, chỉ những câu chuyện đầy thú vị về một thời văn chương sôi động trong trí nhớ nguyên vẹn của nhà thơ già, là ấm nóng cả một trời ký ức.

Nhà thơ Ngô Văn Phú

Lần trước đến nhà ông cách đây chừng một năm, tôi vẫn thấy hai chiếc ghế so-fa đơn và một chiếc dài đủ chỗ để ngồi, lần này đến hai chiếc ghế đơn cũng đã là chỗ của... rất nhiều sách báo. Ông bảo, đó là các ấn phẩm báo Tết từ những năm xa xưa, ông vừa lấy ra từ đống báo cũ mà ông cất giữ rất cẩn thận vì nó có nhiều tư liệu qúy cho công việc tra cứu, viết lách. Không chỉ báo, mà sách của ông suốt cả một đời đều được lưu giữ lại không bỏ đi cuốn nào, những cuốn sách được bạn bè tặng, những cuốn sách mua được suốt từ thời ông mới bắt đầu sự nghiệp văn thơ... Tất cả đã úa màu thời gian, có nhiều cuốn đã phủ lên một lớp bụi dày vì nằm yên trên giá sách đã mấy chục năm có lẻ…

Trên bàn làm việc của ông, lúc nào cũng có kính lúp và đầy các loại sách, sách chữ Hán, chữ Nho, từ điển Tiếng Việt, giấy bút sẵn cả. Ai đó thường nói rằng, viết văn cần phải có cảm hứng, thì ông cho rằng, văn chương, một khi đã đầy ắp trong trái tim thì chỉ cần sự mẫn cán và năng lực viết để tạo nên tác phẩm.

Có lẽ bởi quan niện như thế, nên trong thời gian làm Giám đốc Nxb kiêm Tổng biên tập Nxb Hội Nhà văn, dù bận rộn nhưng cũng chính là thời điểm ông viết và in nhiều nhất. Ông cho rằng, đó là thời kỳ người ta trân quý văn chương, một tác phẩm viết ra được sẻ chia và bình luận nhiều lắm.

Rồi ông lật giở từng tấm hình đen trắng cũ, có những người bạn lớn như Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Xuân Quỳnh, Trinh Đường, Ma Văn Kháng… Ông nâng niu như thể đó là những kỷ vật làm nên dấu ấn một thời của ông và những người bạn văn mà lịch sử văn học không thể nào phủ nhận được.

Suốt một đời làm nghề, nhà thơ Ngô Văn Phú đầy ắp những kỷ niệm với các nhà thơ lớn nhiều thế hệ… Sau này, song song với việc làm thơ, người ta nhớ đến ông với tư cách là một nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn lịch sử. Hiện nay trong gia tài của ông có hơn 200 tác phẩm đủ các thể loại văn thơ, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, truyện lịch sử, tuyển chọn, giới thiệu. Ông cho rằng cái khó của việc viết truyện lịch sử là việc tìm tài liệu, bởi không phải một nhân vật nào cũng có thông tin đầy đủ, sau đó là cách thể hiện trong tác phẩm, có hư cấu nhưng phải khéo léo, bởi người đọc tinh lắm, viết không cẩn thận sẽ bị đánh giá “huyên thuyên”… Ông viết hơn 150 truyện ngắn lịch sử và nhiều tiểu thuyết về những nhân vật mình yêu thích, họ nổi tiếng và tiêu biểu của từng thời, về nhân cách, về học vấn, về sự xả thân vì dân vì nước là để cho đời sau hiểu thêm về họ. Lịch sử thì cứ viết đi viết lại nhưng mỗi thời phải viết lại theo nhãn quan của thời mình, ông nghĩ đó là một việc làm bổ ích. Và thực tế, đối với ông thì làm thơ hay viết truyện đều phải biết nhập hồn vào thể loại mà mình đã lựa chọn.

Hỏi ông về cuộc sống riêng, nhà thơ Ngô Văn Phú chia sẻ, ông có vợ là một người làng được cha mẹ định sẵn, ông lấy vợ và có 5 người con. Không ai trong số các con theo nghiệp bố, họ có tình cảm gắn kết thiêng liêng với bậc sinh thành, song trong đời sống riêng, họ tôn trọng tuyệt đối tự do sáng tạo của bố. Ông quyết định sống ở Hà Nội một mình, trong khi vợ và hầu hết các con vẫn sống ở quê. Sống một mình ông có trọn vẹn thời gian cho sáng tác.

Nhà thơ Ngô Văn Phú cho biết, sắp tới, vì tuổi đã cao nên ông sẽ trở về quê sống trong ngôi nhà thơ ấu cùng gia đình người con trai của ông. Hà Nội tấp nập, ồn ã chỉ để làm cho ông dịu lòng trong nỗi cô đơn cuộc sống, quê hương mới là nơi ông hướng về trong tâm thức và là nơi khởi nguồn những sáng tạo nghệ thuật của thơ ca. Với ông, tình yêu văn chương muôn đời vẫn không đổi thay.

Cũng như bản tính ông, là một con người ngại thay đổi mọi thứ. Ông chấp nhận một cuộc sống như sự sắp đặt của tạo hoá, không có những bước “đột phá”, không có những cuộc “nổi loạn” dù trong tâm hồn và thơ ca của ông đầy những trăn trở, đầy nỗi buồn và đầy những giằng xé nội tâm khi ông viết về tình yêu, thế sự. Điều đó lý giải vì sao ông vẫn để căn nhà của mình nguyên trạng như từ khi mới nhận (năm 1987) dù bây giờ, Hà Nội đã hiện đại và tân tiến.

 Tôi luôn thương căn bếp nhỏ xíu, nơi hàng ngày ông vẫn lặng lẽ đun nấu những món ăn đạm bạc cho riêng mình. Cái bếp ga cũ kỹ, hoen rỉ, cái chạn bát đầy muội đen bám quanh những chiếc bát cổ đã có nhiều vết rạn, những đôi đũa lệch, những chiếc thìa cũ lâu không có người dùng đã bắt đầu chuyển màu trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn điện nhỏ ở góc nhà. Ở phía bên trong, ông vẫn dự trữ nước trong những bồn bê tông không nắp đậy để sẵn trong nhà. Mùi nước, mùi của tường vôi đã lâu không sơn quét bị bong tróc… Trong khi nhà nhà đều lên đời, người người đều cố cơi nới, cố làm cho căn nhà của mình hiện đại lên, sáng sủa lên thì nhà thơ Ngô Văn Phú tự cho phép mình giữ lại một căn nhà với nguyên trạng như mấy chục năm trước, thời ông mới bước về đây, để lấy cảm hứng viết văn, cảm hứng sống. Những chiếc bàn cũ kỹ, những vật dụng đã phủ bụi thời gian, những chiếc bút đã bắt đầu nhòe nét mực trên tờ giấy A4 úa vàng đã là nơi làm nên hàng trăm tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà thơ Ngô Văn Phú.

Và đối với ông, đây là thế giới sống đầy viên mãn và đủ đầy. Thế giới để cho trí tưởng tượng và tâm hồn và những áng văn thơ của ông bay bổng, dù những phút giây một mình lủi thủi trong căn nhà đầy sách, ông cũng có những nỗi buồn đọng trên trang viết: “Ở một mình cho thấu nỗi cô đơn/ Ngày tháng dài ngoằng/ Bữa ăn chuệch choạc/ Chén rượu suông nhấc lên đặt xuống/ Nghĩ mông lung/ Toàn chuyện mơ màng/ Thiếu một thứ gì đó không bù đắp nổi/ Và ngại ngần khi có lại dư thừa/ Thèm một tiếng gõ cửa/ Một hơi ấm đàn bà/ Gian phòng nhỏ/ Mênh mông hơn vũ trụ/ Thơ viết thì ngại dở/ Phong xanh khói thuốc/ Xác và hình như một gốc cây khô”.

Nhà thơ Ngô Văn Phú cả đời sống bình lặng, giản dị, có hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, làm quản lý trong lĩnh vực văn nghệ nhưng ông là người ngại giao du, ít bạn bè thân thiết. Ông cũng chẳng muốn đổi thay, “gây hấn” với cuộc đời để cuộc sống bớt đi những nỗi tẻ nhạt. Ông sống cần mẫn, điềm đạm với trang sách cuộc đời bên cạnh chiếc bàn có khung cửa sổ cũ mèm hoen rỉ, khung cửa sổ nhìn ra một bầu trời cao rộng, khung cửa sổ cũng thu vào tầm mắt cả con đường Kim Mã ngút ngàn những tán cây xà cừ cổ thụ và ồn ào phố xá...

Nguồn Văn nghệ số 45/2022


Có thể bạn quan tâm