April 26, 2024, 11:19 am

Nửa vòng Việt Bắc

Tạm ổn công việc ở Thủ đô, tôi quyết định ngược Cao Bằng thăm người em gái họ, hoàn cảnh rất éo le, chưa đầy 30 tuổi, chồng mất sớm, với 2 con nhỏ 1 trai, 1 gái khó khăn đủ bề, em phải gửi 2 người con để bà nội chăm sóc, rồi rời cái làng Cẩm Thủy (Thanh Hóa) lên mãi thành phố Cao Bằng buôn bán, nuôi thân, tích cóp tiền gửi về nuôi con.

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 3 bắt đầu từ cầu Đuống, qua Phủ Lỗ (Sóc Sơn) để đến các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng với tổng chiều dài 350,44km, và có trên dưới 84 cây cầu. Con lộ đi qua rất nhiều địa danh. Nút giao quốc lộ 3 tại Phủ Thông, rồi nút giao quốc lộ 3 với quốc lộ 279 tại Nà Pặc, đi tiếp là con đường dẫn vào Thành phố Cao Bằng…

Ngày xưa tỉnh Cao Bằng với tỉnh Lạng Sơn, thời Nhà Lý, Nhà Trần được gọi là châu Quảng Nguyên. Vùng đất này chính thức thuộc vào Đại Việt từ năm 1039, đời Vua Lý Thái Tông, sau khi đánh đuổi Nùng Trí Cao.

Cuối chiều tôi đã đến được thành phố Cao Bằng, chọn nhà khách Tỉnh Ủy Cao Bằng nghỉ ngơi, để sớm mai về Bắc Mê - Hà Giang. Dùng bữa tối xong, vì không liên lạc được với người em gái. Tôi thuê taxi dạo một vòng thành phố. Những hàng cây xanh mướt mát trong ánh điện lung linh trên khắp các con phố rộng dài. Tôi đề nghị người lái taxi trung tuổi khi qua con sông Bằng, sông Hiến thì cho xe đi chậm lại để tôi cảm nhận vẻ đẹp của 2 dòng sông này. Đang vào mùa trăng tháng 8, cùng với ánh sáng trắng của những ngọn đèn đường làm cho 2 con sông trở nên quyến rũ thực sự… Tôi hé mở kính xe để để đón ngọn gió chớm Thu từ mặt sông thổi lên mát rượi…

Sáng hôm sau tôi dậy sớm, tìm một nhà hàng bán bánh cuốn điểm tâm. Quả là bánh cuốn Cao Bằng ngon nức tiếng khắp nơi, trở thành đặc sản của xứ sớ này… Sau bữa sáng thú vị, tôi rời Cao Bằng, qua Đà Vị (Quốc lộ 279), từ Đà Vị, theo con đường Tỉnh lộ 176, là đến Yên Hoa, Đường Âm (Bắc Mê) tỉnh Hà Giang khoảng 60km… Tuyến đường từ Cao Bằng sang Bắc Mê được đầu tư nâng cấp khá tốt, thuận lợi cho đồng bào các dân tộc 2 địa phương đi lại, giao thương hàng hóa…

*

Đêm Bắc Mê tĩnh lặng, nhưng tôi không tài nào ngủ được, hé cửa sổ để đón ngọn gió từ sông Gâm thổi lên đã pha chút hanh heo, bầu trời đêm trong veo, lấp lánh hàng triệu trệu ngôi sao. Bắc Mê có một di tích lịch sử cách mạng rất giàu ý nghĩa, trở thành địa chỉ đỏ về nguồn cho thế hệ trẻ…

Là vùng đất của người Việt cổ, có truyền thống đấu tranh cách mạng. Bắc Mê đang vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xứng đáng là vùng kinh tế động lực của miền cực bắc Tổ quốc.

Dòng sông Gâm chảy từ Cao Bằng, qua Bảo Lạc, Bảo Lâm, đoạn giáp ranh giữa Bảo Lâm - Bắc Mê, trong mắt tôi đây thực sự là một không gian sơn thủy hữu tình. Quốc lộ 34 phía trái lượn dưới chân dãy núi đá vôi thành dựng đứng 90 độ, bởi thế cung đường này râm mát quanh năm và đầy tiếng chim. Phía phải dòng sông Gâm trong xanh êm đềm trôi xuôi, ở đây có nguồn lợi thủy sản tương đối phong phú: cá dầm xanh anh vũ, cá chình, cá chiên... Riêng cá dầm xanh anh vũ, chuốt lá chanh, kẹp xả hương nướng trên than nghiến, uống với rượu mầm lúa nếp, tiếng dân tộc Tày gọi là “lẩu ngạt” thì nhớ suốt đời…

Cây cầu cứng dài hơn 100 mét, vươn sang bản Sáp (Yên Phú), đây là địa phận cũ của huyện Bắc Mê. Do có độ trượt lớn, địa chất không ổn định, nhiều lần mưa gió đã cuốn trôi cả dãy phố, nên việc di dời cơ quan đầu não của Huyện ra địa điểm mới là hợp lý. Từ đầu cầu phía nam, vượt qua con dốc dài, hướng Nà Hang (Tuyên Quang).

Trung tâm huyện lỵ Bắc Mê hiện giờ, nằm ở thôn Nà Nèn (Yên Phú). Bắt đầu san ủi mặt bằng tháng 9/1999 đến tháng 12/2000 cơ bản hoàn thành. Nằm trong một thung lũng núi non, giao thông thuận tiện, các công trình xây dựng đều đẹp và có chất lượng. Đặc biệt hơn trung tâm huyện lỵ có dòng sông Gâm uốn quanh, thuận lợi cho khách du lịch tham quan lòng Hồ thủy điện Tuyên Quang và nối dài đến Ba Bể (Bắc Cạn). Ở Hà Giang ít vùng quê nào được thiên nhiên ưu đãi đến vậy.

Bây giờ từ Thành phố Hà Giang, theo Quốc lộ 34 vào Bắc Mê chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ. Cuối Lac Nông, Yên Phú, Phú Nam, Yên Phong, dòng sông Gâm hiện ra chảy xuôi theo quốc lộ, những cánh rừng mở ra vô tận, độ che phủ của rừng Bắc Mê đạt trên dưới 60%...

Đến Bắc Mê không thể không nhắc đến căng Bắc Mê, như là một quái thai do thực dân Pháp đẻ ra để giam cầm các đồng chí cách mạng của ta bị bắt nhưng chưa kết án. Từ năm 1938-1942 có 2 đợt tù chính trị bị giam cầm ở đây khoảng 300 người. Cách Thành phố Hà Giang chừng 10 cây số, chúng ta gặp ngay con dốc “Long bánh chè gối”. Đứng trên đỉnh Tả Mò, phóng tầm mắt ra bốn hướng, Bắc Mê thật hùng vĩ, bầu trời chớm Thu trong veo, nắng vàng hanh heo se lạnh. Căng Bắc Mê tựa lưng vào đỉnh núi Pù Luông, Phia Khao, âm u dưới tán rừng tếch cổ thụ, phía dưới có con suối Pác Mìa từ hướng Yên Cường đổ về, phía xa là cánh rừng trẩu vàng lá đẹp như tranh vẽ thời Phục Hưng, căng Bắc Mê tĩnh lặng, bí hiểm, gợi cho thế hệ trẻ hôm nay nhiều suy ngẫm về một thời đất nước dưới nanh vuốt thực dân.

Cây cầu Bắc Bìu, bắc qua con suối rộng trong vắt (thuộc cây số 18 xã Yên Định) - Đây là chặng dừng chân đầu tiên của đoàn tù Cộng sản trên đường vào căng, bên kia cây cầu có khoảng gần 20 ngôi nhà của đồng bào, kinh doanh hàng hóa khá phong phú.

Cây số 35 thuộc Minh Ngọc đích thực dốc “Ngựa trụy thai”, đi 3 cây số là đến Nà Cắp, thuộc Lac Nông, đây là chặng thứ 2, các chiến sỹ cách mạng dừng chân. Ở bên này cây cầu cứng là làng bản dân tộc Tày Nặm Nựng, có ngót 200 ngôi nhà dân sinh sống. Mùa lúa chín vàng thoảng hương, những cánh rừng tạp giao xanh biếc, rì rào trong nắng. Suối Nà Cắp trong veo, vịt ngan béo mập lặn ngụp tìm mồi. Ở đây đồng bào ít khi bán vịt, nuôi béo mổ thịt đồng bào còn thu được chút ít vàng tấm trong bao tử từng con.

Đúng là vào Bắc Mê mới gặp nhiều sự lạ…

Chặng thứ 3 là từ Nà Cắp vào căng - chốn địa ngục trần gian, có đi, không trở lại kinh hoàng một thuở. Đứng trước làng quê đổi mới, giàu có, không hiểu sao tôi lại bùi ngùi, nhớ các anh và cảm đươc hơi ấm từ những tâm hồn cao cả. Trong gian lao thử thách vẫn nuôi lớn ý chí cách mạng cho dù bị đày ải, thân hình mang đầy thương tích.

Trước năm 1938 khu vực căng Bắc Mê là một đồn binh nhỏ của thực dân Pháp dựng lên để án ngữ con đường thông giữa 3 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, heo hút, hiểm trở, rừng thiêng nước độc.  Qua thời giam đồn binh được mở rộng, xây dựng thêm nhà cửa, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân. Củng cố thêm nhà bang tá cơ quan hàn chính địa phương. Canh gác có khoảng 100 lính khố xanh và một số cai đội người địa phương. Hàng ngày chúng bắt tù nhân lao động khổ sai: đóng gạch, nung vôi, xây cất nhà cửa bốt gác…

Chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, những bữa ăn đạm bạc chỉ có gạo hẩm, cá mắm… nhưng không làm các chiến sỹ cộng sản của ta nhụt chí. Các đồng chí thành lập 1 Chi bộ Đảng do đồng chí Trần Hiệu làm bí thư, hoạt động có hiệu quả, lãnh đạo anh chị em đấu tranh, chống khủng bố, đòi cải thiện đời sống…

Nhà văn Nguyên Hồng lúc đó là đoàn viên thanh niên phản đế cũng bị giam cầm tại đây. Nhà văn đã viết tiểu thuyết Đàn chim non lúc đang ốm nặng, phải nằm đọc cho đồng chí Trần Các (sau này là giám đốc công ty xuất nhập khẩu sách báo - Bộ Văn hóa ghi hộ). Viết xong ông cất giấu lên mái nhà. Bọn cai ngục biết liền gọi nhà văn lên dọa nạt: “Anh đã viết truyện truyền bá tư tưởng đen tối”. Nguyên Hồng trả lời: “Đây là việc truyền bá tư tưởng tiến bộ cho nhân dân Việt Nam, chứ không phải tư tưởng đen tối”. Nguyên Hồng là nhà văn có cá tính và dễ xúc động, nhưng trước kẻ thù ông tỏ ra cứng rắn, khúc triết và sâu sắc. Từ đó bọn cai ngục nhìn nhà văn với con mắt nể trọng.

Hoạt động của chi bộ nhà tù đã có ảnh hưởng lớn đến phong grào cách mạng ở những địa bàn xung quanh, một số làng bản đã trở thành cơ sở hoạt động của Đảng bộ địa phương trong những năm 1940-1945 như bản Loòng, Đường Âm.

Sang năm 1943, trước tình hình cách mạng sôi động trong toàn quốc và cuộc đấu tranh quyết liệt của anh chị em tù chính trị ở căng Bắc Mê. Thực dân Pháp lo sợ phải chuyển số tù nhân ở căng Bắc Mê đi giam giữ nơi khác. Các đồng chí Xuân Thủy, Lê Giản, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Văn Hiệu bị đầy đi Madagascar. Nhà văn Nguyên Hồng và một số đồng chí khác bị đầy sang Chợ Chu (Thái Nguyên).

Từ năm 1943 trở đi, căng Bắc Mê trở lại là một đồn biên phòng cho tới tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Vào thời kỳ dựng nước và giữ nước, Bắc Mê mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng đều thuộc một phần của Châu Vị Xuyên (Trấn Tuyên Quang của nhà nước Đại Việt). Ngày 20/8/1891 tỉnh Hà Giang đươc thành lập, Bắc Mê là 2 trong 5 tổng của Châu Vị Xuyên với tên gọi là tổng Yên Phú và Tổng Yên Định. Ngày 01/01/1984, huyện Bắc Mê được thành lập, có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 dân tộc anh em chung sống, đoàn kết. Tiềm năng lớn nhất của Bắc Mê là kinh tế nông lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, kết hợp với nguồn lợi thủy sản. Sự nghiệp Giáo dục, Y tế. Hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm… được Huyện đầu tư chăm lo. Ngoài căng Bắc Mê là địa chỉ đỏ về nguồn rất có ý nghĩa, Bắc Mê còn có đi tích Nà Chảo, Đán Cúm thuộc xã Yên Cường cái nôi của người Việt cổ cách thời gian chúng ta sống trên dưới 10.000 năm, còn phải kể đến bãi đá cảnh thuộc xã Thượng Tân với hơn 100 bức tượng đá do kiến tạo của tự nhiên để lạị, cũng là điểm mời gọi du khách tìm đến…

Từ ngày thành lập đến nay tôi biết Bắc Mê đã gần nửa thế kỳ trưởng thành và phát triển. Bắc Mê - Vùng đất cách mạng, kháng chiến, xứng đáng là một trong những vùng kinh tế động lực của miền cực Bắc Tổ quốc.

Tôi mang trong lòng nghĩa tình của một vùng quê hùng vĩ, tươi đẹp về xuôi, có tiếng sóng ì ầm của dòng sông Gâm vỗ về như nhắn nhủ hẹn ước một ngày trở lại…

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm