April 26, 2024, 6:37 pm

Nơi yên tĩnh nhất của con người là yên tĩnh trong tâm hồn

   

Chân thân là tập thơ thứ tám của nhà thơ Trần Ngọc Tuấn và là tập thơ thứ ba nhà thơ sáng tác dưới ánh sáng của ngọn bạch lạp Thiền học. Bắt đầu từ Suối reo, rồi Hiện hữu đã “dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng” nhưng vẫn còn níu chất đời, chiêm nghiệm sự đời: “Đứt dây/ Con rối/ Ngoan hiền/ Nằm yên/ Kho cũ/ Ngoài miền trống chiêng (Yên - Hiện hữu). Với Chân thân Trần Ngọc Tuấn đã hoàn toàn “vượt thoát”. Anh tự hỏi: “Người trong gương có phải mình/ Hay là ảo ảnh hiện hình chân thân?”. Chân thân chỉ thân thể của người tu hành đắc đạo. Ảo ảnh ư? Hiện được lên gương thì đã “gần” lắm rồi!

Nơi yên tĩnh nhất của con người là yên tĩnh trong tâm hồn: “Về ngồi giữa đỉnh núi non/ Nghe tâm thanh lọc mất - còn - có - không (Giữa núi). Tuyệt vời, thú vị làm sao khi được về sống giữa thiên nhiên nguyên sơ, trong lành, với tình cảm ấm áp: “Ngôi nhà bên suối/ Tịch liêu/ Một vầng trăng sáng/ Thương yêu bên thềm” (Về). Cảnh sắc trong thơ Chân thân là những cảnh sắc đẹp vẻ thanh tịnh, tuyệt đối trong lành, tuyệt đối yên tĩnh, thoát mọi bon chen, tục lụy. Đấy là nơi “hoa bay cùng người”, nơi tâm hồn tỏa hương thơm “Hương tâm/ Dịu nỗi có không kiếp người”. Là một lối sống ung dung, tự tại: “Vàng bay/cánh bướm vời hoa. Suối sông tự tại bài ca núi rừng”. Sự thanh sạch của tâm hồn chính là tiên cảnh của con người.

Nhưng Chân thân không phải hoàn toàn thoát ly, xa cách với “phàm trần”, thi sĩ đã chỉ ra một lối đi, một phương cách sống: “Lang thang trong cuộc lữ hành/ Con đường trung đạo đã thành lối quen” (Trung đạo). Nên đi con đường hy vọng sẽ mang lại hạnh phúc cho mình nhưng đồng thời cũng phải đem lại phúc lợi cho người khác nữa, tránh những ham mê thái quá đắm chìm trong dục lạc và tránh cả sự tu hành khổ hạnh. Kiếp người, kiếp cỏ cây cũng khó nhọc lắm! “Đi trong hoang vắng cỗi cằn/ Thương cho cây cỏ nhọc nhằn tử sinh” (Thương). Thương cho những tham vọng, sân si: “Bên dòng sông cạn/ Sao còn buông câu?”. Buồn cho những phận đời “lơ ngơ đào kép”. Khép màn rồi, vãn tuồng rồi lại thương chính mình “buồn buồn xướng ca”… 

*

Ngôn ngữ thơ trong Chân thân cô đúc, kiệm lời, nén chữ. 48 bài thơ trong tập duy nhất có một bài 12 câu còn lại là thơ 2 câu và 4 câu, có một vài bài thơ 5, 6 câu thực chất chỉ là thơ 2 câu, 4 câu ngắt nhịp cho bật lên ý thơ muốn chuyển tải. Nhiều bài thơ đặc sắc ở sự chọn từ, ngắt nhịp hiệu quả. Nhiều câu chữ sáng lên trong nhịp thơ. Nhiều chữ dùng đắt, ví dụ: “Mặc thu vàng lá. Mặc đông buốt chiều”. “Thu vàng lá” thì bình thường nhưng “đông buốt chiều” đã là cả một sự dụng công nghệ thuật.

Nguồn Văn nghệ số 07/2020


Có thể bạn quan tâm