April 26, 2024, 7:07 am

Nỗi niềm của một người lính*

Đó là hơn hai trăm bài thơ của Phạm Tuấn Nhung được tập hợp thành một tập có tựa đề Nỗi niềm năm tháng. Theo tác giả cho biết thì đây là tập thứ hai và tác giả quan niệm đây chỉ là Ngày tháng ký. Còn tôi sẽ gọi là Nhật Nguyệt ký… Thôi thì cách gọi thế nào tùy ở tâm thế mỗi người đọc, nhưng xin trích bài thơ lục bát sau của tác giả để hiểu thêm nỗi niềm của một người ở cái tuổi trên thất thập đã trải qua bao nhiêu gừng cay muối mặn của cuộc đời: Sớm chiều dao bộ quanh hồ/ Lắng nghe miễn phí bi bô chuyện đời/ Buồn vui ứa lệ mà cười/ Vơ vào thơ thẩn chuyện người quanh ta/ Để tìm khoảng lặng… để mà.

Bài thơ có tên là được viết trong ngày hội thơ của năm 2016.

Viết thì cứ khơi khơi như thế, nhưng nỗi niềm nặng trĩu, buồn vui, chuyện của người ta mà cứ coi là chuyện của mình thì chỉ có ở tâm thế của một người yêu đời yêu người. Nhẩn nha âm hưởng của lục bát nhưng khía vào người đọc sự ngỡ ngàng bừng sáng, sự ứa lệ của người viết để người đọc ngộ ra rằng với thơ không bao giờ lẩn thẩn cả mà khoảng cách mỗi câu mỗi chữ đều có một khoảng lặng trĩu lòng.

Phạm Tuấn Nhung là người lính chiến đã có măt ở chiến trường Tây Nguyên hơn mười năm “Lính trận hơn chục năm/ ở chiến trương tám lẻ/ đã nhiều lần thoát nạn/ y như là đóng phim”. Viết về những năm tháng ấy vừa têu táo vừa ngạo nghễ yêu đời, bài thơ như câu chuyện thực nhưng người đọc bất ngờ khi đoạn kết anh viết: “bốn đồng đội ngày ấy/ bây giờ đang ỏ đâu/ mình ở Tây hồ đấy/ ước mong biết tin nhau…”. Người lính là thế, sau cuộc chiến bình an trở về luôn luôn tìm nhau, nhớ nhau... 

Và tập thơ cứ như những thước phim quay chậm khi thì hướng về nội tâm, khi thì quay ra ngoại cảnh tất cả được xuất phát từ nỗi niềm của người viết

Bài thơ Thà làm cỏ là anh viết về ước nguyện của một con người sau khi đã bị quăng quật ở cuộc đời, mong một chút bình yên của ngọn cỏ, mong được sống cuộc sống bình dị nhất: Thà cứ làm cỏ hoang/ bò lan trên mặt đất/ thấp nhất dưới gầm trời/ mà sach xanh nồng ngát…”. Sự cao sang của cỏ đã làm vợi đi bao rối rắm cuốc đời. Bài thơ làm cho người đọc bất giác nhớ tới câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Tôi hỏi cỏ/ Cỏ sống với nhau như thế nào?/ Chúng tôi đan vào nhau/ làm nên những chân trời…. Còn Phạm Tuấn Nhung thì: “thân phận thấp nhỏ nhoi/ vẫn ngẩng đầu vươn tới/ cỏ leo lên trên núi/ cỏ vẫn là cỏ thôi…”. Có thể nói Thà làm cỏ là một bài thơ hay. Đoạn kết vừa trích dẫn khiến người đọc nhẹ lòng biết bao nhiêu, câu thơ làm cuộc đời bớt đi nhiều tham vọng biết bao nhiêu... Vâng, đúng như anh viết “cỏ vẫn là cỏ thôi”, câu thơ phảng phất triết lý nhà phật, từ bi, khiêm nhường...

Rồi anh nhớ về tuổi hoa niên trong trẻo, nhớ về con đò dòng sông bến nước, dù thành phố là nơi anh nhiều năm trú ngụ thì nơi ấy mới là nơi anh gửi gắm. Cũng là sự dung dị của lục bát, nhưng ở bài này, người đọc còn nhận ra một nỗi niềm sâu thẳm: Giá mà trở lại hoa niên/ Ta về khai phá cái miền cửa sông/ Vào thăm bến vắng lông chông/ Xuôi chèo đón tổ rồng rồng sang ngang/ Bên này đồng bãi thênh thang/ Phú sa màu mỡ chứa chan lòng người.

Xuôi chèo đón tổ rồng rồng sang ngang” không những là một phát hiện mới về cảnh quê, mà còn là một câu thơ hay.

Cùng một triết lý gốc này, ở bài Hồn cốt anh lại có cách viết khác, tung tẩy và khoáng đạt hơn nhiều. Bài thơ viết về cái lọ lục bình, tài hoa cuả nghệ nhân phải là tái hiện cốt cách của đất…

Bài thơ như sau:“hùng hục lấy đất/ nhào nặn/ đắp lò/ nung đốt/ dỡ lò/ bình ra bình/ hàng tốt/ quái/ càng dùng/ càng thấy lạ/ có phải của mình/ thôi/ đúng rồi/ mình chỉ làm dược phần cốt/ trời cho cái phần hồn/ hay dở trời định cả/ khỏi bàn...

Những động từ mạnh làm giọng thơ khỏe, những câu ngắn tao nên sự khúc chiết của thơ, và câu cuối là một triết lý sâu sắc: làm gì thì cũng phải giữ lấy phần hồn…

Tương tự như thế, bài Làm người cũng là một triết lý, một thái độ ứng xử với cuộc sống thật từng trải. Xin trích nguyên văn: Đời buồn nhìn trước ngó sau/ Câu thơ cứ đọng nỗi đau phận đời/ Nhân tình thế thái ai ơi/ Sống sao lòng được thảnh thơi về già/ Đời mình một hạt mưa sa/ Rơi vào đâu vẫn cứ là hạt trong/ Một mai trở lại biển Đông/ Hòa chung con sóng về sông Ngân hà/ Hạt cát sach, lắng phù sa/ Tan vào khoảng lặng câu ca làm người…

Nhưng câu lục bát chân tình, những lời thủ thỉ da diết, những khát vọng bình dị mà có phần khiêm tốn… Với người làm thơ, có thể gọi đó là một bài lục bát xuất thần.

Từng là một người lính, trở về lại là một cán bộ thanh tra ở một công ty kinh doanh, cái nghề luôn đòi hỏi phải lạnh lùng, chặt chẽ. Song Phạm Tuấn Nhung luôn có cách nhìn với cuộc đời đầy bao dung và độ lượng. Anh quan niệm sống ở trên đời là nợ, giống như quan niệm “Sinh ký tử quy” của đạo phật. Hình như khi đã trải đủ dắng cay mặn ngọt của cuộc đời, người ta dễ ngộ ra điều ấy. Tôi lại muốn trích một bài lục bát khác của anh và để khẳng định một tâm thế. Đó là bài Sống: Đã từng chín núi mười sông/ Lửa thiêu, bão giật cũng không sờn lòng/ Sự đời tâm trạng bòng bong/ Câu thơ ký gửi long đong nỗi niềm/ Nợ đời gánh nặng triền miên/ Cũng rồi buông hết ưu phiền mà đi/ Dù đời khi bấc khi chì/ Đã chồn bốn vó vẫn phi hết chiều…

Thái độ sống của một người lính trong anh là “đã chồn bốn vó vẫn phi hết chiều”, một hình ảnh văn hoc khá đắt. Qua bài lục bát này, càng thấy trân quý người viết biết bao nhiêu

Cũng như nhiều người đến với thơ sau khi đã dành hầu hết những năm tháng của cuộc đời cho những va vấp, chiêm nghiệm; dòng chảy chủ đạo trong tập thơ của Phạm Tuấn Nhung là những luận giải có phần về cuộc sống. Anh có những bài thơ ngắn về mạch này rất cô đọng: “chiến tranh qua đi/ tro tàn/ lửa/ còn vẫn cháy…”. Điều này ai cũng thấy, cách nói này nhiều người dung, nhưng cách nói của Phạm Tuấn Nhung dễ thấm hơn nhiều.

Với những bài thơ về thế sự, những đề tài tưởng như rất cũ, nhưng vào thơ anh, hình tượng trong thơ sống động khác thường: “nhờ gỗ làm tổ/ chưa có bụng đã có răng/ ngọ nguậy là biết gặm/ rắn mềm xơi được tất/ đục khoét đẫy tễ rồi/ lột xác/ bay…

Một lối viết hóm hỉnh, sâu cay.

Câu thơ sau đây không chỉ là một quan niệm khác về thơ, mà còn là một triết lý về những giá trị của cuộc sống: “thời gian làm một bài thơ/ không thể tinh được/ ngày tháng…//… thời gian đọc một bài thơ/ mấy giây mấy phút…”

Phạm Tuấn Nhung còn nhiều câu thơ cô đọng khác như vậy…

*

Tôi muốn dành đôi dòng để nói về những bài thơ anh viết cho con trai, một ước mơ cháy bỏng, một tình yêu da diết của người lính trong hòa bình. Anh viết: “không cần tiền/ mà chỉ cần con...”. Những chữ anh viết cho con như rút ruột, quặn thắt, như máu ứa ra trên từng con chữ…  Hy vọng ở con bao nhiêu, anh thất vọng bấy nhiêu khi đứa con không được như mong muốn: … Vực thẳm khổ đau chưa thấy đáy/ Cổng trời mở đón bất kỳ ư….

Và đây nữa: “Chiều muộn/ Ráng quái hoàng hôn vàng ệch/ chân trời xám xịt màu chì/ ánh chớp vọt cày ngang dọc…” hoặc “ai chưa thấy hết/ ai muốn tránh xa/ ai hiểu thấu đoạn trường nhức nhối/ cảnh bĩ cực mỏi mòn tàn lụi/ con đương hầm chưa có lối ra…”… là những câu thơ như xé tim gan của một người cha…

Có lần thấy anh ốm mà vẫn lăn lóc làm thơ, tôi bảo anh, đừng làm thơ nữa. Anh bảo: Không làm thì chết à!...

Vâng! Không làm thì chết. Vậy nên cứ làm thơ đi anh ạ. Còn thơ là vẫn con hy vọng…

_______

* Đọc thơ Phạm Tuấn Nhung.

Nguồn Văn nghệ số 14/2020


Có thể bạn quan tâm