April 27, 2024, 12:36 am

Nỗi niềm

 

            Thiếu phụ có thân hình mảnh dẻ, khuôn mặt còn vương vất nhiều nét mặn mà. Tuổi đã gần bốn mươi nhưng trang phục lại như thiếu nữ. Áo xít đỏ hở vai bó sát cạp chiếc quần bò lửng màu trắng, hai ống tước tua rua. Thiếu phụ lững thững ra quán nước của chị Béo dưới gốc cây bàng. Mặc khách ngồi quanh đang chờ mua kết quả sổ số, mặc họ đang sôi nổi “buôn gió”. Thiếu phụ kéo chiếc ghế nhựa ngồi sát bên chủ quán. Vừa hỏi, thiếu phụ vừa hướng vào trong ngõ:

          -  Chị Béo có thấy người đàn ông  mới dọn đến lạ lắm không? Hôm chị nhờ em đưa túi thực phẩm vào, ông ta không ngẩng lên, chỉ nói, “cảm ơn”, xong lại cúi xuống cuốn sách.

           Giọng thiếu phụ như trút sang người nghe nỗi hậm hực.

         -   Chủ nhân như quên hẳn em đang đứng trong nhà mình. Không nỡ để đồ ăn xuống đất, nên em cứ đợi anh ta đứng lên nhận. Mỏi quá, em đành chủ động gọi: ‘Anh gì…ơi!”  Lúc ấy anh ta mới rời bàn làm việc, hờ hững nhận túi thực phẩm, hờ hững trả lại em một lời. “Xin lỗi chị”.

  Ghé sát tai chị Béo, thiếu phụ nói nhỏ,  như vừa khám phá ra điều bí mật của người hàng xóm mới.

       -   Lạ lắm chị Béo ơi. Chiếc giường đôi kê sát cửa sổ chỉ có mỗi cái gối, còn trên góc bàn làm việc, đến mấy chai rượu tây các loại. Trong nhà chẳng có gì ngoài sách. Sách xếp đặc các tầng trong ba giá gỗ.

           Chị Béo vừa cười vừa hỏi:

       -   Cô Lài thấy anh ấy thế nào?

       -  Hãi. Mắt lạnh tanh, Trông như người rừng.

           Chợt ai đó nói khẽ: “Hắn kìa”. Mọi ánh mắt ngước nhìn người đàn ông tầm thước, trong sắc phục màu chàm. Họ nhận thấy, khuôn mặt người này đậm chất đàn ông, trán cao, miệng rộng, nhân trung sâu, mái tóc muối tiêu búi như củ tỏi sau gáy.  Chỉ vì râu quai nón không chịu cạo, nên trông hơi hoang dã, riêng đôi mắt anh ta sáng và buồn chứ không lạnh như Lài nhận xét.

*

           Cầm khoản tiền đền bù từ khu lắp ghép sắp phá dỡ, Tấn mua căn nhà cấp bốn tại Ngõ Cụt. Nơi đây, nguyên là một phần khu tập thể của xí nghiệp dược. Từ ngày cổ phần hóa, họ đã xây bức tường chắn ngang con đường vốn thông sang hai phố khác. Chẳng hiểu ai đã viết chữ Ngõ Cụt trên tấm tôn, chiều rộng, chiều dài chưa đầy ba gang tay, xung quanh đã rỉ sét, treo trên gốc bàng đầu ngõ. Tấn nghe nói, gần chục năm rồi thư từ báo chí từ bưu chính cũng mặc nhiên với cái tên ấy.

           Ngoài sự hài lòng về căn nhà nhỏ xinh của mình, Tấn chỉ mặc cảm mỗi khi chạm phải ánh mắt nửa tò mò nửa  khêu gợi của thiếu phụ trang phục kệch cỡm ở nhà đối diện. Đã thế, đêm đêm sau hai cánh cứa khép hờ ấy, tiếng cô ta khê rè, không ra ru hời không ra hát, cứ ê a trong sự yên tĩnh của con ngõ, nghe  đến não nuột.

                 “… Ơi!… hời…

                 … Mẹ đi vòng suốt vành nôi …

                    vẫn không tìm thấy nụ cười của con…

                     mỗi ngày nhặt một héo hon…

                     đem về chôn giữa mỏi mòn ai hay… ”(*)

           Mãi sau này, chị Béo mới cho hay. ‘‘Lài đã bị ruồng bỏ, vì cái tội ba lần sinh nở đều không ra con người. Từ khi nhà chồng  bồi thường tuổi xuân bằng căn nhà một mái kia, cô ấy không còn bình thường nữa, lúc khôn lúc dại.  

           Sau khi biết chuyện, mỗi lần bạn hữu  đến thăm hoặc Đồng đánh xe đón đi ăn, Tấn không còn khó chịu với đôi mắt như úng nước ấy nữa. Đồng thua Tấn gần mười tuổi, là học sinh phổ thông đỗ vào Đại hoc sư phạm Hà Nội. Tấn là sinh viên cũ, sau giải phóng Miền Nam trở về trường học tiếp. Tốt nghiệp, Đồng không đi dạy mà lại làm kinh tế. Làm giỏi mới lạ. Hiện, Đồng là giám đốc công ty xuất khẩu hàng mỹ nghệ lớn nhất thành phố. Từ ngày vào trường, Đồng xem Tấn như anh trai mình. Biết anh khí khái nên Đồng thường lấy cớ tiếp đối tác của công ty để mời anh đi dự các cuộc chiêu đãi. “Tớ biết gì về công việc của chú mà ngồi tiếp họ”. Đồng nói để anh yên tâm:  “Anh chỉ cần kể dăm ba giai thoại hài hước cho vui là chính, trong bàn ăn mọi công việc chỉ là phụ”. Lúc chia tay, bao giờ Đồng cũng nhét vào túi Tấn một phong bì vài triệu, hoặc một chai rượu ngoại. Đồng nói đây là lộc, anh không được từ chối. Tối nay, Đồng lại bảo: “Đối tác này uống rượu như uống nước lã, em không đọ nổi. Anh phải giúp em thôi”.   

          Không rõ, Đồng mở chai rượu gì mà êm quá, càng uống càng vào. Rượu ngấm. Đồng đưa mình về lúc nào Tấn cũng không nhớ nữa.

*

            Ánh trăng cuối thu quét qua song cửa sổ hắt vào trong nhà bóng sáng bàng bạc mờ ảo. Gió lay cánh rèm chạm vào má anh nhồn nhột, Tấn muốn kéo tấm rèm lại, nhưng không giơ cánh tay lên nổi. Bỗng tiếng cười khúc khích quen thuộc. Nàng cúi xuống khẽ luồn mấy ngón tay vào cằm, mơn man những sợi râu của anh. Nhột quá. Hôm nay nàng mặc quần áo lụa trắng mỏng như sương, càng nổi lên đôi vú tròn căng, bờ mông hằn rõ vành quần lót. Nàng gỡ tóc. Mái tóc dài rũ xuống, tràn qua bờ vai nàng, tràn xuống vai anh. Hương bồ kết trộn hương sả quen thuộc làm anh rạo rực. Tấn thì thào: “Em đấy ư”? “Vâng, em đây”. Gạt mái tóc ra phía sau, nhẹ nhàng trút bỏ quần áo, nàng lựa mình nằm xuống, ngả đầu trên ngực anh. Anh xoay hẳn người lại. Một tay luồn qua gáy nàng, tay kia lướt dọc tấm lưng thon lẳn. Toàn thân nàng mềm mại áp sát vào người Tấn. Anh hôn lên đôi mắt nồng nàn khao khát, hôn lên đôi môi khêu gợi, hôn lên khuôn mặt phảng phất nét tươi mát như trẻ thơ của nàng. Tấn ôm ghì vợ trong vòng tay, úp mặt mình xuống giữa đôi vú căng mẩy, sung sướng đến nghẹt thở. “Lâu quá rồi, phải không em”? Nàng chỉ cười, dụi môi vào cổ vào má anh.

           Con Thạch Sùng nằm đối diện Tấn. Nó tắc lưỡi từng tiếng sắc gọn, như đánh thức chủ nhà. Hé mắt nhìn lên. Trần nhà không cao, nên anh nhìn rõ bụng con Thạch Sùng căng tròn, cái đuôi dài gần bằng thân của nó cứ ngoắt bên này lại ngoắt bên kia. Nhẹ nâng cánh tay vợ khỏi ngực mình để dậy trước, nhưng anh không thấy cánh tay của nàng, chỉ có chiếc phong bì dày cộm trên túi ngực. Huơ tay quanh mình để nhận biết cảm giác hiện tại, chợt thấy quần lót ướt dính, anh bàng hoàng tỉnh hẳn.

       Lúc này Tấn mới láng máng nhớ ra, khi dìu anh vào nhà, Đồng đã nhét chiếc phong bì này vào túi mình. Con Thạch Sùng vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Tấn nghĩ: Chắc nó đã nhìn thấy cơn mộng dục của mình, cố thả lỏng cơ thể, anh tập trung vào một điểm thiền. Nhưng càng cố không suy nghĩ, hình ảnh của nàng càng hiện về sống động.

*

          Trước kì nghỉ tết năm ấy, Tấn được trường giao trách nhiệm dẫn đoàn sinh viên khoa văn  tham gia chiến dịch trồng cây tại lâm trường Thanh Sơn. Mưa cuối đông rả rích hơn nửa tháng, đã giúp toàn đoàn nhanh chóng phủ kín số lượng cây giống trên mảng rừng bị cháy trụi năm ngoái. Chưa đến giờ thu quân, mọi người tản mạn ngắm phong cảnh của khoảnh rừng nguyên sinh bên sông Mã. Riêng Tấn phải ở lại cùng một cán bộ kĩ thuật nghiêm thu thành quả lao động. Chợt. Hai người vội chạy đến phía có tiếng kêu: Cứu… cứu với.

           Cô gái mũm mĩm, mặt cắt không còn giọt máu chạy trước dẫn đường tới gốc cây vả. Mắt nhòe nước, giọng cô run như đuối hơi.

        -  Em đã bảo Huệ đừng trèo lên cao nữa. Không những không xuống nó còn cởi áo bảo hộ quấn quanh lưng làm túi để hái vả mang về cho mọi người. Nó còn nói. “Ở quê, tớ trèo ổi đã quen rồi”. Chỉ vì với tay hái thêm mấy quả chín mọng trên cành cao, cái địu vả lắc ngang, mất thăng bằng nên mới rơi xuống hố này.

            Vạch đám cỏ dây nhìn xuống, Tấn khẽ thốt lên.

- Cái hố vừa hẹp lại sâu hoắm. Hi vọng dưới ấy không có rắn rết.

            Người cán bộ kĩ thuật khẳng định.

- Đây là nơi đất nứt do trận lũ quét vừa rồi. Dưới ấy không có rắn rết đâu, chúng chỉ ủ mình ở nơi lá cây ải thôi.

          Túm dây cỏ leo, Tấn nhảy xuống. Huệ nằm nghiêng, một tay chống đất, một tay đỡ chân trái, toàn thân nhày nhụa đất nhão lẫn quả vả vỡ nát.

- Em bị gãy chân rồi.

          Lắc nhẹ cổ chân Huệ, biết chỉ bong gân, Tấn cười.

- Có khi gẫy thật. Lên khỏi hố này, em ăn thêm mấy quả vả nữa sẽ lành ngay thôi.    

   Khuôn mặt như trẻ thơ của nàng nửa khóc nửa cười nhìn người cứu mình.

- Nào, em đặt chân không đau lên lưng anh nhé.

         Tấn lựa người khom lưng, trồi tụt mấy lần anh mới đỡ Huệ ngồi được lên vai mình. Người dưới đẩy, người trên kéo. Lên miệng hố, cả ba người nói mãi Huệ mới để Tấn cõng về trạm xá lâm trường. Nàng bám hai tay vào vai Tấn, nhưng vẫn giữ khoảng cách với cơ thể anh. Tấn biết Huệ miễn cưỡng ngồi trên lưng mình, nhưng dốc trơn thế này, cả hai ngã thì nàng còn đau nữa.

- Em có thể áp sát vai anh hơn chút được không, khó đi quá.

           Nhịp tim nàng đập mạnh, loạn sang cả nhịp tim Tấn, hơi ấm từ vồng ngực nàng, khiến bước anh chuyệnh choạng. 

           Sau đợt trồng cây ấy không lâu, Tấn gặp Huệ ngoài cổng trường, chắc nàng đang chờ ai, anh chào rồi đi qua.

- Anh Tấn! Sao cứ tránh em.

- Ồ không. Ai lại tránh hoa khôi của khoa mình chứ. Chân em khỏi hẳn chưa?

Hai má nàng ửng lên, vừa ngoảnh sang hàng cây bên đường vừa nhỏ nhẹ đủ cho người đối diện nghe rõ.

- Em hết đau từ lúc được anh cõng cơ. Em cảm ơn anh.

- Khi ấy, ai chẳng hành động như anh, em đừng nhắc lại nữa.

Tấn định nhảy lên xe, nàng vội níu anh lại.

- Em nghe các bạn nói, anh có cuốn; Chuông nguyện hồn ai của Hemingway, anh có thể cho em mượn được không ạ? Chỉ một tuần em trả ngay.

- Sáng mai lên lớp anh đưa cho, bao giờ trả cũng được.

Nàng cảm ơn, rồi như tia nắng tràn vào tốp sinh viên đi về phía kí túc. Một tuần sau. Đúng điểm gặp hôm trước, Huệ lại đợi Tấn.

- Em trả anh cuốn sách đây ạ.

- Em đọc nhanh thế?

- Em đã say thì đọc nhanh lắm. Mấy chỗ em gấp mép đánh dấu khi đọc, anh vuốt lại giúp em nhé.

Tấn gật đầu, cầm cuốn truyện bỏ vào kẹp sách, anh nhảy lên xe không ngoái lại. Gió ù ù phía sau như đuổi theo người chạy trốn chính mình. Tấn tự biết, mình đã quá lứa so với lớp sinh viên như Huệ. Với nàng. Cô gái có đôi mắt đen láy trên khuôn mặt ngời ngời như nắng mai ấy, anh càng không mơ tưởng tới.

Quên cả lời Huệ nói vuốt lại mấy nếp gấp, Tấn cầm cuốn truyện đặt lên vị trí cũ trên giá sách. Có lẽ số phận đã khiến nó tuột khỏi tay anh, rơi xuống nền nhà. Từ trong cuốn truyện, văng ra ngoàỉ một phong thư gấp bằng giấy kẻ ô nhỏ. Trong thư chỉ vẻn vẹn vài từ “Em yêu anh. Huệ”. Phút chốc, vừa cảm giác như bị say sóng, vừa mụ mị như mất hồn. Tĩnh tâm lại, Tấn cho rằng nàng đang diễu cợt mình. Từ đấy anh càng cố tình tránh Huệ, xem như mình chưa biết những dòng thư kia. Mãi sau ngày liên hoan chia tay ra trường, Đồng mới lạnh lùng nói: “Trên đời này chẳng có ai khờ như anh. Huệ đã tâm sự hết với em. Cô ấy còn nói, chắc anh đã có ai rồi, nên mới dửng dưng như thế”. Tấn nhớ lúc ấy, anh bật dậy bế bổng Đồng lên quay mấy vòng vẫn không thấy mệt.

Từng giây phút, hạnh phúc như dòng nước mát thấm vào tâm hồn người trai ngoài ba mươi. Một năm sau khi cưới, biết sắp được làm cha, niềm vui trong anh cứ lâng lâng như ngày mới có nàng.

*

Tấn Không dậy nổi, bởi kí ức lại dắt anh về cái đêm mùa đông đưa vợ đi sinh. Hình như giá buốt trên thế gian này đã dồn tất vào mùa đông năm ấy, mỗi lần nhớ lại anh vẫn tê tái.

Đêm Huệ trở dạ, gió mùa vẫn bổ sung. Các cây cổ thụ dọc ngang trong bệnh viện đồng vọng những âm thanh méo mó man dại. Đã thế. Ánh sáng lạnh lẽo từ mấy bóng đèn tuýp đổ xuống hành lang dài hun hút của khoa sản, càng làm cho nơi thoát thai những sinh linh mới của cõi người vừa thiêng liêng vừa nghiệt ngã.

Chắc đau lắm, khuôn mặt Huệ lúc gồng lên cố chịu, lúc lại nhăn nhó rên rít sâu trong họng. Bước vào phòng cách ly, người vợ trẻ nhách miệng cười để chồng yên tâm.

Xung quanh vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có người ra vào. Không rời mắt khỏi cánh cửa kính đục khép chặt, với dòng chữ “Cấm vào”, anh hà hơi vào hai lòng tay chà xát mạnh lên mặt, cố làm ấm hơn sự chờ đợi. Ở trong ấy nàng đang vượt cạn một mình. Đồng hồ đã chỉ 2giờ 30. Căng thẳng quá. Hồi ở chiến trường, trước giờ xuất trận, một mất một còn cũng không đến nỗi hồi hộp như thế này. Cửa phòng vô trùng khẽ mở. Tấn bật dậy lao về phía ông bác sĩ đang bước từng bước nặng nề đi ra.

- Anh là người nhà của sản phụ Nguyễn Thị Huệ?

- Vâng.

- Mời anh vào phòng tôi.

Hai đầu gối Tấn sắp quỵ xuống vì nét mặt nghiêm trọng của bác sĩ. Gọng ông trầm, oải.

- Con anh là một bọc thịt nặng ba cân tư. Bên trong bọc thịt ấy có quả tim vẫn sống theo nhau thai…

Tai Tấn ù đặc. Anh không nghe rõ ông bác sĩ nói tiếp những gì. Trong anh chỉ hiện ra nụ cười của vợ cách đây vài giờ.

- Còn vợ tôi, thưa bác sĩ.

- Anh phải thật bình tĩnh, tình trạng hiện tại rất xấu. Chị nhà truỵ tim do bị xốc đột ngột, đang hồi sức cấp cứu. Chúng tôi muốn có mẫu máu của anh. Ông bác sĩ vừa viết tờ phiếu xét nghiệm vừa nói.

- Đi hết hành lang rẽ trái là phòng sinh hóa.

Gần sáng, gió đã lặng. Trong những tán cây vẫn thẫm màu đêm. Hành lang dài toát lạnh.Tấn vòng đi vòng lại dọc hành lang ấy không biết bao nhiêu lần nữa. anh đếm ngược rồi lại đếm xuôi từ một đến một trăm, từ một trăm về một, để quên đi sự bồn chồn lo lắng đang đè nặng tâm hồn mình. Chợt. Hai cánh cửa kính mờ đục của phòng sinh mở toang. Trong ấy không còn ai. Người ta đẩy Huệ ra ngoài trên chiếc băng ca trắng, tấm vải trắng toát trùm suốt thân thể nàng. Một tốp bác sĩ, y tá khẩu trang trắng, đồng phục trắng. Họ lặng lẽ lướt qua hi vọng của anh.

Bảy ngày sau Tấn mới đến bệnh viện để làm thủ tục cho sự mất mát của mình. Chắc trông anh tàn tạ lắm nên đôi mắt vị bác sĩ trưởng khoa hơn anh đến hai chục tuổi cũng u uất buồn. Ông nói: “Hơn ba mươi năm tôi làm bác sĩ sản, đã chứng kiến nhiều cảnh tử biệt, nhưng với anh tôi thấy như chính mình đang bị nỗi đau ấy dày vò...”. Bác sĩ không nói tiếp, ông đẩy về phía Tấn hai tờ giấy xét nghiệm máu của anh và sản phẩm do anh sinh ra. Chúng đều nhiễm ĐIÔXIN.

Tấn dướn lông mày mở căng đôi mí mắt trĩu nặng để nhìn vào cái kết quả trước mặt. Hai mảnh giấy vô tri thôi miên anh. Tấn mơ hồ thấy từ đấy hiện lên cánh rừng đơn vị anh đi qua năm ấy. Đang mùa mưa mà cánh rừng cây lá khô tái như bị cháy nắng, bốn phía không vọng tiếng chim. Con suối không rộng, không dốc, nước chảy êm đềm trong vắt, nhìn rõ cả từng viên cuội nhỏ dưới đáy dòng, mà không thấy tăm cá… Ngẩng lên. Không thấy ông bác sĩ ngồi đối diện mình… anh chỉ thấy mưa rừng. Mưa như những sợi thủy tinh nhỏ nối nhau buông dài chấm đất. Mưa chạm vào những cánh lá chết, nghe rõ từng âm thanh khô xác... Huệ nhòe trong màn mưa trắng đục ấy. Nàng đang giơ cao bọc thịt về phía mình.

*

Ngụp lặn trong kí ức, toàn thân Tấn rệu rã mỏi dừ. Tiếng gõ cửa buộc anh bật dậy. Thằng bé quãng gần chín tuổi, mặt mũi nhem nhuốc, nhưng vẫn toát ra nét thông minh từ đôi mắt đen trong suốt. Vai nó khoác chiếc tải thô ngàu bụi. Chân nó đi đôi dép nhựa vẹt gót, quần áo màu cháo lòng xộc xệch nhàu nhĩ. Trông thấy Tấn thằng bé định bỏ chạy, anh kéo nó lại.

- Con cần gì?

Nghe chủ nhà gọi mình bằng con với giọng ôn tồn ấm áp, thằng bé trở lại tự nhiên của đứa trẻ sống bụi.

- Bà chủ quán nước đầu ngõ mách, nếu muốn vỏ chai rượu tây và vỏ bia lon thì hãy gõ cửa nhà bố.

Tấn bỗng rưng rưng khi nghe nó gọi mình là bố.

- Con học lớp mấy?

- Con không được đi học.

- Tại sao? Bố mẹ con đâu?

Nó trả lời thản nhiên:

- Bố nghiện ma túy, đã chết ở trong trại. Mẹ bán nhà, đem con gửi bà dì họ buôn đồng nát ở xóm bãi, mẹ hẹn năm sau sẽ về đón, nhưng mãi chẳng thấy mẹ về.

Mắt thằng bé ráo hoảnh, nó cứ tưng tửng như nói về ai khác. Tấn cay nghẹt sống mũi khi nghe đứa trẻ kể về gia cảnh mình. Mới chớm một kiếp người, nó đã như vật hoang phế lăn lóc bên lề cõi người. Đứa trẻ sợ hãi giật lùi sát bậc cửa ra vào khi thấy mặt Tấn rúm ró.

- Trong ngực ta lại đau ấy mà, con đừng sợ.

Thằng bé chầm chậm đến sát Tấn. Nó đặt tay vào ngực trái của anh, nét mặt u ám.   

- Bố đau ở chỗ này à.

- Ừ, bố đau ở đấy, nhưng bàn tay con chạm vào, bố thấy đỡ hẳn.

Thằng bé toét miệng cười.  Nó vuốt nhẹ những sợi râu dưới cằm khiến tâm hồn người đàn ông chưa bao giờ được làm cha nhẹ bẫng.

- Trông bố giống hệt Hắc Toàn Phong Lý Quỳ.

- Ta giống lắm à?

- Vâng. Giống lắm.

- Sao con biết ông ấy?

- Con xem ké video ở quán bia trên phố ấy mà.

- Ừ. Ta là ông Lý Quỳ của con đây

Thằng bé lại cười tít.

- Từ nay ta sẽ để dành vỏ chai rượu, vỏ lon bia và cả bánh kẹo cho con nữa, nhưng đổi lại, mỗi ngày con phải chịu đến để ta dạy cho con biết chữ.

Nó nhảy cẫng, reo lên sung sướng.

Hai nỗi cô đơn quấn quýt nhau từ đấy. Mỗi lần thằng bé đến, trong nhà Tấn ấm hẳn. Ríu rít một già một trẻ.

- Bố ơi! Con viết tập xong rồi ạ.

- Đưa bố xem nào.

Từng nét chữ muộn mằn của bàn tay sớm phải giành giật miếng ăn, run run trên những dòng kẻ, run run sang tâm hồn Tấn. Kéo ghế, ngồi đối diện với nó, anh động viên mà kiên quyết.

       -  Bây giờ con đọc bản cửu chương nhé. Nếu con thuộc, bố sẽ dẫn con đi mua quần áo mới. Đồng ý chứ.

Lặng đi vài giây, thằng bé khẽ hắng giọng rồi tự tin đọc liền một mạch. Nó ngẩng lên chờ đợi quyết định của người dạy mình. Xoa lên mái tóc rối bù của nó, Tấn động viên. Con khá lắm.

Như đôi bạn vong niên, chậm rãi bách bộ qua từng con phố. Từ lúc đi cho đến lúc về, người già lắng nghe con trẻ líu lo nói, hỏi. Con trẻ lắng nghe người già giảng giải từng lời.

Muốn thằng bé mặc ngay quần áo mới, Tấn pha nước ấm, tự tắm cho nó như thuở xưa mẹ đã tắm cho anh. Thằng bé cũng co rúm người, cười như nắc nẻ mỗi khi anh chạm vào nách vào chim nó. Ngoài kia trời đang trở gió. Gió đập lách cách qua khe cửa không khít khiến anh có cảm giác ngọn gió bấc vẫn luồn lách cái lạnh vào chút ấm áp mong manh của đời mình.

Anh thường không yên, mỗi khi thằng bé đang hồn nhiên vui cười bỗng dưng bần thần, đôi mắt ơ hờ lơ đãng. Hình như nó nghĩ, chỉ về với lớp lớp bụi đời kia, nó mới gặp lại mẹ mình. Nhiều lần bỏ cả bữa anh đã làm xong, nó hấp tấp khoác cái túi cáu bẩn chạy vội ra ngoài.  Hôm nay cũng thế. Tắm xong, nó chỉ mặc thử quần áo mới rồi cởi ra ngay. Nó bảo. Con để dành đến tết bố nhé.

Đã mấy ngày rồi không thấy thằng bé đến. Anh ra đầu ngõ ngóng về hai ngả đường.  Vừa quay vào ngồi chưa ấm chỗ anh lại ra đầu ngõ. Ánh mắt diễu nhại từ ô cửa nhà đối diện lại xoáy vào nỗi khát vọng làm cha của anh.

*

Mỗi sáng. Rót chén rượu đặt trước chân dung vợ, chờ nhang tàn, Tấn mới nâng lên uống cạn trước lúc ngồi vào bàn làm việc. Hôm nay chưa kịp lên hương, chợt anh hốt hoảng khi nghe tiếng kêu thất thanh của chị Béo.

- Ối giời đất ơi! Ối Lài ơi…ời!

Anh vội chạy sang nhà đối diện. Mọi người đã đứng quanh thi thể tím tái của thiếu phụ bên mấy vỉ thuốc ngủ. Chị Béo nói trong giàn giụa nước mắt.

- Mấy hôm nay cô ấy cứ lải nhải như bị ma ám. “Chị Béo ơi. Em sợ lắm, đêm nào cũng thấy những đứa trẻ quái dị ùa về nhận mẹ.” Tôi bảo: “Tại cô cứ hát ru, như thể gọi chúng về ý”. Mọi sáng, giờ này Lài đã ra trông hàng giúp để tôi đi chợ. Ngỡ Lài ngủ quên, tôi vào đánh thức mới biết cô ấy đã bỏ cả ngõ mình đi xa lắm rồi. Em đâu có tội khi không sinh ra được con người, sao lại dại dột thế Lài ơi. ơi… ời.

Cái chết của Lài đã nguôi ngoai trong ngõ, nhưng Tấn vẫn chưa nguôi ân hận vì chính mình đã đố kị với ánh mắt khao khát của sự cô đơn ấy. Chính sợ sự cô đơn vây bủa, Lài đã chạy trốn cuộc đời còn lại. Còn anh, dẫu nhận thấy chỉ nỗi đau thực sự mới xuyên thẳng tới trái tim con người, nhưng lí trí hơn nên anh không hành động như thế, mặc dù chất độc kia sẽ tồn tại đến lúc tim anh ngừng đập. Mặc dù sự cô đơn cũng vây bủa, cũng khiến Tấn quỵ ngã nhưng anh đã có rượu cứu rỗi. Chỉ có rượu mới vực anh dậy nổi. Một mình một rượu. Đọc và viết. Tấn viết về số phận từng mảnh đời đã gặp. Nhất định không đưa con chữ mon men vào cuộc đời mình. Thế mà cái ngòi bút chết tiệt trên tay anh đang lan man tận đẩu tận đâu lại cứ quay về xoáy vào vùng đau bất tận của chính mình. Của Lài. Của những người không được làm cha làm mẹ. Đau lắm. Có lần Tấn vò nát bản thảo gục xuống bàn. Chết lặng.  

*

Đào quất đang nườm nượp về trung tâm thành phố.

Nhìn đôi dép cùng mấy bộ quần áo mới thằng bé để lại, Tấn càng bồn chồn không yên. Rượu cũng không muốn uống, báo tết cũng chẳng buồn mở ra, anh chỉ lắng tiếng lách cách của những vỏ lon bia va vào nhau dừng trước cánh cửa nhà mình./.

 

 (*) Lời thơ của tác giả.    

Nguồn Văn nghệ số 52/2019

                                                                                                                                                          


Có thể bạn quan tâm