April 26, 2024, 6:10 pm

Nơi bình an của chữ Tín, chữ Tình, chữ Lễ

Gần 350 năm trước, những đoàn thuyền nhân người Hoa “phản Thanh phục Minh” đã đặt chân tới đất Nam bộ. Rồi 100 năm sau, cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn kết thúc, con cháu họ lại về tề tựu bên bờ kênh Tàu Hũ lập nên một nơi đô hội mà ngày nay chúng ta quen gọi là Chợ Lớn. Trải suốt mấy trăm năm, từng lớp người Hoa liên lục di cư đến, lập nghiệp, buôn bán, đã để lại những dấu ấn sâu sắc đến văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ở Nam bộ nói chung hay Gia Định - Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Hội Quán Nghĩa An - Triều Châu

Từ làng Minh Hương…

Dọc theo trục đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, trong một đoạn đường đi bộ chưa đến hai cây số, có thể đến thăm rất nhiều Hội Quán – Miếu – Đình của người Hoa Chợ Lớn. Trong số những nơi thờ tự này, chỉ riêng di tích ở số 380 Trần Hưng Đạo, Quận 5 được gọi là Đình. “Ông cha chúng tôi đã mặc áo dài khăn đóng từ rất lâu rồi. Chúng tôi cũng đã dùng nước mắm, tên họ đã lót chữ “văn” chữ “thị” từ nhiều đời rồi, Bằng chứng trong tấm bia trùng tu còn khắc”. Cô Thu Vân, hậu duệ của dòng họ Vương, dòng họ đã góp công lớn trong quá trình hình thành và phát triển Đình Minh Hương Gia Thạnh nói với tôi một cách tự hào.

Sử thần nhà Nguyễn đã chép trong sách Đại Nam Thực Lục rằng “Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến cùng Cao Lôi Liêm tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ”. Bấy giờ triều đình bàn bạc rằng phong tục, tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai đúng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Vã chăng đất Đông phố (Gia Định xưa) nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa (Nguyễn Phúc Tần) theo lời bàn, bèn sai đặt yến ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố. Đây chính là nhóm người Hoa đầu tiên được ghi nhận đến khai phá vùng đất Nam Bộ. Những dòng họ lớn được thờ trong đình Minh Hương Gia Thạnh đều là hậu duệ của đoàn quân phản Thanh phục Minh này. 

Người Minh Hương, mặc dù có nguồn gốc từ Trung Hoa, đã trở thành người Việt Nam từ gần hai trăm năm nay. Về mọi mặt, từ ngôn ngữ, y phục, đến phong tục tập quán, họ đã hoàn toàn hòa nhập với người Việt. Làng Minh Hương gần như cũng là làng duy nhất có Hương Ước với 40 điều khoán ước, nghiêm cẩn trong việc dạy dỗ dân, quy định rất rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của dân làng, của các chức sắc trong làng, cũng như cách đối xử giữa dân làng với nhau. Nhờ vậy dân làng Minh Hương nổi tiếng là sống rất thuận thảo. Năm Quý Hợi (1863), vua Tự Đức đã “có sắc tặng cho làng bốn chữ “Thiện Tục Khả Phong”, khắc vô một tấm biển, sơn son thếp vàng, nay treo ở gian giữa Chánh điện.

Đình Minh Hương có kết cấu chữ Tam, nhưng khác với các kiến trúc chữ Tam, phân thành Võ Ca (trang trí hoành phi, liễn đối, sắc phong, ngày trước có diễn hát bội trong các lễ Kỳ Yên…), Chánh Điện (nơi thờ tự chính) và Truy Từ (nơi hội họp, tiếp khách, thờ tự các chức sắc lớn nhỏ của làng). Đình vẫn còn giữ lại nhiều bộ liễn đối, hoành phi với đa dạng ý nghĩa và giá trị, như “Thiện Tục Khả Phong” (phong tục tốt đẹp đáng được khen ngợi). Cùng những đại tự mang nghĩa tốt như “Chí Thành Bất Tức”, “Biến Vu Quần Thần”, “Hoa Bửu Dị Hương”, “Thọ Tư Giới Phúc”, “Trạc Trạc Quyết Linh”, “Thân Tích Vô Cương”… Nơi đây cũng còn lưu câu đối mang bút tích của Trịnh Hoài Đức với nội dung: “Minh đồng nhật nguyệt diệu nam thiên, phụng chữ tường lân, Gia cẩm tú – Hương mãn càn khôn linh việt địa, long bàn hổ cứ, Thạnh văn chương”. Bên cạnh Thành Hoàng Bổn Cảnh, Táo Quân, Ngũ Cốc Tôn Thần, Đình còn phối thờ ba vị danh thần Minh Hương: Trần Thượng Xuyên, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh và vị danh thần người Việt có công đặt nền móng hành chính cho cả miền Nam: Nguyễn Hữu Cảnh. Các vị tiền hiền và hậu hiền của làng cũng được thờ kính trang trọng trong gian Truy Từ Sở này.

… Đến Thương Bang Hội Quán

Từ dấu mốc di cư 1679, di dân Hoa kiều vẫn tiếp tục đến đất Nam bộ trong những thế kỷ sau để buôn bán hay tìm sinh kế, thành lập các Thương Bang – Hội Quán để tương trợ lẫn nhau và chịu sự quản lý của chính quyền đương thời. Các tài liệu của triều Nguyễn có được cho thấy tổ chức bang là tập hợp của những người đồng hương và cùng một phương ngữ Trung Hoa. Như vậy thì thời triều Nguyễn có các bang là bang Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam. Không phải tỉnh nào cũng có đủ các bang đó mà có thể, do số lượng người không đủ để thành lập các bang khác nhau thì chỉ lập một bang chung cho nhiều người Hoa khác nhau về quê quán và phương ngữ, lập sổ chung gọi là sổ hàng bang. Sau này dần dần có thêm người di cư đến sẽ lập bang riêng. Số lượng người đủ để thành lập một bang, theo một chỉ dụ của vua Thiệu Trị vào tháng 4/1842 cho tỉnh thần Nam Định thì tối thiểu phải là 20 người. Điều đó cho thấy, mục đích ban đầu của triều Nguyễn khi cho lập tổ chức bang, trước hết là để quản lý người Hoa. Không chỉ là quản lý hành chánh đơn thuần mà còn nhằm để thu thuế, trước hết là thuế thân và để tiến hành các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Người đứng đầu một bang gọi là bang trưởng, có tài sản, học thức và uy tín lớn trong cộng đồng bang.

Rời khỏi Đình Minh Hương Gia Thạnh, tôi đi dọc theo đường Nguyễn Án với những hàng quán bán mì lâu năm thơm phức, ngắm nhìn những căn nhà có cửa lùa còn lại từng được làm bối cảnh cho phim L’amant trên đường Phú Định. Đến giao lộ Nguyễn Án, Nguyễn Trãi, băng qua phía bên kia đường là Hội Quán Tuệ Thành, hay Miễu Bà Thiên Hậu mà dân gian hay gọi thân thương là chùa Bà của Bang Quảng Đông Chợ Lớn… Theo lời kể của ông Lư Chấn Lợi (trưởng ban quản trị Hội quán), vào thế kỷ XVIII, nhiều thương gia Quảng Châu đi tàu sang Việt Nam để buôn bán làm ăn và trên các tàu đều thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu để phù hộ. Lúc bấy giờ, tàu bè đi biển phải trông theo hướng gió, các thương gia thường phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm nên nhiều người đã hùn tiền xây miếu để thờ Bà và xây dựng Hội quán để làm nơi dừng chân. Năm 1800, Miếu đã có đợt trùng tu lớn đầu tiên, đến ngày nay Miếu vẫn giữ được kiến trúc Quảng Đông đặc trưng: Mặt dựng đầu hồi của trục chính và trục phụ đều có gò bờ chỉ uốn lượn hình sóng biển. Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị thần được thờ chính trong Miếu Bà Tuệ Thành. Bà là vị nữ thần gốc Phúc Kiến, bảo hộ cho con dân đi biển. Bên cạnh đó, Miếu cũng phối thờ những vị thần quan thuộc của người Hoa: Quan Công, Tài Bạch Tinh Quân, Kim Hoa Nương Nương, Long Mẫu Nương Nương, Phúc Đức Chánh Thần. Đặc biệt, trong gian thờ Tài Bạch Tinh Quân, tôi bắt gặp mội trang nhỏ thờ Hoa Công – Hoa Bà, thần thủ hộ trẻ em của người Hoa. Ngoài các hiện vật quý như bộ Ngũ sự Pháp lam, đề niên hiệu Quang Tự thứ 12 (năm 1886), Miếu còn giữ được quần thể tiếu tượng được những thợ gốm Cây Mai làm từ năm 1908 trên nóc. Nghệ thuật tiếu tượng ngày nay đã gần như thất truyền nên những hiện vật này hết sức quý giá, là minh chứng cho sự đón nhận, hòa nhập và tiếp biến văn hóa của những nhóm di dân trên vùng đất Nam bộ xưa kia. 

Tiếu Tượng -Tuệ Thành

Theo Đào Trinh Nhất trong Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Thụy Ký - Hà Nội, 1924), đầu thế kỷ XX, người Quảng Đông đã giỏi nghề buôn bán và công nghệ. Ở Chợ Lớn họ có hai máy xay gạo to, các hiệu bán tơ lụa lớn, các nhà máy cưa, các xưởng củi, các nhà làm gạch, làm đồ sứ, các lò vôi, các xưởng đóng thuyền trong thành phố đều do người Quảng Đông chiếm độc quyền. Họ còn có nhiều nhà buôn chuyên nghề đem vật sản trong Nam kỳ như da, sừng trâu, bông gòn… xuất cảng ra bán ở ngoại quốc. Ngoài những xưởng đóng thuyền lớn, họ còn mở những xưởng đóng tầu nhỏ ở Chợ Lớn, sản xuất nhiều tàu con chạy quanh Cửu Long Giang ở Nam kỳ. Đến nghề thầu khoán, bán các đồ gỗ, thợ nề, thợ mộc, thợ may, thợ đóng giầy tây, các hàng thịt, các hàng cơm Tây, cũng do người Quảng Đông mở. Từ đó đến nay, cộng đồng gốc Quảng Đông với số lượng thành viên đông đúc nhất đã để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển ở Sài Gòn. Tiếng Quảng Đông trở thành phương ngữ được sử dụng phổ thông nhất ở khu vực Chợ Lớn.

Từ Miếu Bà Tuệ Thành đi theo chiều xe trên đường Nguyễn Trãi, đến Hội Quán Nghĩa An – Miếu Ông của cộng đồng Triều Châu. Ngôi miếu vừa được trung tu cách đây không lâu, sáng sủa, uy nghiêm và vẫn còn giữ được kiến trúc Triều Châu đặc trưng, vốn có sự giao thoa giữa kiến trúc Quảng Đông và Phúc Kiến. Dạo bước vào bên trong, là không gian thờ kính uy nghiêm, rực rỡ dành riêng cho vị thần nổi tiếng của người Hoa: Quan Thánh Đế Quân. Vì Quan Đế là vị thần được thờ chính nên phần lớn trong hơn 50 hoành phi, câu đối chạm chữ Hán rất mỹ thuật đều có nội dung ca ngợi ông như: “Vạn cổ tinh huy” (Sao sáng muôn đời), “Thiên cổ nhất nhân” (Người xưa nay chỉ có một), “Nghĩa khí trung tâm nguy nguy đế đức tham thiên địa” (Khí nghĩa lòng trung, đức ngài cao sánh trời đất)... Ngoài ra, ở đây còn có một bài minh đề “Đạo Quang đệ thất niên” (1827), kể lại công đức Quan Đế khắc trên gỗ mạ vàng tuyệt mỹ. Trong tín lý dân gian của người Hoa, Quan Đế hay Quan Công là một vị võ thần tài. Do ngài luôn giữ chữ Tín, chữ Trung, hai đức tính cần thiết nhất trong các mối quan hệ làm ăn buôn bán nên người dân tin rằng thờ kính ngài sẽ được thuận lợi công việc làm ăn. Cường cũng cho biết thêm, vào dịp Tết Nguyên Tiêu, người dân có tục đến Miếu để vay lộc Ông về làm ăn. Lộc vay cũng đơn giản, chỉ bao gồm: Trái quýt (tiếng Quảng Đông đọc là Tài Cách nghĩa là đại cát đại lợi), Bao lì xì: chứa tiền của Ông, Giấy “quý nhân”: là một loại giấy tiền cúng thần trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa. Do đó, Hội Quán Nghĩa An còn được người dân gọi là “Che Phua Mỉu” - Tá Phú Miếu, hay miếu mượn tiền…

Những bậc tiền hiền Triều Châu đã chọn Nam Bộ làm miền đất hứa để tìm sinh kế. Hành trang của họ là sự chịu thương, chịu khó, lao động miệt mài, tích lũy của cải, để ngày nay con cháu có căn cơ sung túc. Người Triều Châu cũng mang đến đất này những món ăn đặc trưng, trở thành vốn quý của ẩm thực Sài Gòn – Nam Bộ: Hủ tíu, Phá lấu, Bánh pía, Củ cải muối… Câu lạc bộ Tinh Võ, bên trong phần mái che nhà giữ xe là kết cấu của một ngôi miếu cổ chỉ còn lại bộ sườn khung và cột chống, được các nhà Sài Gòn học ngày xưa nhắc đến: Thất Phủ Thiên Hậu Cung. Nơi đây còn là trụ sở đầu tiên của Tinh Võ Môn, một võ đường nổi tiếng không chỉ trong lịch sử cận đại Trung Quốc mà còn trên những phim điện ảnh Hoa ngữ… Phía cổng sau của Câu lạc bộ Tinh Võ, một Hội Quán đặc biệt khác của cộng đồng Phúc Kiến: Ôn Lăng Hội Quán, ở số 12 đường Lão Tử, còn được gọi là chùa Ôn Lăng, chùa Quan Âm hay chùa Ông Lào, thực chất là một ngôi Miếu mang đậm kiến trúc Phúc Kiến. Từ bên ngoài nhìn vào là bộ mái với dốc mái võng, bờ đao cong vút, mái gian giữa chênh lệch độ cao so với hai mái gian bên tạo thành bốn đỉnh mái, bờ nóc gian giữa đắp lưỡng long tranh châu và hai bên cũng đắp hình rồng. Mái ngói màu đỏ, võng xuống ở giữa và cong vút ở hai đầu, lớp mái trên chồng lên lớp mái dưới trông như những làn sóng gợn hay hình ảnh con thuyền đang cưỡi sóng. Trong Hội Quán Ôn Lăng, ngoài Quan Âm bồ tát, còn thờ tất cả 15 vị thần theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa. Tất cả những vị thần này đều bảo hộ cho các mặt của đời sống hằng ngày trong tín lý người địa phương. 

Người Phúc Kiến đến Sài Gòn từ phía Tây Nam Áo Môn, đã để lại nhiều giai thoại về các dòng tộc lớn như chú Hỏa – Huỳnh Văn Hoa từng sở hữu nhiều bất động sản ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Gia tộc Huỳnh Văn Hoa đã để lại nhiều công trình kiến trúc đặc biệt ở trung tâm Sài Gòn: Bảo tàng Mỹ Thuật, khách sạn Majestic, Bệnh viện Sài Gòn… Với số lượng chỉ đứng sau nhóm Quảng Đông, người Phúc Kiến cũng có nhiều ảnh hưởng đến các mặt đời sống văn hóa nơi này. Trong ẩm thực, dân gian có câu: “Phúc Kiến mì, Triều Châu hủ tíu”, nếu người Triều Châu mang đến Sài Gòn hủ tíu hồ bản lớn, mềm, sau được Việt hóa thành sợi hủ tíu khô và dai nổi tiếng thì mì Phúc Kiến với sợi mì vàng, dai được xào chung với hải sản và nước hầm đã làm nhiều thực khách khó quên khi thưởng thức.

Ngoài các hội quán của người Hoa gốc Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu; còn có hội quán của người Hải Nam (Quỳnh Phù Hội Quán, quận 5), và của người Hẹ (Quần Tân Hội Quán, Gò Vấp). Đặc điểm chung của những nơi này là tương trợ lẫn nhau giữa các cộng đồng người Hoa chung ngôn ngữ. Các Hội Quán tổ chức sinh hoạt thường xuyên, có nhiều hoạt động quyên góp. Mỗi Bang người Hoa, thông qua các hoạt động của Hội Quán đều đủ tiềm lực tài chính để xây thêm trường học, bệnh viện, nghĩa trang để hỗ trợ phúc lợi cho thành viên cùa Bang mình. Sự tương trợ lẫn nhau trong mọi mặt đời sống chính là thế mạnh của người Hoa, để họ có thể xây dựng nên cơ ngơi ở những chân trời mới… 

Đắm chìm trong những di sản của nhiều lớp người Hoa đã chung tay cùng cộng đồng người Việt bản xứ xây dựng, bồi đắp. Từ những người Minh Hương đã hòa nhập với cộng đồng người Việt đến các nhóm người Hoa vẫn còn cố gắng bảo lưu được ngôn ngữ và văn hóa của mình. Tất cả đã cùng hội tụ về Chợ Lớn để làm nên một vùng đô thị đặc biệt, dày đặc di sản quý. Ở đó không chỉ có những di sản vật chất, kiến trúc mà còn những phong vị văn hóa phi vật thể hình thành từ sự cộng cư của các cộng đồng người Hoa và người Việt. Chợ Lớn, dù không còn là một địa danh hành chính chính thức nhưng vẫn còn là địa danh của ký ức xã hội. Ẩn sâu sau tất cả là câu chuyện của sự mưu cầu hạnh phúc, bình an, của chữ tín, chữ tình, chữ lễ…, mà dẫu qua bao vật đổi sao dời, vẫn vẹn nguyên giá trị, góp phần làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021

 


Có thể bạn quan tâm