April 26, 2024, 3:32 pm

Nợ đời

                                      

Nhà ông Lễ không biết từ đâu chuyển đến. Tài sản giá trị nhất của ông khi về nhà mới chỉ có cái xích lô cũ kỹ. Xung quanh thành xe vá chằng vá đụp những mảnh tôn lá, rồi phủ qua lớp sơn màu xám nhạt để chống gỉ. Cả ba chiếc lốp đều buộc chằng chịt như bó giò, khiến cái xích lô cứ nhẩy chồm chồm trên đường như xe cải tiến vậy. Ấy thế mà ông đã phải trông vào nó để khỏi bị chết đói dễ tới cả chục năm trời rồi…

Gần như ông sống lang thang ở ngoài đường, cứ nhoài người ra đạp. Chiếc áo nâu bạc phếch lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Thỉnh thoảng, ông lại kéo cái khăn đã ngả mầu cháo lòng, lau qua khuôn mặt đỏ nhừ, rồi luồn hẳn vào trong người, lau từ cái bụng ướt sũng ngược lên bộ ngực lép kẹp, và cuối cùng là hai bên nách. Xong, ông đưa ra bên ngoài xe, vắt kiệt dòng nước đã thẫm màu, chảy tong tỏng xuống đường, rồi quàng lên vai, guồng tiếp. Nhưng hình như ông đã quá mệt, không thể cố đạp thêm được nữa. Ông lê chân, kéo cái xe vào bóng râm bên sát vỉa hè: Nghỉ cái đã!

Ông hạ chiếc nón trên đầu, quạt lấy quạt để. Tay kia run run cởi mấy chiếc cúc áo, phanh hẳn ra. Cái bụng ông đã dính sát tới tận xương sống.

Ông Lễ nhỏm dậy, với cái túi, lấy nắm cơm ông mua sẵn từ sáng sớm bẻ từng miếng cho vào miệng, nhai nghiến ngấu. Thức ăn của ông còn có thêm mấy quả cà muối, mặn chát.

Ăn xong, ông ngửa cổ làm ngụm nước, súc miệng òng ọc trước khi nuốt đánh ực một cái. Rồi ông lại ngửa cổ tu tiếp mấy ngụm nữa cho thật đã. Sau đó, ông đưa hai tay xoa xoa, vuốt vuốt lên khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn rồi ngả đầu vào thành xe, úp cái nón lên mặt. Chỉ một lát, đã thấy cái đầu ông nghẹo hẳn sang một bên, và từ trong cổ họng, bắt đầu phát ra tiếng ngáy nghèn nghẹt như người bị ngạt mũi. Ông vẫn có thói quen như thế và đó cũng là cách tốt nhất để ông lấy lại chút sức khỏe sau khi đã đổ hết xuống mấy chiếc bánh xích lô…

*

Ông Lễ lấy vợ khi đó cũng đã gần ba mươi tuổi. Hai vợ chồng sinh được một cô con gái và hai thằng con trai. Cô con gái đầu lòng chẳng may bị tật nguyền, gù lưng, đi còng rạp gần sát mặt đường. Đến hai tám tuổi may mắn thế nào lại vớ được anh chàng hát xẩm. Hai vợ chồng anh chị dắt nhau lang bạt kì hồ, chẳng mấy khi ông biết được tin tức. Còn lại hai đứa con trai, thằng nhỏ cũng đã mười bảy. Lũ này đầu trâu mặt ngựa quá chừng, suốt ngày lêu lổng, ba trợn ba trạo, làm loạn khắp xóm phố. Không ai dám dây với anh em nhà chúng.

Thằng Luân, con trai lớn của ông Lễ như được trời phú vào mấy ngón tay, chơi đàn ghi ta rất sành điệu. Năm hai mươi tuổi, nó yêu mê mệt bé Hương, người cùng phố. Cô bé xinh xắn quá chừng lại là con nhà tử tế, có giáo dục hẳn hoi. Cô bé Hương mới bắt đầu bước sang tuổi mười sáu. Cái tuổi vẫn đang đầy ắp mộng mơ, nghe tiếng đàn ghi ta của thằng Luân thì cứ mê mẩn cả người. Suốt tháng hè, Hương tụ tập mấy đứa bạn cùng lớp, rồi bảo Luân chơi đàn cho nghe.

Thằng Luân trổ tài hết cỡ. Tiếng đàn của nó nghe nức nở, lúc trầm, lúc bổng, có lúc vút cao lên đến chín tầng mây rồi đột ngột rơi xuống tận đáy vực sâu thăm thẳm. Hương bị tiếng đàn của thằng Luân xoắn xít, vân vê đến tận cùng cảm xúc của trái tim, làm khoé mắt của Hương lắm lúc bị ướt nhòe.

Thằng Luân tưởng bở. Nó cứ tưởng tiếng đàn của nó đã chinh phục được em Hương rồi. Nó bắt đầu buông lời tỏ tình rất chi mùi mẫn…

Từ khi bị thằng Luân tỏ tình, Hương đâm hoảng sợ, không dám gọi Luân đến chơi đàn cho nghe nữa. Hương cố tình tránh mặt, làm thằng Luân ngơ ngẩn như người mất hồn. Nó tìm đủ mọi cách tiếp cận mà vẫn không được. Suốt ngày nó rình mò ở đầu ngõ, hòng chờ đón bóng hồng mà cô bé thì vẫn biệt tăm biệt tích trong căn nhà hết sức kín cổng cao tường. Thằng Luân lồng lộn định vượt qua. Nhưng bức tường rào đã cao thì chớ, lại có dây thép gai nhằng nhịt phía trên y hệt như hàng rào của nhà tù ở phố Hỏa Lò. Đành chịu! Thằng Luân vật vã như người lên cơn nghiện. Rồi nó điên điên khùng khùng, bắt đầu giở thói ba que, bắn tin doạ nạt đủ kiểu.

- Có giỏi thì cứ việc! Hương bắn lại một cái tin như thế.

Thằng Luân nghe thấy, tưởng như bị viên đạn xuyên roẹt vào tận óc. Nó đâm quẫn tình. Lựa đúng lúc cô bé Hương ở nhà một mình, thằng Luân xách chai xăng đến, doạ dẫm, bắt Hương mở cửa. Nó bảo, nếu Hương không mở cửa thì nó sẽ tưới xăng đốt nhà. Hương sợ quá đành phải nghe lời. Vào được trong nhà rồi, thằng Luân lại tiếp tục dọa dẫm, nếu không nhận lời yêu, nó sẽ tự thiêu cho cháy cả nhà luôn. Bé Hương quá hoảng sợ, khóc lóc van xin đủ kiểu nhưng thằng Luân vẫn không chịu. Bỗng cái tính bướng bỉnh trẻ con lúc quá mù sang mưa của Hương trỗi dậy, khiến Hương bật ra một lời thách đố gọn lỏn:

            - Đã thế! Có giỏi thì cứ làm đi!

Thằng Luân sững người. Nhưng nó muốn tỏ vẻ ta đây đã nói là làm, cầm chai xăng dội luôn vào hai ống quần, rồi lại nhìn Hương, hỏi tiếp:

- Em có yêu anh không?

- Không! Bé Hương kiên quyết.

Nó lấy ra bao diêm, rút một que dứ dứ:

- Nói đi, có yêu không?

- Không đấy! Hương chờn quá, nhắm nghiền mắt lại, nhưng vẫn kiên quyết thách đố.

Chẳng biết thằng Luân cố ý hay nhỡ tay, que diêm đánh “xòe” một cái. Lửa bắt vào hai ống quần ướt đẫm xăng, bùng lên như cây đuốc sống. Nó lăn lộn kêu gào. Cô bé Hương thì hồn vía bỗng phát tán lên mây hết cả, vừa cuống cuồng chạy ra khỏi nhà, vừa thất thanh kêu cứu.

Nghe tiếng la hét kêu cứu của Hương, cả xóm vội vàng chạy sang dập được ngọn lửa nhưng thằng Luân đã bị bỏng rất nặng. Mọi người vội vã đưa nó đi bệnh viện. Nhưng chỉ mấy hôm sau, hai cái cẳng bị bỏng của thằng Luân cứ lột dần từng mảng thịt, rồi bị nhiễm trùng, thối rữa. Các bác sĩ cũng thương tình nhưng đành bất lực, bảo phải cưa đến tận đùi thì mới cứu được tính mạng. Thằng Luân tuyệt vọng, gào lên:

- Các ông giết tôi đi, tôi không muốn sống nữa!

Chao ôi! Nó ước gì được chết. Bây giờ thì đúng là nó có tâm muốn được chết thật. Bởi chỉ có cái chết mới giải thoát cho nó qua được tấn thảm kịch bi thương tàn khốc như thế này! Nhưng thật khổ, ở đời, có người thật tốt, thật lương thiện hẳn hoi, muốn sống thì lại rất khó. Ngược lại, cũng có những kẻ như thằng Luân muốn chết thì lại chẳng dễ tý nào. Cái việc sống chết là sự hiện hữu của định mệnh do Ông Trời phán quyết, chứ người trần mắt thịt, nào ai có quyền cho nó được chết. Mẹ nó cũng khóc và nói với nó như vậy. Thế là thằng Luân lại gào lên. Nó gọi ông Trời. Nó xin ông Trời cho nó được chết. Kêu mãi, gào mãi, nhưng ông Trời vẫn cứ lặng lẽ làm thinh, chẳng thèm đếm xỉa gì đến những lời khẩn cầu của nó. “Đã tự mình gây ra nghiệp thì phải tự mình chuốc lấy nghiệp, còn kêu khóc, van xin cái nỗi gì!” Lúc nó mê đi, nó nghe văng vẳng bên tai thấy ông Trời bảo với nó như vậy.

Thế là thằng Luân không được toại nguyện. Nó vẫn sống. Và hai cái chân của nó đang có dấu hiệu bị hoại tử. Bác sĩ hỏi ý kiến bố mẹ nó để phẫu thuật. Tuy xót xa lắm, nhưng ông bà Lễ cũng đành gạt nước mắt gật đầu. Hai cái chân của nó bị cưa gần đến tận hông. Thằng Luân mê man bất tỉnh mất mấy ngày. Khi hồi sức, nó chợt nhớ lại cái khoảnh khắc hãi hùng đã xảy ra nhanh quá mà vẫn chưa kịp định thần. Nó quờ quạng, sờ tay xuống phía dưới, thấy hẫng một cái. Chao ơi, nó xót xa, đau đớn, vừa nhục, vừa hận mình ngu dốt. Tất cả những cái xót xa, đau đớn, cái nhục nhã vì ngu dốt ấy cùng lúc gộp lại, khiến cho nó thấy như có hàng trăm, hàng ngàn mũi tên đang phầm phập cắm thẳng vào tim nó.

Gần hai tháng sau, thằng Luân ra viện. Thôi thì cũng đành phải chấp nhận cái sự đã rồi. Trở về nhà, đã xót xa đau đớn, đã nhục nhã ê chề thì chớ, nó lại bị hàng xóm lối phố gán cho nó một cái tên hết sức mỉa mai, diễu cợt: “Luân cụt”. Thằng Luân căm lắm. Cái đau đớn, cái nhục nhã, cái ê chề lại tăng lên gấp bội phần. Suốt ngày, thằng Luân nằm trên giường, mắt găm chặt lên mái nhà. Nghĩ! Nó nghĩ mông lung! Nó nghĩ về rất nhiều thứ. Trong đó, có cả những thứ đã xảy ra. Có cả những thứ đang là hiện tại. Rồi nó nghĩ về tương lai. Và cuối cùng, nó nghĩ cách trả thù cho cái tên “Luân cụt” mà người ta đã gán cho nó.

Một hôm, thằng Luân gọi bà Cải tới, bảo:

- U không phải lo nghĩ, buồn phiền gì cho tôi cả. Tôi làm tôi chịu. Nhục thì cũng đã nhục rồi! Đau thì cũng đã đau rồi! Đến nước này, đ…việc gì mà phải sợ đứa nào cười mình hết. U mua cho tôi hai cái ghế con, tôi tập đi lại. Rồi tôi sẽ cho chúng nó biết tay, đừng có khinh thường thằng Luân này!

Bà Cải nghe thằng Luân nói, bĩu môi, tỏ ý xem thường nhưng cũng ra chợ mua cho nó đôi ghế. Nó bắt đầu tập đi. Cái thân hình nặng nề dồn tất cả lên hai cánh tay, lập cập từng bước. Cuối cùng thì thằng Luân cũng tự di chuyển được. Bây giờ, nó chẳng còn ngượng ngùng như những ngày đầu nữa. Nó đã thành quen rồi. Thời gian đã rịt lành cho nó cái cảm giác ê chề và bắt đầu lột xác nó thành một con người khác. Hàng ngày, nó lê la khắp ngõ gườm gườm nhìn mọi người đi lại bằng hai cái chân mà thấy ức đời. Từ lúc xưng danh “anh hùng hảo hán”, nó đã tự đẩy mình xuống vực thẳm của một kẻ “bần cùng khố dây”. Chẳng những thế, nó còn vênh vênh tự đắc, tỏ vẻ bất cần đời. Nó vỗ ngực bồm bộp bảo nó chính là “Chí Phèo đời mới”, đừng có ai dây vào. Đôi mắt nó mặc nhiên thay những tia đỏ vằn dữ tợn sẵn có bằng hai tròng trắng dã. Bụng nó chảy phệ, cái lưng bè ra, to như tấm phản, khắp mình mẩy, chỗ nào cũng thấy xăm trổ, trông thật gớm giếc. Riêng bên ngực trái, thằng Luân xăm hình một cô gái bên trong trái tim đang chảy máu. Nó bảo: “Hương đấy!”…

Để chứng tỏ lời nói của nó với bà Cải không phải là lời nói suông, thằng Luân cụt bắt đầu tụ tập lũ bạn đầu trâu mặt ngựa tới, tính chuyện làm ăn.

- Rồi chúng mày xem! Nó nói. Chí phèo thời xưa chỉ có mỗi miếng võ rạch mặt bằng mảnh chai vỡ, rồi la làng ăn vạ, thế mà từ Bá Kiến, đến cả làng Vũ Đại đều phải kiềng mặt. Nhưng cái trò ấy quê rồi. Thời buổi bây giờ khác, có tự cầm dao cắt cổ thì người ta cũng mặc chứ chẳng ai thèm thương xót hay sợ mình đâu. Rồi tao sẽ cho thiên hạ biết thế nào là lễ độ!

            Thằng Luân nói đúng, cái đại hoạ đã dạy cho nó khôn hơn nhiều. Nó bắt đầu diễn vở “Chí Phèo đời mới” đầu tiên mà nó vừa là tác giả, vừa là diễn viên, vừa kiêm luôn cả đạo diễn. Kể câu chuyện ấy ra thì thật xấu hổ lắm. Chỉ biết nói rằng, hễ đàn bà con gái trong xóm đi qua chỗ nó nằm là phải cầm theo cái nón hay cái gì đấy để mà che mặt, rồi vội vàng cuốn xéo cho thật nhanh. Chuyện đến tai bà chi hội trưởng phụ nữ. Bà giật mình, bảo:

- Chết thật, ai lại thế bao giờ!

Bà vội vàng tìm hiểu nguyên do. Đến khi biết rõ sự thể, bà lựa lời khuyên giải thằng Luân. Nó bảo:

- Người ta coi thằng Luân như chết rồi cơ mà? Để ý đến nó làm đ… gì nữa!

Nhưng sau lần ấy, thằng Luân cũng chịu cất đi manh chiếu vẫn trải để nằm ở góc hè nhà nó, án ngữ lối đi lại cả xóm.

Nó cười hả hê: “Có thế chứ!”

Mà nó cũng chỉ cần chơi thế là đủ. Và rõ ràng nó đã thắng trong cuộc chơi với đời. Nhất là với cánh phụ nữ thì khỏi phải nói…

*

Từ ngày thằng Luân đi lại được bằng hai cái ghế con, bà Cải không phải hầu hạ, giường cứt chiếu đái cho nó nữa, nhưng nỗi đau thì vẫn cào cứa trong lòng trong dạ khiến bà gầy rộc đi trông thấy. Dường như thằng Luân hành hạ bà như thế vẫn còn chưa đủ. Gần đây, cái lũ đầu trâu mặt ngựa nó rước về đã làm chút ít phần hồn còn sót lại trong thân xác của bà lại vỗ cánh bay đi nốt. Thằng Luân nói:

- Tôi đã bảo, u không phải buồn phiền làm gì! Mà u cũng không cần phải lo cho tôi nữa! Tôi sẽ tự tìm lấy đường sống của tôi!...

Rồi nó mớm nhời cho đồng bọn: “Đời tao còn đ…gì nữa mà sợ! Tao bảo gì chúng mày cứ làm! Có vấn đề gì trước pháp luật, cứ khai là tao chủ mưu, tao làm, tao chịu tất!”

            Thế là thằng “Luân cụt” đã nhanh chóng lấy lại ngôi “thủ lĩnh”. Cũng từ đó, nó làm cho cả xóm, cả phố, nơi nó ở đã phải mất ăn mất ngủ, nháo nhác như vịt đàn gặp cáo. Nó chia đồng bọn ra từng tốp nhỏ, vừa bảo kê cho mấy sòng bạc, vừa bảo kê cho nhà hàng chứa gái mại dâm ở gần đấy. Những con bạc được bảo kê vật vờ như ma đói. Hễ nhà ai sơ ý, để quên cái gì có thể bán được là chúng nẫng luôn. Ấy thế mà chẳng ai dám hé răng kêu tới nửa lời. Thằng Luân dọa: Đứa nào tâu với công an, tao sẽ cho mồi lửa đốt nhà luôn! Nghe nó nói thế, ai cũng thấy sợ, cứ suốt ngày cửa đóng then cài để tự bảo vệ mình. Ai dại gì mà đi dây với cái thằng tự cho mình là Chí Phèo để chuốc lấy họa…

Thằng Luân “cụt” Đắc ý lắm. Nó càng được đà. Một năm sau, nó bắt đầu triển khai thêm mánh làm ăn. Nó bảo, phải làm ăn “nhớn” thì mới giàu được. Nó chọn mấy thằng đầu gấu nhất, tổ chức thành một nhóm chuyên đi đòi nợ thuê, sẵn sàng chấp nhận sự ăn thua với thiên hạ. Nó sai bọn đàn em được nó tuyển chọn chở đến nhà chủ nợ bằng xe máy. Bên trong chiếc áo “Tô Châu” rộng thùng thình, nó gài nửa kín nửa hở một quả lựu đạn đã được tháo chốt. Khi đến nhà chủ nợ, bài đầu tiên, nó giở miếng võ mồm dẻo như kẹo kéo để thương thuyết. Từ khi nó bị cụt chân, hình như ông trời đã thương tình mà đền bù thiệt hại cho nó vào cái lỗ mồm hay sao ấy, chứ ngày xưa, nó đâu có được thế!

Con nợ nào vẫn “cù nhầy”, tức thì, miếng võ sở trường của nó lại được tung ra để gây áp chế. Nó chẳng nói chẳng rằng, nằm ngửa ở giữa nhà người ta, bảo: “Bao giờ trả thì về!” Cái ống quần đùi rộng thùng thình “vô tình” kéo cao quá cỡ. Con người mà chân cẳng chẳng có, lại vết cưa cắt nham nhở, lồi lõm như miếng thịt ôi, phơi ra cùng cái của ấy cứ thò lõ như dái chó, thật tởm lợm hết chỗ nói. Đã thế, quả lựu đạn lúc ấy lại được nó cố tình phơi ra, ai nhìn thấy mà chẳng sợ mất mật. 

Thế là khổ chủ đành chạy đôn chạy đáo mà trả cho xong, để tống khứ nó đi cho đỡ tanh tưởi.

            Cứ như vậy, thằng Luân đã giải quyết ngon ơ được nhiều vụ cứ tưởng mất trắng. Và bỗng nhiên, nó trở thành chỗ dựa cho rất nhiều chủ nợ. Họ đến lạy lục, nhờ vả nó như thể người cứu khổ cứu nạn. Lạ thật, chuyện đời đổi thay nhanh chóng đến thế là cùng. Từ một thằng ăn đâu ỉa đấy, bây giờ, thằng Luân kiếm tiền như rác. Nó hưởng hoa hồng từ các dịch vụ đòi nợ thuê cao ngất, tới gần một nửa. Có tiền, nó tiêu pha hào phóng như đại gia. Gần đây, nó lại sa đà vào cả tệ nạn ma tuý. Nó vừa buôn bán, vừa hút chích. Các con nghiện ra vào nhà nó đông lắm. Bọn chúng hút chích xong, kim tiêm vẫn dính đầy máu, vứt la liệt ra đường. Nhiều đứa phê thuốc nằm ngả ngốn khắp ngõ…

*

            Dạo này, chẳng mấy khi ông Lễ có mặt ở nhà. Bây giờ, ông coi cái xích lô là nhà của ông. Ông không muốn trở về chính ngôi nhà của mình nữa. Ngày thì ông lang thang kiếm tiền nuôi thân và bà vợ đang ốm quặt quẹo. Tối đến, ông ngủ luôn trên xe. Hôm nào muốn thăm vợ thì ông về rất khuya. Khi ấy, chúng nó đã đi hết rồi, chỉ còn lại một mình bà ở nhà. Bà nằm trên cái chõng tre cũ nát, rên rỉ. 

- Ông đã về đấy à ? Bà hỏi ông, vẫn bằng một câu quen thuộc.

            Ông hỏi lại:

- Sao bà vẫn chưa ngủ? Hôm nay thấy trong người thế nào?

- Vẫn thế thôi. Ông đi ngủ đi, khuya rồi! Bà chép miệng, nói.

Ông Lễ trải manh chiếu bên dưới cái chõng tre của bà, trăn trở …

Chỉ có đêm, nhà ông Lễ mới được yên ổn thế này. Khi tờ mờ sáng, cả bọn chúng nó lại kéo nhau về, các con nghiện lại kéo nhau đến, thì ông đã đi rồi. Ông đi từ sớm tinh mơ. Ông đi như thể người chạy trốn. Ông chỉ sợ, nếu không ra khỏi nhà trước khi ấy thì người ông cũng sẽ bị vấy bẩn theo. Ông nhìn thấy xung quanh căn nhà này, bây giờ chỉ toàn là tội ác, toàn là những thứ dung tục, ghê tởm, từ lũ chúng nó, từ mồm miệng chúng nó văng ra…

Bà Cải ốm nặng lắm. Thằng Luân bảo ông Lễ bán cái xích lô đi, ở nhà trông nom bà Cải. Tiền nong bây giờ nó dư sức chu cấp để ông bà sống đàng hoàng.

- Tao không thèm! Chẳng bõ dơ bẩn!  

Ông Lễ bĩu môi, phỉ vào mặt nó rồi quay đi nơi khác. Nhưng cũng từ hôm ấy, ông bắt đầu nghỉ đạp xích lô để trông nom vợ. Thằng Luân tưởng ông Lễ đã chịu nghe lời. Nó lại lọc cọc lê hai cái ghế, mon men đến gần, rút trong túi áo xấp tiền đưa cho ông Lễ. Ông Lễ nhếch mép:

            - Không có tiền của mày, dễ tao chết đói chắc! Ông ném trả nó.

Thằng Luân gườm gườm, nhặt lại, đút túi áo ngực, rồi lọc cọc lê hai cái ghế quay đi chỗ khác.

Nửa tháng sau thì bà Cải qua đời. Cái đêm bà Cải mất chỉ có một mình ông Lễ bên cạnh. Ông lặng lẽ lấy chiếc khăn vắt trên vai, nhẹ nhàng thấm những giọt nước mắt còn đọng trên hốc mắt sâu thẳm của bà. Ông im lặng, không bật ra tiếng khóc nào mà chỉ ngậm ngùi, khẽ nói:

- Thế là bà sướng hơn tôi rồi! Bà đi trước nhé!

*

Sau ngày bà Cải mất vài hôm, thằng Luân nhận làm một phi vụ rất lớn. Người thuê nó đòi nợ hứa sẽ trả công tới hàng trăm triệu. Thằng Luân ngớp của, sai bọn đàn em chở đi luôn. Vẫn những bài vở đã thuộc lòng, thằng Luân nói mãi nhưng con nợ vẫn xin khất vì chưa có tiền để trả. Thằng Luân một mực không chịu. Nó nhìn vợ chồng chủ nhà, xẵng giọng, nói:

- Chúng mày muốn cù nhầy hở?

Rồi nó lại giở miếng võ cuối cùng, nằm ngửa giữa nhà, nhắc lại câu: “Bao giờ trả thì về!” Vợ chủ nhà là người đàn bà còn trẻ. Không thể để thằng Luân phơi ra cả một đống thứ nom rất kinh tởm như vậy. Anh chồng điên tiết, cầm hai tay thằng Luân lôi xềnh xệch, ném ra cửa. Thằng Luân hét lên:

- Chúng mày đâu, chém chết nó cho tao!

Cả bọn hùng hổ, đứa cầm dao, đứa cầm mã tấu xông vào định ăn tươi nuốt sống ngay. Nhưng chúng không ngờ, chủ nhà là một tay võ nghệ rất cao cường, đã đánh cho chúng một trận tơi bời. Cả bọn bò lê bò càng mất một hồi rồi lóp ngóp bò dậy, bê thằng Luân lên xe, rồ máy, chạy mất dạng.

Thằng Luân căm lắm. Vừa về đến nhà, nó bảo bọn đàn em:

- Rồi chúng mày xem, tao sẽ xử lý vụ này, phải cho thằng chó ghẻ ấy một bài học không có lần sau để hối tiếc nữa.

Nó lấy khẩu súng ngắn giấu kỹ ở một góc nhà, nạp đạn, giắt vào cạp quần, rồi sai một thằng chở nó quay lại nhà con nợ. Chiếc xe chở thằng Luân vừa đến trước cửa thì đã thấy hai vợ chồng xuất hiện. Anh chồng nhìn thằng Luân, hất hàm, hỏi:

- Chúng mày ăn đòn thế vẫn chưa đã hay sao còn quay lại quấy rày, hử?

Mặt thằng Luân sắt lại, hai mắt trắng dã như bị lộn tròng. Nó chẳng nói chẳng rằng, rút súng, nhằm người chồng bóp cò. Người chồng quá bất ngờ, không kịp trở tay, bị trúng đạn, đổ vật xuống. Cô vợ hoảng hốt, hét lên. Thằng Luân mặc lòng. Nó vẫn chưa hả cơn giận. Hai tay nó nắm chặt khẩu súng, quay nòng về phía người vợ, bóp cò tiếp…

Hai vợ chồng con nợ, kẻ đã làm nhục nó nằm vục trên vũng máu. Thằng Luân vừa cười hả hê, vừa vỗ thật mạnh vào vai thằng đàn em, hô:

- Biến!

Chiếc xe máy rồ lên, chạy như điên, tẩu thoát…

Tối hôm ấy, thằng Luân cho bọn đàn em tản đi hết. Nó bảo, thế nào công an cũng sẽ đến bắt nó. Nó thẫn thờ ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngõ. Hình như nó có cảm giác giây phút ấy là vô cùng trọng đại đối với cuộc đời nó. Tự dưng nó thấy trong lòng rất buồn. Đã từ lâu rồi, thằng Luân bị tê liệt cái cảm giác buồn phiền, cô đơn và nhớ nhung. Vậy mà tối nay, bỗng dưng nó thấy rất buồn, rất cô đơn và rất nhớ. Hình như nó đang nhớ đến bé Hương. Sau vụ nó tự thiêu đôi chân ở nhà Hương, gia đình cô bé đã bán nhà đi ở chỗ khác. Nó tự nhủ: “Quên Hương đi!”. Nhưng bây giờ thì đúng là nó đang nhớ đến Hương. Nó nhớ da diết. “Hương ơi! Bây giờ, em đang ở đâu?”. Cổ họng nó nghèn nghẹn. Một giọt nước mắt chảy dài trên má, lăn xuống ngực, đúng chỗ xăm hình người con gái đã làm cho nó đau khổ suốt đời…

Bỗng thằng Luân rùng mình, hình như cơn nghiện lại đến. Nó với cái ống tiêm, run rẩy, cắm phập mũi kim vào mạch máu bên tay trái. Mũi kim vừa rút ra, thằng Luân bỗng thấy người lạnh toát, mắt hoa lên, rồi tối sầm lại. Nó từ từ nằm xuống cái giường tre, ngáp ngáp mấy cái. Và cũng từ đó, không bao giờ nó trở dậy được nữa.

*

Ông Lễ vừa ma chay cho vợ, bây giờ lại đến lượt thằng Luân. Công việc xong, ông lặng lẽ bước ra khỏi nhà, lại tiếp tục với cuộc đời đạp xích lô. Mặc nắng, mặc mưa. Ông cứ đi. Đi mãi. Ông đi đến khi có người gọi:

- Xích lô ơi!

Ông tạt vào lề đường đón khách. Người ta hỏi ông:

- Giá bao nhiêu?

Ông bảo:

- Bao nhiêu cũng được! Cứ lên xe đi!

Ông không đòi giá. Khách đi xe cũng thấy ngạc nhiên. Nhưng ông nghĩ: Có giá cả nào bằng cái giá ông phải trả vì gánh “nợ đời” đang nặng trĩu trên vai…

Nguồn Văn nghệ số 31/2019

  


Có thể bạn quan tâm