April 26, 2024, 6:19 pm

Những “Vườn cây Chính ủy”

Chơi cây” là một nếp văn hóa của người Việt Nam và nhiều dân tộc ở phương Đông. Đây là một thú chơi tao nhã, phần nào thể hiện những phẩm cách cao quý của người chơi cây. Đặc biệt, chơi cây còn là một thông điệp về những vấn đề môi trường và môi sinh toàn cầu đang hết sức khẩn thiết trong thời đại ngày nay.

 

Khách tham quan chụp ảnh kỷ niệm trong vườn cây ăn quả ở Kho K22

 

Ngày xưa, chơi cây thường là những bậc tao nhân mặc khách, sang trọng, hào hoa phong nhã; hoặc là những người sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ công tác, được nghỉ ngơi hưu trí, dân gian gọi là “về vườn”. Nhưng ngày nay, có nhiều người chơi cây cả khi bộn bề công việc của một cán bộ, viên chức, công nhân... Và cây của họ không chỉ là những đại thụ tỏa bóng vươn cành, hay những chậu bon-sai hoàn hảo “nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp”… mà còn là những vườn cây có giá trị kinh tế cao, vừa cho quả ăn, vừa cho bóng mát, thiết thực cải thiện đời sống vật chất và bảo vệ môi trường sinh thái. Một người trong số đó mà tôi được biết là Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nguyên Chính ủy Quân khu Ba.

Câu chuyện được bắt đầu từ những năm 2016-2017. Trong một chuyến đi thăm và kiểm tra các đơn vị thường trực của LLVT Quân khu Ba, Chính ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy tuy hầu hết các đơn vị đều quan tâm trồng cây, tạo cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”; nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên nhiều đơn vị còn thiếu những vườn cây ăn quả, có thể mùa nào thức nấy phục vụ bộ đội, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương “xanh hóa” đơn vị. Từ đó, Nguyễn Mạnh Hùng quyết định dùng tiền cá nhân và vận động các nguồn tài trợ theo phương châm “xin nhà có cho nhà khó” để tặng hơn 40 vườn cây ăn quả cho các đơn vị còn nhiều khó khăn. Tùy vào qui mô, điều kiện, tính chất của mỗi đơn vị và các đặc điểm về khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, địa hình… nơi các đơn vị đóng quân, mà mỗi vườn cây sẽ có chủng loại và số lượng khác nhau. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trìu mến gọi đó là những “Vườn cây Chính ủy”. Đây quả thực là những vườn cây độc đáo, mới mẻ không chỉ trên địa bàn Quân khu Ba.

Hơn 5 năm đã trôi qua. Những Vườn cây Chính ủy đến nay đã tươi tốt trưởng thành. Nhiều vườn na, cam, bơ, xoài, nhãn… đã cho quả vụ thứ hai, thứ ba. Có vườn bưởi hơn 500 gốc vụ đầu tiên đã cho gần tấn quả. Mùa nào thức nấy, “ăn quả nhớ người tặng cây”, anh em các đơn vị nhiều lần rối rít a-lô mời Thủ trưởng về thăm đơn vị, ngắm hoa, nếm quả… Thủ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rời Quân khu Ba để lên Hà Nội nhận nhiệm vụ mới cũng đã hơn 3 năm, nhưng ông vẫn thường xuyên quan tâm theo dõi các phong trào của Quân khu, những mong có dịp trở về thăm các đơn vị. Và một ngày cuối Thu năm 2022, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng mới thu xếp công việc để thực hiện được ý nguyện ấy.

 

Chiến sĩ Trung đoàn 50 trong Vườn cây Chính ủy

 

Tôi cùng một vài đồng đội và đồng nghiệp may mắn được tham gia chuyến công tác đặc biệt trên đây. Sau một vòng đến thăm Vườn cây Chính ủy của các đơn vị đóng trên các tỉnh và thành phố, từ Hòa Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Dương… chúng tôi ra Trung đoàn 43 thuộc Sư đoàn 395 đóng ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Từ Hải Hà có nhiều tuyến đường quan trọng nối các địa phương trong cả nước với các nước trong khu vực và quốc tế. Do vậy, huyện Hải Hà có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh không chỉ đối với tỉnh Quảng Ninh mà còn có ý nghĩa đối với toàn vùng Đông Bắc nước ta. Kể từ tháng 3 năm 1989, Trung đoàn 43 thuộc Sư đoàn 395 của Quân khu Ba được lệnh cơ động về đứng chân trên địa bàn chiến lược quan trọng này.

Ra đời ngày 29/7/1967, trong điều kiện miền Bắc vừa sản xuất, vừa đánh máy bay Mỹ, vừa dốc sức chi viện cho các chiến trường, đến đầu năm 1975, Trung đoàn đã huấn luyện và chi viện hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cho các chiến trường. Đồng thời, trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của địch, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ ngày về đóng quân trên địa bàn huyện Hải Hà, mặc dù xa trung tâm chỉ huy Sư đoàn gần 200 cây số và còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất... nhưng Trung đoàn 43 vẫn tiếp tục phấn đấu vươn lên, trở thành một trong những lá cờ đầu về thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện…

Lần đầu tiên tôi đến công tác ở Trung đoàn 43 cách nay vừa tròn 30 năm. Ấy là vào mùa Xuân năm 1992. Ngày ấy, Trung đoàn vừa từ huyện Hải Ninh (nay là thành phố Móng Cái) về huyện Quảng Hà (nay là huyện Hải Hà) được hơn 3 năm… Tròn 10 năm sau, mùa Xuân năm 2002, tôi được về công tác ở Trung đoàn 43 lần thứ hai. Ấy là dịp Trung đoàn được Tổng cục Chính trị chọn làm đơn vị “điểm” tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bấy giờ Trung đoàn 43 đã thực sự là một “Điểm sáng văn hóa” mẫu mực. Nổi bật là vai trò xung kích sáng tạo của Đoàn thanh niên trong tôn tạo cảnh quan doanh trại có vườn hoa, cây cảnh, phòng Hồ Chí Minh và các khu vui chơi, thể thao… Những “hạng mục” cụ thể về cảnh quan môi trường “Đơn vị xanh, sạch, đẹp, sáng”… Và lần này, mùa Thu năm 2022, lần thứ ba tôi được về thăm Trung đoàn 43 đúng vào dịp đơn vị vừa kỷ niệm 55 năm thành lập đơn vị (1967-2022)… Bên cạnh những hàng cây cổ thụ trùm bóng trên những lối đi dọc ngang trong doanh trại và những khuôn viên sinh thái đủ các loại “kỳ hoa dị thảo” đua nhau khoe sắc, khoe dáng trước mỗi sân nhà… còn có rất nhiều cây ăn quả được trồng thành vườn tập trung và “điểm xuyết” trên những lối đi, góc sân, khoảng trống… khiến cảnh quan “Xanh, sạch, đẹp, sáng” của đơn vị càng thêm sinh động, vui mắt. Nhiều nhất là bưởi. Bưởi trong Vườn cây Chính ủy ở khu vực Trung đoàn bộ thì cây nào cây nấy đều lúc lỉu quả đang vào độ chín tới. Bưởi trong 3 vườn của 3 Tiểu đoàn cũng đều như thế, nhưng những cây trồng phân tán thì hình như “nhỏ tuổi” hơn, nhiều cây chưa có quả, nhiều cây chỉ mới cho quả bói… Ngoài ra còn có nhiều loại cây ăn quả khác đã cao quá đầu người như: Vú sữa, nhãn, sấu… Những loại cây này không trồng thành vườn tập trung mà thành cụm, đa số là trồng dọc theo các lối đi giữa các Ban, Đại đội, Tiểu đoàn…

Trung tá Nguyễn Thành Đạt, Trung đoàn trưởng, say sưa hào hứng nói về diện mạo mới của đơn vị. Đây chính là kết quả “lan truyền” từ Vườn cây Chính ủy của Thủ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng đơn vị đầu năm 2017, thời kỳ ông còn làm Chính ủy Quân khu Ba. Sau khi hơn một ngàn cây bưởi cùng hơn 200 cây nhãn và vú sữa của Chính ủy Quân khu tặng, được trồng thành công ở khu vực Trung đoàn bộ và các tiểu đoàn, đơn vị tiếp tục nhận được “quà cây” của nhiều Thủ trưởng khác mỗi dịp tết đến xuân về. Cùng đó là phong trào trồng cây ăn quả của các tiểu đoàn và đơn vị trực thuộc cũng phát triển thêm một bước. Những cây “bổ sung” sau này không có vườn mà phân tán ở những vị trí thích hợp. Đó là lý do vì sao các loại cây ăn quả trồng phân tán “nhỏ tuổi” hơn cây trong các Vườn cây Chính ủy ở khu vực cơ quan Trung đoàn bộ và các tiểu đoàn.

Lại thêm một sự trùng hợp thú vị, vô cùng ý nghĩa nữa mà tôi vừa được biết: Hơn một ngàn cây bưởi cùng hơn 200 cây nhãn và vú sữa của Chính ủy Nguyễn Mạnh Hùng tặng đơn vị đúng dịp Tết trồng cây năm 2017, là hoạt động mở đầu phong trào thi đua “Mừng Đảng, mừng Xuân”, lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung đoàn (29/7/1967 – 29/7/2017). Dịp ấy hơn 40 đơn vị thường trực trong Quân khu được Chính ủy tặng vườn cây ăn quả, nhưng có lẽ vì sự “trùng hợp” hết sức ý nghĩa trên đây nên riêng vườn cây của Trung đoàn 43 được Thủ trưởng quan tâm “ưu ái” hơn. Ông cử đồng chí Trung tá Vũ Chí Ninh là Thư ký của Chính ủy Quân khu trực tiếp xuống Trung đoàn khảo sát địa hình, diện tích vườn, các yếu tố kỹ thuật… và yêu cầu Trung đoàn kiểm tra rà soát lại công tác trồng cây lấy gỗ, cây bóng mát và các vườn tăng gia của đơn vị từ trước đến nay, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm trồng cây, làm vườn của nhân dân địa phương, để lựa chọn giống cây ăn quả và số lượng thích hợp cho đơn vị.

Theo đó, mặc dù địa hình đóng quân tương đối bằng phẳng nhưng đấy là kết quả san ủi cải tạo mặt bằng trước đây, nên nền đất vườn chủ yếu là đất “nguyên thổ” trong lòng đồi, rắn như đá và rất ít chất dinh dưỡng. Vì vậy, mỗi hốc cây anh em phải dùng máy xúc hoặc sức người đào thành hố rộng, rồi vận chuyển đất mùn từ các chân đồi về đổ xuống. Đất mùn tích tụ lâu năm dưới các chân đồi rất giàu dinh dưỡng. Lại thêm một điều khá thuận lợi là khu vực này có rất nhiều hồ nước tự nhiên và nhân tạo, chỉ cần dùng máy bơm loại trên 1,5 ki-lô-oát và dăm chục mét ống nhựa mềm là anh em có thể “thay trời làm mưa” bất cứ mùa nào. Đặc biệt, bùn từ các hồ nước như những chiếc túi khổng lồ đựng đất mùn và thực bì từ các sườn đồi núi trôi xuống sau mỗi mùa mưa, anh em vét lên phơi khô rồi đập ra trộn với trấu, thì chẳng loại phân vi sinh nào sánh bằng. Loại phân ấy, cứ mỗi năm một lần vào dịp cuối mùa Đông, xới quanh gốc bưởi bán kính chừng mét rưỡi rồi rắc xuống một lớp độ vài phân và đậy rơm rạ hoặc lá khô lên trên, thì sang tháng Hai, tháng Ba hoa bưởi bung xõa trắng vườn…

Thượng tá Trần Kim Trọng, Chính ủy Trung đoàn, nhiệt tình dẫn chúng tôi đi xem Vườn cây chính ủy của Tiểu đoàn 9, đóng ở phía sau khu vực Trung đoàn bộ. Cả một vườn bưởi chừng vài trăm gốc, gốc nào cũng lúc lỉu những trái bưởi vàng hươm căng tròn, đu đưa trong gió thu như đang tở mở chào đón khách tham quan. Anh Trong cho biết vườn của hai tiểu đoàn 7 và 8 năm nay cũng rất sai. Dịp Trung Thu vừa qua, toàn Trung đoàn đã hái gần nửa tấn bưởi cho anh em “phá cỗ”. Nếu thời tiết thuận lợi, mưa nắng thuận hòa thì số quả còn để dành trên cây có thể đợi đến ngày thành lập Quân đội nhân dân (22/12) và đón Tết dương lịch, mừng năm mới 2023…

*

Trong chuyến công tác trên đây, chúng tôi còn được tham quan những Vườn cây Chính ủy ở một số đơn vị thường trực của LLVT Quân khu Ba, như: Lữ đoàn pháo binh 454, Lữ đoàn xe tăng 405, Trung đoàn bộ binh 50, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2-Sư đoàn 395), Kho K84, Trường Quân sự Quân khu Ba… Tại các đơn vị trên đây, chúng tôi cũng đều được chứng kiến những vườn cây tươi tốt đẹp mắt. Hầu hết các loại cây ăn trái như bưởi, cam, na, xoài, nhãn, vải, mít… đều đã cho quả vụ đầu hoặc vụ thứ hai. Bên cạnh đó còn có nhiều loại cây cho quả làm gia vị nhà bếp, như chay, sấu, chanh… hoặc cho hoa lá giải khát như cây vối. Điều này không chỉ vì đặc điểm thời tiết, khí hậu và địa hình, thổ nhưỡng của từng đơn vị mà còn vì Thủ trưởng Hùng muốn đa dạng vườn cây thực phẩm của đơn vị, có thứ để “ăn chơi”, có thứ đưa vào bữa cơm hằng ngày, có thứ để uống nước giải khát trên thao trường… Theo đó mà món quà Chính ủy Quân khu tặng bộ đội là những “cây lưu niệm” thông thường, mà nhằm thiết thực góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội; thể hiện sự quan tâm chu đáo, tận tình đến những người chiến sĩ. Bởi vậy mà có đơn vị như ở Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395), sau đợt trồng đầu tiên không thành công, Chính ủy đã trực tiếp chỉ đạo phải thay cây, thay giống, thay đổi kỹ thuật chăm sóc… để có được vườn cây “mĩ mãn” như hiện nay…

Vậy là, cùng với hình thức “trồng cây lưu niệm” được lưu truyền lâu nay, những Vườn cây Chính ủy ở Quân khu Ba đã góp thêm một nét đẹp văn hóa quà tặng, gợi mở nhiều hình thức “tặng cây” sáng tạo và độc đáo. Chẳng hạn như “Vườn cây quân hàm” ở Trung đoàn 43 đã được hình thành từ hình thức trồng cây lưu niệm mỗi khi được thăng quân hàm, nay được qui hoạch thành vườn tập trung chứ không phân tán như trước. Một điều hết sức thiết thực nữa là từ những Vườn cây Chính ủy, phong trào trồng cây ăn trái của hầu hết các đơn vị như có thêm một “cú huých” mới, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng “Xanh, sạch, đẹp, sáng” hơn.

Cổ nhân dạy: “Trẻ trồng na, già trồng chuối”. Tạm gác yếu tố thời gian và tuổi tác, thì việc trồng cây, “chơi cây” rồi tặng cây là những hành vi văn hóa thấm đẫm nhân văn. Bởi thế, “Ăn quả nhớ người trồng cây” không chỉ là đạo lý đời thường mà còn là triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc. Có cây mới có rừng. Rừng là biểu tượng của sự sống, của thiên nhiên, của nhân loại…

Viết đến đây trong tôi bỗng ngân nga giai điệu một bài hát: Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người, trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa… Và tôi vẫn nhớ hoài về một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh…”

Xin cảm ơn người nhạc sĩ tài danh đã nói hộ tôi bao điều chưa thể diễn đạt được về những Vườn cây Chính ủy mà tôi vừa được tham quan, chứng kiến.

Ghi chép của Bùi Đức Thọ

Nguồn Văn nghệ số 51/2022


Có thể bạn quan tâm