April 27, 2024, 9:56 am

Những trang viết chắt ra từ tình yêu thiên nhiên và cuộc sống(1)

Đỗ Đức là một họa sĩ, nhưng là một người đa tài, nên ông còn viết - viết rất nhiều và hay. Không kể các truyện tranh in riêng như Chuyện phiêu lưu của Kao Kều và Lùn tịt, Ngựa trên núi… ông còn có nhiều sách tranh, sách nghiên cứu về mỹ thuật, nhiếp ảnh in chung như Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Tranh khắc gỗ Việt Nam, Tác giả, tác phẩm Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, Mỹ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam…

Tôi đọc tản văn của Đỗ Đức (sau này khi in thành sách có lúc ông gọi là văn xuôi, tạp văn…) in rải rác trên các báo, tạp chí từ lâu và rất thích. Lần này, tôi được đọc cùng một lúc hai tập sách Tuổi thơ ơiGã thợ xăm đều in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý 2 năm 2021. Cả hai tập sách đều là những tập hợp các đoạn văn ngắn (Tuổi thơ ơi gồm 29 đoạn, Gã thợ xăm gồm 41 đoạn) nhưng rất ấn tượng và hấp dẫn vì tác giả rút ruột viết ra từ những kỷ niệm tuổi thơ của mình. Tập Tuổi thơ ơi được viết từ năm 2007 trở về trước. Tập Gã thợ xăm viết rải rác từ năm 2008 trở lại đây, có niều bài viết trong những ngày đại dịch Covid-19 (2019-2020). Hai tập sách cuốn hút cả người lớn và trẻ em. Đối với những người thuộc thế hệ Đỗ Đức, các cuốn sách này giúp cho người ta trở về với tuổi thơ của mình, tuy cực khổ nhưng vô cùng êm đềm với những kỷ niệm đẹp một đi không trở lại. Đối với các bạn đọc trẻ tuổi, thì những điều tác giả viết, tâm sự về tuổi thơ của mình cứ như các câu chuyện trong cổ tích, vì các em không có tuổi thơ, không có bối cảnh sống như các em cần phải có hay nói cho đúng hơn tuổi thơ của các em đã bị đánh cắp. Rất nhiều chỗ, nhiều đoạn tác giả không kìm nén được đã thốt ra những nhận xét thật cay đắng với nhiều nuối tiếc.

Đỗ Đức quê gốc ở vùng văn hóa Kinh Bắc, nhưng vì nhiều lẽ ông sinh ra và lớn lên ở vùng núi Đại Từ (Thái Nguyên). Những năm trước Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, đây là một vùng rừng núi đầy hoang vu nhưng cũng đầy thơ mộng. Hai tập sách đưa chúng ta trở về với tuổi thơ của tác giả, cùng với một vùng núi non hiểm trở, đầy sức sống như nó vốn có từ hàng nghìn năm, trước khi bị con người phá nát một cách tàn bạo. Ngoài những con người gây ấn tượng với Đỗ Đức trong thời thơ bé, hai tập sách viết về các loại cây như sim, mua, dâu da đất, nhãn, mít, bưởi, cam, chanh, doi, ổi… và các loài vật như chim sáo, quạ, chèo bẻo, chích chòe, chìa vôi, chim khách, chiền chiện, chim ruồi, vàng anh v.v… Là một họa sĩ, nhưng cũng là một nhà văn, nên những trang miêu tả cây cối, con vật của Đỗ Đức thật sinh động. Chẳng hạn viết về con chìa vôi, chim cuốc: “chìa vôi đứng như một vũ nữ. Nó luôn đỏng đảnh, thoăn thoắt trên mặt đầm, đuôi lúc xòe lúc cụp như người ta phất quạt. Đám chim cuốc vừa lầm lũi, vừa nhớn nhác lúc nào cũng lo đói, nhưng thực tính nó kiếm được xôm nhất trong các loài sống trên mặt nước, bởi có đôi chân cà kheo cực kỳ linh hoạt và cái ngực trắng bóng giấu được mình trước lũ đòng đong, cân cấn ngờ nghệch” (Tuổi thơ ơi, tr.16,17). Còn đây là một đoạn viết về các loại cây rừng: “Bạn hãy nhìn xem, cây cao tuy át cây nhỏ nhưng bão tố nó chịu lay động đầu tiên. Có lúc nó còn rủ bóng mát che chở cho cây nhỏ dưới chân được bình yên. Hãy ngắm rừng, cây nào cỏ nào, vật nào chỗ ấy. Cây rau, cây giang, cây nứa thì mọc ven khe có nước. Cây thiết ngạnh gỗ sắt lại như thép bởi nó chịu đựng được ở nơi khan nước. Lá lim rụng xuống suối nhả ra chất độc không sinh vật nào sống được nên nước suối rừng lim mới trong vắt, cỏ cây li tán dưới chân nó. Gỗ lim nằm trong nhóm tứ thiết, bền chắc nhưng chỉ để làm cánh cửa hay khung tủ vì nếu làm giường nằm làm bàn ghế tiếp xúc thường xuyên sẽ rất mệt mỏi vì trong gỗ nhả ra hơi độc. Cây trám thuộc loại gỗ tạp nhưng lại cho trái ăn được nuôi sống con người” (Gã thợ xăm, tr.125-126). Những nhận xét tưởng như bâng quơ, nhưng lại rất thời sự, gắn bó với cuộc sống con người lúc đó: “Không biết độ tin cậy trong truyền thông của chim khách được bao nhiêu, nhưng ai cũng lắng nghe tiếng chim khách với sự mong ngóng đợi chờ” (Tuổi thơ ơi, tr.32) là chuyện của thời kỳ thông tin chưa phát triển và người ta còn quý khách, lúc nào cũng mong có người khách phương xa đến nhà để đãi đằng, đón tiếp. Dưới đây là một ví dụ khác: “Thì ra ăn mày không chỉ là sở hữu của người nghèo, mà còn là nghề của những người đã từng giàu có nhưng sa cơ lỡ vận” (Tuổi thơ ơi, tr.119) là một nhận xét hóm hỉnh về sự vô thường, “lên voi xuống chó” của kiếp người nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.

Nhưng đóng góp đặc biệt quan trọng của Đỗ Đức là những bài học, những chiêm nghiệm nhân sinh mà ông rút ra, khái quát lại qua việc viết về chim, hoa, cá, rừng… của thời thơ bé (mặc dù việc làm này đã rất có ý nghĩa). Điều đáng quý là ông không chỉ trung thực với bạn đọc, mà trung thực với cả chính mình. Những nhận xét, đánh giá của ông trong Tuổi thơ ơi không riết róng, cay nghiệt như trong Gã thợ xăm, bởi với thời gian và năm tháng, những trải nghiệm của ông cũng dầy thêm và thực tế cũng cho ông nhiều bài học nhãn tiền. Trong Lời kết của tập Tuổi thơ ơi, ông viết năm 2007: “Tôi cố gắng ghi chép lại những gì còn nhớ trên mảnh đất này để nhắc mình là ai. Phần viết này tôi muốn tặng cho cha mẹ, anh em, người thân, cho bạn bè trên quê hương. Và trên nhất, tôi muốn tặng nó cho những người cầm bút đi trước bởi những trang viết của các tiền bối đã thực sự dẫn đường cho tôi khi bố mẹ mới chỉ đưa tôi ra đứng đầu ngõ” (trang 153), mới chủ yếu chỉ là những kỷ niệm và lòng biết ơn của tác giả với quê hương, với người thân và những người đi trước, thì đến Lời tác giả của Gã thợ xăm, Đỗ Đức đã viết: “Tập sách viết để ghi nhớ tuổi thơ này của tôi không chỉ viết về một số loài chim mà còn viết về thú rừng và côn trùng, viết cả về môi trường và cuộc sống quanh ta, những cái hoàn hảo và cả nhưng gì chưa hoàn hảo” (tr.75), tức là ngoài những kỷ niệm, người viết còn mở rộng đề tài để thể hiện tư tưởng của mình. Ông cũng hy vọng những trang viết của mình “sẽ giúp mỗi người nuôi dưỡng lòng nhân ái với đồng loại và thế giới quanh mình, để bảo vệ cuộc sống của chính mình” (Gã thợ xăm, tr.6). Nếu như trong Tuổi thơ ơi ông bực bội vì thấy người ta phá rừng già, những vườn cây ăn trái để xây dựng nông trường Bắc Sơn chuyên trồng sắn không có hiệu quả. “Đó là cái giá của sự bồng bột nhất thời khi hướng về sự phát triển ngây thơ của những cái đầu lãng mạn không kiến thức về kinh tế… Sự trả giá có cái nhãn tiền, có cái phải vài chục năm sau mới ngấm nhưng trả giá lại là người dân” (tr.30) thì trong Gã thợ xăm lại là sự uất nghẹn đến bất lực khi thấy người ta tàn phá thiên nhiên “Tiếng chim ứa máu, và trong những chừng mực nào đó cũng là trái tim tôi đang ứa máu khi nhớ về rừng xưa” (Gã thợ xăm, tr.11). Nhưng cái đáng quý và cũng là phẩm giá của một người nghệ sĩ là không mất niềm tin vào con người: “Thiên nhiên công bằng hơn con người, nên thiên nhiên có trật tự. Vì thói quen chiếm đoạt mà con người nghĩ ra lắm cách để bòn rút thiên nhiên, bòn rút đồng loại. Nhưng nếu con người biết quan sát thiên nhiên thì sẽ học được từ thiên nhiên sẽ biết sống nhân ái hơn, sẽ không còn cảnh nhầm chỗ và hoang tưởng để rồi chen lấn đồng loại gây ra biết bao tội lỗi” (Gã thợ xăm, tr.127). Đây là một đoạn của bài Tiếng rừng tác giả viết năm 2010, trong đoạn Vĩ thanh viết năm 2020 tác giả nhận xét thêm: “Những kẻ ngộ nhận cho rằng mình thay đổi thiên nhiên, thay đổi vũ trụ hãy mở mắt ra nhìn để sống tử tế hơn” (Gã thợ xăm, tr.128).

Với tình yêu thiên nhiên, yêu những kỷ niệm tuổi thơ, cùng những trải nghiêm cuộc đời của một nghệ sĩ, Đỗ Đức đã có những trang viết đầy xúc tích, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Không chỉ nhắc nhở lại một thời thơ trẻ gian khó mà đầy mộng mơ của mình, Đỗ Đức còn giúp chúng ta nhớ lại một thời lầm lỗi nghiêm trọng nhưng đầy ngây thơ của mình, của thế hệ mình. Đã có một thời người ta nghĩ mình có thể thay thế được thiên nhiên, cải tạo được thiên nhiên với những câu khẩu hiệu xáo rỗng và hoang tưởng “Xoay trời, chuyển đất, sắp đặt lại giang sơn”. Cái sự lầm lớn nhất của chúng ta và của cả con người là cải tạo thiên nhiên, (thực chất là tàn phá thiên nhiên), bắt thiên nhiên phải phục vụ mình. Thực ra thiên nhiên đã rất hồn hậu, nếu chúng ta nương tựa vào thiên nhiên, biết sống thuận thiên thì cuộc sống của con người sẽ êm đềm biết bao nhiêu. Có những lúc chúng ta không tàn ác, nhưng ngây thơ. Đáng lẽ phải nâng cao năng suất cây trồng, thì chúng ta lại tăng diện tích để đạt một sản lượng lương thực nào đó. Những năm 60 của thế kỷ trước người ta đã chống đói bằng phá rừng (khai hoang Tây Bắc và Việt Bắc) và bây giờ thì chúng ta phải gánh hậu quả. Chúng ta phá vỡ thế cân bằng của thiên nhiên, bất hiếu với Bà mẹ thiên nhiên và đã làm thiên nhiên nổi giận. Những đỏng đảnh của thiên nhiên có nguyên nhân từ chính chúng ta. Vì vậy, con người phải sửa chữa, phải sống nhân ái, hòa thuận với thiên nhiên, mà ông cha ta từ bao đời vẫn thực hiện là thuận thiên. Rất may là loài người đã nhận ra điều này sau những nổi giận của thiên nhiên mà con người vô phương chống đỡ. Những bài viết của Đỗ Đức trong hai tập sách là một cách tiếp cận với lối sống thuận thiên của cha ông ta. Hãy tử tế với thiên nhiên vì đây là cái nôi sinh ra con người. Cuộc sống hiện đại mang lại nhiều lợi ích, nhưng nếu không biết tiết chế thì cũng là cách loài người tự hủy diệt mình. Những bài viết của Đỗ Đức khiên tôi cứ suy nghĩ mãi.

________

1. Cảm nhận từ hai tập sách Tuổi thơ ơi và Gã thợ xăm của Đỗ Đức – Nxb Hội Nhà văn-2021

Nguồn Văn nghệ số 52/2021


Có thể bạn quan tâm