April 26, 2024, 7:16 am

Những trăn trở về nền khoa giáo nước nhà và những giải pháp

Giấc mơ Việt Nam tôi - Tập 1: Đi xa về gần - Những trăn trở về nền khoa giáo nước nhà và những giải pháp

Tập bút ký của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và những bài phỏng vấn từ năm 1969 - 2018

 

“Một trong mười hai người nước ngoài làm thay đổi nước Bỉ”

Được biết đến là một nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực Cơ học vật rắn biến dạng (chuyên ngành Cơ học tính toán), Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng - Giáo sư thực thụ (full professor), Tiến sĩ Khoa học đặc biệt (docteur spécial) Giáo sư tại Đại học (ĐH) Liège, Vương quốc Bỉ, cũng là người sáng lập Văn phòng Đào tạo Cao học Bỉ - Việt EMMC tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (đây được xem là mô hình du học tại chỗ đầu tiên tại Việt Nam).

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận Huy chương của Hàn lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984), Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (1996), Huân chương “Đại sĩ quan của Vua Leopold II” (1999) và “Đại sĩ quan của Hoàng gia, Vương quốc Bỉ” (2006). Giáo sư cũng được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm thay đổi nước Bỉ (theo tuần báo VIF-EXPRESS 16.7.1999).

Nhưng trên tất cả, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một trí thức giàu lòng yêu nước và luôn tận tâm đối với nền giáo dục cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học của nước nhà.

Để đạt được học bổng du học trước khi 19 tuổi, ít ai biết rằng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từ một cậu bé chỉ biết đọc và viết năm 12 tuổi đã phải học rất cật lực để lấy bằng tiểu học chỉ trong một năm và lên kế hoạch học nhảy cóc trong những năm tiếp theo để đậu tú tài vào năm 18 tuổi.

Dù trải qua một thời gian dài khó khăn khi học tập và sinh sống ở nước ngoài, cho đến khi định cư và có cuộc sống sung túc, đầy đủ ở châu Âu, giấc mơ Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chưa bao giờ nguôi. Đó là giấc mơ về một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, phát triển sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

 

Muốn hái quả ngọt, phải nếm trái đắng

Tập 1 của cuốn bút ký được chia ra làm 2 phần, trong đó, phần 1 kể về việc hình thành Văn phòng Đào tạo Cao học Bỉ - Việt đặt tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là mô hình du học tại chỗ đầu tiên giúp sinh viên Việt Nam học tập trong nước nhưng nhận được bằng thạc sĩ của châu Âu.

Với một trái tim luôn hướng về Việt Nam, luôn trăn trở làm thế nào để giúp ích cho tuổi trẻ nước nhà, qua những dự án ngắn hạn, các khóa tập huấn, Giáo sư Hưng đã nghĩ đến việc mở các khóa đào tạo thạc sĩ ngay tại Việt Nam và đưa các giáo sư từ Bỉ sang giảng dạy, dưới sự tài trợ của Chính phủ Bỉ.

Từ năm 1995 - 2008, với tổng cộng 20 khóa đào tạo thạc sĩ châu Âu về Cơ học xây dựng và Tính toán Cơ học Ứng dụng (trong đó 12 khóa tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 8 khóa tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), đã có trên 700 học viên tham dự và 318 thạc sĩ tốt nghiệp, nhận bằng của ĐH Liège. Thông qua chương trình, đã có hơn 100 giáo sư từ châu Âu sang giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu tại Việt Nam. Và trong số 318 thạc sĩ tốt nghiệp từ chương trình, đã có trên 100 thạc sĩ hoàn thành và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại nhiều nước trên thế giới.

Trên thực tế, việc “triển khai một dự án giáo dục ở Việt Nam không hề đơn giản”, trong khi mô hình “du học tại chỗ” mà Giáo sư Hưng khởi xướng lại “còn quá mới ngay cả với Bỉ” - một đất nước có nền giáo dục và trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Vì vậy, ngay khi được phê duyệt ở Bỉ thì muôn vàn khó khăn như đã chực chờ sẵn tại Việt Nam.

Để hái được những “quả ngọt”, Giáo sư Hưng đã phải nếm rất nhiều “trái đắng”, đó là “những quyết sách khó hiểu, những biện pháp khó lường”, là những “con người của cơ chế”, là sự yếu kém, thiệt thòi về trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam đã dẫn đến nhiều bài toán khó cùng bao “nỗi thất vọng ê chề” cho Giáo sư Hưng và những giáo sư giảng dạy tâm huyết. Tuy nhiên, sự thôi thúc làm thế nào để đóng góp cho Việt Nam trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, làm thế nào để sinh viên được tiếp cận với giáo dục chất lượng quốc tế nhưng lại tránh được hiện tượng “chảy máu chất xám”, chính những động lực đó đã giúp Giáo sư Hưng kiên trì đi - về giữa hai nước Việt Nam và Bỉ, để góp phần đào tạo một đội ngũ nhân tài đẳng cấp quốc tế và chuyển giao khoa học công nghệ thành công.

Nhưng trên tất cả, thành quả ngọt ngào nhất và mang lại hạnh phúc thực sự cho Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, chính là việc Giáo sư đã đào tạo cho đất nước nhiều thế hệ nhà khoa học trẻ, các tiến sĩ, giáo sư, …. đã và đang hoạt động khoa học thực sự, và tiếp nối giấc mơ Việt Nam mà Giáo sư đã dành phần lớn thời gian cuộc đời để theo đuổi.

 

Muốn trồng cỏ xanh, phải diệt cỏ dại

Hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Bỉ cũng như nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, cùng những năm hợp tác tổ chức đào tạo thạc sĩ tại Việt Nam, đã giúp Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không chỉ “am hiểu về hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến”, mà còn “nắm bắt tường tận về nền giáo dục đào tạo của nước nhà”, qua đó nhìn rõ những căn bệnh giáo dục.

Để nền giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học nước nhà phủ đầy “cỏ xanh”, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã từng nhiều lần gửi bản kiến nghị trình Chính phủ cùng các đồng nghiệp (trong đó có Cố Giáo sư Hoàng Tụy) về những giải pháp diệt “cỏ dại” - đó là bệnh thành tích, coi trọng bằng cấp dẫn đến việc cấp phát bằng bừa bãi, đào tạo tiến sĩ giấy, bằng giả - bằng thật, chưa lấy người học làm trung tâm và coi người thầy là “thánh nhân”, ....

Theo Giáo sư Hưng, “Việt Nam chưa có tư duy giáo dục nghiêm túc” mặc dù trước đó nước ta có lịch sử học thuật không thua kém với các nước bạn, vì vậy đã dẫn đến nhiều hệ lụy bất cập như hiện nay. Để đổi mới toàn diện ngành giáo dục, Giáo sư Hưng cũng như nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã đề xuất cần phải trở về với thực học, lấy người học làm đối tượng trung tâm, đào tạo con người phải dựa vào nền tảng nhân văn, hướng đến giá trị chân thiện mỹ, xóa bỏ những áp đặt, mà trước tiên, căn bản nhất phải đổi mới tư duy giáo dục và người lãnh đạo phải nhìn rõ sự thật, có như vậy căn bệnh giáo dục của Việt Nam mới có cơ may chạy chữa.

Về nghiên cứu khoa học, để thu hút nhân tài tham gia nghiên cứu, Giáo sư Hưng đề nghị không nên chỉ dựa vào khía cạnh tài chính, việc thưởng tiền cho nghiên cứu sinh có bài báo quốc tế cũng dẫn đến nhiều bất cập. Và đặc biệt, việc công bố phát minh phải đúng với bản chất khoa học.

Cho đến nay, dù ở tuổi 80, Giáo sư Hưng vẫn chưa hết băn khoăn và day dứt về thực trạng giáo dục Việt Nam, luôn trăn trở về những vấn đề nổi cộm, có tính thời sự trong thời gian gần đây như việc biên soạn sách giáo khoa, xây dựng thương hiệu giáo dục, ...

 

Kết

Giống như lời chia sẻ của cố Giáo sư Hoàng Tụy, qua những trang bút ký, chúng ta có thể “mường tượng ra biết bao nghị lực và kiên nhẫn mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã phải thực thi để vượt qua những trở ngại, khó khăn…” trong việc đào tạo cho Việt Nam đội ngũ các tiến sĩ, giáo sư, nhà khoa học trẻ nói riêng, tìm kiếm những giải pháp cho bài toán giáo dục Việt Nam nói chung.

Bút ký của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chính là một tập hợp tư liệu quý giá, cho thấy toàn cảnh bức tranh giáo dục đào tạo của Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 đến hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Là “chứng cớ của một tài năng hiếm có, có khả năng khỏa lấp những cách biệt giữa hai nền văn hóa, giữa những phân ly của khoa học và nhân văn” (theo chia sẻ của Giáo sư danh dự thực thụ Giulio Maier của ĐH Công nghệ Milano, nguyên Chủ tịch Hội Cơ học Ý, nguyên Viện trưởng Viện Cơ học Quốc tế Udine).

Bút ký là cuốn sách đáng đọc, là sách “gối đầu giường” cho những ai đang công tác (và cộng tác) trong (với) ngành giáo dục; cho những ai hằng quan tâm và luôn trăn trở về sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo của Nước nhà. Những ai mải thao thức với mấy từ “Giáo dục là Quốc sách – Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

 


Có thể bạn quan tâm