April 26, 2024, 9:33 pm

Những trăn trở cho một nền điện ảnh đậm đã bản sắc Việt

 

Hội thảo khoa học mang tên “Phim Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, vừa được tổ chức vào những ngày cuối cùng của tháng 3/2019 do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận phê bình VHNT thành phố Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh), Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Ghi nhận từ giới phê bình nghệ thuật, hội thảo, không chỉ được xem là một hoạt động mang tính chất tổng kết một giai đoạn phát triển, đánh giá thực trạng phim truyện điện ảnh Việt Nam giai đoạn 2007 đến 2017 mà còn được kỳ vọng sẽ gợi mở, đề xuất giải pháp, định hướng phát triển điện ảnh Việt Nam nói chung, phim Việt nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đội ngũ chỉnh tề

Đã có hàng chục tham luận được trình bày tại hội thảo, với những ghi nhận hoàn toàn độc lập về thực trạng của phim Việt trong 10 năm qua. Đó là sự hình thành và phát triển của một độ ngũ những người làm phim trẻ có nghề, được đào tạo bài bản; Một số bộ phim Việt đã bước ra khỏi luỹ tre làng, ra đấu trường quốc tế và đoạt những giải thưởng danh giá. Song, bên cạnh những chuyển biến tích cực của phim Việt, thì không ít đạo diễn, diễn viên, nhà phê bình điện ảnh còn trăn trở về sự lấn lướt của phim ngoại trong hầu hết các chương trình giải trí  trên các kênh truyền hình chính thống. Chưa kể, việc lấy mốc 10 năm (từ 2007 đến 2017), để soi chiếu sự chuyển động của phim Việt là một hành động mạo hiểm, bởi đây là khoảng thời gian ngắn, chưa đủ để phác thảo diện mạo của phim Việt thời hiện đại. Lý giải cho dấu mốc 10 năm, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh đã khẳng định “Để xác định phạm vi nghiên cứu, chúng tôi chọn giai đoạn 10 năm (2007-2017) để có thể vừa nghiên cứu mang tính chuyên sâu vừa tổng kết bước đầu về một giai đoạn cụ thể. Tuy vậy, 10 năm không phải là một khoảng thời gian độc lập về mặt ý nghĩa lịch sử. Những gì tồn tại trong 10 năm ấy đều có nguyên nhân sâu xa từ thời gian trước và có thể sẽ tác động, ảnh hưởng cho những giai đoạn tiếp theo.

Công bằng mà nói, không phải đến thời điểm hiện tại, những vấn đề nội tại của phim Việt mới được mổ xẻ, mà trước đó những hội thảo khoa học mang tính chuyên ngành, đa ngành đã được Cục điện ảnh (Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch),  Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức. Tại những hội thảo này, ngoài các ý kiến còn khác nhau khi đánh giá điểm mạnh, yếu của phim Việt, thì hầu hết đều thống nhất ở chung một điểm, đó là phim Việt đang bị phim ngoại “nhấn chìm” ngay trên chính sân nhà của mình.

Thực tế, trong khoảng trên 100 kênh truyền hình được thu, phát qua đầu số được Bộ Thông tin & Truyền thông cung cấp, thì tỷ lệ phim Việt được trình chiếu trong các khung giờ vàng rất thấp, loại trừ các kênh chính thống như VTV1, VTV3…, còn lại là chiếu các phim truyện của Trung Quốc, Hàn Quốc và gần đây nhất là những dự án phim khủng của Ấn Độ, Thái Lan lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tập kéo dài hết năm này qua năm khác… Mật độ dày đến nỗi, dư luận xã hội, giới phê bình nghệ thuật đã không khỏi lo lắng cho một tương lai của phim Việt và một thế hệ độc giả chỉ yêu và sùng bái phim ngoại mà quên mất phim Việt, sử Việt.

 

Nhưng không cùng một hướng

Và khi đời sống nghệ thuật đã ở vào thế chông chênh giữa nghệ thuật truyền thống và sự xâm lấn của làn sóng ngoại lai thì một lớp đạo diễn, diễn viên trẻ của Việt Nam đã ra đời. Họ kế thừa những điểm mạnh của điện ảnh truyền thống và phát triển theo cách của riêng mình. Không còn những mô tip phim cũ chỉ nghiêng về người tốt việc tốt, xoay quanh đề tài hậu chiến, mà họ đã đẩy những xung đột của đời sống vào lấp đầy những thước phim truyện nhựa, phim truyện truyền hình kéo khán giả trở về với phim Việt. Có thể kể đến những đạo diễn, biên kịch trẻ như Ngô Thanh Vân, Lương Đình Dũng, Hồng Ánh… với những phim đình đám như Hai Phượng, Cha cõng con, Thành phố ngủ gật, Đảo của dân ngụ cư… không chỉ đạt doanh thu phòng vé ở mức kỷ lục, mà còn đại diện cho phim Việt chinh chiến tại các giải điện ảnh khu vực và thế giới. Và điều này đã góp phần chứng minh sự nhanh nhạy của lớp đạo diễn, biên kịch trẻ khi bắt kịp xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới, từng bước điều chỉnh cách làm phim, đề tài phim theo thị hiếu người xem. Song, mặc dù vậy thì vẫn còn không ít những “hạt sạn” khiến người xem bất bình như các phim Tỷ phú đè đại gia; Làng ế vợ 3. Đại gia chân đất… với những cảnh quay phản cảm, đề cao tình dục… Điều này đã cho thấy, bên cạnh những mặt mạnh của phim Việt về lớp đạo diễn, bên kịch và diễn viên kế cận, thì độ vênh trong nhận thức đã khiến cho phim Việt chưa cùng nhìn về một hướng.

Sự “xâm thực” của các nền văn hoá trên thế giới đang tác động mạnh mẽ đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, trong đó có điện ảnh. Không phủ nhận bên cạnh những yếu tố tích cực làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, thì mặt tiêu cực của nó đã và đang tạo nên một trào lưu mới trong làng điện ảnh. Đó là nhà nhà làm phim, người người làm phim. Điều này dẫn đến thực trạng người chưa am hiểu điện ảnh cũng nhảy vào làm phim, tạo ra dòng phim thương mại, giải trí, lấn lướt những tác phẩm nghệ thuật chính thồng.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, công tác xây dựng kịch bản đang là lỗ hổng lớn trong điện ảnh Việt Nam. “Muốn có bộ phim hay trước hết phải có kịch bản hay. Ở các phòng Biên tập của các hãng phim đang chất hàng đống kịch bản, nhưng không sử dụng được. Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt, nhưng lại có quá ít kịch bản hay…”.  Cùng quan điểm với NSND Đào Bá Sơn, về thực trạng của kịch bản phim Việt, nhưng nhà báo Tô Hoàng (Hội Điện ảnh Việt Nam) lại tiếp cận phim Việt ở một góc độ khác, đó là  “Xem phim Việt bây giờ không thấy hiển hiện trên màn ảnh nông thôn, thành thị, miền biển, miền núi của nước ta. Hầu như tất cả là villa, xe hơi và cuộc sống vô lo, vô nghĩ của đám trẻ với các mốt thời trang... Nạn “xâm thực” dịu ngọt, êm ả của điện ảnh Hàn Quốc đã thấm vào lời ăn tiếng nói, cách ứng xử,… của các nhân vật trong phim Việt. Và để nắn chỉnh phần nào tình trạng này. Tôi tha thiết kêu gọi các nhà sản xuất, các đạo diễn hãy quay trở lại với nền văn học nước ta, nếu muốn tìm một kịch bản hay… Một nền điện ảnh nhân văn, mang đậm phong vị quê hương xứ sở mình, giàu ngôn ngữ điện ảnh, không mắc phải những căn bệnh lai căng, bắt chước nay giống Hàn, mai giống Hollywood, ngày kia giống Đài Loan,… Dứt khoát phim Việt phải được bén sâu gốc rễ vào chính nền văn chương của quê hương mình

Thực tế, nếu chỉ xét những phim đang được trình chiếu tại các khung giờ vàng phim Việt trong thời điểm hiện tại của VTV1 và VTV3, như Về nhà đi con (VTV1), Nàng dâu Order, (VTV3) thì trong một chừng mực nhất định, nhà báo Tô Hoàng đã đúng khi hầu như trong các phim này đều thấy các nhân vật trong phim sống trong cảnh nhung lụa, và một thế giới mà ở đó cái Tôi được đẩy lên đến tận cùng với những nhu cầu sống, yêu, thể hiện… Còn nếu nhìn vào những phim chiếu rạp với doanh thu phòng vé “khủng” như Hai PhượngCua lại vợ bầu… thì thấy những xung đột xã hội đã, đang hiển hiện trong phim khiến người xem giật mình thảng thốt, để rồi qua mỗi thước phim họ nhận ra những giá trị nhân văn lấp lánh mà phim hướng tới…

Để phim Việt bước qua những ghềnh thác, thực sự giành cho người Việt, bên cạnh sự đầu tư và thúc đẩy nhanh việc hình thành quỹ điện ảnh, đã đến lúc cần có sự bắt tay giữa văn học và điện ảnh. Những tác phẩm văn học luôn là đề tài để các biên kịch, đạo diễn mạnh dạn chuyển thể thành phim. Và thực tế, những Cánh đồng bất tận, Bí thư tỉnh uỷ, hay Mùi cỏ cháy đã là những minh chứng hùng hồn cho sự giao thoa để cùng phát triển của phim Việt hiện nay.

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm