April 26, 2024, 10:47 am

Những thước phim “xương máu”

Trong “làng” điện ảnh Việt Nam hiện nay, Điện ảnh Quân đội nhân dân là đơn vị sở hữu một kho tư liệu phim đồ sộ về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của dân tộc ta; đồng thời cũng là nơi ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc về đề tài trên đây. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” (12/1972 – 12/2022), báo Văn nghệ đã có cuộc trao đổi với Nhà biên kịch, Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân về những bộ phim của đơn vị phản ánh cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong 12 ngày đêm năm ấy...

Thượng tá Nguyễn Thu Dung cho biết: Ngay từ ngày đầu đế quốc Mỹ mang bom đánh phá miền Bắc (5-8-1964), Điện ảnh QĐND đã có một tổ trực chiến cùng Trung đoàn phòng không 290 ở thành phố Vinh; một tổ ở Lạch Trường (Thanh Hóa) ghi lại cuộc chiến đấu của bộ đội hải quân và xác chiếc máy bay bị bắn rơi tại chỗ; một tổ ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) ghi lại cuộc chiến đấu của quân và dân địa phương bảo vệ các mục tiêu ở Vùng Mỏ... Có thể nói, trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, các nghệ sĩ Điện ảnh QĐND thực sự là những người chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trên các trận địa ác liệt nhất, bằng máy quay phim…

* Phóng viên: Làm phim trực tiếp trên chiến trường, trên trận địa thì chắc chắn là vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra các nhà làm phim quân đội lúc đó còn có những khó khăn gì?

Thượng tá NGUYỄN THU DUNG: Chiến sự diễn biến rất nhanh, chiến tranh lan rộng, nhưng đội ngũ làm phim thì không thể bổ sung một sớm một chiều, nhất là đội ngũ quay phim. Vì vậy, có những đợt đơn vị phải động viên cả anh em làm các công việc khác như chiến sĩ khói lửa, cán bộ in tráng… đi làm phụ quay phim. Hòa mình vào cuộc chiến đấu, các tổ quay phim đã kịp thời có mặt trên hầu hết các trận địa bắn máy bay Mỹ của bộ đội phòng không, dân quân tự vệ và cả trên những tàu chiến đấu của bộ đội Hải quân đang cơ động trên biển…

Thời kỳ này, Điện ảnh Quân đội vừa làm phim trên chiến trường miền Bắc, vừa phải điều động lực lượng đáp ứng nhu cầu làm phim ở các chiến trường “B ngắn”, “B dài”, Lào, Campuchia… Vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn trong điều kiện liên tục phải di chuyển chỗ ở, nhưng các cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội vẫn phấn đấu làm phim với tinh thần người chiến sĩ trên mặt trận. Nhiều bộ phim thời sự, phóng sự, tài liệu ngắn… được các bộ phận kỹ thuật sản xuất tại chỗ, kịp thời động viên tinh thần chiến đấu cho bộ đội và nhân dân vùng giải phóng.

Và tiêu biểu cho tinh thần “xả thân” của các nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh QĐND trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”?

- Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chiến sự và ngoại giao nửa cuối năm 1972, đơn vị đã lên kế hoạch điều động lực lượng quay phim đến trực chiến ở các trận địa tên lửa, pháo cao xạ... đang phục kích đón đánh địch ở khắp nơi. Đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 ở Hà Nội, khi một số đội quay phim vừa trở về từ chiến dịch Quảng Trị và mặt trận Cánh Đồng Chum (Lào) lập tức được bổ sung vào tham gia chiến dịch. Hơn một chục tay máy đã xông xáo “tả xung hữu đột” bám sát cuộc chiến đấu suốt 12 ngày đêm, nhờ vậy mà Điện ảnh QĐND đã có được những thước phim vô giá ghi lại những khoảnh khắc lịch sử... Trong đó, nhiều thước phim được đổi bằng xương máu của các tác giả...

Trong những ngày đêm phục kích quay phim ở các trận địa phòng không, các nghệ sĩ - chiến sĩ cũng phải vượt qua bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm do đặc thù nghề nghiệp và sự ác liệt của bom đạn. Chẳng hạn khi quay cảnh bộ đội tên lửa phục kích bắn máy bay trong đêm tối, các tay máy hoàn toàn bị động nên phải túc trực suốt đêm bên trận địa, luôn sẵn sàng bấm máy mỗi khi quả đạn bất ngờ được phóng lên và mỗi trận đánh chỉ chớp nhoáng trong khoảng vài phút. Vị trí đứng của người quay phim lại nằm trong tầm nguy hiểm của cả bom đạn địch đánh phá trên địa lẫn khí tài của ta. Chẳng hạn như tổ quay phim của các đồng chí Lê Thi và Phạm Thọ phục kích ở trận địa tên lửa bến phà Chèm, nhiều lần bị tên lửa “sơ-rai” của địch nổ ngay bên cạnh, do ra-đa của ta dùng kỹ thuật “gạt” ra. Nhờ tinh thần xả thân như vậy nên đồng chí Phạm Thọ đã quay được cảnh chiếc B52 bị trúng tên lửa, bốc cháy và rơi ngay trên cánh đồng huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội; đồng chí Nguyễn Toát thì quay được cảnh máy bay F4 bị bắn rơi ở sân bay Đa Phúc. Còn đồng chí Trần Trọng Hiền khi đang đứng quay ở nóc nhà Ngân hàng Nhà nước đã bị bom bi xuyên thủng bụng.

Từ những thước phim xương máu ấy, Điện ảnh Quân đội đã xây dựng nên nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế?

- Một bộ phim tài liệu là tổng hợp thành quả của nhiều người, nhiều bộ phận, nhiêu khâu kỹ thuật và nghệ thuật... nhưng chất liệu chủ yếu và quan trọng nhất vẫn là những thước phim chân thật, sinh động. Chẳng hạn, từ những thước phim quay “sống” trên các trận địa phòng không của các đồng chí: Ngô Đăng Tuất, Lê Thi, Phạm Thọ, Hà Tài, Nguyễn Thọ, Trần Huy Châu, Trần Gia Định, Vương Đức Cừ, Phạm Hữu Doanh... đạo diễn Phan Quang Định đã cùng các nghệ sĩ Nguyễn Hoán (dựng phim), Trần Ngà (chọn nhạc), Nguyễn Nghĩa (thư ký) và các anh Đỗ Phú - Trần Khắc Ấn (chủ nhiệm phim) lao động khẩn trương miệt mài nhiều ngày đêm để kịp ra mắt bộ phim Điện Biên Phủ trên không vào dịp đầu Xuân 1973. Bộ phim đã đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4. Từ đó đến nay, đã có hàng chục bộ phim nhựa đặc sắc của Điện ảnh QĐND về đề tài “Điện Biên phủ trên không” kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, như: Hà Nội đánh giỏi thắng lớnHà Nội - bản hùng caKhách sạn Hin-tơn Hà NộiHà Nội, tháng Chạp năm ấyMột ngày Hà NộiTừ trận đầu đánh thắng... và một số phim video như: Hà Nội 12 ngày đêm năm ấyĐiện Biên phủ trên không v.v...

Đặc biệt vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng B52 (12/1972-2012), Điện ảnh QĐND đã có một số tác phẩm ấn tượng, như: bộ phim tài liệu nghệ thuật 40 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không (kịch bản và đạo diễn Phạm Huyên). Bộ phim minh họa cho chương trình nghệ thuật của buổi lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” tạo ấn tượng tốt cho buổi lễ kỷ niệm cấp Nhà nước. Hoặc như bộ phim Gió ngang do Nguyễn Thế Vỵ biên kịch và Mai Trung Tuyến đạo diễn đã có sự nhìn nhận, đánh giá đa chiều, của nhiều học giả trong và ngoài nước về sự kiện 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972...

Năm nay kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Điện ảnh QĐND có những tác phẩm mới nào về đề tài trên đây?

- Trong các dự án phim sản xuất năm 2022 của Điện ảnh QĐND kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, đáng chú ý là bộ phim Bản hùng ca Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không do Ban Tuyên giáo Trung ương đặt hàng. Bộ phim khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân uỷ Trung ương; đặc biệt là nhận định thiên tài của Bác Hồ: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội... Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Nhờ thế, quân và dân ta mà nòng cốt là bộ đội phòng không - quân đã có sự chuẩn bị kỹ từ sớm để sẵn sàng đánh thắng B52. Chúng tôi cũng vừa hoàn thành bộ phim tài liệu 2 tập Trời Hà Nội mãi xanh, với tập 1 là Bầu trời của đạn bom và tập 2 là Bầu trời của hòa bình. Ở tập 2 có cảnh nhiều năm sau khi chiến tranh lùi xa, các phi công Mỹ quay lại Việt Nam với mong muốn hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại… Cùng chủ đề này, Điện ảnh QĐND còn có bộ phim tài liệu Khát vọng thiên thanh, thông qua chiến công và khát vọng của một “thế hệ vàng” như Trung tướng, cựu phi công Mig-21, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Đức Soát.

Có thể nói hàng chục nghìn “những thước phim xương máu” mà Điện ảnh QĐND đang quản lý là di sản văn hóa vô giá của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của dân tộc ta. Công việc bảo quản và khai thác khối di sản đó đã và đang được thực hiện như thế nào?

- Từ trước tới nay, kho lưu trữ phim tư liệu của Điện ảnh QĐND còn là địa chỉ tin cậy và thuận tiện của nhiều hãng phim, đài truyền hình, cơ quan truyền thông... trong và ngoài nước mỗi khi cần khai thác, tham khảo, sử dụng... những hình ảnh tư liệu về LLVT và chiến tranh cách mạng. Để bảo quản và khai thác tốt hơn kho tài liệu vô giá này, thời gian vừa qua chúng tôi đã được cấp kinh phí thực hiện đề án số hóa; tức là telesin từ phim nhựa ra phim kỹ thuật số để trình chiếu rộng rãi và tra cứu, khai thác thuận tiện, khoa học hơn. Tiếp theo, chúng tôi đã in chuyển cinevator từ phim kỹ thuật số sang phim nhựa để bảo quản lưu trữ lâu dài theo tiêu chuẩn hiện đại nhất hiện nay. Đây là sự quan tâm đầu tư rất kịp thời và hợp lý của Tổng cục Chính trị và Bộ quốc phòng đối với Điện ảnh QĐND.

Đây cũng là một tin vui nữa của các thế hệ những người làm phim áo lính. Xin cảm ơn chị và xin chúc Điện ảnh QĐND tiếp tục gặt hái những thành quả nghệ thuật cao hơn nữa!

TUYÊN HÓA thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 53/2022


Có thể bạn quan tâm