April 26, 2024, 9:23 pm

Những “phát sung lớn” trong cuộc chiến thương mại

Chính quyền Bắc Kinh tuần trước đã tung ra quân “át chủ bài” trong cuộc xung đột thương mại với Washington, khi đưa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lên đầu danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bị đánh thuế tới 25%. Xung đột thương mại leo thang giữa MỹTrung Quốc được cho là một trong những nghị trình quan trọng tại Hội nghị Bắc Đới Hà vừa qua. Tuy nhiên, thông tin về chức vụ mới của phó Thủ tướng Lưu Hạc có thể là tín hiệu về những đồng thuận giữa các bậc lão thành với các nhà lãnh đạo đương nhiệm của đất nước.

 

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn thương mại Trung Quốc đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington. (Nguồn: Reuters)

Washington đã “leo thang tình hình mà không quan tâm đến lợi ích của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng” và Bắc Kinh “phải thực hiện các biện pháp cần thiết để chống lại”, tuần qua, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố cho biết. Chính quyền Bắc Kinh tuần trước đã tung ra quân “át chủ bài” trong cuộc chiến thương mại với Washington, khi đưa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lên đầu danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bị đánh thuế tới 25%. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỉ đô la Mỹ và dọa sẽ còn “mạnh tay hơn nữa”, sau khi Tổng thống Donald Trump nâng mức thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc, từ 10% ban đầu lên 25%. Việc đưa mặt hàng LNG của Mỹ lên đầu danh sách đánh thuế 25% một mặt cho thấy Bắc Kinh muốn “chơi sát ván”, mặt khác bộc lộ rằng chính quyền Trung Quốc đang cạn dần các lựa chọn của mình.

 

Phát sung lớn” LNG

Còn nhớ, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác lên tới 250 tỉ đô la, mà ông Trump ngợi ca là các thỏa thuận tạo ra việc làm “đáng kinh ngạc”. Hơn 20% trong số đó có liên quan đến LNG. Giám đốc một công ty năng lượng của Mỹ nói với hãng Nikkei rằng, Bắc Kinh đang muốn gửi một thông điệp chính trị với Washington rằng, họ sẵn sàng “xoá sạch” các kết quả từ chuyến thăm của Trump. Xuất khẩu LNG của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần trong năm 2017 lên 2,9 tỷ mét khối, chiếm 6% tổng nhập khẩu LNG của Trung Quốc. Nước đông dân nhất thế giới này đã trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ 3 của Mỹ, sau Mexico và Hàn Quốc. Việc Bắc Kinh đánh thuế cao đối với LNG sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch đầu tư cho các nhà máy LNG mới tại Mỹ.

Lời đe dọa mới nhất của Trung Quốc xảy ra đúng thời điểm các lãnh đạo cao cấp của nước này đang nhóm họp tại Bắc Đới Hà, nơi thường bàn về những quyết sách quan trọng. Một số nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh đã quyết định tung quân “át chủ bài” ra để tạo uy tín cho Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị Bắc Đới Hà. Chính quyền đã lựa chọn giải pháp “bắn phát súng lớn LNG” và chấp nhận những rủi ro về khả năng hỏa lực còn lại ít. Sở dĩ nói vậy là bởi Trung Quốc chỉ nhập khoảng 130 tỉ đô la hàng hóa Mỹ, trong khi Mỹ nhập khẩu 505 tỉ đô la từ Trung Quốc. Chính quyền Trump hiện đã áp đặt hoặc đề xuất đánh thuế trên 250 tỉ đô la Mỹ sản phẩm Trung Quốc, tương đương 50%. Còn Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu đánh thuế 110 tỉ đô la hàng Mỹ, khoảng 80%. Như vậy là kể cả khi đã dùng “át chủ bài” thì Washington vẫn còn nhiều mặt hàng để đánh thuế trong khi Bắc Kinh sắp “cạn” các độc chiêu.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, trong bài bình luận cuối tuần, đã cố gắng làm giảm nhẹ những ảnh hưởng của chính sách thuế từ Mỹ: “Chiến tranh thương mại dự kiến sẽ gây những tác động nhỏ lên thị trường trong nước trong nửa cuối năm nay, nhưng không có gì nghiêm trọng cả”. Song, theo Michael Hirson, Giám đốc bộ phận châu Á tại tổ chức tư vấn Eurasia Group (Mỹ), ông Trump có thể cảm thấy phấn khích bởi những kết quả rõ ràng mà cuộc chiến thương mại đang gây ra đối với kinh tế Trung Quốc. “Thuế quan đang làm việc tốt hơn nhiều so với mong đợi của bất kỳ ai”, ông Trump viết trên Twitter, dẫn lại sự sụt giảm 27% trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong vòng bốn tháng qua, và cho biết: “Bắc Kinh hiện đã phải nói chuyện với chúng tôi”. Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, được hãng tin Bloomberg dẫn lời, cảnh báo: “Trung Quốc không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề thương mại”.

 

Cú hích khoa học và công nghệ

Giới phân tích chỉ ra, bài viết của Nhân dân nhật báo phát đi tín hiệu cho thấy, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ là một trong những vấn đề quan trọng nhất đang làm đau đầu chính quyền Bắc Kinh. Tờ báo này tiết lộ, đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc và các chuyên gia đã thảo luận các chiến lược đối phó. Được biết, trong 62 chuyên gia có 39 viện sĩ đến từ Học viện Khoa học và Học viện Công trình Trung Quốc, đây là tỷ lệ cao nhất trong những năm vừa qua. Sau sự cố ZTE (là một trong 5 nhà sản xuất điện thoại lớn nhất tại Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ “cấm cửa” mọi sự hợp tác về công nghệ tại Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít nhất đã 6 lần kếu gọi "những lĩnh vực cốt lõi của Trung Quốc không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác", mà “cần phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân”. Trong buổi nói chuyện mới đây với các chuyên gia tại Bắc Đới Hà, Trưởng Ban Tổ chức Trần Hy cũng nhấn mạnh, rằng Trung Quốc cần tự kiểm soát các lĩnh vực công nghệ cốt lõi, và yêu cầu chuyển hóa tinh thần yêu nước thành nỗ lực đổi mới sáng tạo không ngừng".

Trung Quốc thừa hiểu ưu thế của Mỹ nằm ở lĩnh vực công nghệ cao và nước này cũng biết rằng, chìa khóa thành công để vượt qua Mỹ cũng chính là công nghệ cao. Có thể nói, dưới tác động của cuộc chiến thương mại, chủ đề chính của hội nghị Bắc Đới hà năm nay vẫn là lập trung vào đường hướng cải thiện tình hình kinh tế Trung Quốc. Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 8/8 cho biết, chính phủ Trung Quốc quyết định điều chỉnh Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ và giáo dục quốc gia thành Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ quốc gia, trong đó chức vụ tổ trưởng do thủ tướng Lý Khắc Cường đảm nhận, tổ phó do phó thủ tướng Lưu Hạc nắm giữ. Vai trò của Tiểu tổ mới được xác định là "nghiên cứu, thẩm định các chiến lược phát triển, quy hoạch và chính sách trọng đại về khoa học công nghệ quốc gia; thảo luận, thẩm định nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn và dự án lớn của quốc gia".

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, vai trò mới của ông Lưu Hạc thể hiện lòng tin vững chắc của ban lãnh đạo đối với vị cố vấn thân cận hàng đầu của chủ tịch Tập Cận Bình, bất chấp ông Lưu bị cho là thất bại trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 5/2018, khi không thể ngăn cản chính quyền tổng thống Trump mở màn chiến tranh thương mại và áp thuế quan lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Các cổ phiếu công nghệ ở Đại lục và Hồng Kông có phiên tăng trưởng tốt hôm 9/8, với hy vọng cuộc cải tổ Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ sẽ mang đến nhiều hỗ trợ hơn từ chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ. Ông Lưu Hạc hiện còn nắm giữ ít nhất 3 chức vụ quan trọng khác trong lĩnh vực quản lý kinh tế của chính phủ, gồm chức Chủ nhiệm Ủy ban phát triển và ổn định tài chính Quốc vụ viện, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đàm phán thương mại với Mỹ, cũng như dẫn dắt lộ trình cải tổ cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Việc Mỹ leo thang các biện pháp cấm vận nhằm vào khu vực công nghệ cao được xác định là đòn tấn công nhằm vào kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc. Hiện chưa rõ chức vụ mới của phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tác động thế nào đến chính sách công nghiệp của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ. Theo các nhà phân tích, một mặt, ông Lưu là một nhà kỹ trị vẫn luôn tham dự vào quá trình hoạch định chính sách nhằm ủng hộ phát triển công nghiệp. Ông sẽ không hy sinh điều này để đạt thỏa thuận với Mỹ. Mặt khác, ngay cả khi ông ta muốn nhượng bộ với tư cách người được Trung Quốc trao trách nhiệm về thương mại, thì ông cũng không hoàn toàn có thể tự quyết và cũng khó có được sự ủng hộ từ cấp trên.

 

Các tín hiệu từ Bắc Đới Hà

Kỳ nghỉ thường niên vào khoảng đầu tháng 8 ở Bắc Đới Hà là cuộc hội ngộ được đánh giá một trong những "hội nghị" bí ẩn nhất của Trung Quốc, nơi nhiều quyết sách về đường hướng của đất nước được đưa ra bàn thảo, quyết định. Chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ-Trung được cho là một trong những nghị trình quan trọng ở Bắc Đới Hà vừa qua, và thông tin về chức vụ mới của ông Lưu Hạc có thể là tín hiệu về những đồng thuận giữa các lãnh đạo lão thành với các nhà lãnh đạo đương nhiệm của đất nước, cũng như cho thấy các chính sách do ông Tập khởi xướng đã được củng cố trở lại. Sau khi Mỹ bắt đầu áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, nhiều luồng quan điểm từ các học giả uy tín trong nước chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đã nổi lên, trong đó nhiều ý kiến cho rằng chiến lược tuyên truyền thổi phồng quá đà về thành tựu công nghệ-quân sự của Trung Quốc đã biến nước này thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với Mỹ và phương Tây.

Việc bổ nhiệm phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn thân cận hàng đầu của ông Tập, vào Tiểu tổ lãnh đạo kể trên chính là "sự nâng cấp" bước ngoặt trong nghị trình của ban lãnh đạo trung ương. Thông cáo của Quốc vụ viện về việc điều chỉnh cơ cấu - nhiệm vụ và thành lập Tiểu tổ lãnh đạo Khoa học công nghệ quốc gia đã được thành văn từ ngày 28/7, nhưng chỉ được công bố vào ngày 8/8 - thời điểm được cho là khép lại "hội nghị Bắc Đới Hà". Tiểu tổlãnh đạo 3 lĩnh vực: khoa học, công nghệ và giáo dục của Quốc vụ viện từng dẫn dắt quá trình phát triển chính sách ở cấp vĩ mô. Nhưng thông cáo hôm 8/8 đã loại bỏ giáo dục ra khỏi phạm vi phụ trách của cơ quan này. Tiểu tổ mới cho thấy Bắc Kinh đang chú trọng hơn đến khoa học và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc Mỹ áp nhiều biện pháp kìm hãm Trung Quốc phát triển công nghệ cao.

Trong bài xã luận mới nhất được đăng vào ngày 10/8, tờ Nhân dân Nhật báo đã phản bác gay gắt quan điểm cho rằng Trung Quốc sai lầm khi sớm theo đuổi chính sách "xuất đầu lộ diện", một cách nói để chỉ trích việc Bắc Kinh xa rời đường hướng "giấu mình chờ thời" của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. "Từ sau chiến tranh Nha phiến, trải qua 100 năm nỗ lực, Trung Quốc đã trở lại trung tâm của vũ đài thế giới”, Nhân dân Nhật báo viết. "Đây là sự thực mang tính nền tảng mà chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng từ quan sát xung đột thương mại Mỹ-Trung". "Một khối lượng lớn như vậy, với sức nặng như thế, thì không phải chuyện “giấu mìnhchờ thời” là có thể ẩn đi được, giống như một con voi lớn không thể nấp sau cái cây nhỏ được…"./.

 


Có thể bạn quan tâm