April 26, 2024, 7:07 pm

Những phận người da cam

 

Cố Đô đốc Elmo ZamWaly (Hoa Kỳ) người ra lệnh rải thảm chất độc da cam xuống các vùng chiến sự tại miền Nam Việt Nam, nơi con trai ông trung úy: Elom ZamWaly đang làm phận sự. Hành động của Elmo ZamWaly không chỉ gây thảm họa cho nhân dân Việt Nam và hàng triệu đứa trẻ Việt Nam mà còn làm chính con trai ông cùng đứa cháu nội của ông bị di nhiễm chất độc rất rặng.

            Trong cuốn sách của mình Elmo ZamWaly đã thú nhận nỗi bất hạnh và bi kịch của gia đình ông. Một đoạn cuốn sách viết: “Trong những sai lầm của cuộc đời, hành động mà tôi gây ra ở Việt Nam là việc làm tồi tệ nhất, đau thương nhất. Tôi không ngờ nó lại triệt hại gia đình tôi thảm khốc như thế. Con trai tôi: Elom ZumWaly từ chiến trường miền Nam Việt Nam về lấy vợ, sinh con rồi phát bệnh ung thư. Con của Elom tức cháu nội của tôi mới sinh ra thân hình dị tật, cổ rụt, chân tay co quắp. Nhìn cháu tôi tự trách: vì ông cháu mới ra nông nỗi này. Bố của cháu: Elom ZumWaly nhìn con nằm vật vã, đau đớn hai hàng nước mắt tràn ra. Trước khi trút hơi thở cuối cùng Elom tâm sự: “Nếu như bố không ra cái lệnh rải thảm chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam thì cuộc đời con đâu phải kết cục như thế này. Con của con, cháu của bố thân hình đâu phải thảm hại như thế này. Con được biết hàng triệu người Việt Nam đang phải sống quằn quại, đau đớn chết dần, chết thảm cũng vì cái chất da cam của bố… Nhưng bố ơi, có lúc con lại tự vấn giả như biết trước thảm họa này, bố chống lại mệnh lệnh, bố có tin con và cháu của bố thoát nạn không? Không thoát đâu bố ạ. Bố không ra lệnh sẽ có một ông Đô đốc chỉ huy khác ra lệnh và số phận của con, của con con cùng bao người dân Việt Nam chắc vẫn không tránh khỏi di họa khủng khiếp này.

            Con nghĩ sự xám hối của bố đã muộn rồi, không còn cơ hội để cứu sống con, cứu cháu của bố, nhưng có thể vẫn còn cơ hội cứu được nhiều người khác. Với danh phận cựu Đô đốc, người trực tiếp gây ra thảm họa ở Việt Nam, bố hãy vào nhà trắng, kiến nghị với Chính phủ Mỹ: Đừng bao giờ gây nên các cuộc chiến tranh hóa học trên trái đất này. Chính phủ phải có trách nhiệm với gia đình các quân nhân Mỹ bị di nhiễm chất độc hóa học từ Việt Nam trở về và phải có trách nhiệm với các nạn nhân Việt Nam. Chỉ có làm như vậy mới bớt được một phần tội lỗi, bố mới tìm được sự thanh thản cuối đời…”.

            Nhìn Elom ZumWaly hai mắt ngấn lệ, nói những điều gan ruột, tôi cũng không cầm được lệ rơi và cũng không nghĩ tới con tôi lại có những dòng suy tưởng sâu xa như thế. Sau khi Elom ZumWaly qua đời, tôi vào nhà trắng xem lại tấm bản đồ mà tôi ra lệnh rải chất độc diệt cỏ. Mục đích khai quang cây rừng để tìm diệt Việt Cộng, không ngờ hậu quả lại khủng khiếp như thế.

            Từ tấm bản đồ tôi hình dung cảnh tượng màu lửa vàng cam bao trùm lên hàng vạn ngôi nhà và những cánh rừng bên dưới. Ở đấy sự sống con người và sinh vật bị hủy diệt, trơ trụi. Tôi biết dù có xám hối cả trăm vạn lần cũng không rửa được cái mà người ta gọi là tội ác da cam do người Mỹ chúng tôi gây ra. Một tội ác không có giá nào trả được. Đúng như con trai tôi Elom ZumWaly từng tâm sự: Chính phủ Mỹ không thể vô tâm làm ngơ trước thảm họa gia đình tôi và những quân nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam mà con cháu của họ phải gánh chịu nỗi đau như gia đình tôi. Không thể vô can với hàng triệu người Việt đang chết dần trong nỗi đau da cam của người Mỹ.

*

            Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam – Ddioxin Việt Nam, một vị tướng sau thời trận mạc, ông đã dành suốt quãng đời còn lại lo toan số phận cho các nạn nhân cả nước. Ông cho chúng tôi biết: Từ năm 1961 đến 1971 quân đội Mỹ đã tiến hành 19.000 phi vụ, rải hơn 80 triệu lít hóa học diệt cỏ, có chứa chất Dioxin cực kỳ độc hại, trút xuống 26.000 làng bản miền Nam Việt Nam, gây thảm họa nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và triệt sự sống của con người. Hiện có trên 4,8 triệu người Việt Nam đang là nạn nhân di nhiễm chất độc. Hàng triệu người đã chết, hàng triệu người khác trong đó có các con cháu của họ đang phải chống đỡ bệnh tật, quằn quại đau đớn hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác vì thảm họa chất độc. Rất nhiều gia đình ba, bốn thế hệ cùng chung một nỗi đau. Người ông đi chiến trường trực tiếp nhiễm độc, trở về truyền cho các thế hệ sau, con, cháu, chắt cùng di nhiễm.

            Giáo sư Vũ Quý nhà khoa học hơn 30 năm nghiên cứu hậu quả chất độc Đioxin đã thốt lên: Không có nỗi đau nào khủng khiếp và nguy hiểm như nỗi đau da cam. Nó đẩy con người vào hoàn cảnh cùng cực. Đioxin một loại chất độc di truyền qua phủ tạng kéo dài, đau đớn hết đời này qua đời khác. Hàng chục loại bệnh nguy hiểm hành hạ người nhiễm, hành hạ đến chết vẫn chẳng buông tha, hành hạ tiếp con cháu của họ…

            Sau hơn 10 năm đối mặt với giặc dã nơi mặt trận, trở về thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trở thành chỗ dựa tin cậy cho hàng triệu nạn nhân da cam. Với cương vị là Chủ tịch hội, ông đã dốc lòng vì sự nghiệp lo toan, bảo vệ quyền lợi cho họ. Hội nạn nhân chất độc Da cam – Đioxin Việt Nam liên tục hành động, tổ chức các cuộc đấu tranh đòi công lý, điều trần hậu quả da cam tại Quốc hội Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ Quốc tế, đưa các nạn nhân Việt Nam sang Mỹ đấu tranh. Phối hợp cùng hội luật gia dân chủ thế giới mở phiên tòa công lý tại Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ, cáo buộc trách nhiệm của chính phủ Mỹ về việc rải thảm chất độc hóa học tại Việt Nam. Vận động nhân dân và các tổ chức xã hội giúp đỡ các nạn nhân. Tham mưu cho Đảng và Nhà nước cùng các ngành chính sách ban hành chế độ trợ cấp hàng tháng cho người có công là nạn nhân chất độc da cam.v.v..

*

            Gặp các nhân chứng người Mỹ mới rõ, họ dùng vũ khí hóa học hủy diệt người Việt, kết cục số phận của họ thảm hại cũng không kém. Cựu binh Briamd Money sau những năm 1966-1968 tham chiến tại chiến trường Miền Nam Việt Nam, về nước, ông là một trong những người bị nhiễm chất độc do chính quân đội Mỹ rải thảm nơi các ông đồn trú. Chúng tôi gặp ông tại thành phố Boston Hoa Hỳ, Briamd cho biết: Số quân nhân và cố vấn Mỹ ở Việt Nam trở về hàng vạn người bị di nhiễm chất độc da cam, bị bệnh ung thư, tiểu đường và nhiều căn bệnh quái dị đã chết và đang chết. Con cháu của họ quái thai, dị tật, úng não, bại liệt đau đớn cũng đang chết dần. Không ít cựu binh Mỹ từ Việt Nam về mắc chứng rối loạn tâm thần được gọi là: “Hội chứng Việt Nam”, nguyên ro cũng từ di nhiễm chất độc Đioxin.    

            Cựu binh Briamd Money kể:

            - Khi bắt đầu tôi biết tôi bị Parkinson và bác sỹ bảo là do hậu quả phơi nhiễm chất độc da cam. Bệnh ngày càng làm tôi đau đớn, suy sụp đi lại rất khó khăn. Tôi biết rất nhiều người Việt Nam cũng chịu đựng đau đớn như tôi. Tôi muốn giúp đỡ tất cả để mọi người nhận thức: phơi nhiễm chất Đioxin sẽ ảnh hưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác, bác sỹ bảo thế. Những người như tôi, như bạn bè tôi từ chiến trường Việt Nam trở về, sẽ di truyền sang vợ, con gây đau đớn, chết chóc không biết đến bao giờ.

            Cựu binh Briamd nói tiếp:

            - Tổ chức cựu binh Hoa Kỳ tiến hành điều tra và họ đã phát hiện một tỷ lệ rất lớn cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam phơi nhiễm chất độc bị bệnh ung thư, bệnh Parakinson như tôi.v.v…Chính phủ Mỹ đã có giải pháp bồi thường, trợ giúp các nạn nhân. Theo hiểu biết của tôi, phơi nhiễm chất độc da cam có thể dẫn tới nhiều loại bệnh tật nguy hiểm và sự chết chóc là không tránh khỏi. Bạn có thể đọc và biết chính quyền Washington bị chì trích như thế nào. Các Bộ của Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm. Họ đã triển khai một số dự án khắc phục hậu quả và đang cố gắng cải thiện việc trợ cấp xứng đáng cho các nạn nhân.

            Cựu binh Prestong sinh sống tại Bang New Hampshire cùng các bạn của ông tham chiến ở Đà Nẵng và Tây Nguyên những năm 1965-1967. Khi hết thời hạn cầm súng, trở về nước Mỹ, nhiều cựu binh chất độc da cam đã hủy hoại hai, ba thế hệ con cháu. Cựu binh PResTong đã chết, con gái của ông là Molly Lynwat cũng không thoát khỏi số phận. Trong chuyến tham dự hội thảo chủ đề “Chống chiến tranh” do Viện William Joiner tổ chức tại Boston Hoa Kỳ chúng tôi có dịp gặp và phóng vấn. Molly Lynwat nói, người phiên âm dịch lại:

            - Những ngày cuối cùng cha tôi đau đớn lắm. Nhìn cha quằn mình, vật vã, hai hàm răng cắn chặt, nén cơn đau, tôi chỉ còn biết ngồi khóc. Trước đó tôi cứ nghĩ, có bao nhiêu độc tố từ chất da cam trong người, cha tôi đã truyền hết cho tôi, cho cháu của ông, tức con của tôi, chắc ông sẽ qua khỏi. Nào ngờ cái thứ chất độc nó nguy hiểm quá, nó đã giết chết cha tôi.

            Còn tôi từ ngày ba mẹ sinh đến năm 15 tuổi không có biểu hiện gì đặc biệt, chỉ thưa thoảng tức tức vùng cổ, vùng sống lưng và hơi khó thở. Đến năm 20 tuổi lấy chồng, sinh con thì bệnh phá ra. Cổ tôi co gập xuống, hai mắt lồi ra, chân tay teo nhỏ…Con trai tôi vừa ra đời, một hình hài không bình thường, chân tay co quắp, đầu, cổ vẹo lệch như tôi. Mẹ con tôi còn sống được đến nay là nhờ có sự trợ giúp của chính phủ, của bác sỹ. Sự quan tâm giúp đỡ tuy không quyết định chữa lành bệnh, vì thứ chất độc đã thẩm thấu trong gan óc con người, làm sao mà chữa được. Nhưng nó sẽ tác động cho nghị lực sống, tinh thần sống của con người để vượt lên. Tôi biết trẻ em Việt Nam bị di chứng chất da cam, rất nhiều em như con tôi, thậm chí còn đau đớn khủng khiếp hơn con tôi. Là người trong cuộc, có lần tôi đã đề đạt lên chính phủ của chúng tôi, hãy quan tâm trợ giúp các trẻ em Việt Nam bị di chứng chất độc do chính phủ Mỹ gây nên…

            Cựu binh Preston Woot sống tại Tiểu Bang Mai Ne Hoa Kỳ, từng tham gia phục vụ quân đội Mỹ rải chất độc vùng chiến sự A Sầu, A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế và sân bay Đà Nẵng những năm 1964-1966. Trở về Mai Ne nước Mỹ, sau đó Presston cưới vợ, sinh con. Nhưng cả ba lần vợ ông sinh nở là ba lần vợ chồng sợ hãi, hoang mang. Lần thứ nhất sinh ra một bọc thịt đỏ hoẻn, không có đầu, không có chân. Lần thứ hai một quái thai kỳ dị. Lần thứ ba vợ ông sinh ra hình hài một con người, nhưng không có mồm, hai bờ môi dính chặt vào nhau, được hai ngày thì đứa bé chết. Preston Woot đi khám bệnh bác sỹ phát hiện nồng độ độc tố trong máu dương tính 158-PPT gấp hơn 60 lần người bình thường. Thủ phạm biến con ông thành những quái thai chính là độc tố này đây. Ông rùng mình nghĩ tới những lần vận chuyển chất độc diệt cỏ ở sân bay Đà Nẵng đi rải thảm. Chất độc đã thấm vào gan ruột của ông để rồi sát hại vợ con ông và sát hại bao gia đình cựu binh đồng đội của ông từ Việt Nam trở về…     

            Năm 2019 cựu binh Preston Woot cùng vợ là bà Mathas collin sang Việt Nam với danh nghĩa làm từ thiện chia sẻ cùng các nạn nhân da cam, hy vọng để vơi đi sự ám ảnh, dằn vặt tâm can ông đã bao năm trời. Sau gần 10 ngày ở các tỉnh miền Trung, vợ chồng ông trở ra miền Bắc. Về Thái Bình được Hội nạn nhân chất độc da cam – Dioxin tỉnh đưa tới làng Bắc Trong nơi có nhiều trẻ em bị di nhiễm chất độc từ bố mẹ. Tới thăm gia đình đầu tiên là cựu binh Lại Văn Hằng, ông là người nhiễm chất độc ở chiến trường Tây Nguyên. Con ông: Lại Thị Hà hơn 30 tuổi trần truồng, đứng co ro, run rẩy, tay bám chặt vào chiếc cũi sắt. Đó là hậu họa chất độc từ ông Lại Văn Hằng truyền cho con, gia đình phải nuôi Hà trong cũi đã hơn 30 năm.

            Ông Preton Woot cùng vợ đứng bên chiếc cũi nghe người phiên dịch giới thiệu và quan sát bé Hà. Được nhìn tận mắt, ông Preston không thể tưởng tượng cái chất độc diệt cỏ của người Mỹ nó lại khủng khiếp, xô đẩy con người vào hoàn cảnh như thế này. Người ông lảo đảo run run, vẻ mặt xám ngắt. Ông Lại Văn Hằng vội đỡ ông và bảo: Ông đừng sợ, chúng tôi không ai làm gì ông đâu. Khi về nước Mỹ, ông hãy nhớ nói cho Chính phủ của ông đừng bao giờ gây ra cuộc chiến tranh hóa học như ở Việt Nam chúng tôi. Con tôi là con người, vì các ông, nó không được sống kiếp của con người. Chính phủ của ông phải có trách nhiệm với bố con tôi, phải có trách nhiệm với các nạn nhân của làng Bắc Trong này.

            Ông Preston tỉnh lại, đầu gật gật, nhìn mọi người, một cảm giác bình an và thiêng liêng. Ông không ngờ một dân tộc có những con người đang gánh chịu nỗi đau, đứng cạnh ông đây thật nhân nghĩa vô cùng. Họ không chỉ thể tất cho ông kẻ đã từng gây đau thương cho gia đình họ, còn ân tình dặn dò ông khi trở về nước Mỹ.

            Lúc chia tay dân làng, đột nhiên hai tay bé Hà đánh đu song sắt, giật giật chiếc cũi rung rung và thét vang. Tiếng thét như tiếng vọng của quá khứ.


Nguồn Văn nghệ số 32/2019


Có thể bạn quan tâm