April 27, 2024, 1:10 am

Những người “thích” chi tiền - đáng trách hay đáng giận?...

Những người “thích” chi tiền mà chúng tôi đề cập trong bài viết này, thường bị nhiều phương tiện truyền thông chỉ trích trong những ngày vừa qua, là: những người “thích” bỏ tiền ra mua thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ, những phụ huynh học sinh “thích” nộp tiền cho nhà trường bất kể là hợp lý hay bất hợp lý, và cuối cùng là những bệnh nhân cứ “thích” chi tiền làm hỏng bác sĩ! Nhưng họ là những người đáng giận hay đáng trách? Theo chúng tôi họ chỉ đáng trách nhưng không đáng giận!

Thứ nhất là những người “thích” bỏ tiền ra mua thuốc mà không có đơn của bác sĩ (đặc biệt là thuốc kháng sinh, tạo nên việc nhờn thuốc rất nguy hiểm). Những người này rõ ràng là đáng trách, vì họ chỉ vì sự tiện lợi của mình mà gây họa cho biết bao bệnh nhân khác. Những người đáng trách tiếp theo là các chủ nhà thuốc vì lợi ích của mình mà nhắm mắt, thậm chí tiếp tay cho những sai phạm của người mua thuốc. Nhưng tại sao lại có hiện tượng này? Và ngày càng phổ biến? Loại trừ những người không hiểu biết và ích kỷ, thì lỗi chính của hiện tượng này chính là những thày thuốc, là ngành y tế. Ai cũng biết ngành y tế đang quá tải, để nhận được đơn thuốc (hoặc được cấp phát thuốc đối với những người có thẻ bảo hiểm y tế), người bệnh thường phải đợi chờ có khi đến vài tiếng đồng hồ, rất mệt mỏi và nhiêu khê. Người viết bài này có bệnh cao huyết áp, thường được bác sĩ dặn phải đi khám thường xuyên để nhận thuốc, nhưng chính vì sự nhiêu khê của bệnh viện và thày thuốc nên tôi thường xuyên ra hiệu thuốc mua đúng những loại thuốc mà mình được cấp phát với liều lượng theo quy định. Tôi biết là mình sai, nhưng ông cha ta thường nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (trước trách mình sau hãy trách người), các bác sĩ (số này tuy không nhiều) phải tự trách mình vì sự thăm khám qua loa, tắc trách, nhiều khi vô đạo đức của mình. Người viết bài này sợ phải xếp hàng có lần đã đi khám dịch vụ. Ông bác sĩ đáng kính, có học vị phó giáo sư hẳn hoi, đã đo huyết áp cho tôi ngoài áo khoác (vì đó là mùa đông) và luôn miệng quảng cáo cho thuốc ngoại, đắt gấp 10 lần thuốc nội để chữa bệnh cao huyết áp. Nửa tin nửa ngờ, tôi về gặp một bác sĩ quen. Ông bảo thuốc chữa huyết áp là loại thuốc thông thường, ta mua cả công thức và công nghệ làm thuốc của họ, nên công hiệu là giống nhau, không việc gì phải phí tiền đi mua thuốc ngoại. Từ đó cứ hết thuốc huyết áp là tôi lại ra hiệu thuốc mua. Vậy tôi đáng trách hay đáng giận, khi bỏ tiền ra mua thuốc mình được cấp phát?

Mấy hôm nay dư luận khá ồn ào về việc lạm thu của các nhà trường từ đầu năm học. Người ta trách những phụ huynh giàu có ném tiền qua cửa sổ để lấy lòng thầy cô giáo và Ban giám hiệu nhà trường, người ta trách móc Hội phụ huynh nhắm mắt thu theo yêu cầu có khi rất vô lý của nhà trường. Có người còn bảo nên bỏ hội phụ huynh học sinh đi vì đây chỉ là “cánh tay nối dài” của Ban giám hiệu nhà trường. Nói thế là oan cho Hội phụ huynh vì họ vừa phải chịu sức ép của phụ huynh, vừa phải chịu sức ép của Ban giám hiệu nhà trường. Nhưng thử bình tĩnh suy xét: Ai chỉ đạo và ai có lợi khi thu những khoản tiền không cần thiết - thậm chí là bất hợp pháp?... Đó chính là Ban giám hiệu. Cho nên “tội nhân” chính của việc lạm thu trong nhà trường là Ban giám hiệu. Nếu Ban giám hiệu nghiêm túc trong sạch, “tất cả vì học sinh thân yêu” thì đã không ra lệnh thu những khoản bất hợp lý như vậy. Việc một số hiệu trưởng các trường bị đi tù vì những khoản thu và chi bất hợp pháp đã chứng minh rõ điều đó. Còn phụ huynh học sinh và Hội phu huynh trong những trường hợp này là những người “yếu thế”, tuy gặp khó khăn  nhưng vì quyền lợi của con em mình, họ đành bấm bụng, thậm chí vay mượn để đóng miễn là con em mình không bị Nhà trường, thày cô giáo làm khó dễ. Tiện đây cũng xin mở ngoặc nói thêm là ngành giáo dục của ta rất có “khiếu” khi tự khen mình. Trong khi học sinh phổ thông của ta còn phải đóng học phí thì học sinh nhiều nước đi học không mất tiền (nhà nước còn bao ăn bữa trưa). Đồng phục ở một số nước đặt ra có rất nhiều mục đích, nhưng trong đó có mục đích là học trò nghèo không bị tủi thân vì khi đi học các em đều mặc như nhau (giàu cũng như nghèo). Nhưng nhiều trường học của ta đã lợi dụng việc mặc đồng phục để “làm tiền” học sinh.

Ai cũng biết bệnh nhân (nhất là những người nghèo) khổ cực như thế nào. Vừa lo lắng cho số phận, sức khỏe của mình, vừa phải tốn tiền thuốc men (nhất là những người chưa có bảo hiểm y tế). Nhưng có môt khoản dứt khoát phải đưa vào “hạch toán”: đó là tiền hối lộ đưa cho bác sĩ. Người ta cứ trách bệnh nhân làm hư bác sĩ, nếu tất cả những người bệnh đều đồng ý không đưa tiền thì bác sĩ biết họanh họe ai? Nhưng nói thế là không tưởng vì trong lúc trọng bệnh, không ai lại đi tính toán, miễn là làm sao khỏi bệnh, cũng như người ta cứ phê phán những người đưa hối lộ nói chung, mà ít khi nghĩ ngược lại: Nếu không có người nhận hối lộ thì sẽ không có người đưa hối lộ.

Người viết bài này đã từng bị ngã gẫy tay, con gái phải nộp tiền để được mổ “chen ngang”. Hôm tôi mổ xong, có một vài cháu bảo: cháu bị ngã gãy chân, gãy tay từ tuần trước, sao chưa được mổ? Tôi phải đánh trống lảng: chắc họ thấy bác già nên cho mổ trước. Mổ đau đến như thế, nhưng phải nằm trở đầu đuôi hai người một băng ca. Con tôi lại phải chi tiền mới được nằm phòng hai người với giá còn đắt hơn cả khách sạn. Buồn cười nhất là giường xếp cho người trông nom bệnh nhân cứ sáng ra là bị khóa lại, nếu gia đình nào muốn cho người đi trông nom bệnh nhân có giường nằm ban ngày thì phải đóng thêm 30.000đ. Sau đợt đi nằm viện, tôi bảo người nhà: chỉ khi đi chữa bệnh, mới thấy hết nỗi khổ của người bệnh và những tiêu cực của ngành y tế. Đừng trách những sếp đi kiểm tra, bởi họ không thể nào phát hiện được.

Nói tóm lại, 3 loại người chúng tôi đề cập ở trên là những người yếu thế, họ buộc phải bỏ tiền ra để “được việc”, những việc mà đáng ra họ được phục vụ. Ta có thói quen hay nghĩ ngược, nói ngược và hành động ngược: Đáng lẽ phải trừng phạt những người đi mua dâm, thì người ta lại chỉ trừng phạt những người đi bán dâm (mà có rất nhiều người hoàn cảnh rất khó khăn, cực chẳng đã họ phải làm cái nghề mà họ không muốn) thậm chí tên những người đi mua dâm cũng không được nêu. Khi nhiều cán bộ tham nhũng bị kỷ luật, bị đi tù, đáng nhẽ phải xem lại việc sử dụng, đề bạt cán bộ của ta còn nhiều kẽ hở, thì họ lại nói rằng: sở dĩ nhiều cán bộ bị kỷ luật vì chúng ta xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nhưng đó là chuyện quốc gia, đại sự, trong bài viết này chúng tôi chỉ muốn nói: đừng trách giận những người yếu thế, bởi họ đã khổ lắm rồi. Xin khẩu hiệu “Không ai bị bỏ lại phía sau” thực sự đi vào cuộc sống.

Nguồn Văn nghệ số 46/2022

Nhà văn Trần Bảo Hưng


Có thể bạn quan tâm