April 27, 2024, 6:55 am

Những người nằm lại phía chân trời

Xin được mượn tên tượng đài chiến sĩ Gạc Ma (Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma), tọa lạc tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, làm tên bài viết này, để bày tỏ lòng thương nhớ, biết ơn vô hạn tới các Anh - những con người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì vẹn toàn non sông Việt gấm vóc mà cha ông ta đã bao đời đổ mồ hôi, nước mắt, máu xương để khai mở, xây dựng, gìn giữ và trao truyền.

Nén tâm hương tri ân “những người nằm lại cuối chân trời”

Trên một quả đồi cao kề bên đại lộ Nguyễn Tất Thành, đoạn qua xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang tọa lạc. Tại đây, tượng đài mang tên “Những người nằm lại cuối chân trời” - khắc tạc hình ảnh những người lính hải quân nhân dân Việt Nam quả cảm - vươn lên sừng sững dưới bầu trời vịnh Cam Ranh xanh ngằn ngặt. Những nén tâm nhang được thành kính dâng lên, những lời khấn thầm thốt lên tự mỗi trái tim, bày tỏ niềm thương tiếc, biết ơn sâu sắc những con người đã ngã xuống nơi đầu ngọn sóng, trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa trùng khơi xa thẳm, trước sự tấn công, thảm sát hèn hạ, tàn bạo của quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Máu các anh - những con người bất tử - đã hòa vào sóng nước, để biển quê hương mãi xanh màu xứ sở muôn đời.

Lễ tưởng niệm trên “nghĩa trang xanh”

Trên hành trình ra với Trường Sa, hầu hết tất cả các đoàn công tác đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa (trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma) và lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía nam - DK1 (trên vùng biển thuộc bãi Quế Đường). Tự khi nào, những vùng biển thiêng liêng này của Tổ quốc còn được gọi bằng cái tên “Nghĩa trang xanh” trĩu nặng niềm thương nhớ...

 Vào ngày thứ ba trong hải trình, đoàn công tác chúng tôi có mặt tại vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma. Trước khi lên thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin, đoàn tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Từ ngày hôm trước, tranh thủ giờ nghỉ, nhiều thành viên trong đoàn đã tổ chức gấp hạc giấy. “Để thả xuống biển, cầu nguyện cho hương hồn các anh được bình yên vĩnh hằng trong lòng mẹ biển...”. - Đại úy Dương Văn Đắc - Chính trị viên tàu HQ561 - nói với tôi như vậy. Còn các nhà báo thành viên trong đoàn thì xúc động: “Chúng tôi muốn tự tay gấp và thả hạc xuống biển để bày tỏ sự tri ân và cầu nguyện cho các anh…”.

Đầu giờ buổi chiều cùng ngày, lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 4 được tổ chức trong sự thành kính, trang nghiêm. Diễn văn tưởng niệm được Đại tá Lê Văn Tuấn - Trưởng Phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Hải quân, thay mặt đoàn công tác tuyên đọc, đã ôn nhớ lại những trận chiến đấu, hy sinh vô cùng oanh liệt, bi tráng của cán bộ, chiến sĩ ta, đặc biệt là trận chiến đấu vào sáng ngày 14/3/1988.

Trước ý đồ độc chiếm Biển Đông, mở rộng không gian sinh tồn, ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam (thuộc các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo) khi ấy trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, đã mưu trí sáng tạo, anh dũng chủ động, kiềm chế đến mức tối đa,  thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 - Vùng 2; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146 - Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. Lịch sử dân tộc và lòng người mãi khắc ghi câu chuyện về những tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; là Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ 604... trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo; là  câu chuyện về Anh hùng liệt sỹ, Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng!”; là chuyện kể về Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa dũng mãnh lao lên bãi ngầm Cô Lin, biến con tàu thành pháo đài, thành cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm... Sự mưu trí, trung kiên, lòng dũng cảm phi thường của các anh đã làm cho kẻ thù phải run sợ, chùn bước.

Diễn văn khẳng định: “Cuộc chiến đấu rạng sáng 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại nơi biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

Sau diễn văn tưởng niệm, là lễ cầu siêu, lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ. Xen tiếng kinh cầu siêu, tiếng nhạc bi tráng, là những tiếng nấc nghẹn ngào!

Vòng hoa và lễ vật được đại diện đoàn công tác, cùng đội nghi lễ thành kính rước, thả xuống “nghĩa trang xanh” Trường Sa. Thời khắc vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” chạm vào mặt biển, sóng bỗng duềnh cao, rồi chợt như ngưng lặng… Tiếng nức nở vang lên. Những dòng nước mắt lăn dài. Tiếng ai đó bật kêu thảng thốt: Các anh ơi!... Những đóa cúc vàng, những cánh hạc trắng lần lượt được thả xuống biển. Nhiều thành viên đoàn công tác mắt đẫm lệ, đứng lặng dõi theo vòng hoa kết hình cờ Tổ quốc đang bồng bềnh trên sóng biển; rồi lại đau đáu nhìn về Gạc Ma thân yêu, nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nơi những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại với biển khơi, lấy máu xương và tuổi thanh xuân của mình làm thành cột mốc bất tử khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Thấy tôi hướng ống kính máy ảnh về phía vòng hoa tưởng niệm đang được sóng biển dìu ra xa, Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Quang Sáng (tàu HQ561) nói: Chị chú ý quan sát nhé! Có điều gì đặc biệt vậy em? - Tôi hỏi. Vẫn dõi ánh nhìn hút về phía Gạc Ma, với giọng buồn buồn, Sáng kể: Có một điều rất lạ là dù được thả vào hai thời điểm khác nhau, thoạt đầu trôi trên sóng cách nhau khá xa, nhưng chỉ chút nữa thôi, cả vòng hoa và mâm lễ vật sẽ “bắt” kịp nhau, và cứ quấn quýt bồng bềnh trôi bên nhau như thế cho tới khi cùng khuất vào biển phía Gạc Ma, chị à! Dù đã nhiều lần được thấy điều đặc biệt này, nhưng chúng em vẫn rất ngạc nhiên, xem đó là điềm lành. Hẳn là các anh đang hiển linh, phù hộ cho tàu mình luôn bình an trên mọi hải trình... phải không chị! Tiếp lời một phóng viên trong đoàn đã có 4 lần được ra với Trường Sa kể thêm: Đúng thế chị ạ! Không chỉ ở vùng biển này, tại khu vực thềm lục địa và nhà giàn cũng vậy, cứ sau khi được thả xuống biển, được sóng đẩy đưa, vòng hoa và mâm lễ vật thường “ghép” lại, trôi song song bên nhau, rồi cùng “đi” vào lòng biển! Em cũng từng được chứng kiến điều này!...

Theo lời các bạn, tôi dõi mắt về phía Gạc Ma. Quả như lời kể, trên mặt biển thăm thẳm, những con sóng đang cuộn lên, đưa vòng hoa và mâm lễ vật dần sát lại, bồng bềnh quấn quýt bên nhau. Không chỉ vòng hoa và lễ vật, mà cả những bông hoa cúc, những cánh hạc giấy cũng được sóng biển vỗ về, liên kết lại, tạo nên một tràng hoa kỳ lạ… theo sát vòng hoa và lễ vật, đi mãi, trôi mãi, cùng khuất dần về phía Gạc Ma. Trong tôi chợt dào lên niềm xúc động. Phải các anh đang về, hiển linh cùng sóng nước quê hương, phù hộ cho đoàn công tác bình an trên hải trình ra với đảo xa thương nhớ!

Sau lễ tưởng niệm, chúng tôi xuống xuồng vào đảo Cô Lin. Trời đang trong xanh, nắng đang rực rỡ, nhưng bỗng không gian chợt sẫm lại. Xa xa, một đám mây đen lớn từ đâu kéo tới. Trong chốc lát, mây phủ kín bầu trời vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma. Sóng cấp 6. Mặt biển duềnh cao, chiếc xuồng đưa chúng tôi vào đảo chòng chành, chồm lên hụt xuống liên tục trong sóng biển. Thoáng trên gương mặt một số thành viên là sự lo lắng. Theo hướng dẫn của hai chiến sĩ lái xuồng, chúng tôi bám chắc vào các điểm tì trong lòng xuồng và ngồi sát lại bên nhau. Sóng duềnh cao hơn, nước biển văng rào rào, nhưng con xuồng nhỏ bé vẫn băng băng lướt tới. Như hiểu tâm trạng chúng tôi, chiến sĩ lái xuồng động viên: Các anh chị cứ bình tĩnh, thường sau mỗi lần làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên biển, đảo là ở đây lại có mưa giông. Nhưng không sao đâu ạ. Sẽ qua nhanh thôi!

Và đúng như lời chiến sĩ nói, điều kỳ lạ là cơn giông đen kịt dù kéo đầy trời nhưng đến khi đoàn công tác lên đảo an toàn, thì mưa mới ào ạt trút xuống. Trên ban công tầng 2 nhà lâu bền của đảo Cô Lin, sau phút gặp gỡ tay bắt mặt mừng, quân dân vui vẻ bên nhau, vừa trò chuyện, thăm hỏi vừa ngắm nhìn biển đảo quê hương đang được cơn mưa tắm gội, nghe lòng dâng cảm giác bình an, thân thiết. Các chiến sĩ trên đảo cho biết: Hầu như lần nào sau lễ dâng hương tưởng niệm liệt sĩ, vùng biển này cũng đều có mưa. Trong khoảnh khắc, chúng tôi cùng im lặng… Phải chăng anh linh các anh hùng liệt sĩ - những người nằm lại cuối chân trời - đang hiển linh, hóa cơn mưa mát lành làm dịu cái nắng lửa khắc nghiệt trên đảo và luôn sát cánh cùng đồng chí, đồng đội bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng nơi tuyến đầu Tổ quốc!

*

Chia tay cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin, tạm xa Gạc Ma thân yêu, chúng tôi cùng tàu HQ 561 tới buông neo trên bãi Quế Đường. Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh đã hy sinh tại vùng biển DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được tổ chức… Chúng tôi vô cùng xúc động khi được nghe kể về những tấm gương hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Mấy mươi năm về trước, vào buổi chiều ngày 4/12/1990, cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông với sức gió giật trên cấp 12 đã tạo ra những đợt sóng dữ dội, hung hãn chồm lên, ụp xuống như muốn nuốt chửng nhà giàn. Trong hiểm nguy, dưới sự chỉ huy của Trạm trưởng - Trung úy Bùi Xuân Bổng và Phó Trạm trưởng, Chính trị viên nhà giàn - Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng - cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/2 Phúc Tần đã kiên cường chống chọi với bão tố. Nhưng khi màn đêm buông xuống, sức gió mỗi lúc một mạnh lên, mà sức người thì có hạn, Nhà giàn đã bị sóng dữ trùm kín, xô đổ. Cả 8 cán bộ, chiến sĩ đều bị cuốn trôi xuống biển. Chính trong phút giây sinh tử giữa cuồng nộ sóng gió gào thét ấy, đã và mãi sáng chói lên hình ảnh và hành động cao đẹp của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, người Bí thư Chi bộ mẫu mực, anh đã động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Lúc cận kề giữa sự sống và cái chết, Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người đồng đội yếu nhất rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu...

Lịch sử luôn khắc ghi hành động cao đẹp của Anh hùng liệt sỹ, Đại uý Vũ Quang Chương - Trạm trưởng và 8 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên. Khi cơn bão số 8 năm 1998 với sức gió hủy diệt ập đến, nhà giàn bị rung lắc dữ dội, các anh vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, bình tĩnh, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong trong đêm đen mịt mùng. Nhưng rồi một đợt sóng khủng khiếp ập đến đã xô đổ nhà giàn, cuốn đi cả 9 đồng chí. Dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực hết mình, nhưng Đại uý Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An và Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng đã không thể trở về. Trước phút hy sinh, hóa thân vào lòng mẹ biển, các anh đã gửi lời chào“Vĩnh biệt đất liền” về Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân rồi thanh thản ra đi, mãi mãi nằm lại với biển khơi...

Tổ quốc mãi ghi công tấm gương dũng cảm của các đồng chí: Thuyền phó, Thượng uý Phạm Tảo, Thượng úy Chuyên nghiệp Trần Văn Là, Chuẩn úy Chuyên nghiệp Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, chiến sĩ Hồ Văn Hiền... những con người dũng cảm, vì đồng đội thân yêu mà bất chấp hiểm nguy, hy sinh thân mình để cứu vớt các chiến sĩ nhà giàn bị nạn... Các anh đã chết để đồng đội được sống, để chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc mãi được khằng định, vẹn toàn. Linh hồn cao cả của những chàng trai con Lạc cháu Hồng ấy đã hóa thân vào sóng nước đại dương mênh mông. Máu xương các anh đã hoà quyện với từng con sóng, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong thời khắc thiêng liêng ấy, lời diễn văn tưởng niệm sự hy sinh cao cả của các anh vang lên trên sóng biển, càng thêm thấm sâu vào niềm tin yêu, cảm phục, biết ơn, nhắc nhở mỗi chúng tôi về trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc thân yêu: Giữa biển, trời thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhớ tới các đồng chí, chúng tôi lại càng trân trọng công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã sớm ra biển, để khai thác làm chủ biển; biến tiềm năng của biển trở thành nguồn sống cho dân tộc.

...Chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước lý tưởng của các thế hệ đi trước. Mỗi người dù ở mỗi cương vị khác nhau, nguyện đem hết sức mình cùng đồng hành với các lực lượng giữ biển, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc...”.

*

Năm tháng trôi, nhưng biển quê hương thì mãi xanh màu bất tận, mỗi điểm đảo thân yêu của chúng ta ngày càng vững vàng hơn nơi bão tố; chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam luôn được khẳng định; tên tuổi các anh hùng liệt sĩ mãi là bất tử. Xin thành kính nghiêng mình, mãi biết ơn các Anh - những con người nằm lại cuối chân trời - những con người đã chết cho Tổ quốc trường tồn!

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm