April 26, 2024, 8:12 am

Những người dệt mùa Xuân

Cuối tuần, khi dứt bớt những công việc sự vụ văn phòng, tôi về làng. Làng Phung sát gần hồ Ia Nueng (Biển Hồ) nước trong như lọc, thông bao xanh mượt, tháng 12 về hoa dã quỳ vàng rực rỡ những con đường, lan lan theo những triền dốc quanh hồ. Biển Hồ sáng mai, hoàng hôn thơm thơm mùi hoa, mùi thông, mùi đất, mùi nước… của một khu du lịch sinh thái chưa bị ô nhiễm bởi khói bụi công nghiệp. Tôi có những người chị người em trong làng Phung.

Họ ngày đi làm rẫy, làm thuê cho người Kinh, đi bán nông thổ sản ngoài chợ xã, chợ phường hoặc gùi hàng đi dọc các đường lớn để bán dạo, tối về ngồi vào khung cửi quen thuộc nơi gần bếp lửa và dệt. Họ dệt lên những tấm thổ cẩm ngang 70 - 85cm dài 2 - 4m trên nền vải đen, trắng họ tạo nên những hoa văn mặt trời, cây, hoa pơ lang, hoa mai, rau dớn, chim công, ngựa, nhà rông, cây nêu, người múa xoang, ghè rượu… những hình hoa văn cách điệu rực rỡ sắc màu đỏ, xanh, vàng, tím thật đẹp, thật bản sắc, giàu ý nghĩa văn hóa và tâm linh. Ở quê hương Gia Lai của tôi nơi có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, người Bahnar, Jrai là hai dân tộc tại chỗ, các dân tộc khác gồm: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Mông, Xê Đăng, Ê Đê… từ các vùng miền khác của Tổ quốc tụ hội về đây cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ những chuyến đi cơ sở làm công tác tuyên giáo, tôi thêm yêu đồng bào các dân tộc, yêu những giá trị văn hóa truyền thống họ tạo ra từ kiến trúc, âm nhạc, múa, điêu khắc, văn học dân gian, dân ca, trang phục, ẩm thực… yêu những không gian làng chưa bị mai một, yêu những góc bếp ấm áp đêm đêm bên ché rượu ủ lâu, chủ khách ngồi bên nhau trao cang uống rề rà, ngâm nga chuyện trò ca hát đến khi say mềm nằm/ngồi hồn nhiên ngủ o o, quên sạch những lo toan, vất vả, phiền muộn cuộc đời.

 Còn nhớ hồi giữa năm tôi về Plei A Thai huyện Phú Thiện, nơi tôi có nhà mí nuôi, em gái kết nghĩa. Mí bảo tụi con trai đập gà nướng lên, mở một ghè rượu ngay đi để mời chị gái. Mí ôm tôi, quàng cho tôi một tấm khăn thổ cẩm rực rỡ còn nguyên mùi khói bếp, mùi mồ hôi và mùi nắng của vùng đất chảo lửa phía nam của Gia Lai. Lúc đầu chỉ anh chị em trong nhà, vài chục phút sau bà con trong làng biết tin có chị gái người Mường trên phố của nhà Rmah H’Tuyết xuống thăm cha mẹ nuôi và em gái kết nghĩa thế là lúc lúc lại có người gùi một ghè nhỏ đến, lúc lúc lại có người cõng 1 ghè nhỡ đến, lúc lúc lại có người mang đến một túm lá mì cà đắng và cá suối khô đã nướng giòn trên than củi… ghè to, ghề nhỡ, ghè nhỏ nối nhau dọc gian giữa nhà sàn của mí, thịt, cá, lá mì, trái cây vườn, muối ớt giã đỏ sực bày ra. Cang trao cang, uống và hát và uống. Khói bếp nhà mí bay trắng nóc nhà hết đêm đến trưa sang tận chiều hôm sau. Tôi về lại phố, xe chưa rời khỏi địa phận làng A Thai đã thấy nhớ cái góc bếp và gian giữa nhà sàn của mí, nhớ vòng ôm lắc lắc và nụ hôn thắm thiết của con em gái kết nghĩa, nhớ nụ cười vang vang của ama, nhớ dáng vẫy vẫy ngóng theo của mí. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe được nhiều bài dân ca Jrai nguyên gốc do chính bà con hát hay đến thế. Từ bài Ru em, Thương anh, Mùa xuân, Con ếch, Đi rẫy… đến những bài tôi không nhớ tên do các nghệ sĩ của buôn làng vừa đàn, vừa hát. Nó khác xa những bài sưu tầm, soạn lại âm lời của mấy cha xưng danh nhà nghiên cứu văn hóa, thạc sĩ, nhạc sĩ A,B,C trên phố thỉnh thoảng hát váng lên trong bàn rượu hay trên ti vi địa phương. Gùi quà mí gửi tôi mang về phố biếu bố mẹ đẻ là một đùi heo đen gói trong tấm lá chuối xanh thẫm, một bó rau sắn, một gói ớt kim, một bì gạo rẫy, rượu ghè đã hút ra một chai nhựa lít rưỡi và một tấm chăn thổ cẩm dệt với 3 dải hoa văn mặt trời, hạt gạo, tổ ong dọc theo chiều dài 3m có hai đầu tua rua rực rỡ. Tạm biệt mí và bà con, H’Tuyết ôm tôi dặn đi dặn lại đầu năm chị và ông bà ngoại về ăn cơm mới nhé, em và mí đập heo chờ đấy. Năm nay, lúa nhà mình đầy kho. Tết cả nhà sẽ đi xe đò lên phố thăm chị. Mắt tôi hoa bởi rượu ghè ngấm sâu, tôi nhìn thấy mặt trời đỏ chói, mặt H’Tuyết đỏ au, nhìn gương xe tôi thấy mặt đồng nghiệp đi cùng đều đỏ. Lúc nào về làng lòng tôi cũng hân hoan và mến thương như thế.

Làng Phung xã Biển Hồ cách nhà tôi chừng 10km, chị Pel - người phụ nữ Jrai hiền dịu và Han con gái xinh đẹp của chị là những người bạn thân thiết của tôi đã 3 năm nay. Chúng tôi quen biết từ khi tôi làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Chị là chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung xã Biển Hồ, thành phố Pleiku. Nhờ chị và các chị em trong câu lạc bộ dệt của làng Phung tôi hiểu được thêm bao điều về nghề dệt và các sản phẩm dệt của người Jrai A ráp vùng Pleiku. Chị Pel biết dệt từ năm 15 tuổi, chị biết dệt nhiều mẫu hoa văn đẹp theo bà theo mẹ, càng lớn chị càng mê dệt thổ cẩm, rảnh lúc nào chị ngồi vào khung lúc ấy, khuya vẫn chưa muốn đi ngủ, khi khách đặt nhiều hàng chị có thể ngồi dệt suốt ngày đêm. Chị kể ngày xưa trong làng nhà ai cũng có khung dệt, phụ nữ ai cũng biết dệt, giờ thì khác rồi, chị buồn buồn khi tôi hỏi bây giờ vì sao tụi trẻ ít gia nhập câu lạc bộ dệt? Chúng lớn lên, đi học, đi làm cho người ta đâu có thời gian học nghề cha ông nữa. Nhưng chị lạc quan ngay. Chị bảo hiện nay, vẫn còn những người trẻ trong làng, ở các làng khác vẫn muốn học dệt thổ cẩm và chị đều truyền nghề cho họ. Chị có một điều ước muốn đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng chị không bị mất đi. Cái cửa hàng nhỏ của chị bao năm nay vẫn duy trì được bởi vẫn có người rất yêu quý thổ cẩm và các sản phẩm được làm nên từ thổ cẩm của người Jrai làng Phung.

Để có thể dệt được một tấm thổ cẩm, những người dệt phải làm nhiều công đoạn, từ việc ra chỉ, vào khung dệt rồi mới có thể ngồi dệt. Việc ra chỉ để vào khung dệt mất khá nhiều thời gian vì nó đòi hỏi sự chính xác trong việc sắp xếp các sợi chỉ, đặc biệt là những chỗ cần tạo hoa văn phải đếm cho đúng số lượng sợi chỉ, không thừa, không thiếu thì mới dệt được hoa văn mong muốn. Vậy nên, công đoạn này chiếm mất cả ngày đối với một tấm dệt lớn để làm váy quấn hay tấm chăn. Hàng dệt tay phải mất 2 - 3 tuần mới xong một tấm, giá từ 1,5 đến 3 triệu/bộ nhưng vẫn có khách lựa chọn, đặc biệt là khách Tây và Việt kiều. Hàng dệt công nghiệp theo mẫu hoa văn Jrai, Bahnar giá dao động từ 600 ngàn đến 1,5 triệu đồng được bà con lựa chọn nhiều hơn vì hợp với túi tiền. Trong mỗi gia đình người Jrai, Bahnar ở làng Phung hay ở các làng gần làng xa mỗi người vẫn dệt cắt may hoặc mua cho mình một bộ trang phục truyền thống để mỗi khi gia đình, dòng họ, cộng đồng có lễ hội gì thì sẽ mặc tham dự, đó là các lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới, mừng sức khỏe cha mẹ, ông bà, lễ bỏ mả, lễ mừng chiến thắng, mừng cơm mới, cúng bến nước…Trong những lễ hội ấy, nhìn vào sắc màu thổ cẩm trên váy, áo, khố, tấm choàng, trang sức vòng cổ, vòng tay, hoa tai, dây cột đầu, mũ tôi thấy mãn nhãn và tự hào về kho tàng văn hóa của các dân tộc trên cao nguyên Pleiku - nơi tôi không sinh ra nhưng được nuôi lớn, che chở và dần trưởng thành dưới bầu trời và mặt đất mênh mông tràn nắng gió ấy.

Người Bahnar, Jrai và các dân tộc thiểu số khác ở Gia Lai chính là chủ thể văn hóa, là người sáng tạo, làm ra những bộ trang phục truyền thống cũng như các di sản văn hóa khác và cũng là lực lượng hưởng thụ những sản phẩm văn hóa do chính mình tạo nên. Bao năm qua, họ luôn có ý thức trân trọng, tự hào văn hóa của mình và muốn truyền lại cho con cháu. Song theo quy luật phát triển, giá trị tinh thần không phải là yếu tố bất biến. Nó có thể thay đổi hoặc mất đi theo thời gian, nhất là trong sự biến đổi mạnh mẽ về đời sống kinh tế, xã hội như hiện nay. Một số dân tộc đang có nguy cơ làm mất văn hóa dân tộc của mình. Trong từng chuyến điền dã, khảo sát nơi các buôn làng gần xa của tỉnh, nhìn thấy những thay đổi, những mất dần của văn hóa truyền thống, tôi mong bà con các dân tộc, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải phối hợp cùng nhau chặt chẽ để có kế hoạch, biện pháp, giải pháp cùng giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc vì “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Tôi yêu văn hóa dân tộc mình, văn hóa các dân tộc khác đang cùng chung sống trên vùng đất Gia Lai, tôi chỉ là một cánh én nhỏ và tôi mong ngày càng có nhiều cánh én để cùng bay về dệt nên mùa xuân trên quê hương tôi.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm