April 26, 2024, 2:05 pm

Những người bạn đồng hành

1.

Có sáng tác thì có phê, có bình, có nghiên cứu. Hai thực thể, hai chức năng, những mặt khác cũng thiết lập với nhau một mối quan hệ tương hỗ hữu cơ. Và đã có quan hệ thì vấn đề đã trở nên không đơn giản rồi. Xung đột là chuyện không thể tránh được, đặc biệt là ở trong những giai đoạn xã hội có những biến động to lớn trên địa hạt tư tưởng chính trị, lý tưởng thẩm mỹ. Điều nay hiển nhiên là ai cũng biết, hà tất phải dài dòng. Cảnh sắc ngày hôm nay cũng là vậy. Một Nỗi buồn chiến tranh, một Miền hoang vẫn có thể là nơi giao tranh, vùng luận chiến của những cách nhìn  nhận đánh giá khác  nhau. Cũng vậy, lúc này đây, nghĩ tới một giá trị văn chương đã được xác định hoàn toàn bất di bất dịch  là một cái hiểu rất mong manh. Tất cả vẫn còn đang trên con đường thử thách. Cái ổn định vẫn chỉ là tạm thời.

Doanh nhân với Truyện Kiều. Truyện Kiều với doanh nhân là một cuốn sách do GS Phong Lê và TS Phạm Văn Tuấn  chủ biên vừa đươc xuất bản quý III năm 2017. Thú vị thật! Thì ra đã hơn 200 năm rồi mà Nguyễn Tiên Điền vẫn đang hiện diện trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Trong Hồn Việt tháng 8/2018, nhà nghiên cứu Thu Tứ có bài Nguyễn Tuân Tổng nghiệp văn chương, trong đó ở đoạn cuối, tác giả cho rằng, Văn học Việt Nam vốn thiên hẳn về cảm giác và cảm xúc. Và theo ông, trong truyền thống đó, để lại dấu vết to và rõ hơn cả là văn nghiệp Nguyễn Tuân. Đã 40 năm rồi kể từ Lưu Quang Vũ ra đi, nhưng  hình như giờ đây, trong cái tâm thế của người  đứng lui lại để nhìn lịch sử, nhà lý luận phê bình, trước hết là họ, mới và đã nhận ra  được hết sự xuất chúng của tài năng  lớn này. “Sức sáng tạo của Vũ khiến tôi nhớ đến thiên tài H. Balzac, nhà văn Pháp sống trước Vũ hơn một thế kỷ và thọ hơn Vũ một giáp - người mơ ước có hai bộ óc,  hai bàn tay cùng cầm bút để cùng lúc  tiến hành nhiều bộ tiểu thuyết một lần” Đó là môt câu trong bài viết của GS Phong Lê in trong Hồn Việt số tháng 7/2018 vừa rồi.

 

2.

Tất cả mọi giá trị còn đang trên đường chuyển dịch. Vật đổi sao rời. Có cái sẽ còn lại mãi với thời gian. Có những cái sẽ  tan biến như một ánh chớp phù du. Một lẽ thường tình. Tuy vậy, ở độ tuổi của mình, tôi vẫn cảm thấy phải có bài viết này để nói lên một khía cạnh của một thực tế do tôi đã trải nghiệm. Mối quan hệ của tôi với các nhà lý luận phê bình. Nhà lý luận phê bình - Những người bạn đồng hành của tôi. Lẽ dĩ nhiên ai cũng hiểu, điều này có được chính là nhờ ở may mắn sau đây: tuy vẫn có chút tiểu dị, nhưng về căn bản chúng tôi đã có được sự đại đồng trong cùng một hệ hình quan điểm thẩm mỹ. Và thật tình là tôi đã giật mình khi tuổi đã lớn và có thời gian rỗi rãi để làm công việc kiểm kê, tôi đã vô cùng sung sướng vì thấy mình là kẻ rất giầu có trong nghề, vì đã sở hữu một bộ sưu tầm có đến hơn 200 bài viết của bạn bè về các tác phẩm của mình. Trong đó thôi thì đủ, khen chê, bình phán, vui mừng, phân vân, nghi ngại, khẳng định, sẻ chia. Trong đó, có nhiều các tên tuổi lớn trong giới lý luận phê bình mà ở đây tôi xin phép được bầy tỏ  niềm tri ân chứ không thể kể hết ra được.  

 

3.

Nói thật là tôi đã nhận được nhiều lời khen. Nhưng không phải chỉ có vậy! Và hình như chủ yếu câu chuyện cũng không nằm ở chỗ đó. Mà quan trọng hơn, theo ý nghĩ của tôi, các nhà lý luận phê bình, chính họ chứ không phải ai khác, đã góp một tiếng nói, có thể đúng, cũng có thể chưa đúng, nhưng tựu chung là nhờ họ mà tôi biết: Tôi là ai trong cái đời sống văn chương lúc nào cũng mang dáng vẻ xô bồ hỗn độn không phân tách được này? Vả lại, như GS Phong Lê bạn tôi, anh đâu có dễ dãi với tôi chút nào. Năm 1986, cử nhân Lã Duy Lan, một cán bộ của Viện Văn đề nghị Phong Lê là người hướng dẫn mình làm luận văn Phó tiến sĩ về tôi, thẳng thắn anh đáp ngay: Khoan đã! Ngay gần đây, cuối năm 2017, khi Nhà sách Đinhtibook in lại mấy cuốn tiểu thuyết của tôi, điều anh luôn băn khoăn với tôi là liệu sách tôi tái bản còn có bán được không? Ngầm ý anh muốn nói rằng, không khéo tôi đã trở thành lỗi thời rồi!

Tôi đã có một bài viết dài về Phong Lê đăng trên Văn nghệ, tháng 4 năm 2008 nhan đề Một cốt cách bạn bè. Trong đó tôi kể lại những kỷ niệm không thể quên của tôi và anh. Với tôi, Phong Lê là tài và tình. Phong Lê - một phong cách chính luận trữ tình. Phong Lê - người tình của các  nhà văn hóa văn nhân. Phong Lê - một tình nhân của văn chương. Bài đó, ở phần kết tôi viết: Thế đó, với tôi, năm tháng như phù sa bồi đắp cho cây cối mùa màng tốt tươi, năm tháng như trầm tích, kết tinh để mỗi ngày một sáng tỏ hơn một quan hệ bè bạn thân thiết, một gương mặt văn học độc đáo Phong Lê. Một tiếng nói khúc triết. Một tâm hồn say đắm.Một nhiệt tình khôngbiết suy giảm. Một bản lĩnh, một cốt cách cứng cỏi, trung thực, thuỷ chung, tự tin, quyết liệt và thấu tình.

Chúng tôi có một tình bạn trên mức thông thường. Một mối quan hệ có hình bóng của tâm linh.  Không phải lúc nào tôi và anh cũng cặp kè với nhau như hình với bóng. Nhưng anh luôn xuất hiện đúng lúc ở những bước ngoặt quan trọng của tôi. Anh đã đỡ đầu cho cuốn tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe gần như là đầu tay của tôi. Anh đã cứu nguy cho cuốn Mưa mùa hạ của tôi vào năm 1983. Cuối thế kỷ trước, bằng cái tầm nhìn văn học sử, cái nhìn thấu thị của một bề dầy kinh nghiệm, anh bảo tôi: Bây giờ thì bạn đọc không chờ đợi tiểu thuyết và truyện ngắn của Ma Văn Kháng nữa đâu. Ý là anh bảo tôi đã chững lại rồi đấy. Rồi anh  tiếp, từ 70 đ ến 75 tuổi Ma Văn Kháng rất nên viết hồi ký trong tư cách là một nhân chứng lịch sử. Và như vậy cuốn hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của tôi đã được xuất bản năm 2009. Một chế phẩm không trọn vẹn vì bị cắt xén tước bỏ gần chục câu đoạn. Vì tôi cũng đã thuận theo “tư vấn” của anh: Cứ cho in đi, còn hơn là ngồi chờ cơ hội.

Năm 2012, tôi cho in trên tờ Nghệ thuật bài tiểu luận Từ anh thợ cắt tóc đên người đi tìm hình của nước; và sau đó trên tờ Văn nghệ là các bài Phút giây huyền diệu và bài Nhà văn, người học nghề mê mải, mới chỉ là có thế thôi, lập tức Phong Lê, cùng lúc là nhà thơ Hữu Thỉnh, đã gọi điện cho tôi, nhiệt liệt đón chào và dự đoán: Thế là Ma Văn Kháng đã chuyển kênh. Có cảm giác Ma Văn Kháng viết rất thoải mái. Và việc này, lẽ ra Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… phải làm rồi mới đúng! Hỏi có sự khích lệ của đồng nghiệp lớn lao và cảm động nào bằng !

 

4.

Khi nhà văn đào sâu vào bản thể tâm hồn là nhan đề một tiểu luận viết về truyện ngắn của tôi của PGS,TS La Khắc Hòa in trên Tạp chí Văn học tháng 9 năm 1999. Một bài viết thấu đáo, vừa mang sự trải nghiệm sâu xa, vừa đầy tính ngẫu hứng tài hoa. Đã hai mươi năm qua rồi, bài tiểu luận dài hơn 8000 chữ này  đến nay vấn đóng chốt, định vị những phẩm giá đặc sắc nhất về truyện ngắn của tôi, vẫn giữ vị trí đầu tầu cung cấp bao nhiêu sức tải cho không ít luận văn luận án nghiên cứu về tôi. Viết về tôi không nhiều, nhưng anh Hòa suy nghĩ về văn chương nói chung, về sáng tác của tôi nói riêng thì rất nhiều. Gọi điện cho tôi, thường anh nói cả tiếng đồng hồ. Cả tiếng đồng hồ, tôi mê mụ đi trong dòng chảy miên man của các mệnh đề lý luận với một sức cuốn hút không sao cưỡng lại nổi. Không chỉ là riêng tôi nhận thấy như thế đâu. Cả trăm học trò của anh cũng thế. Không phải chỉ là cái tài của một sức truyền cảm lớn. Mà là một nội lực, là cái sức khám siêu thường vào cốt lõi của nghệ thuật. Và tôi xin cam đoan rằng, tất cả những ai đã nghe anh giảng, nghe anh nói, không trừ một ai, đều sẽ bị mê hoặc trước cái lâu đài nghệ thuật lý luận vừa cổ quái vừa lý thú một cách lạ lùng mà anh là người mở cửa dẫn mọi người bước vào. Anh bảo, anh dự định sẽ viết một tiểu luận dài về tiểu thuyết của tôi, nhưng chưa có điều kiện. Và tôi một lần nữa lại bị anh cuốn vào một cơn lốc mê say khi anh nói về những ý tưởng đã phác họa xong. Chẳng hạn anh nói: Những cuốn Ma Văn Kháng viết hồi đầu như Đồng bạc trắng hoa xòe,Vùng biên ải thường là rất vất vả. Là bời vì anh phải mất rất nhiều công tìm tòi trong cái kho truyền thuyết đã có. Trong những cuốn sách đó, văn là của Ma Văn Kháng, nhưng chuyện và lịch sử là của người khác. Anh gọi đó là văn học truyền thuyết. Còn từ Mưa nùa hạ trở đi, Ma Văn Kháng viết dễ dàng, là bởi vì nó là truyện của đời anh, anh gọi đó là văn học dự ngôn. Anh xếp tiểu thuyết của tôi và của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh  thuộc dòng  cổ điển. Vì Tiểu thuyêt cổ điển thường có mấy đặc điểm: Nhịp điệu chậm rãi. Cấu trúc phúc tạp. Cần rất nhiều chi tiết. Do vậy phải là người từng trải   có cuộc sống riêng hàng chục năm mới  đương cự  nổi thể loại này được.

Anh nói tiểu thuyết Việt Nam phát triển trên mấy cái nền tảng gốc là: Truyền thuyết. Cổ tích. Ngụ ngôn. Giai thoại. Trên cơ sở những mạch ngầm đó, mỗi nhà văn sẽ lựa chọn theo quan điểm nhân sinh của mình, để có một không gian kể chuyện riêng. Với tiểu thuyết cổ điển, quan trọng là bầu không khí của truyện. Ở tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh là những kinh nghiêm về tôn giáo. Ở Nguyến Huy Thiệp là không gian cổ tích. Còn ở Ma Văn Kháng là một tứ thơ nằm ở cái không gian Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao

 

4.

Trong số các bạn đồng nghiệp của tôi, PGS,TS nhà văn, nhà lý luận phê bình Nguyễn Ngọc Thiện là người đọc nhiếu nhất các cuốn sách của tôi. Riêng về các bài tiểu luận chuyên đề viết một cách kỹ càng, sâu sắc về tôi, in trên các tạp chí và báo có uy tín, anh đã có tới 11 bài. Một con số khiến tôi vô cùng biết ơn và cảm động, một con số mơ ước, tôi trộm nghĩ vậy, có lẽ là với nhiều nhà văn như tôi. 

Thông minh, hiểu biết tác giả và tác phẩm cặn kẽ, anh đã hướng dẫn thành công trên 25 luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về các tác phẩm của tôi. Anh viết một tiểu luận rất có giá trị, về sau trở thành các luận cứ cơ bản cho các nghiên cứu sinh mỗi khi họ tham khảo để làm luận văn về tôi, về ba cuốn tiểu thuyết  thuộc đề tài các dân tộc miền núi của tôi. Trong đó, với một năng lực dồi dào về nghiên cứu, anh tinh tế chỉ ra từng bước phát triển của tôi qua mỗi chặng đường. Năm 2004, tôi viết 2 cuốn truyện về đề tài công an hình sự. Chính anh, con người với cái tài nhậy cảm trước cái mới, là người hân hoan đón mừng sự chuyển hướng ấy của tôi. Năm 2012, tôi cho in hai cuốn Tiểu luận và Bút ký về nghề văn: Phút giây huyền diệu và Nhà văn, anh là ai? Sách in xong, anh là người đầu tiên chào đón nó với tinh thần cổ vũ hết mình

PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện. Con người anh như cái danh xưng mà đấng sinh thành đã đặt cho anh. Nguyễn Ngọc Thiện. Thiện căn ở tại lòng ta. Nhân chi sơ tính bản thiện. Nói đên anh là nói đến một con người có thiện tâm. Con người của sự trung hậu, sự trong lành. Là nói đến sự tin cậy. Là sự chịu thương chịu khó. Là tình yêu mến của anh với con người, văn chương và cuộc đời.

Thiện căn ở anh còn bao hàm ở trong đó cái tài bẩm sinh của anh. Cái tình là cái cội nguồn gốc gác của cái tài ở anh. Vì khi lòng mình sáng trong như tấm gương thì soi tỏ hết mọi vật. Cái tài nhận ra cái tốt cái đẹp trong sự bình dị thường ngày. Cái tài của anh là cái tài ẩn mình trong sự giản dị. Trong sự đọc thiên kinh vạn quyển, học nhiều hiểu rộng. Trong năng lực khái quát. Trong sự nhậy cảm. Trong những chia sẻ và nhận biết tinh tường. Trong tình thương mến ấm áp bạn bè. 

 

5.

Tôi và GS, TS Trần Đăng Suyền kẻ trước người sau nhưng cùng đều xuất thân từ cái lò đào tạo là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên đó không phải là nguyên ủy của sự gần gụi thân quen nhau. Tri âm tri kỷ với nhau là cái duyên kỳ ngộ. Là cái duyên trời cho. Là cái tiên thiên nó vận vào, là cái ở ngoài vòng lý giải của con người. Chẳng thế mà tháng 7 năm 1979, khi cuốn tiểu thuyết gần như đầu tay Đồng bạc trắng hoa xòe của tôi dài đến 600 trang được xuất bản, đã quen hơi bén tiếng gì nhau đâu, mà lúc ấy nhà lý luận phê bình văn học trẻ Trần Đăng Suyền đã cất công đọc và có ngay một bài phê bình dài đến gần 3000 chữ đăng trên báo Văn nghệ số 49, ra ngày 4/12/1979, cách đây gần 40 năm.

Trong bài viết đó, cùng với lời khen, anh còn dự đoán về bước đi sắp tới của tôi. Nhưng đâu chỉ có thế, anh còn chê, chê thẳng thừng:  Nhiều nhân vật trong Đồng bạc trắng hoa xòe có hiện t­ượng hành động lấn át tâm lý. Cái mà Sécnưsevxki gọi là phép biện chứng tâm hồn anh chư­a làm đ­ược bao nhiêu. Ngay cả Pao, một nhân vật mà anh yêu quý thì quá trình diễn biến tâm lý cũng chư­a rõ ràng. 

 Kế đến mấy năm sau, cuối năm 1982, khi tôi công bố cuốn tiểu thuyết Mưa mùa hạ thì ngay ngày 9/4/1983 trên báo Văn nghệ số15, anh đã có bài Một cách nhìn cuộc sống hiện nay viết về nó. Trong đó, sau khi chỉ ra những điều anh cho là tuy đã có thành tựu nhưng còn chưa thật hoàn hảo, tức là có sự tìm tòi trong việc xây dựng tổ mối có tính chất tượng trưng nhưng ấn tượng chưa thật nhuần nhị và cuốn sách giống như một công trình, từ ý đồ đến nguyên liệu xây dựng đều hứa hẹn vươn tới sự hoàn hảo, nhưng chưa thật hoàn mỹ

Chưa hết, tháng 2 năm 1985, tôi cho in cuốn tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn thì trên báo Văn nghệ số 40 ra  ngày 5/10/1985, anh đã có một bài nhận xét ưu khuyết một cách thẳng thắn dài gần 3700 chữ.

Chúng tôi là bạn bè với nhau từ nhiều năm nay. Gặp gỡ, trò chuyện như những người tri kỷ về nhiều vấn đề văn học và cuộc sống. Tìm thấy ở nhau những nét tương đồng, những sự sẻ chia, những bổ khuyết cần thiết. Nhưng kể từ  lần gặp nhau đầu tiên ở Đại học Sư phạm khi anh  được giữ  lại làm giảng viên,  lần gặp anh ở Mátxcơva tháng 4 năm 1988, dạo ấy anh đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, đến khi anh giữ chức vụ Trưởng khoa Ngữ văn, rồi Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Văn học, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, và những lần anh rủ tôi đến các địa phương trong các buổi anh đi thuyết giảng, chẳng lúc nào tôi thấy anh có cái vẻ rảnh rang thảnh thơi nhàn nhã. Anh là người lúc nào cũng tất bật với công việc giảng dậy và nghiên cứu và trước tác.

Mùa hè năm 2004, anh rủ tôi đi Hưng Yên gặp gỡ các giáo viên trung học ở tỉnh này. Tôi không ghi hết được cảm tưởng của mình sau chuyến đi. Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được ấn tương sâu đậm và cảm xúc lạ lùng của tôi trong mấy giờ là thành viên dự thính của buổi Trần Đăng Suyền trò chuyện với các bạn giáo viên. Một buổi trò chuyện trong đó Trần Đăng Suyền là người đăng đàn. Đúng là đăng đàn! Chứ không phải chỉ là một buổi lên lớp thông thường. Một giọng nói sang sảng, khúc triết, đầy sức truyền cảm. Những khám phá mới mẻ của một tín đồ mê mẩn chủ nghĩa hiện thực. Một nội lực mang trong nó cả   cái mực thước khoa học trí tuệ mẫn tiệp của một ông thầy, hòa trộn với sự tung tẩy bay bổng thăng hoa của một tâm hồn nghệ sĩ từ người nói đã cuốn hút cả mấy trăm học viên trong một hội trường chật hẹp kín chỗ.

Giờ thì tôi hiểu Trần Đăng Suyền còn là một giáo sư. Và những lời tụng ca của hàng trăm sinh viên, nghiên cứu sinh đã từng được nghe anh giảng dạy, hướng dẫn và đọc sách của anh, với anh, một lần nữa tôi lại tìm thấy trong một số tác phẩm của anh. Đặc biệt là các cuốn Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao (chuyên luận 2001); Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo (tiểu luận phê bình 2002); Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (2010); Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học, (2012)…

Gần đây, trên số 10 năm 2017 Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học, anh cho in bài Tư tưởng cơ bản và những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu trong tiểu thuyết sau năm 1980 của Ma Văn Kháng  dài gần 6500 chữ. Trời ạ! Lúc này đây, trong cái thời bận rộn này, bỏ công tháo sức ra để đọc cả ngàn trang viết  rồi vắt óc ra để viết cho mình  cả mấy chục trang chữ với  một cảm hứng thật sự nồng nàn và tận tình như thế, hẳn người đó phải là kẻ tri âm mặn mòi lắm lắm với mình! Không vui, không tri ân sao khi mình ở độ tuổi này đang cần có một cái nhìn tổng quát gì đó về mình, một tiếng nói góp phần cho biết mình là ai, kể cả mình có thể là thế này hay thế khác .  

Trái đất này mà không còn voi thì buồn lắm! Bắt chước câu nói của nhà bảo vệ môi trường, tôi cũng muốn nói rằng, sáng tác mà không có nhà lý luận phê bình thì buồn lắm. Cứ nghĩ mà xem. Buồn lắm, buồn thật đấy! Nhà lý luận phê bình, bạn đồng hành của nhà sáng tác!

Nguồn Văn nghệ số 40/2018

 


Có thể bạn quan tâm