April 27, 2024, 11:06 am

Những ngôi sao phương xa

Tôi đến thành phố Frankfurt trong một đêm đầy sao. Những ngôi sao chảy tràn trên những biển hiệu quảng cáo, trên những tòa nhà trọc trời bên sông Main. Tôi ngơ ngác như một chú nai lạc mẹ. Không phải ngẫu nhiên cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác khi đặt chân đến nước Đức trong những ngày đầu tiên ấy...

Nếu hôm nay có ai hỏi, khó khăn nào là lớn nhất trong quá trình hội nhập, tôi sẽ trả lời ngay rằng, trước hết đó là sự khác biệt ngôn ngữ. Chỉ khi biết sử dụng ngôn ngữ bản địa, người ta mới có thể hội nhập, tương tác với xã hội xung quanh. Tuy nhiên chỉ số ngôn ngữ chỉ là thước đo ban đầu. Quá trình hội nhập diễn ra trong mọi mặt của đời sống, từ Nghe, Nhìn, Trao đổi, Học hỏi... rồi sau đó Bắt nhịp và cùng Chuyển động.

Những ngày còn chân ướt chân ráo, mới bỏ vali xuống tôi đã đi tìm việc làm. Bao nhiêu ngày lạnh cóng ba lô trên vai, bao nhiêu lời từ chối, bao nhiêu cây số đi bộ… tôi không nhớ, nhưng nhu cầu phải học tiếng Đức để tìm hiểu, khám phá thì không thể quên. Tôi lao vào học. Ban đầu tự học, ngay cả khi sách vở còn thiếu. Tranh thủ học mọi nơi, mọi lúc. Ê a đọc báo, xem tivi, nghe đài và trò chuyện với người bản xứ khi có dịp. Song chỉ sau khi hoàn thành một khóa học tiếng Đức tại một trung tâm dạy tiếng sau đó, tôi mới thực sự có “cây đũa thần” để “giải mã” những cấu trúc ngữ pháp được cho là khá “hóc búa” đối với cả người Đức.

Những bài báo, những tin tức hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng… đã dần dần không “trôi qua” tôi. Tôi “nghe thấy” nhịp sống đang diễn ra quanh mình... Đến bây giờ, một bản tin thật ấn tượng từ Radio, chắc đã hơn 20 năm nhưng vẫn nằm trong “bộ nhớ” của tôi...

*

Ngôn ngữ là chìa khóa của cánh cửa hội nhập nhưng cánh cửa ấy chỉ thực sự được mở ra khi “cánh cửa trái tim” của mỗi con người luôn sẵn sàng cho trao đổi, học hỏi, để thông cảm và thấu hiểu. Ngay cả những khác biệt về văn hóa hay những bất đồng về ngôn ngữ sẽ không còn là trở ngại khi mỗi cá nhân trong xã hội cùng hướng tới những giá trị, biết sống độ lượng và bao dung. Câu chuyện về người hàng xóm sống tầng dưới căn hộ tôi từng sống trước đây luôn nhắc nhở tôi những điều ấy…

Hồi ấy, tiếng khóc của con gái tôi lúc sáng sớm (do cơn sốt, quấy khóc...) hay một vài bước chân vô tình của đứa trẻ 3 tuổi gây tiếng động trên sàn, tiếng chào hỏi của một vài người bạn đến thăm chúng tôi ở hành lang… cũng làm ông hàng xóm khó chịu, lời qua tiếng lại. Có lẽ ông ấy muốn có sự tĩnh lặng tuyệt đối, một yêu cầu có thể là không tưởng trong một khu nhà cao tầng nhiều căn hộ...

Khi con gái tôi đến tuổi đến trường, chúng tôi phải thuê căn hộ mới gần trường học để thuận tiện cho việc đi lại. Ngày chuyển nhà, tôi thấy chiếc ghế băng màu trắng ở ban công mà chúng tôi không có ý định mang theo sẽ rất đẹp nếu được đặt trên thảm cỏ thuộc căn hộ tầng mặt đất của người hàng xóm từng to tiếng. Tôi trình bày ý định ấy khi thấy ông ấy bước ra vườn. Ngạc nhiên cùng chút bối rối, ông hàng xóm vẫn kịp nở nụ cười và cảm ơn tôi. Chắc ông ấy chưa thể tưởng tượng một ngày nào đó, một người ông từng cãi cọ lại có thể tặng ông một món quà, dù rất nhỏ! Trao cho người hàng xóm chiếc ghế, thật hạnh phúc, tôi đã trao cho ông ấy và cả cho chính mình những điều tốt đẹp mà con người có thể dành tặng cho nhau. 

Trái đất này sẽ nhỏ

Nếu chẳng ngắm bầu trời!

Bầu trời này sẽ nhỏ

Nếu chẳng ngắm mây trôi!

 

Tôi có ngôi nhà nhỏ

Cửa mở khắp phương trời

Sáng nghe mặt trời dậy

Đêm vàng ánh trăng rơi.

 

Tôi có con thuyền nhỏ

Neo bến giữa biển đời

Mênh mang, mênh mang sóng

Dâng buồm lên chơi vơi.

                                                                            

Tôi mang nụ cười nhỏ

Hồn nhiên trong mắt mơ

Tôi yêu cuộc sống  này

Không hẹp như bàn tay.

Tôi đã viết bài thơ Tiếng hát như thế trong những ngày sống tại Đức để cảm ơn và nói về cuộc đời. Những câu thơ ấy vẫn cùng tôi vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất, trong cả những phút vui buồn.

Trước cửa căn hộ chúng tôi đang ở, thỉnh thoảng vẫn có những món quà thật bất ngờ. Đôi khi là bó hoa đồng nội, là lọ mứt hoa quả từ dâu đất, hay mơ, mận vườn nhà của những người láng giềng tốt bụng. Trong một lần thăm hỏi, trò chuyện, tôi mới được biết, người hàng xóm hay đặt những cây hoa nho nhỏ trước cửa nhà chúng tôi là người đỡ đầu cho một cháu bé mồ côi ở Việt Nam; bà nhận chu cấp cho cháu bé đến tuổi trưởng thành. Ồ hẳn rồi, nụ cười nhân hậu của bà cũng chính là những bông hoa cho cuộc đời này.

*

Khá nhiều lần tôi được hỏi, hàng ngày chúng tôi sử dụng ngôn ngữ gì trong gia đình, tiếng Việt hay tiếng Đức, và hay nấu những món gì, chỉ thuần Việt hay nhiều đồ ăn của Đức? Một câu hỏi thật thú vị và có lẽ đã có sẵn câu trả lời!... Tôi cười và nói - Cả hai! Chúng tôi nói tiếng Việt và tiếng Đức; ăn cơm với đậu phụ và cũng xơi xúc xích với khoai tây. Hiển nhiên khi sử dụng các thứ tiếng, chúng tôi càng có nhiều cơ hội thu nhận thông tin, tìm hiểu, đánh giá thông tin từ những nguồn khác nhau, và đồng thời có thể thể hiện, cảm nhận những nét đẹp mà mỗi ngôn ngữ có thể mang lại. Khi nấu các món ăn có nhiều nguồn gốc khác nhau, thông qua nghệ thuật ẩm thực, chúng tôi cho mình được chu du khắp nơi trên thế giới!

Con gái tôi sinh ra và lớn lên tại Đức. Hàng ngày trên con đường từ nhà đến nhà trẻ…  “An-An” (tên thân mật các bạn cùng lớp gọi con gái tôi) đã kịp học đánh vần những âm tiếng Việt đầu tiên. Và khi bắt đầu đến trường học lớp 1 với các bạn người Đức, con gái tôi đã có thể nói - đọc - viết tiếng Việt.

Nhớ hồi năm học lớp 7, con gái tôi có đưa tôi một bài kiểm tra môn chính trị - kinh tế. Và tôi, cũng như bao ông bố, bà mẹ khác ở đây, có trách nhiệm xem và ký vào mỗi bài kiểm tra của con mình. Một phần bài viết như sau:

Câu hỏi: Người cha tức giận cô con gái Sonia và đã đánh cô bé. Hình phạt này của người cha có được cho phép? Hãy trình bày lý do!

Trả lời: Hình phạt này bị cấm, không được chấp nhận. Theo điều 1626 Bộ luật dân sự (tại Đức): cha mẹ có trách nhiệm giáo dục để con cái có tính tự giác và lòng tự tin. Những gì người cha đã làm là phản tác dụng.

Điều 1631 quy định: trẻ em cần phải được giáo dục bằng tình thương và không được sử dụng bạo lực. Điều 1666 cũng viết: trẻ em phải được bảo vệ để tránh nguy hại và không bị lạm dụng. Vì vậy người cha phải từ bỏ cách giáo dục bằng tay của mình !...

Một bài kiểm tra “học đi đôi với hành” thật ấn tượng! Dù từ bé đến lớn con gái tôi chưa bao giờ phải nhận một “roi hình phạt” nhưng việc được hướng dẫn, chỉ ra những điều luật cụ thể là hết sức cần thiết, để trẻ em biết rằng, chúng, cũng như mọi thành viên trong xã hội, đều được pháp luật bảo vệ công bằng; pháp luật mới là tối thượng. Qua bài kiểm tra này, không chỉ con gái tôi, mà tôi cũng đã được học một bài học để càng sáng tỏ hơn, rằng không thể sử dụng bạo lực trong việc dạy dỗ trẻ em, cũng như trong bất kỳ tình huống nào

Hôm nay An-An đang trong giảng đường đại học, biết nhiều ngoại ngữ và khá tự tin. An-An đã về Việt Nam thực hiện chuyến du lịch xuyên Việt cùng bè bạn; từng sang Úc một năm tự kiếm việc làm và kết hợp du lịch trải nghiệm; tham gia một vài chương trình ngắn hạn dậy tiếng Anh cho trẻ em nghèo trong hành trình du lịch ở những nước đi qua… Hiện nay dù nước Đức và châu Âu hay nhiều nước trên thế giới đang phải đứng trước nhiều thử thách và lựa chọn, nhưng tôi tin rằng, với “chìa khóa ngôn ngữ”, với cách sống mở, những người trẻ như con gái tôi, như bao con em nhiều gia đình khác mà tôi biết, sẽ có thể là lớp thanh niên mang khái niệm “Multikulti” (Đa văn hóa) vào cuộc sống  một cách sống động và hiện thực hơn các thế hệ trước. Những chàng trai, cô gái này có những thuận lợi để vượt qua những khác biệt nhằm kiến tạo - hướng tới một xã hội đa văn hóa, để cùng hội nhập và chuyển động.

*

Tôi lái xe đến nhà hát Opera Frankfurt để nghe buổi hòa nhạc đặc biệt dành cho những người có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong năm. Những đồng nghiệp của tôi từ khắp nước Đức cũng có mặt ở đây… Bất chợt tôi gặp lại những chùm sao năm nào trên bầu trời thành phố. Những chùm sao vẫn vượt qua đêm tối bằng ánh sáng trong đêm.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 


Có thể bạn quan tâm