April 27, 2024, 2:29 am

Những kết quả bước đầu sau gần 4 năm thực hiện Luật PCTH của thuốc lá

PHÒNG CHỒNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

Có thể thấy, trong số nhiều sản phẩm, thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết nhiều người có sử dụng nó một cách thường xuyên. Theo WHO dự báo, tới năm 2020, con số người hút thuốc lá có thể sẽ lên tới 1,6 tỷ người.

Ở Việt Nam, với nỗ lực sau gần 4 năm thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội triển khai hoạt động truyền thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Tổ chức các buổi giao lưu tại cộng đồng, các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, truyền thông lưu động tại các xã phường, làng bản; nói chuyện chuyên đề, truyền thông trực tiếp tại các cơ sở y tế, trường học.

Các hoạt động truyền thông về PCTH của thuốc lá được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng thành thị - nông thôn, cán bộ công chức, người lao động, học sinh, sinh viên. Đặc biệt các hình thức truyền thông mang tính sáng tạo và hấp dẫn đối với đối tượng thanh thiếu niên, học sinh để giảm tỷ lệ hút thuốc và ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ.

Quỹ PCTH của thuốc lá đã hỗ trợ kinh phí cho các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Luật PCTH của thuốc lá rộng khắp trong toàn quốc. Hiện có 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội thành lập Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá. Mỗi đơn vị tham gia hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá đều có ít nhất 01 cán bộ đầu mối kiêm nhiệm triển khai công tác PCTH của thuốc lá. Các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; lãnh đạo Sở Y tế làm phó trưởng ban, thành viên gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các tổ chức chính trị xã hội như Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã rất chủ động và tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các quy định của Luật PCTH của thuốc lá.

Tại các tỉnh, thành phố, với sự ủng hộ của lãnh đạo, nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung PCTH của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, ban hành và thực hiện quy định về nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh trong đó không sử dụng thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội.

Công tác thanh tra kiểm tra cũng đã được đẩy mạnh. Trong năm 2017, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ kiểm tra tại 171 nhà hàng, khách sạn, phạt 23 đơn vị với số tiền phạt gần 60 triệu đồng. Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng. Bộ Công an phạt 15 trường hợp, phạt 13,5 triệu đồng. Tổng số tiền phạt tính đến nay là 430 triệu đồng.

Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi gần đây cho thấy Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5%  năm 2014; Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong học sinh giảm khoảng 18%. Tỷ lệ này cho thấy hiện nay việc sử dụng thuốc lá đang được ngăn chặn và giảm trong học sinh.

Tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành trên 15 tuổi cũng giảm. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1%. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của  nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động  giảm đáng kể so với năm 2010, cụ thể: tại nơi làm việc giảm 13,3%, tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%.

Bên cạnh những kết quả và những thuận lợi, công tác PCTH thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rất rẻ và được bày bán khắp nơi. Việt Nam hiện  là quốc gia có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực ASEAN, (chỉ cao hơn Cam-Pu-Chia): Theo Điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành 2015, giá trung bình của một bao thuốc lá (20 điếu) là 11.819 đồng/bao. Mức giá này cũng rất rẻ so với các nước trong khu vực như của Singapore (192,000 đồng/bao); của Philipine (32,000 đồng/bao), Malaysia (74,000 đồng/bao). Hơn nữa, sau khi đã điều chỉnh lạm phát, mức giá thuốc lá của chúng ta  có xu hướng giảm gần 1.000 đồng/bao năm so với năm 2010.

Một số khó khăn khác như tuy tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành của Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao 45,3%. Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc còn cao tại một số địa điểm công cộng như: nhà hàng, quán bar... Tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn diễn ra.

Vì vậy trong thời gian tới, với nỗ lực của toàn xã hội trong việc tuyên truyền nhằm giúp giảm thiểu tỷ lệ hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động ở Việt Nam, tiến tới một xã hội lành mạnh không khói thuốc.

V.T theo nguồn Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá

Nguồn Văn nghệ số 49/2017


Có thể bạn quan tâm