April 26, 2024, 7:04 pm

Những dấu ấn của một nền “ngoại giao Cây tre”

Theo giới quan sát trong nước lẫn quốc tế, các hoạt động ngoại giao của Việt Nam năm 2021 đã được lên kế hoạch và thực hiện bài bản khi luân phiên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có các chuyến công du nước ngoài không chỉ liên quan đến các diễn đàn đa phương mà còn với tất cả các đối tác và bạn bè truyền thống, từ Nga, Trung Quốc, Cuba, Lào đến khối phương Tây như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc và các nước lớn khác như Ấn Độ... Xuyên suốt trong các hoạt động ngoại giao, phía Việt Nam luôn nhất quán với các thông điệp nổi bật liên quan đến lợi ích quốc gia – dân tộc.

 

Ngày 30/11/2021, trong khuôn khổ chuyến công du tại Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm mang tính lịch sử với Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin. Ảnh TTXVN

TRƯỜNG PHÁI “NGOẠI GIAO CÂY TRE”

Tất cả hoạt động ngoại giao năng động và mạnh mẽ năm 2021 thể hiện rõ nét của trường phái “Ngoại giao Cây tre” như lời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 14/12/2021 vừa qua. Đánh giá về trường phái ngoại giao đặc sắc này của Việt Nam, giới phân tích trong nước lẫn quốc tế đều cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã so sánh công tác đối ngoại với hình ảnh cây tre là chính xác và rất hình tượng, gắn liền với dân tộc Việt Nam.

Hoạt động ngoại giao Việt Nam trong năm 2021 có sự phát triển vượt bậc về cả cường độ, chiều rộng lẫn chiều sâu. Về cường độ, có thể nhắc lại chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamela Harris. Hai nước đã thống nhất được một Kế hoạch tổng thể nhằm đẩy mạnh quá trình nâng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao đến kinh tế, từ an ninh đến quốc phòng. Chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp khai mạc Đại hội Đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ. Trong một vài ngày ngắn ngủi, ngoài việc tham gia các hoạt động chính cũng như bên lề, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao với số lượng đối tác rất nhiều và đa dạng. Điều này cũng được lặp lại trong các chuyến thăm khác của lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Về chiều rộng, có thể thấy rõ trong năm 2021, các nhà lãnh đạo Việt Nam thực hiện rất nhiều và liên tục các hoạt động ngoại giao trên mọi lĩnh vực và mọi lúc mọi nơi.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp (4/11/2021). Ảnh: TTXVN

NGOẠI GIAO VACCINE VÀ NGOẠI GIAO KINH TẾ

Trong các chuyến công du nói trên, Lãnh đạo Việt Nam đã đề nghị các đối tác hỗ trợ trong cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, viện trợ, hợp đồng. Không chỉ lo phòng chống dịch bệnh trước mắt, Việt Nam chú ý vận động thế giới ủng hộ đường lối của mình về vấn đề Biển Đông, cụ thể là giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua quy tắc hòa bình, đa phương, giữ nguyên hiện trạng, tôn trọng Công ước luật biển Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về bộ quy tắc ứng xử chung (DOC). Ngoại giao kinh tế cũng được đẩy mạnh, thông qua đề nghị đối tác trong khối EU ủng hộ vận động EU bỏ thẻ vàng về thủy sản với Việt Nam.

Một trong những chuyến công du nổi bật trong năm 2021 là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Liên bang Nga vừa qua góp phần củng cố quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam – Liên bang Nga, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như đứng trước thách thức lớn về vấn đề an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ đồng hồ mang tính lịch sử giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện được sự chia sẻ, quan điểm cũng như mong muốn giữa hai nước trong việc thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng phát triển theo chiều rộng, phục vụ đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển.

Thành công của ngoại giao Việt Nam trong năm 2021 là minh chứng cụ thể và sinh động về tính linh hoạt và chủ động thích ứng của Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới, là kết quả vận dụng sáng suốt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong 35 năm Đổi mới cho đến nay…

DẤU ẤN Ở LIÊN HỢP QUỐC

 

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 15-19/12/2021. Ảnh: TTXVN

Nói về vai trò và những dấu ấn Việt Nam đậm nét trong hoạt động tại Liên hợp quốc những năm qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres nhấn mạnh: “Việt Nam cho thấy đã tiến hành những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới”.

Bên cạnh việc đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến tổ chức và đề xuất thảo luận nhiều chủ đề quan trọng ở tầm thế giới, trong đó có những chủ đề lần đầu được thảo luận, để lại dấu ấn sâu sắc như: Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, Hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc; Khắc phục hậu quả bom mìn, vai trò của các tổ chức khu vực và bảo vệ cơ sở thiết yếu; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và duy trì hòa bình; Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột…

Với vị thế và uy tín của mình, Việt Nam đã được bạn bè thế giới trong Liên hợp quốc tín nhiệm để bầu vào một loạt các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội đồng chấp hành UNESCO, Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU), tái đắc cử vào vị trí trong Ủy ban Lập pháp Quốc tế của Liên hợp quốc… Hai trong số nhiều đề xuất và sáng kiến của Việt Nam cũng đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an thông qua, là Nghị quyết A/RES/75/27, được 107 quốc gia đồng bảo trợ, về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh, và Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về sự gắn kết giữa Liên hợp quốc/Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.

DẤU ẤN TRONG KHU VỰC

Hơn 500 cuộc họp ASEAN đã được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến. Với tư cách là chủ tịch, Việt Nam đã nhanh chóng thúc đẩy hợp tác trong nội khối, giữa ASEAN với các đối tác để cùng ứng phó Covid-19 như: Thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19; thành lập Kho dự phòng khẩn cấp cung cấp vật tư y tế công cộng; cũng như đưa ra các khuôn khổ và biện pháp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau dịch thông qua phát triển du lịch, nông nghiệp và việc làm…

Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy các biện pháp cụ thể để xây dựng cộng đồng ASEAN, với việc ra Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn xây dựng cộng đồng ASEAN sau năm 2025, nhằm tăng cường sự gắn kết, tinh thần đoàn kết, tư duy và hành động cộng đồng trong ASEAN. Việt Nam đã tổ chức thành công các cuộc họp của ASEAN về hợp tác chống Covid-19 với các đối tác như Hội nghị Cấp cao đặc biệt với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ và ASEAN - Nga… Điểm nổi bật nữa trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) đã được các nước liên quan ký kết với số lượng văn kiện lớn nhất trong lịch sử ASEAN: hơn 80 văn kiện. Nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. Có thể nói Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực để trở thành trụ cột mạnh mẽ, đáng tin cậy và đặc biệt, góp phần giữ vững sự liên kết và đà phát triển của ASEAN.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm