April 26, 2024, 9:49 am

Những chuyển động của hiện thực tinh thần

Ngôi nhà của Dưới trăng và một bậc cửa

Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, có thể nói, ông đã “đùa nghịch” với vùng - đất - tâm - hồn của mình và “đùa nghịch” với hiện thực cuộc sống bằng những giây phút thăng hoa khoái cảm. Dưới trăng và một bậc cửa (Nxb Hội Nhà văn, 2020) là một minh chứng rõ nét về sự giãn mở tột đỉnh của trí tưởng tượng trong hành trình kiến tạo cái mới và cái hay cho thi ca. Nếu soi xét, giải mã và liên kết Dưới trăng và một bậc cửa trong sự đa chiều của không thời gian, tìm phương cách vén các lớp sương bện chặt trong cõi vô thức, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra mọi chiều cạnh của sự sống và cái chết, cõi dương và cõi âm, quá khứ và hiện tại, còn và mất, hạnh phúc và khổ đau,... đều không ngừng chuyển dịch, tương tác. Là câu chuyện đi về giữa “hiện thực của thể xác” và “hiện thực của tinh thần”, nhưng “hiện thực của tinh thần” mới chính là linh hồn của tập thơ.

Gọi tôi qua những mảnh vỡ tim mình

Ở lời tựa Trong căn phòng của một người bại liệt, Nguyễn Quang Thiều đã mách nước, bà nội của ông không kiếm tìm bản ngã qua tấm gương, không kiếm tìm một chủ thể liên đối, mà bà dùng giọng nói của mình để xác thực bản ngã. Cái tôi trong gương bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định với cái tôi ngoài gương. Cái tôi bên trong chỉ là sự chụp lại, sao chép cái tôi bên ngoài. Nên, mọi sự kết nối với cái tôi bên trong của bà đều bị cắt đứt, phá vỡ. Giọng nói, vốn dĩ, đó là âm thanh phát ra từ một cái tôi hiện hữu. Trong trường hợp của bà, khi giọng nói cất lời, nó chứng thực ngoài sự tồn tại của một chủ thể còn có một chủ thể khác, trong tôi còn có một tôi khác, nằm ngoài tôi. Nghĩa là bà nội của thi sĩ không muốn vong thân hay phân rã bản thân bằng kĩ thuật/ hiệu ứng tấm gương mà bà dùng giọng nói - “hiện thực của thể xác”, tạo ly cách, giãn cách với “hiện thực của tinh thần”, để có thể nhìn rõ hơn sự tồn tại của nhiều cái tôi. Giọng nói vang lên miên man, lộn xộn của bà nội không chỉ biểu hiện sự giày vò, đau đớn của thể xác mà còn biểu hiện nỗi buồn thân phận, cô đơn bất tận. Lúc này, giọng nói của bà nội đã trở thành tiếng nói của thân phận, là sự phản chiếu “hiện thực của tinh thần” tươi ròng và bất tử. Từ lời tựa này, Nguyễn Quang Thiều dựng nên một bức tranh sống động về “hiện thực của tinh thần” trong Dưới trăng và một bậc cửa. Khoảng cách giữa “hiện thực của thể xác” và “hiện thực của tinh thần” trong cuộc đời bà nội - “một nông dân không biết chữ - nhưng đối với tác giả, bà “là nhà văn đầu tiên và vĩ đại” đã thặng dư trí tưởng tượng, cất cánh cho thơ ông.

Ngay bài cuối cùng của tập sách – bài Cây ánh sáng, nhà thơ lý giải sâu sắc hơn mối quan hệ giữa “hiện thực của thể xác” và “hiện thực của tinh thần” qua cuộc chạm trán giữa “Một kẻ là chàng ánh sáng và một kẻ là chàng bóng tối”. “Hiện thực của thể xác” như “cái chết được băng hoá”, nên, nó thuộc về cõi âm, bóng tối. Ngược lại, “hiện thực của tinh thần” luôn “sinh nở”, nên, nó hướng về cội nguồn/ cuống nhau của ánh sáng. Như vậy, “hiện thực của tinh thần” trong “Dưới trăng và một bậc cửa” được nhà thơ sắp đặt theo kết cấu vòng tròn, đã có sự khúc xạ, liên đới từ cuộc đời của bà nội sang cuộc đời của nhà thơ. Theo kết cấu vòng tròn, Nguyễn Quang Thiều chiêm nghiệm hiện thực ấy bằng hành trình “gọi tôi qua những mảnh vỡ tim mình”. Nhà thơ tự chiết, tự tạo những chấn thương tâm hồn để làm giàu “hiện thực của tinh thần”. Những chuỗi độc thoại, phơi bày cái tôi của ông, chính là sự làm đầy/ dày “hiện thực của tinh thần”.

Trong tiếng đập không ngưng nghỉ

Dấu ấn dân tộc trong thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện qua các cổ mẫu về cố hương, ông bà, cha mẹ, người đàn bà quê, dòng sông, cánh đồng, đất đai, cỏ cây,… Trong đó, làng Chùa được xem là mẫu gốc, nơi sinh tạo nhiều cổ mẫu con như: cánh đồng, dòng sông, khu vườn, đất, quả đồi, người đàn bà quê,… Tình yêu nguồn cội trong thơ Nguyễn Quang Thiều khởi từ nhịp điệu châu thổ của làng Chùa, bên bờ sông Đáy. Ông sắp đặt mọi thứ châu tuần xung quanh làng Chùa. Buồn và vui, khổ đau và hạnh phúc đều đi ra từ làng Chùa. Làng Chùa trở thành cái lõi, trục chính, chi phối đến các mảnh ghép khác. Mẫu gốc làng Chùa còn được ông gắn kết với cổ mẫu Mẹ, hiện thực hoá thông qua hình ảnh bà nội, mẹ, người đàn bà quê, vợ, em. Cổ mẫu làng Chùa và cổ mẫu Mẹ vì thế đều là “trung tâm của sự tái sinh”. Đó là nơi nguyên lý sinh - dưỡng tồn tại vĩnh cửu và thiêng liêng. Đó là trụ cầu nối dài và ca vang sự sống. Dấu ấn hiện đại trong thơ Nguyễn Quang hiều thể hiện qua tư duy, kĩ thuật xây dựng thi ảnh giàu sức gợi, ám ảnh. Thơ Nguyễn Quang Thiều không đi theo hướng tung hứng chữ, chơi chữ nhưng vì thường đẩy nội tâm đến cực hạn của dòng chảy vô thức, của cõi mê, cho nên, rất nhiều thi ảnh được lạ hoá, đẫm sắc huyền ảo. Tính triết lý và chất chiêm nghiệm đậm đặc khiến kết cấu thơ thêm phần đa tầng đa nghĩa. Ông không đặt người đọc cố định ở một góc nhìn, một vị trí hay tạo ra một bệ phóng vững chãi mà buộc người đọc phải tự móc nối các liên tưởng bất thường, phi tuyến tính lại với nhau để giải mã. Hai đặc điểm dân tộc và hiện đại này cũng được ông bộc lộ trọn vẹn trong Dưới trăng và một bậc cửa. Nhưng sức mạnh và tính độc đáo của Dưới trăng và một bậc cửa so với các tập khác, nằm ở sự xếp đặt “hiện thực của tinh thần” khéo léo và tinh tế theo cách riêng mình. Mọi thứ, từ sự sống đến cái chết, từ kí ức đến giấc mơ, từ hiện thực đến tiềm thức, vô thức,… đều chảy trôi, di dời, quẫy cựa theo những lớp sóng mơ/ suy tưởng của tâm hồn.

Hồi tưởng, ký ức trong Dưới trăng và một bậc cửa có khi là nỗi nhớ, hoài niệm về dòng sông Đáy, cánh đồng của bà nội, về một làng quê nghèo khổ, về những người đàn bà tần tảo, những đứa trẻ thơ ngây,... Tuy nhiên, dưới con mắt của Nguyễn Quang Thiều, mọi thứ đều mang tính siêu hình, và cùng với sự tự rời xa, thậm chí xoá sạch dấu vết bản thể nên không thời gian hồi tưởng, kí ức của ông thường bất định hơn, khó liên kết. Ông không chạy trốn thực tại trong những hồi tưởng, ký ức, cũng không phải mượn chúng giải phóng những âu lo, bế tắc, mà dựng lại một cõi thế rậm rịt tội lỗi, u u mê mê, vô cảm, để con người ý thức hơn về sự bất trắc, lừa dối, thù hằn, mất mát, đớn đau đang ngày ngày phủ lên đời sống. Cái tôi đa thể khi được xuyên qua lớp sóng mênh mang của hồi tưởng, kí ức càng được bồi đắp năng lượng ý thức... Nếu sống sâu hơn với những mảnh ghép đa dạng của hồi tưởng, kí ức, biết cúi xuống với giá trị vĩnh cửu của cội nguồn thì tâm hồn chúng ta sẽ trở nên tinh khiết hơn.

Hiện thực cuộc sống trong thơ Nguyễn Quang Thiều vốn đã u mê nhưng khi được quán chiếu qua giấc mơ, hiện thực ấy càng dày dặn về sự u mê hơn. Trong cõi mơ của ông, hình ảnh những người chết vẫn tồn tại và sinh hoạt bình thường như người sống. Cái chết được xem là thước đo chứng nghiệm giá trị của sự sống. “Thân xác”, “giọng nói” của những người chết sẽ giúp người sống tiệm cận, chứng kiến nỗi khổ đau, tội lỗi và sự lú lẫn mà mình đã tạo ra. Hình ảnh “Những người chết trở về mượn thân xác chúng ta, mượn giọng nói chúng ta” thực chất đó chính là sự lên tiếng của một cái tôi khác. Cái tôi khác như đang ly cách với chính bản thể của mình. Thông qua ly cách, cái tôi khác giải mã những tổn thương, bất ổn mà nhiều khi bản thể không nhận diện được và giúp con người biết vun đắp nhiều nghiệp lành, nghiệp thiện để tái sinh được tốt đẹp hơn.

Nguyễn Quang Thiều thường nói đến quyền lực bóng tối. Bóng tối như là tấm gương phản chiếu những “buồn tẻ”, “bi thương” của đời sống và kể cả những “trống rỗng và dối trá” của cái tôi bản thể. Bóng tối dù là không gian của nỗi khổ đau, của sự chết chóc, nhưng cuộc sống của chúng ta không thể thiếu nó. Bóng tối không hẳn là thế lực đại diện cho sự bất lực, bi thương. Bóng tối cũng có vẻ đẹp diệu kì của nó. Đó là tấm gương soi, mà thông qua đó, con người tìm thấy chính mình và trở thành chính mình. Bóng tối đối diện ánh sáng như tôi đối diện với một tôi khác trong tôi. Trong sự phản tư ấy, con người ý thức về lẽ sống, hoàn thiện và đến gần hơn với chính bản thân mình.

Ngước nhìn lên và nhận thấy con đường

Trong tập thơ, Nguyễn Quang Thiều nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần hành động “ngước nhìn lên”. Với ông, đó là món quà vô giá mà Người đã ban cho loài người, góp phần “cứu vớt những đời sống hận thù, bạc nhược, vô sinh”. Vì vậy, ngước nhìn lên như là một triết lý sống của Nguyễn Quang Thiều. Ngước nhìn lên để không ngừng học hỏi cuộc sống xung quanh, để bừng tỉnh, để ngẫm, để nhận ra giá trị của cái đẹp, giá trị của sự cứu rỗi, từ đó nhận biết được vị trí mình đang đứng mà hoàn thiện bản thân hơn.

Thi sĩ hơn người thường ở khả năng truyền đạt tư tưởng và trí tuệ của mình vào trong thơ. Nguyễn Quang Thiều nhìn ngước lên và sự thể hiện ngôn ngữ Thánh ca, ngôn ngữ của tình yêu nguồn cội. Ông sắp đặt những hình ảnh đại diện cho cõi âm, bóng tối, sự lú lẫn và thù hận bên cạnh hình ảnh những người đàn bà, đứa trẻ, ban mai, ngọn đồi... để làm nổi rõ sức sống bất tử của vẻ đẹp bản nguyên và nhân bản. Ông ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống, của làng quê, của tình yêu không bằng sự mượt mà, êm ái, mà chọn góc nhìn tương phản, đối lập: lấy bóng tối làm nền cho ánh sáng toả diệu kì, lấy cõi âm làm tấm gương cho sự cứu rỗi và thanh lọc, lấy hồi tưởng, kí ức làm bản lề níu giữ vẻ đẹp tâm hồn. Cái nhìn ngước lên của ông do đó là cái nhìn bừng thức. Sự vời cao của trái tim sẽ nâng con người vượt qua những bủa vây, truy đuổi của mê muội, tăm tối. Tiếng nói “hiện thực của tinh thần” không chỉ chuyển động, phủ sóng trong Dưới trăng và một bậc cửa mà hơn thế, với cái nhìn ngước lên, nó đã tác động mạnh mẽ đến tâm cảm người đọc.

Một thi pháp riêng

Trong sự liên thông, chuyển động giữa hồi tưởng, kí ức, cõi âm với “hiện thực của tinh thần”, Nguyễn Quang Thiều đã gieo trồng những hạt giống uyên nguyên, thanh khiết. Ông nhận ra “cơn mơ của mình đang đi trên con đường đơn độc” nhưng ông vẫn tin vào quyền uy của cái đẹp, tin vào ánh sáng bất diệt của tâm hồn sẽ hoàn nguyên những giá trị sống. Những khoảnh khắc biến tấu, phân rã, ly cách bản thể trong sự suy/ mơ tưởng của hiện thực tinh thần hay trong sự quy chiếu với cuộc đời của bà nội như mặc khải một thi pháp riêng biệt của tác giả: “Và kỳ diệu hơn, là trong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy, đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù chỉ là một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ nhận ra” (Trong căn phòng của một người bại liệt).

Nguồn Văn nghệ số 31/2020


Có thể bạn quan tâm