April 26, 2024, 11:44 am

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2022

 

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp quay về 1%; Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử; Đăng thông tin xấu độc trên môi trường mạng bị buộc xóa bỏ ... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/ 2022

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp quay về 1%

Nghị quyết số 116/2021 của Chính phủ quy định chủ doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Việc giảm mức đóng nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022. Từ ngày 1/10, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Khi đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử

Nghị định số 59/2022 có hiệu lực từ ngày 20/10, quy định định danh và xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân như số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học gồm ảnh chân dung, vân tay.

Danh tính điện tử người nước ngoài gồm những thông tin như công dân Việt Nam, nhưng bổ sung thêm quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Đăng thông tin xấu độc trên môi trường mạng bị buộc xóa bỏ

Nghị định 53/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/10, hướng dẫn chi tiết một số Điều của Luật An ninh mạng. Nghị định nêu rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Đó là thông tin xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, gây rối trật tự công cộng; thông tin có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội; nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những thông tin xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; nội dung về hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội cũng được liệt vào dạng thông tin cần xóa bỏ trên môi trường mạng. Bộ trưởng Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam

Vẫn theo Nghị định 53 nói trên, Chính phủ yêu cầu các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam gồm có dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra như tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu; và dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.

Doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thuộc một trong những lĩnh vực: Dịch vụ viễn thông; lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; mạng xã hội và truyền thông xã hội; dịch vụ cung cấp, quản lý hoặc vận hành thông tin khác trên không gian mạng dưới dạng tin nhắn, cuộc gọi thoại, cuộc gọi video, thư điện tử, trò chuyện trực tuyến... phải lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong một số trường hợp.

Đó là khi dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp bị sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng đã được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thông báo và có yêu cầu phối hợp, ngăn chặn, điều tra, xử lý bằng văn bản nhưng không chấp hành, chấp hành không đầy đủ hoặc ngăn chặn, cản trở, vô hiệu hóa, làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện. Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô

Thông tư số 11/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ hiệu lực từ ngày 1/10, đã bãi bỏ các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô. Như vậy, Thông tư này sẽ bãi bỏ việc sử dụng phương pháp tính theo cụm chi tiết được sản xuất nội địa. Tức là, mỗi cụm linh kiện, phụ tùng chính được áp một điểm số, rồi quy ra một tỷ lệ % nội địa hóa nhất định, mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện, phụ tùng đó.

Việc bãi bỏ những quy định này nhằm tránh chồng chéo với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phù hợp với xu thế nền công nghiệp ôtô hiện đại.

Cách tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô được các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và thế giới áp dụng hiện nay là dựa theo tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất trong nước. Cụ thể, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ôtô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên, khi đó hàng hóa được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo cách tính tỷ lệ nội địa hóa nội khối.

Phí đăng kiểm ôtô tăng thêm 10.000 đồng

Trong Thông tư số 55/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016, quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới, có hiệu lực thi hành từ 8/10.

Đáng chú ý, giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) của tất cả các loại ôtô đều được điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng mỗi xe so với hiện hành.

Cụ thể, phí đăng kiểm xe ôtô tải, đoàn xe ôtô (đầu kéo + sơ mi rơ moóc), có trọng tải trên 20 tấn và các loại xe ôtô chuyên dùng sẽ là 570.000 đồng; xe khách trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt là 360.000 đồng; xe con dưới 10 chỗ tăng là 250.000 đồng; máy kéo, xe chở hàng, chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự 190.000 đồng...

MN


Có thể bạn quan tâm