April 26, 2024, 6:44 pm

Những câu chuyện chốn thị dân

 

Trước tiên, tôi muốn nói về cái duyên văn của Kiều Bích Hậu trong truyện ngắn, cụ thể hơn trong Smart wife – Vợ ảo. Tôi mường tượng, cây bút này nhìn vào đâu cũng bật ra được một cái truyện ngắn màu mỡ, bắt mắt và không kém phần gọn ghẽ xinh xắn.

Mười lăm truyện trong tập truyện ngắn thứ tám này của chị chứng tỏ cái duyên của Kiều Bích Hậu là ở chỗ từ những cái thoáng qua, mơ hồ, xa xôi, cá biệt, khuất lấp bỗng chốc được tác giả kéo gần lại, bày biện, soi sáng và cống hiến cho độc giả hôm nay vốn rất thông minh, nhưng cực kỳ khó tính và thậm chí đôi khi hơi đỏng đảnh… Với lối viết đỏng đảnh của cảm xúc nhưng đọc rồi ngẫm kỹ lại thấy có lý có tình, lại có dư vị, và rất đáng nói là chan chứa hài hước khiến cho bất kỳ câu chuyện nào được chị kể cũng nhẹ tựa lông hồng, đúng với bất cứ kiếp nhân sinh nào trên thế gian này rồi thì cuối cùng cũng nhẹ gánh tang bồng…

Trong truyện Cơn lốc điên rồ, có chuyện nhân vật chàng trai Steve (một ngôi sao công nghệ, một tên sếp đáng ghét), tiền nhiều quyền lắm, nhưng trong tình trường thì ê chề thất bại (bị cắm sừng). Khi phát hiện ra (đúng hơn là người ta chơi cho một vố) vợ sắp cưới của mình trên giường với người đàn ông khác, anh ta  “không thể điều khiển nổi cơn đỏng đảnh của cảm xúc, trận lôi đình của trái tim bị phản bội”. Những cơn lốc điên rồ kích hoạt cả những nhân vật khác vây quanh Steve như cô gái tên Lê, tự tiện ào vào phòng anh rồi nhanh chóng biến mất, để cuối cùng gặp lại nhau trong một cái kết vừa đắng đót vừa ngọt ngào với cả hai. Những trạng thái cảm xúc của Thu (trong truyện Bạn đời) cũng là một type phụ nữ phóng túng, dầu cho anh chàng Đức tận tụy, muốn một cách nghiêm chỉnh cưới cô làm vợ thì Thu vẫn cứ đỏng đảnh: “Nhưng em muốn – Thu cố kéo dài từng tiếng thật rõ ràng – anh là người bạn tốt đúng nghĩa của em suốt đời. Nhưng không phải là chồng, cũng không là tình nhân” (!?). Người ta (nhất là phụ nữ) rất sợ sự cô đơn khi đứng tuổi, nhưng với Thu thì: “Cô hiểu chữ cô đơn là một giá trị sống mà không phải lúc nào cũng đạt được. Sự cô đơn cho Thu thời gian chìm vào chính mình, khai thác những tiềm năng ẩn náu và tận hưởng nó trọn vẹn. Cô không sợ cô đơn, cô tận hưởng nó đến tận cùng”. Vì sao Kiều Bích Hậu lại quan tâm thể hiện những trạng huống “đỏng đảnh của cảm xúc”, như sự cô đơn là một cám dỗ chẳng hạn? Tôi đồ rằng, viết theo hướng ấy là tác giả có ý đồ đi sâu vào những “miền bản thể” của con người thời hiện đại rất khác trước (khi áp lực công việc tối đa nên người ta hay vùng vẫy chống trả, khi sự dấn thân và lựa chọn của mỗi cá nhân là rộng rãi và tự do, khi con người trở nên phức tạp hơn bao giờ hết trong một thế giới vừa phẳng vừa ảo). Nên khi đọc những truyện Bạn đời, Chọn chồng, Chị hãy là của riêng anh, Cúc trắng, Người đàn bà ẩn mình thầm khóc, Smart wife - Vợ ảo,... thấy được rõ hơn cả những “tập mờ” (một khái niệm của Toán học) của cuộc sống và con người thời hiện đại. Nhân vật Tùng (trong truyện Smart wife – Vợ ảo) sau lần hôn nhân đầu tiên thất bại, sống vò võ 10 năm trong “cô đơn như một con vi-rut ẩn sâu trong tim anh ta, ăn mòn tinh thần anh”, đã quyết định “mua một gói Smart wife trong hai tuần nghỉ tết”. Với người vợ ảo “không một ngày nào trôi qua giống như ngày nào, mỗi ngày là một khám phá mới khiến anh ta luôn bất ngờ, sung sướng”. Nhưng khi Tùng muốn có con thì: “Ở mục phí dịch vụ, con số 5 được nối đuôi chín số 0 hiện lên lóa mắt. Tay trái Tùng đang ôm “Smart wife” bỗng lỏng ra”. Dường như con người thời nay sống ảo nhiều hơn thực (!? ). Vì thế mà thất vọng cũng nhiều hơn hy vọng (!?),.

  • Giao diện” truyện ngắn Kiều Bích Hậu lần này rất rộng, nhờ có “yếu tố nước ngoài”. Cứ nhìn vào tên nhân vật sẽ thấy: nào là Steve (Cơn lốc điên cuồng), nào là Daniel, Frank (Người đàn bà ẩn mình thầm khóc), Milan (Ngược gió), Wisdom (Táo xanh), Geogre (Thú dữ), Will (Đối tác),.. Những câu chuyện được kể không chỉ có ta với ta mà còn ta với Tây. Ngoài trời còn có trời. Nghĩa là nhân vật của Kiều Bích Hậu thực sự nhập vào thế giới phẳng. Vì thế, tuy là truyện ngắn nhưng trong một khuôn khổ có hạn định về số chữ, tác giả vẫn cố gắng nới rộng kích tấc không gian và thời gian sống của nhân vật, có thể dễ dàng đổ bộ vào các “thị phần văn học” khác ngoài biên giới.

Truyện của Kiều Bích Hậu, như cái vừa phân tích, đọc dễ vào, dí dỏm, nhưng không kém thâm trầm, nhiều dư vị. Chắc chắn rằng kiểu truyện này rất hợp với các nhân viên công sở, ngồi nhiều bên máy tính trong phòng lạnh, ăn thức ăn nhanh, đọc chủ yếu trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng…

  •  

Một câu chuyện hay, đã  đành, là yếu tố hấp dẫn đầu tiên (như Cơn lốc điên rồ, Smart wife, Cúc trắng, Chọn chồng, Bạn đời,...). Nhưng chuyện hay có cần gia tăng sự gây cấn, kịch tính, ly kỳ và thậm chí rùng rợn hay hoang đường? Ai non tay sẽ nghiêng hẳn về phía này để tìm kiếm độc giả… Kiều Bích Hậu rất hiện đại (không trùng với chủ nghĩa, trào lưu) trong cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện bằng ngôn từ. Nhà văn cần bấu chặt đời sống thì mới có cơ hội thổi vào tác phẩm cái không khí đời sống hiện đại (màu sắc, đường nét, mùi vị, âm thanh). Tôi rất thích cách Kiều Bích Hậu “ném” nhân vật của mình ra một không gian rộng rinh, không như lối một số cây bút nữ khác hay “giam” nhân vật của mình vào trong những “tổ kén”. Và có điều lạ là, nhân vật đi nhiều lại chính là người nữ: “Đây là lần đầu tiên cô transit tại sân bay của Thổ” (Táo xanh), “Cô cằn nhằn suốt trên đường từ Z tới sân bay Havel” (Nhà chó),... Trong âm nhạc thì ca sỹ nữ bạo liệt hơn ca sỹ nam, còn trong văn chương các cây bút nữ vẫn giữ được sự đằm thắm (thảng hoặc có bạo liệt thì cũng sớm quay về căn tính nữ). Tôi thích kiểu viết của Kiều Bích Hậu, đại thể như: “Một làn gió xuân tinh quái lẻn vào mơn man trên má, hay là do ngụm rượu vang đầu quá thơm, hay vì điều kỳ lạ đêm Ba mươi, mà Lý thấy má cô nóng bừng” (Quán đêm Ba mươi). Đó là lối nhiều trực giác, lối văn trời cho chứ không phải do rèn luyện mà có được…

Văn của Kiều Bích Hậu là lối văn có tốc độ (câu ngắn, có nhịp điệu/ rythme). Mỗi truyện đều như mũi tên đã nằm trên cánh cung sẵn sàng bay tới hồng tâm (đi nhanh tới kết thúc). Tôi thích những “bước hụt” trong đoạn kết truyện ngắn của Kiều Bích Hậu. Nó khiến độc giả bất ngờ bị “vấp” mặc dù có thể được cảnh báo. Đọc Kiều Bích Hậu ở tập truyện thứ tám không phải không thấy những “hở sườn” của sự viết nhằm vào thị hiếu những người ưa sống nhanh, nên người viết cũng viết nhanh. Nhưng khi người ta trẻ, sở thích rất khác lớp độc giả ngày trước…

  Nguồn Văn nghệ số 15/2019                                                                                             


Có thể bạn quan tâm