April 26, 2024, 6:37 pm

Nhọc nhằn sự học

 

1. CUNG ĐƯỜNG TỬ THẦN

Hôm đoàn đi Võ Nhai – huyện khó khăn nhất của Thái Nguyên – trời đổ mưa to suốt dọc đường rồi lai rai kéo dài gần hết ngày. Sáng ngày tiếp trời vẫn âm u, mây vần vũ đầy đe dọa. Nhưng đã lên đến đây phải đi vào cùng khó khăn nhất nên đoàn chia làm 2 tốp đi điểm trường Cao Biền và trường Tiểu học & Trung học cơ sở Làng Mười.

Phòng giáo dục huyện đã cảnh báo vào Làng Mười phải qua một cung đường trên 5 km chỉ có thể đi xe ôm và cực kỳ nguy hiểm. Có ý bảo toàn cho nhà báo anh chị em khuyên nên chờ 1-2 hôm cho se đường hãy đi. Nhưng đang khí thế hừng hực không thể chùn bước trước chuyện cỏn con. Đi.

Rời trung tâm huyện chừng hơn chục cây số xe ô tô dừng lại để chuyển sang xe ôm. Hai tài ôm một trung niên một trẻ cơ bắp tay cuồn cuộn dặn trước: “Các bác phải vững tin vào chúng em. Cứ ôm chặt lấy eo, nếu tự động nhảy xuống xảy ra chuyện gì là chúng em không chịu trách nhiệm đâu nhá!”. Tôi và nhà văn Nguyễn Đức Dũng liếc nhìn nhau với “con mắt hình dao quắm” ngầm gửi đi thông điệp “chấp nhận thương vong” nếu có. Thế là vắn lên vài gấu quần ôm eo tài ôm tức khắc khởi hành. Có thể tả vắn tắt cung đường này như sau: Độ dài hơn 5 km có 5 ngầm cũng có nghĩa là 5 dốc lên xuống. Không có khái niệm mép đường, các ổ voi ổ trâu ổ lợn đan xen chéo nhau ngập bùn đất; toàn bộ cung đường lổn nhổn đá to nhỏ bằng nắm tay trở lên nhẵn bóng như đá cuội.

Có hơn 5 km mà chúng tôi mất gần một giờ rưỡi (chậm hơn tốc độ đi bộ) đánh vật với con đường không dành cho những người yếu tim. Vào tới cổng trường đã thấy thầy cô đón vào pha ấm trà thái ngon tuyệt mời khách làm tỉnh cả người. Thầy Vũ Mạnh Đông Hiệu trưởng nói ra chúng tôi mới biết: Hóa ra 2 xế ôm tay lái lụa chính là 2 thầy giáo cứng cựa nhất của trường. Ngoài một số ít thày cô nhà gần trường không phải qua cung đường đó, còn phần lớn là xa từ 10 km trở lên –  xa nhất là 21 km đều đi về trong ngày suốt mùa mưa lũ. Có một điểm khác biệt tôi phát hiện ra trong lúc thầy báo cáo là trường này tỷ lệ nam nữ bằng nhau 11/11. Tôi hỏi liệu đó có phải để tạo điều kiện để thầy cô kết hôn với nhau ở luôn trường cho yên ổn an tâm dạy học.? Vì các trường tiểu học và THCS tuyệt đại đa số là giáo viên nữ? Thầy cười giải thích: “ Các thầy cô đều đã có gia đình riêng. Việc sắp xếp như vậy là có sự ưu ái của cấp trên. Mùa mưa lũ các thầy phải từ trường ra chở các cô vào trường qua cung đường nguy hiểm đó. Đã nhiều trường hợp cô bị ngã, bị thương nhẹ do tay không đủ cứng để lái xe máy. Cô kế toán bụng mang dạ chửa từng bị té ngã văng hết giấy tờ, máy vi tính xách tay, sổ sách lấm bết bùn đất. Cũng may là đứa bé trong bụng đã được “rèn luyện, thử thách” nên cô không bị sảy thai…

Chao ơi! Cái khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nghe lãng mạn phơi phới xem ra không thể phù hợp ở nơi này. Với những nơi đường xá như chiếc bẫy của tử thần nên đổi là: “ Mỗi ngày từ trường về nhà an toàn là một ngày vui” mới đúng. Tôi không thể tìm ra một lời lẽ nào để tỏ lòng cảm phục các thày cô dũng cảm tuyệt vời đang ngày đêm vất vả kiên trì bám trụ vì tương lai của những em nhỏ dân tộc thiểu số vùng cao.

 

2. NHỌC NHẰN DẠY, HỌC

Trường Lang Mười đóng trên đất xã Dân Tiến có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm 22 thầy cô và cán bộ y tế, kế toán, thủ thư và dịch vụ nấu ăn. Vốn trước đây là điểm trường của trường Tiểu học & THCS Xuất Tắc tách ra do đường xá đi lại quá khó khăn học sinh bỏ học nhiều. Từ khi tách ra sĩ số học tập của trường luôn ổn định rất hiếm có em bỏ học. Ban đầu trường đơn sơ lắm, các hộ gia đình phần lớn thuộc diện nghèo và cận nghèo chỉ có thể giúp trường ngày công, đóng góp cây que mái lá. Xã này nằm trong diện vùng sâu đặc biết khó khăn. Tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 95% đa phần là dân tộc Dao và dân tộc Cao Lan. Nùng, Tày Mông. Nhờ có Chương trình 135 ưu tiên cho vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ mới được xây dựng khang trang như hôm nay.

      Người gắn bó với mái trường này những ngày đầu tiên là cô Nông Thị Năm – hiện đang là Hiệu phó. Là một cô gái nhỏ nhắn, trẻ trung, xinh đẹp vào đất này tìm đâu ra thanh niên có trình độ để lấy chồng? Những năm tháng ấy có một thanh niên bản thầm yêu trộm nhớ cô. Thi thoảng tới giúp trường giọi lại mái tranh khi mưa bão hay sửa chữa tường rào che gió khi mùa đông rét mướt…Cứ thế mưa dầm thấm lâu mà bén duyên nhau thành gia đình. Nhưng thân phận cô không may mắn. Khi đứa con trai đầu lòng còn nhỏ chồng mất do trọng bệnh. Một mình nuôi con buồn và cô đơn, rồi cô tái lập gia đình với một lái xe tải thường đi cung đường qua trường. Họ có với nhau 1 con trai. Lần nữa chồng thứ hai cũng ra đi do bệnh tật, cô thành góa bụa. Một nách 2 con nhỏ vất vả nhưng cô không nề hà bất cứ công việc gì của trường và nhiệt huyết với học sinh chưa bao giờ sụt giảm. Là người đầu tiên đặt nền móng cho mái trường, phấn đấu không mệt mỏi cô xứng đáng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” được ban tặng. Ngoài cô Năm còn có cô Vi Thu Huyền cũng chồng mất vừa nuôi con vừa tận tụy với nghề, giỏi về chuyên môn. Mười năm nay cô luôn là tấm gương cho các giáo viên lớp sau học tập, noi theo. Cô Năm cười buồn nói với chúng tôi: “ Rời mái trường này em nhớ lắm những học trò nhỏ thân yêu ngây thơ mà em gần suốt đời gắn bó. Chỉ đôi ba năm nữa là em nghỉ hưu. Nhưng cũng mừng vì trường đã khang trang, thầy cô lứa sau sung sức và có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn tiếp tục đưa trường tiến lên.”

Khi hỏi về khó khăn, các thầy cô đều cho rằng khó khăn nhất không phải giao thông trắc trở mà là việc vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số lớp học, nâng cao chất lượng và tiếp cận dần với công nghệ thông tin. Các hộ đều nghèo, nhận thức hạn chế và phong tục dân tộc lạc hậu nên ban đầu vận đông các em đến trường là một kỳ công. Nhiều gia đình ở xa trường 2-5 km phải qua nhiều khe suối, dốc cao vào mùa lũ rất nguy hiểm dễ xảy ra rủi ro. Đường vào bản mất gần nửa buổi qua mấy con dốc, khe suối thở đến đứt hơi. Nhớ lại ngày đầu thầy cô phải mang theo chai nước, bánh kẹo, trái cây đi vào những gia đình xa dỗ các em đến lớp. Có gia đình thấy các cô bỏ đi không tiếp tủi thân đến phát khóc. Những em cách từ 2 km trở lên cô cùng phụ huynh phải thuê nhà gần trường để các em trọ học. Khi vào lớp 1 phần lớn các em chưa thạo tiếng phổ thông và nói ngọng. Một số thanh sắc không phát âm được: iêu = ệu, viên=ven, ông=ô. Thày Đông hiệu trưởng chết cười khi bị các em gọi là thầy Đô. Từ phát âm sai dẫn đến viết sai chính tả là tất nhiên. Làm thế nào để các em có thể đọc và viết đúng thật gian nan. Các thày cô đã có sáng kiến triệu tập các em vào lớp 1 tới trường trước khai giảng 1 tháng để rèn rũa phát âm, tiếp cận với chữ cái. Một từ phải uốn nắn, lặp đi lặp lại nhiều lần mới tàm tạm. Khó là vậy nhưng trường vẫn đảm bảo 100% học sinh lên lớp và chuyển cấp học thực chất chứ không báo cáo láo lấy thành tích, Năm 2015, 2016 trường được bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục.

Nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc ngày đầu cô Vi Thu Huyền cho biết: có buổi học chiều trời sầm sập đổ mưa, các con suối nước dâng cao chảy xiết không thể qua. Những học sinh xa trường thầy cô phải bỏ tiền túi ra mua mỳ tôm cho các em ăn bữa chiều chờ nước rút phụ huynh ra đón. Có em vừa tới lớp bị ngất xỉu người vã mồ hôi, cô phải đỡ đưa về phòng chườm nước lạnh, xoa dầu đánh cảm. Khi tỉnh hỏi ra mới biết sáng em chưa ăn gì. Từ sớm tinh mơ đi bộ mấy cây số, leo dốc xuống khe nên đói quá ngất đi. Các cô thương trò đến rơi nước mắt vội úp bát mỳ tôm để em có sức lên lớp. Trước tình trạng đó sau này nhà nước có chế độ cho những học sinh xa trường được hưởng chế độ. Mỗi tháng trong năm học mỗi em được hỗ trợ 15kg gạo, 100.000 đồng chi phí học tập, 556.000 đ tiền ăn, 139 đ tiền trọ học. Mỗi năm học phụ huynh 2 lần đến nhận. Với  hộ nghèo đó là món tiền còn hơn mơ ước, là cứu cánh những lúc giáp hạt, khó khăn. Nhờ đó học sinh không bỏ học, phụ huynh tích cực đưa con em đến lớp.

 

3.  MỪNG

Đã gần giờ tan trường nhưng cố hỏi thêm vài điều còn băn khoăn về bạo lực học đường, lạm dụng tình dục học sinh, dạy thêm học thêm, lạm thu, giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tai nạn, chuyện học ngoại ngữ, ứng dung công nghệ thông tin…”xin tóm tắt thôi nhé!” Nét mặt thầy cô luôn luân chuyển buồn vui khi trao đổi. Vui là ở vùng này xa các trung tâm văn hóa nên không bị ảnh hưởng những điều xấu. Các em còn trong sáng và chất phác lắm, ngại phát biểu, ngại gặp người lạ, người dân hiền lành thật thà…nên không lo về những việc trên. Cũng không có chuyện dạy thêm học thêm thu tiền của phụ huynh, em nào học lực yếu thầy cô phụ đạo miễn phí. Dân thì nghèo không thể đóng góp có nguồn thu nào đâu mà lạm. Quý thầy cô lắm chỉ biếu bắp ngô, khoai sắn và mời khi giỗ chạp, tết nhất. Chương trình giáo dục kỹ năng sống, chống tai nạn đuối nước thì có kết hợp dạy và tuyên truyền cho phụ huynh nên chưa có em nào bị lũ cuốn trôi.

         Buồn vì trang thiết bi công nghệ thông tin còn thiếu và yếu. Trường có 2 máy chiếu phục vụ giảng dạy theo cách mới trên màn hình, các thầy cô đều tự mua máy tính cá nhân, dần soạn bài trên máy tính nhưng chưa phải tất cả các môn học và còn khá lúng túng. Học ngoại ngữ thì trường có một thầy dạy từ lớp 3 đến lớp 9 nên rất vất vả, các em dân tộc tiếp thu chậm chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Buồn nhất là chưa có sóng Internet nên cũng hạn chế nhiều việc mở mang, tiếp cận kiến thức mới của thầy cô. Mỗi lần muốn gửi tin tức, báo cáo đi các nơi phải ra phố huyện. Điều cuối cùng thầy cô mong mỏi là sớm có con đường tử tế để đỡ khổ. Nghe đâu 2 năm nữa thì hoàn thành.

Bin rịn chia tay, tay nắm tay nhau mấy lần. Thầy hiệu trưởng nhắn nhủ: “Khi nào xong con đường mời nhà báo lên đây liên hoan với thầy trò em nhé!.” “Chúng ta cùng tin tưởng vào một ngày không xa gặp lại nhau.” Vừa nói vừa xắn quần leo lên ngựa sắt. Đánh vật tới quá trưa thì tới thị trấn. Đêm về mình mẩy đau ê ẩm nhưng vui. Tự nghĩ: Còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng hãy biết ước mơ. Ngành, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, phụ huynh, thầy cô xúm tay vào  chắc chắn sự dạy và học của thầy trò ở xứ sương mù này sẽ tiệm cận gần với đà tiến chung của nền giáo dục trong thời đại 4.0. Để miền núi không còn quá chênh lệch với đồng bằng, để nguồn nhân lực tương lai của đất nước được hưởng lợi từ sự phát triển của đất nước

Nguồn Văn nghệ số 32/2019

                                                       

 


Có thể bạn quan tâm