April 26, 2024, 2:07 pm

Nhiều đơn vị xuất bản, nhà sách đề nghị được hỗ trợ chính sách

 

Miễn thuế giá trị gia tăng (VAT); Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ trong năm 2021 mà cho cả các năm sau; Đề nghị được hỗ trợ tối đa công tác vận chuyển để sách được lưu thông ngay cả tại những khu vực, vùng bị phong tỏa do dịch Covid 19 bùng phát… là những đề nghị của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành được gửi đến Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông),  các Bộ, ngành liên quan.

 

Cần độ mở chính sách đề xuất bản vượt khó

Báo cáo tình hình sáu tháng đầu năm của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm, có chỗ đã rơi vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị sách tại Hà Nội và TP.HCM phải đóng cửa hoàn toàn. Đây chính là thời  điểm  khó  khăn  nhất  trong  quá  trình  kinh  doanh  của  các nhà  xuất  bản.  Lượng sách bị tồn kho, đồng nghĩa với việc không có tiền trả lương cho nhân viên và tiếp tục đầu tư sản xuất. Theo số liệu của Fahasa, hiện đơn vị đang có khoảng 2.500 nhân viên bị ảnh hưởng  thu nhập , còn tại Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh,  hiện, lương, phụ cấp cho nhân viên nhà xuất bản đã bị cắt, giảm hoặc chuyển sang hình thức tạm ứng do thu không đủ bù chi. Để giảm bớt khó khăn cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp trao đổi với đại diện Bộ Công Thương về việc đưa sách vào giỏ hàng thiết yếu, được hỗ trợ vận chuyển trong giãn cách. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp phần ngọn để có thể giúp lưu thông sách trong và giữa các địa phương thực hiện giãn cách. Còn phần gốc của vấn đề là dòng tiền đầu tư, khôi phục sản xuất, trả lương nhân viên sau nhiều tháng giãn cách ngừng hoạt động vẫn còn là ẩn số. Do đó, đề xuất được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu  đãi để trả lương nhân viên; giảm và chậm nộp BHXH từ 6 đến 12 tháng… đã được các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đồng loạt gửi đến Cục Xuất bản  ( Bộ Thông tin và truyền thông) đề nghị Bộ chủ quản có những kiến nghị cụ thể lên Bộ Tài Chính  xem xét với mức hộ trợ cao hơn so với năm 2020. Cụ thể, các mức hỗ trợ lần lượt được các đơn vị xuất bản đưa ra cho Thuế thu nhập doanh nghiệp từ 40- 50% ( năm 2020 là 30%); Bảo hiểm xã hội giảm từ 1-2 % ( năm 2020 là 0,5%) đồng thời giãn nộp từ 6 tháng đến 1 năm; VAT được giãn nộp 6 tháng/ kỳ.

Đồng thời, để tiếp sức cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, nhà sách…khi  sách vào giỏi hàng thiết yếu, sự hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải trong phân luồng, tuyến được xem là vô cùng quan trọng quyết định quá trình sách đến tay bạn đọc; ngoài ra việc giảm chi phí các dịch vụ giao nhận hàng cũng sẽ giúp các đơn vị xuất bản, nhà sách, công ty phát hành bớt áp lực về nguồn tiền, có điều kiện chăm lo cho nhân viên, người lao động và tái đầu tư cho sản xuất.

 

Nỗ lực tìm hướng đi mới

Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid 19 đã bùng phát trên 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo những cấp độ khác nhau theo Chỉ thị của Thủ tướng. Cao nhất là Chỉ thị 16 và 16 + ( cách ly người với người, thôn bản với thôn bản, xã/ phường với xã/ phường, tỉnh với tỉnh)…khiến cho hệ thống bán lẻ sách truyền thống gần như tê liệt. Nhiều nhà xuất bản, nhà sách, công ty phát hành loay hoay với bài toán tồn tại hay không tồn tại trước việc doanh thu liên tục sụt giảm, thậm chí nhiều tháng bằng 0.  Sáng kiến đưa sách lên các sàn thương mại điện tử được coi là đột phá, giúp các nhà xuất bản, công ty phát hành, nhà sách bán sản phẩm của mình. Tuy nhiên, giải pháp này cũng vấp phải không ít khó khăn, khi các địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo nguyên tắc “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” và sách không phải là mặt hàng thiết yếu nên việc vận chuyển sách dù có đơn hàng cũng không thể thực hiện. Mặc dù vậy, kênh bán hành trực tuyến vẫn được các đơn vị xuất bản, nhà sách, công ty phát hành duy trì, đẩy mạnh nhằm tăng cường tương tác đến bạn đọc, giới thiệu những sản phẩm sách của mình đến độc giả. Song song với hoạt động đưa sách lên các sàn thương mại điện tử, nhiều nhà xuất bản đã phát triển mảng sách nói. Từng bước số hóa những tác phẩm kinh điển, sách nghiên cứu có giá trị, nhằm phục vụ độc giả của mình.

Đơn cử, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM sách ebook đang là nguồn thu chính của đơn vị dù doanh thu vẫn ở mức thấp. Hiện đơn vị đang sở hữu khoảng 2.000 cuốn sách được số hóa, với  các gói ưu đãi cho bạn đọc vùng giãn cách, phong tỏa, nhằm giới thiệu sâu rộng hình thức phát hành hoàn toàn mới mẻ đến độc giả. Bên cạnh Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã và đang hợp hợp tác với Fonos và Voiz FM ghi âm sách. Với mục tiêu tạm thay thế hình thức phát hành sách giấy sang sách điện tử, không chỉ đưa bạn đọc đến với sách một cách an toàn, không tiếp xúc, mà còn mở ra một cách tiếp cận mới cho độc giả vốn không thể đọc ( khiếm thị) hoặc không có thời gian giành cho việc nghiên cứu sách do quá bận rộn, giúp họ có thể vừa kết hợp làm việc vừa tiếp cận được sách qua nghe đọc sách từ các nền tảng trực tuyến.

Những nỗ lực của ngành xuất bản, đơn vị phát hành đã được bạn đọc ghi nhận. 6 tháng đầu năm 2021 là 6 tháng ngành xuất bản, công ty phát hành sách, nhà sách đã làm nên những kỳ tích với hành nghìn đầu sách mới, phát hành sách vượt khó đến với bạn đọc.  Nhưng để bước những bước đi dài hơn, thậm chí đủ lực để vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid 19, sự trợ giúp về chính sách được xem là điều kiện tiên quyết để các Nhà xuất bản, đơn vị phát hành, nhà sách có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị cao cả là đưa tri thức đến với độc giả hiện nay.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

 


Có thể bạn quan tâm