April 26, 2024, 7:01 am

Nhiều cây bút trẻ đang Tây hóa: Có đáng lo ngại?

 

Nhiều độc giả đọc tác phẩm của nhà văn trẻ trong nước có cảm giác như đọc một tiểu thuyết nước ngoài được dịch sang tiếng Việt. Các yếu tố về phong tục, ẩm thực, cảnh quan của phương Tây cũng được sử dụng liên tục trong tác phẩm.

Tác giả trẻ tiếp xúc nhiều với văn hóa phương tây

Thế hệ cuối 8X, đầu 9X được tiếp xúc với văn hóa phương Tây khá sớm và khá thường xuyên. Bên cạnh đó, với sự phát triển của ngành xuất bản, bạn đọc Việt Nam có thể thưởng thức tác phẩm văn học của nhiều tác giả đương đại trên thế giới khá sớm. Có trường hợp, chưa tới một năm sau khi được xuất bản ở nước ngoài, cuốn sách đó đã được mua bản quyền, dịch và có mặt trên kệ sách trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều tác giả trẻ có vốn ngoại ngữ tốt, sử dụng thành thạo tiếng Anh, nên có thể dễ dàng đọc tác phẩm nước ngoài, dù chúng chưa được dịch sang tiếng Việt. Việc tác giả trẻ trong nước ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây cũng là điều dễ hiểu.

Một số nhà phê bình nhận thấy hiện nay tác giả trẻ trong nước viết quá “Tây”. Theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, điều này không chỉ xuất hiện ở một vài cá nhân, mà rộ lên ở nhiều cây bút trẻ như một xu hướng. Điểm qua, có thể thấy nó xuất hiện ở các tác phẩm như: Xanh (Chu Thùy Anh), Những thiếu thời lơ lửng (Hạnh Nguyên), Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới (Nguyễn Hải Nhật Huy), Người lạ (Mai Thảo Yên), Thăm thẳm mùa hè (Nguyễn Dương Quỳnh)…

Không chỉ bị ảnh hưởng ở cốt truyện, ngay cả những bối cảnh thường nhật của tác phẩm như: bệnh viện, trường học, văn phòng, nhà hàng, quán xá… đều toát lên đặc trưng của các khu đô thị Âu Mỹ. Ngay cả trang phục, cung cách sinh hoạt, đồ ăn thức uống của nhân vật cũng là những thói quen của người nước ngoài.

Không khó để lý giải điều này. Bên cạnh việc được tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ khi còn nhỏ, nhiều tác giả trẻ từng đi du học, có thời gian dài sống ở nước ngoài, nên việc họ lấy cuộc sống nơi đây làm chất liệu sáng tác cũng dễ hiểu.

Về mặt tâm lý sáng tạo, nhà văn sẽ khai thác những điều mà bản thân hiểu và thấy đó là ưu thế của chính mình. Bởi vậy, không có gì phải chê trách hay phán xét các nhà văn trẻ khi họ khơi dậy một không gian nghệ thuật gắn liền với trải nghiệm cá nhân.

Hơn nữa, sáng tạo nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng là một công việc cần sự tự do. Mọi chất liệu cho người viết cảm hứng sáng tạo đều bình đẳng và có giá trị như nhau.

Bên cạnh đó, nhiều tác giả trẻ hướng tới hình mẫu “công dân toàn cầu”. Không gian nghệ thuật mà họ muốn xây dựng và tái hiện không nhất thiết phải gắn liền quê hương, đất nước của người đó. Các yếu tố về địa lý, văn hóa vùng miền dần được xóa nhòa để người đọc thuộc những nền văn hóa khác nhau dễ dàng tiếp cận.

 

Làm gì để tạo chất riêng khi bước ra thế giới?

“Với lối viết Tây hóa, đâu là yếu tố để nhà văn trẻ tạo được dấu ấn riêng khi bước ra với thế giới?” là câu hỏi mà giới phê bình đặt ra với những cây bút trẻ. Dù có sử dụng thành thạo ngôn ngữ và có vốn văn hóa sâu rộng, khi viết về không gian đô thị Âu Mỹ, các tác giả trẻ người Việt khó am hiểu một cách tường tận như người bản xứ.

Nếu nhìn lại sáng tác của các nhà văn lớn trên thế giới, những người đã góp phần tạo nên di sản văn chương cho nhân loại, ta đều thấy nét đặc sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất… Đọc các tác phẩm của Turgenev, Dostoyevsky hay Gorki chúng ta thấy một chất Nga, tinh thần Nga, không gian văn hóa Nga được thể hiện rõ nét. Victor Hugo cho độc giả thấy một bức tranh sống động về một nước Pháp hào hoa, tráng lệ trong các tác phẩm của mình.

Chính tính dân tộc đã tạo nên nét riêng cho các nhà văn này, khiến họ trở thành tượng đài của văn chương thế giới. Đổi mới trong bút pháp và cách kể chuyện là điều nên làm, nhưng nếu muốn tạo được dấu ấn riêng, người cầm bút không thể xa rời gốc gác của mình.

Các nhà văn đương đại nổi tiếng như: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà không chỉ được độc giả trong nước yêu quý, mà còn tạo được tiếng vang với bạn đọc quốc tế khi tác phẩm của họ được dịch sang các ngôn ngữ khác. Điểm chung của ba nhà văn này là tác phẩm của họ vẫn thấm đẫm tinh thần Việt Nam.

Theo PGS Ngô Văn Giá, nhà văn trẻ viết quá Tây không có gì đáng lo. Điều quan trọng là các cây bút phải giữ được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt một cách thuần thục, nhuần nhuyễn và tinh mỹ.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, thành viên Hội đồng Chung khảo Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần sáu từng chia sẻ: “Bút pháp có thể Tây, nhưng mỹ cảm nên hướng về các giá trị dân tộc”.

Chặng đường đầu tiên bao giờ cũng hăm hở, đó là phẩm chất của người trẻ. Tuy nhiên, cần có thời gian, trải nghiệm sống và trải nghiệm nghệ thuật, để đến lúc nào đó, các nhà văn trẻ nhận ra đâu là mảnh đất cắm rễ cho chồi mầm nghệ thuật đã cựa mình từ những năm tháng thanh xuân.

Theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, chúng ta đừng nên lo ngại khi nhà văn trẻ viết Tây hóa. Bởi văn chương là một hành trình bền bỉ, ở những bước đi đầu tiên, người cầm bút sẽ viết những thứ mình thấy thích thú và tự tin. Nhưng để xác định căn cước của chính mình, họ cần tìm về cái riêng, đó là bản sắc văn hóa, là căn tính dân tộc.

Nguồn THỤY OANH/ZING


Có thể bạn quan tâm