April 26, 2024, 4:39 pm

Nhật Lệ trong tôi

Mùa Thu năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập. Tôi về công tác ở tỉnh nhà, được nghe một đồng chí lãnh đạo tỉnh “tâm sự” rằng: một trong những vấn đề phải hết sức cảnh giác trong công tác tư tưởng - văn hóa hiện tại là số văn nghệ sĩ vừa từ tạp chí Sông Hương của Hội VHNT tỉnh Bình Trị Thiên cũ chia tách ra. Các anh chị em này tuyên bố rằng: từ nay tạp chí Sông Hương sẽ mạnh gấp 3, vì sẽ có tới 3 tờ tạp chí được chia tách nhân lực từ Sông Hương…

Hơn ba chục năm rồi, ý kiến trên đây cứ găm mãi trong đầu tôi. “Găm” có lẽ vì Sông Hương là tờ tạp chí tôi được đăng những bài thơ đầu đời và “găm” vì hồi đó Sông Hương là tờ tạp chí văn nghệ địa phương nổi đình đám khắp cả nước, vì những quan điểm nghệ thuật cũng như nhiều lĩnh vực khác rất… phi truyền thống (!)

 

Một buổi giao ban nghiệp vụ của Ban biên tập Tạp chí Nhật Lệ

 

Thế rồi gần 5 năm sau ngày tái lập tỉnh, Hội VHNT Quảng Bình mới chính thức có tờ tạp chí làm cơ quan ngôn luận của mình. Trước đó chỉ là những ấn phẩm dạng tập san “Sáng tác, phê bình, nghiên cứu Văn học Nghệ thuật”, do nhà thơ Hoàng Vũ Thuật phụ trách, xuất bản được 9 số cả thảy. Cuối tháng 7/1994, tạp chí Nhật Lệ ra đời với tên gọi ban đầu là Văn hóa Văn nghệ Quảng Bình. Từ đây tôi quan tâm theo dõi ấn phẩm này, ngoài ám ảnh về sự “cảnh giác” của vị cựu lãnh đạo tỉnh vừa kể trên đây, còn vì những người làm tạp chí, nhất là các vị chủ trì, đều là những người tôi thân quen, quý mến. Nhà thơ Văn Lợi, Tổng biên tập đầu tiên của tạp chí, cùng với những tác giả Xuân Hoàng, Lê Khai, Phan Văn Khuyến, Trần Nhật Thu, Nguyễn Văn Dinh… là những tên tuổi thường xuyên xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh Quảng Bình, trước khi sáp nhập vào Bình Trị Thiên. Bài thơ Đèo Ngang của Văn Lợi viết năm 1973, riêng tôi thấy nó “mềm và mát” hơn nhiều thi phẩm cùng viết về Đèo Ngang thời ấy: Thoáng như xa, thoáng như gần/ Xe lên mà ngỡ đèo quành theo xe/ Tiếng mình cười ở bên kia/ Qua bên đây, vẫn còn nghe tiếng cười

Kế nhiệm Tổng biên tập Văn Lợi là nhà văn Hoàng Thái Sơn, thầy giáo dạy văn của tôi ở Cấp 3 Tuyên Hóa, những năm 1973-1976. Tôi có được chút kết quả viết lách hôm nay, một phần có công nhen nhóm truyền thụ của thầy Sơn những năm tháng ấy. Kế nhiệm Hoàng Thái Sơn là các nhà văn Hoàng Văn Bàng, tiếp đến là Nguyễn Bình An làm Tổng biên tập. Tôi không được thân quen anh Nguyễn Bình An như với nhiều anh em văn nghệ khác ở Quảng Bình, nhưng lại rất ấn tượng về vị Tổng biên tập này của Nhật Lệ, vì câu chuyện liên quan đến bài thơ của bạn tôi. Trong một cuộc tụ tập bạn bè văn chương ở Hà Nội, Trần Quang Đạo đọc cho Nguyễn Bình An nghe bài thơ anh viết tặng chị nhà thơ đồng hương Lâm Thị Mỹ Dạ. Nguyễn Bình An thích lắm, bảo tác giả chỉnh sửa lại mấy câu hơi “gờn gợn” để đăng ở tạp chí Nhật Lệ. Trần Quang Đạo không sửa và Nguyễn Bình An vẫn mang về đăng nguyên văn. Thế là một vài đồng chí có tinh thần “cảnh giác” lên tiếng phê phán cái nhìn lệch lạc, xu hướng “giải thiêng, hạ bệ” của bài thơ, nhất là câu “Quảng Bình có Võ tướng, văn nhân/ Nếu thiếu chị, chỉ còn một nửa. Cũng may là lãnh đạo tỉnh lúc đó cơ bản đã thay đổi tinh thần “cảnh giác” cực đoan, ấu trĩ đối với VHNT, nên tạp chí Nhật Lệ và Nguyễn Bình An vẫn… bình an.

Sau Nguyễn Bình An là nhà văn Nguyễn Thị Lê Na, nối tiếp “trụ trì” từ hơn chục năm nay. Chị là đương kim Phó chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình 2 khóa liên tục, vừa đắc cử chức Chủ tịch Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, nhiệm kỳ 2022-2027. Tôi mê Nguyễn Thị Lê Na từ chùm 3 truyện ngắn Lý lẽ đàn bà, Vùng rừng sáng và Tiếng sáo người hát rong tham dự cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2 năm 2018-2019. Chùm truyện đã lọt vào tập tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành trước lễ tổng kết và trao giải. Nguyễn Thị Lê Na thuộc thế hệ 7x, tốt nghiệp Văn khoa Đại học Tổng hợp Huế là được về tạp chí Nhật Lệ, đến nay ngót nghét đã hai chục năm và cũng đã có hơn chục năm ngồi ghế Tổng biên tập. Ngoài công sức đóng góp xây dựng và điều hành Nhật Lệ, chị còn là cây bút văn xuôi của miền quê gió lào cát trắng, được bạn đọc cả nước chú ý. Năm 2007, tập truyện ngắn đầu tay Bến mê của chị đã đoạt Giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Hội liên hiệp VHNT Việt Nam. Năm 2020 chị xuất bản tập truyện ngắn Đắng ngọt đàn bà, được trao giải A, Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư 5 năm 2016-2021 của tỉnh nhà…

Ngót nghét đã gần ba chục năm, tạp chí Nhật Lệ luôn mang mang tinh thần chủ đạo là tuyên truyền quảng bá về mảnh đất và con người Quảng Bình hôm qua và hôm nay, một vùng đất vốn chịu nhiều đau thương trong chiến tranh đang không ngừng vươn lên, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới. Qua bạn bè và đồng nghiệp, tôi được biết hiện nay Nhật Lệ đã có mặt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và cũng đã quy tụ được nhiều cây bút nổi tiếng khắp mọi miền quê, nhất là những cây bút trẻ, làm cộng tác viên thân thiết của tạp chí. Và tôi cũng được biết, hiện nay số lượng phát hành của Nhật Lệ đã xấp xỉ ngàn bản mỗi số. Đó là một con số hết sức đáng mừng đối với một tờ tạp chí văn nghệ địa phương, trong thực trạng báo động về văn hóa đọc và sự phát triển như vũ bão của các hình thức báo mạng ngày nay.

Tôi yêu mến và chăm đọc Nhật Lệ, bởi qua đó tôi cập nhật được đời sống văn học - nghệ thuật của quê hương, được gặp lại những tác giả tôi ngưỡng mộ từ thủa chập chững viết lách, nay vẫn đồng hành cùng thế hệ chúng tôi và thế hệ đàn em, như các anh chị: Hoàng Vũ Thuật, Lâm Hồng Tú, Lê Thị Mây, Hữu Phương, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Thế Tường… Cùng đó là những tác giả văn học thế hệ chúng tôi, trong đó nhiều người là bạn bè thân quen hoặc đồng môn một thời, như: Phan Văn Chương, Phạm Phú Thép, Đỗ Thành Đồng, Trương Văn Quê, Trương Vĩnh Hạnh, Hoàng Đại Hữu, Lê Minh Thắng v.v… Đọc Nhật Lệ, tôi còn được gặp nhiều tác giả là những cây bút uy tín khắp mọi miền đất nước, trong đó có những tác giả trẻ đang được chú ý, như: Nguyễn Hoài Nam và Đỗ Anh Vũ ở Hà Nội, Phan Tuấn Anh ở Huế, Nie Thanh Mai ở Tây Nguyên, Bảo Thương ở Bắc Giang… Đặc biệt là được làm quen với nhiều tác giả trẻ thế hệ 8x, 9x là lực lượng đông đảo của văn chương Quảng Bình trong tương lai, như các bạn: Phạm Thùy Ngân, Ngô Mậu Tình, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Hiểu, Bùi Thị Diệu, Trác Diễm, Mai Như Quỳnh, Hoàng Thúy, Nhung Nhung, Lê Hương… Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với nội lực văn xuôi dồi dào, trường sức của Trác Diễm và giọng thơ mới mẻ, hiện đại, đôi khi khá bất ngờ của Hoàng Thúy. Trác Diễm sinh năm 1988, đã xuất bản 5 đầu sách gồm tiểu thuyết và truyện ngắn lúc chạm tuổi ba mươi. Còn Hoàng Thúy là đại biểu được mời tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 năm 2016, khi cô chưa xuất bản tập thơ riêng nào.

Lại nhớ đầu năm 1979, tôi gặp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật lần đầu ở Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Dạo đó đang dự lớp tập huấn của Ty Giáo dục, nhưng anh cứ cách nhật lại gò lưng hối hả đạp xe về nhà, vì vợ vừa sinh con gái chưa đầy tháng tuổi. Trông nhà thơ nổi tiếng lúc đó thật… hoàn cảnh. Đứa bé sinh năm ấy nay là Hoàng Thụy Anh, biên tập viên của Nhật Lệ. Hoàng Thụy Anh là Thạc sĩ Lý luận văn học và còn là nhà thơ trẻ được giới chuyên môn thừa nhận có giọng điệu riêng từ khi xuất hiện tập thơ đầu tay Người đàn bà sinh ra từ mưa. Đến nay Hoàng Thụy Anh đã xuất bản 2 tập chuyên luận khá đầy đặn, 4 tập Tiểu luận - Phê bình tạo được dư luận khá tốt. Trong vòng dăm năm gần đây, cô đã được trao 3 Giải thưởng văn học địa phương cùng 1 Giải thưởng của Hội liên hiệp VHNT Việt Nam…

Thật đúng là “tre già măng mọc”. Thoắt cái đã ngót bốn chục năm, “Măng” hôm nay đã trưởng thành cứng cáp, trở thành một trong 3 trụ cột của tạp chí Nhật Lệ. Nói rằng “3 trụ cột” là bởi hiện tại, Nhật Lệ được biên chế 6 người, nhưng chỉ có 3 người làm nội dung là Tổng biên tập Nguyễn Thị Lê Na cùng 2 biên tập viên kiêm Thư ký tòa soạn là Nguyễn Hương Duyên và Hoàng Thụy Anh. Nguyễn Hương Duyên cũng thuộc thế hệ 7x đời chót, là tác giả của 3 tập truyện ngắn Bến đợi nhọc nhằn, Ở giữa những người đàn ông và Viết tặng anh từ căn bếp này. Chị đã được 3 giải thưởng VHNT cấp Trung ương và địa phương, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2018.

Vậy là tạp chí Nhật Lệ đang như một cái “kiềng 3 chân” vững chãi, đặt trên một cái nền vững chắc là Hội VHNT Quảng Bình có bề dày truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Đó cũng là cơ sở vững chãi và vững chắc cho niềm tin yêu và hi vọng của đồng nghiệp gần xa, của bạn đọc trong và ngoài tỉnh, đối với tờ tạp chí này.

Tuyên Hóa

Nguồn Văn nghệ số 50/2022

 

Có thể bạn quan tâm