April 26, 2024, 10:40 pm

NHẬN DIỆN GƯƠNG MẶT THẾ HỆ VIẾT HÔM NAY - THỀ HỆ THIÊN NIÊN KỶ (MILLENNIAL)

 

Cụm từ thế hệ thiên niên kỷ (millennial) hiện đang được định danh cho một thế hệ mới đã và sẽ làm chủ tương lai đất nước và nhân loại. Đó là những công dân có năm sinh từ 1981 đến 1997, nghĩa là có độ tuổi từ 22 đến 38 tuổi, thuộc diện U30 và U40, chiếm khoảng 27% số dân toàn cầu, tức khoảng 2 tỷ người...

Nhìn hẹp vào khu vực sáng tạo văn học nghệ thuật, tôi nghĩ nhận thức trên cũng rất phù hợp. Một thế hệ viết từ đầu 8X đến cuối 9X đã xuất hiện và đang đóng vai trò quan trọng, nếu không nói sẽ sớm có vai trò chủ công cho mọi sáng tạo văn học - nghệ thuật, văn chương - học thuật, với những dấu ấn mới, đặc trưng mới không còn giống, nếu không nói là khác, rất khác với các thế hệ ông cha.

Ở bài viết này, tôi muốn đi tìm sự khác biệt đó.

I

Có thể khẳng định tất cả những người viết, người đọc như tôi, và có thể sau tôi hơn một thế hệ - tạm tính cho đến 4X, 5X… là đội ngũ có chung một hệ ý thức, một tư tưởng, một quan niệm, một phương pháp suy nghĩ và sáng tạo, cho đến cả một phong cách nhất trí và nhất quán chung quanh một từ khóa là chủ nghĩa hiện thựchiện thực xã hội chủ nghĩa. Còn trước đó là ba trào lưu: lãng mạn, hiện thựccách mạng. Những từ khóa phản ánh gần như trọn vẹn gương mặt văn học dân tộc vừa trong các kết quả của hiện đại hóa; vừa nhằm đáp ứng các yêu cầu bức thiết của sự sống - đó là Cách mạng tháng Tám và ba cuộc chiến tranh; cùng một cuộc đi tìm một mô hình phát triển xã hội trong tình thế đất nước chia đôi và thế giới chia làm hai phe, với chiều dài gần suốt một thế kỷ - cho đến 1990.

Ảnh minh hoạ.  Nguồn Internet

Cách mạng, chiến tranh - gồm cả cuộc chiến ý thức hệ nhằm giải quyết câu hỏi Ai thắng ai? - giữa Tư sản và Vô sản, giữa Chủ nghĩa tư bản và Chủ nghĩa xã hội, giữa Cá nhân và Tập thể - đó là bối cảnh, hoặc toàn cảnh cho sự tồn tại và phát triển một thời đại văn học lấy mục tiêu chính trị làm lõi cốt: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”; lấy tính Đảng làm linh hồn; lấy tiêu chí chân thật với sự thật, miêu tả sự thật dưới hình thức của bản thân đời sống (của chủ nghĩa hiện thực phê phán, hoặc cổ điển), và sự thật trong quá trình phát triển cách mạng (của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa); và các phương thức miêu tả nhằm sao cho quần chúng hiểu và đưa họ vào các cao trào cách mạng, gắn với việc thực hiện ba chức năng: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ (chứ không phải giải trí)…

Đó là sự tóm lược một thời dài gần suốt một thế kỷ, cho đến 1990 mà các thế hệ người viết, người đọc như tôi, phải nắm hiểu, quán triệt và thực hiện trong tư cách hoặc là “kỹ sư của tâm hồn”, hoặc là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, bằng các trang viết, dẫu là sáng tác, hoặc nghiên cứu - lý luận - phê bình.

Quả là không khó cho sự nhận diện gương mặt đó, với những đặc trưng đó, ngay từ các tên sách.

* Với ba giòng văn học: lãng mạn, hiện thực và cách mạng trước 1945:

- Nửa chừng xuân, Đời mưa gió, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Bướm trắng…

- Giông tố, Tắt đèn, Bước đường cùng, Sống mòn, Sống nhờ…

- Ngục Kontum, Nghĩa Lộ vượt ngục, Từ ấy, Ngục trung nhật ký…

* Với văn học sau 1945, qua các mốc: 1954,1960 và 1975:

- Vùng mỏ, Xung kích, Con trâu, Đất nước đứng lên, Đánh trận giặc lúa…

- Chiến sĩ, Ra đảo, Dấu chân người lính, Khi có một mặt trời, Hòn Đất, Rừng xà nu, Người mẹ cầm súng, Gia đình má Bẩy…

- Cái sân gạch, Đất làng, Xi măng, Bão biển, Vụ mùa chưa gặt…

Đây là thời kỳ văn học rất xa lạ với những gì gọi bằng Chủ nghĩa Hiện đại hoặc Hậu hiện đại của phương Tây, vốn từng được xem là những “nấm độc” trên các thân cây mục, bất ngờ có hoàn cảnh ghé qua trong văn học đô thị miền Nam thời kỳ 1954-1975.

Từ 1986 trở đi là một chuyển đổi trong bức tranh chung mà tầm vóc không khác gì cuộc chuyển đổi ở thời điểm 1945, với hai khẩu hiệu: “Lấy Dân làm gốc” và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.

Sao lại phải trở lại “Lấy Dân làm gốc” khi nền Dân chủ Cộng hòa đã có một lịch sử hơn 40 năm? Sao lại phải trở lại mục tiêu “sự thật” khi chủ nghĩa hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa mong muốn có một hiện thực cao hơn cả sự thật?

Cuộc chuyển đổi này có công đóng góp của một thế hệ chuyển tiếp, đóng vai trò “tiền trạm” cho Đổi mới như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp…, trong đó có người vẫn tiếp tục được sự đồng hành với các thế hệ đến sau, cho đến hôm nay như Ma Văn Kháng, Xuân Khánh… Đây là thời của những Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Thời xa vắng, Những thiên đường mù, Tướng về hưu, Không có vua, Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng

Kể từ thế hệ 4X như Nguyễn Bắc Sơn, Chu Lai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân… đến đầu 5X như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập…, qua 6X như Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh..., cho đến 7X như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy… tôi muốn tìm đến sự nối dài của một đội ngũ gồm nhiều thế hệ vừa đồng hành, vừa thay thế nhau, trước sứ mệnh đóng vai trò chủ lực cho một thời kỳ mới tính từ sau 1986 cho đến nay. Một thời kỳ với các mốc lịch sử như 1990, 1995, 2000 và sau 2000. Đó phải là, và đã là một thế hệ trẻ ở lứa tuổi trên dưới 30, chủ yếu thuộc thế hệ từ đầu 8X, đến cuối 9X trở đi là lứa tuổi có đủ tiềm năng và tư thế đại diện và đáp ứng cho một thời đại mới - thời mang những cái tên như Toàn cầu hóa (lần thứ 3), Kỷ nguyên thông tinCách mạng 4.0.

Nếu trong thể thao có Đội tuyển U23; trong ca nhạc có Sơn Tùng M.TP, Noo Phước Thịnh, Vũ Cát Tường, Lê Cát Trọng Lý… thì trong văn - thơ những tên tuổi được nhiều chục vạn người đọc đón nhận cũng đã xuất hiện, khiến chúng ta không thể không nức lòng, khi số bản in cho một tiểu thuyết, một công trình khảo cứu, một tập thơ… từ  nhiều chục năm nay, cho đến nay, nhìn chung và số lớn vẫn chỉ dừng lại ở con số trên dưới…1000 bản.

II

Nhận diện đặc trưng về nội dung và nghệ thuật trong sáng tạo của các thế hệ viết ở lứa tuổi từ ngoài 20 đến trước sau 40 tôi thấy có những dấu hiệu chung như sau:

1. Nổi lên vai trò cá nhân thay cho cộng đồng, do sự ráo riết đi tìm những khác biệt thay cho tương đồng. Dị ứng với cái chung, cái giống nhau. Mối quan tâm này chi phối mọi cách thức tìm kiếm trong nội dung và nghệ thuật thể hiện.

2. Xuất hiện những nhân vật mới thay cho hệ thống nhân vật cũ đã quá quen thuộc trong nhiều chục năm chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội như Công Nông Binh; Con người mới - Cuộc sống mới; những tấm gương tiên tiến thuộc Người thực Việc thực (để ca ngợi, xưng tụng, nêu gương)…; và những nhân vật tiêu cực trong bộ phận lãnh đạo thoái hoá, cao nhất chỉ đến cấp huyện (để phê phán)… Nhân vật mới, đó là các thế hệ trẻ trước những băn khoăn về tình yêu và tình dục, lẽ sống, khát vọng cá nhân, con đường lập nghiệp, và các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, hoặc siêu nhiên và… vũ trụ…

Họ kể chuyện về chính mình, đi sâu vào bản thân mình, và tìm được sự hưởng ứng của thế hệ. Sách của họ được in ra với “con số đáng mơ” và được tiêu thụ rất nhanh, qua những cái tên gần đây nhất như Anh Khang, Phan Ý Yên, Jun Phạm, Minh Đức, Diệu Ái, Nguyễn Duy Quyền, Hạnh Nguyên, Nguyễn Phong Việt… Con số do Công ty văn hoá Phương Nam cung cấp: tổng lượng phát hành 5 cuốn của Anh Khang đến nay là 540.000 bản, 3 cuốn của Phan Ý Yên là 200.000 bản, 3 cuốn của Jun Phạm là 250.000 bản (1)

Hạnh Nguyên, sinh 1995, trong Say - quyển sách được Giải Phát hiện mới của Giải Sách hay 2016, có thế giới nhân vật “là những người trẻ cô đơn, khép kín và vô định, lọt thỏm giữa vụ trụ rộng lớn của cõi người”. Hạnh Nguyên viết từ tuổi 17 - cái tuổi mọi điều buồn vui đều có thể trở thành một “vấn đề”. “Nguyên viết cho cô, nhưng cũng là cho tuổi 17 đầy hoang hoải của bất kỳ cô cậu nhóc nào”… Điều cần lưu ý là tất cả những tên tuổi đã nêu trên trong số rất, rất nhiều tên tuổi viết trẻ khác, có dễ đến hàng trăm, xuất hiện từ nhiều năm trước đây, số lớn ở phía Nam, đều không có gì liên quan đến Hội Nhà văn Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước đã có thâm niên trên 60 năm, với trên 1000 hội viên, và với tuổi thọ bình quân có lẽ phải trên 60, hoặc 70!.

3. Chức năng giải trí trội lên, đứng ở hàng đầu thay cho nhận thức, và giáo dục; cả hai giờ đây rất ít có vai trò vì đã có các phương tiện khác thay thế.

Nhận thức: Các phương tiện thông tin, truyền thông giải quyết ngay tại chỗ và bất cứ lúc nào.

Giáo dục: trả về cho gia đình, nhà trường cùng bộ máy công quyền phải sao cho trong sạch gương mẫu gắn với việc thực thi hiến pháp, pháp luật.

Đáng tiếc là cả ba khu vực này còn rất nhiều khiếm khuyết, bất cập, thậm chí còn chưa ra khỏi những suy thoái cục bộ.

4. Thay vì các thứ tính như tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân (với cách hiểu nhiều thiên lệch và bất cập trước đây), bây giờ là sự nổi lên cá tính trong đối ứng với tính dân tộc tính nhân loại, để đến với yêu cầu hội nhập một cách bình đẳng và không để mất gốc, với những khác biệt chung của dân tộc so với khu vực và thế giới, và riêng cho các cá thể rất được mọi người viết chăm lo.

Càng dấn sâu vào Toàn cầu hoá thì cái riêng của dân tộc càng phải được khẳng định, bồi đắp, trước hết trong đời sống văn hoá, tinh thần. Nhưng cái riêng đó là thế nào thì vẫn còn rất mù mờ và còn lắm mắc mớ trong nhận thức và thực tiễn. Cứ nhìn vào các lễ, hội diễn ra qua nhiều năm nay với sự lúng túng trong điều hành của bộ máy công quyền và trong tâm thế xã hội thì biết; và các giới trí thức khoa học và nghệ thuật, trong đó có các nhà văn xem ra còn chưa mấy đầu tư suy nghĩ về việc này để có được chiều sâu trong nhận thức và mới mẻ trong sáng tạo.

5. Không quan tâm, và do vậy mà khó nhận ra những vấn đề nóng bỏng gây nhức nhối cho xã hội, cũng là dấu hiệu đáng lưu ý khi chức năng nhận thức xã hội được khoán trắng cho báo chí, truyền thông.

Mặt khác, những gương mặt mới của thời đại cũng ít thấy có trong sáng tạo của giới trẻ nói riêng, và lực lượng hùng hậu hàng ngàn hội viên Hội Nhà văn nói chung. Tôi muốn nói đến nhân vật Doanh nhân (hiện đã có 60 vạn, và dự kiến đến 2020 sẽ có 1 triệu) và sự khẳng định nền kinh tế tư nhân (chiếm 60% GDP quốc dân)…

Nhân loại đã trải biết bao thay đổi kể từ khi Mác viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tiên tri về sự diệt vong của giai cấp tư sản và khẳng định giai cấp vô sản sẽ là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản… Cũng thời gian đó, giai cấp tư sản trong vai trò kiến tạo nên thời đại mới cũng đã chứng kiến biết bao thay đổi mà hình ảnh sống động về nó đã được ghi lại trong cả một gia hệ gồm nhiều đời, qua những bộ tiểu thuyết lớn như Gia đình Rugông Macca của ÊminDôla, Gia đình Tibô của Rôgiê Máctanh đuy Ga, Gia đình Butdenbruc của Tômát Man đến Gia đình Acta-mô nốp của M.Gorky… Và bây giờ, khi thế giới xuất hiện những tỷ phú có tài sản trên dưới 100 tỷ đô la, không phải nhờ vào sự bóc lột, tước đoạt như Bin Gatte, ông chủ Amazon, ông chủ Facebook mà số lớn tài sản lại được dùng vào việc thiện, thì trên đất nước ta cũng đã có người lọt được vào con số 200 đại gia giàu nhất thế giới (trên cả Tổng thống D.Trump), và hiện đã có trên 60 vạn doanh nhân, cùng nhiều chục vạn bạn trẻ trong phong trào khởi nghiệp…

 

III

Là người viết và cũng là người đọc thuộc thế hệ sống trọn vẹn trong 3 cuộc chiến chống xâm lược, và chống đói nghèo suốt hơn nửa thế kỷ, tính từ sau 1945 cho đến 1990, tôi rất mong mỏi có những đổi thay lớn trong tương lai văn học nghệ thuật nước nhà đang chuyển sang vai các thế hệ trẻ - là sản phẩm và là chủ thể của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay. Được đồng hành với họ, nếu chưa bị thay thế cũng đã là hạnh phúc lớn! Nhưng tương lai đó như thế nào thì ngay cả dự đoán tôi cũng không dám có, khi đặt thân phận mình vào các vị thế - tựa như Nguyễn Đình Chiểu so với Phan Bội Châu; hoặc Phan Bội Châu so với Tản Đà; hoặc Tản Đà so với Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử…

Biến động từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa, từ văn học Hán – Nôm trên các mộc bản, thạch bản sang văn học Quốc ngữ với sự xuất hiện công nghệ in ấn và phong trào báo chí – xuất bản, trong giao chuyển thế kỷ XIX sang thế kỷ XX đã lớn và khôn lường như thế, thì biến động từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI sẽ còn rất nhiều lần lớn hơn. So với 3 cuộc cách mạng cũ (hơi nước; điện năng và lắp ráp dây chuyền; máy tính cá nhân và thiết bị lập trình) thì tác động của cuộc cách mạng 4.0 sẽ còn dữ dội gấp nhiều lần. Robot sẽ thay cho mọi loại lao động giản đơn đưa đến nạn thất nghiệp cho nhiều triệu người. Riêng khu vực giáo dục thì đó là một tiên đoán không biết là bi quan hay lạc quan như của ông Jaime Saavedra - Giám đốc cấp cao về giáo dục của nhóm Ngân hàng thế giới, trong chuyến thăm Việt Nam, từ 13 đến 15 tháng 12 vừa qua: “Chí ít là giáo viên sẽ không bị robot thay thế trong ít nhất một thập kỷ tới”. Vậy thì sau đó sẽ ra sao? Tất cả các cấp học có còn cần đến “thầy” nữa không, cùng với đạo lý “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư…”? Còn trí tuệ nhân tạo thì đã phát triển đến mức có thể chiến thắng mọi kỳ thủ cao thủ nhất thế giới, hoặc rất thành thạo trong sử dụng các nhạc cụ. Có nghĩa là ở cả hai lĩnh vực - đánh cờ và chơi nhạc, robot đã vượt mặt con người! Vậy thì việc robot có thể làm thơ, viết văn chắc chẳng phải là chuyện khó hiểu! Không biết thứ thơ, văn đó có địch nổi, hoặc vượt hơn Xuân Diệu, Nguyễn Tuân? Còn về tình yêu? Hẳn chắc những bản tình ca muôn thuở của con người, kể từ Ngưu Lang Chức Nữ, Tristan và Yseul, Romeo và Juliette, Kiều và Kim Trọng, Tố Tâm và Đạm Thuỷ… sẽ hết đất đai cho sự gieo cấy khi cách sống đơn thân (không cần chồng), sự mất cân đối giới tính, tình yêu đồng tính, búp bê tình dục, cùng với các phương thức sinh đẻ không cần đến sự phối thuộc trực tiếp giữa tinh trùng và trứng… Có nghĩa là không chỉ tình yêu của hai giới tính, mà cả đạo hiếu giữa con cái với cha mẹ sẽ hoàn toàn khác, hoặc biến dạng.

Sẽ không còn chỗ cho những ý thơ, như:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Vậy thì văn học nghệ thuật - như một hình thái ý thức xã hội sao lại không thay đổi trước những thay đổi của các cơ sở hạ tầng vật chất - như Các Mác từng dạy.

    

 

 


Có thể bạn quan tâm