April 26, 2024, 9:29 pm

Nhân danh “sáng tạo” để “bức tử” Văn hóa

Cách tân từ truyền thống, hay kế thừa những nét đẹp truyền thống để cho ra đời những sản phẩm không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc luôn là hướng đi mà những người làm nghệ thuật đúng nghĩa hướng tới. Nhưng giới hạn và vẻ đẹp của Chân - Thiện - Mỹ trong sáng tạo nghệ thuật thì không phải ai cũng đạt được.

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, một số cá nhân đã lầm tưởng, thậm chí lạc hướng trong sáng tạo nghệ thuật, tự dẫn dụ mình bằng thuyết “sáng tạo” và cho ra đời những sản phẩm ở mức tầm thường, thậm chí phản cảm. Đơn cử, hình ảnh tại chương trình thời trang mang tên New Tradition, dịch theo tiếng Việt là Truyền thống mới đã để lại những dư âm buồn không chỉ trong làng thời trang Việt mà còn của tất cả người dân Việt Nam vốn rất yêu và đang đồng lòng đề cử áo dài trở thành quốc phục của Việt Nam. Tại chương trình, nhà thiết kế đã biến những chiếc áo yếm, áo dài vốn kín đáo, trang nhã của người phụ nữ Việt Nam trở thành những bộ trang phục hở hang, xa lạ, mà ngay tại thời điểm diễn ra chương trình biểu diễn đã có nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đây chủ yếu là góc nhìn của nhà thiết kế và không có gì quá lo lắng về quan điểm thẩm mỹ của show diễn này; Nhưng cũng lại có người cho rằng, khi cái nhìn và quan điểm cá nhân của nhà thiết kế được công khai rộng rãi bằng show thời trang đình đám, hẳn sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức của công chúng/ người xem. Đó có thể là sự thừa nhận về một trào lưu mới nhân danh “sáng tạo” để phá bỏ những chuẩn mực về văn hóa... Sự cắt xẻ, hở hang, phơi bày da thịt trong trường hợp này rõ ràng là đi ngược với truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, vốn nền nã, kín đáo… Ngay sau show diễn, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thanh tra Sở vào cuộc, kiểm tra để có câu trả lời thỏa đáng trước công luận, đồng thời xử lý nghiêm nếu có những sai phạm.

Những bộ trang phục hở hang, xa lạ đi ngược với truyền thống của người phụ nữ Việt Nam

Vẫn biết sự sáng tạo là quyền ở mỗi người làm nghệ thuật, nhưng sáng tạo cũng nên dựa trên những quy tắc được chi phối bởi dấu ấn Văn hóa. Và không nên đánh đồng giữa truyền thống với thời trang để tầm thường hóa những giá trị vốn đã trở thành di sản tinh thần của dân tộc.

Cũng liên quan đến áo dài, trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành, công sở đã vận động cán bộ mặc áo dài đi làm. Trước đó, khối giáo dục cũng có những quy định cụ thể để giáo viên, học sinh mặc áo dài truyền thống trong một số ngày nhất định, phù hợp với công việc. Đây chắc chắn không phải là một trào lưu nhất thời, mà là sự khẳng định và tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống đã và đang được đề cử là Quốc phục của nước ta.

Bên cạnh chiếc áo yếm, áo dài bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của sự sáng tạo của một số nhà thiết kế thời trang, thì những danh nhân văn hóa, những câu chuyện lịch sử, những bài hát đã nằm lòng, đi vào ký ức của biết bao thế hệ, cũng như đình chùa, di tích lịch sử… cũng bị sự “sáng tạo” nhào nặn trở thành những phiên bản hoàn toàn mới, xa rời nguyên gốc một cách thô bạo. Trước show diễn Truyền thống mới, những tiết mục văn hóa, văn nghệ được thực hiện trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn FPT tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng khiến dư luận xã hội dậy sóng và yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội vào cuộc, khi dàn đồng ca của trường đã biểu diễn bài nhạc chế “Đoàn FPT một lần ra đi” phỏng theo nguyên tác “Đoàn vệ quốc quân” của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, với những câu “Ra đi, ra đi áo quần không có/ Ra đi ra đi sạch bách mới thôi”. Để tăng thêm kịch tính cho bài hát, màn “múa khỏa thân” gần như không mặc gì của hai nam sinh thuộc Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện (FPT Arena - Đại học FPT)  đã khiến những người có mặt tại đó thực sự bị sốc.

*

Sự thiếu hiểu biết, nhân danh “sáng tạo” để thể hiện góc nhìn cá nhân đang trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ. Do có lợi thế sử dụng thành thạo công nghệ, họ đã biến công nghệ trở thành công cụ để quảng bá cho những “sản phẩm” nhân danh sáng tạo “bức tử” văn hóa. Đó là trang phục thiếu vải, chế bài hát, tác phẩm văn học…, thậm chí xuyên tạc lịch sử đã trở thành vấn nạn tràn lan trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, sự “sáng tạo” này lại được những người tự cho mình là “người của công chúng” thực hiện dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Mới đây, chương trình hợp tác quản lý giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã được ký kết. Dự kiến tháng 10 tới đây, một văn bản quy định về quy trình xử lý những văn nghệ sĩ có những biểu hiện, phát ngôn lệch chuẩn… sẽ được hoàn thành và trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch xem xét ban hành. Quy trình được xây dựng theo hướng đảm bảo sự công khai, khách quan, bởi đây là sự phối hợp liên bộ, của nhiều cơ quan liên quan để thẩm định về nội dung, tư tưởng… nhằm xác định sai phạm.

Trước quyết định đưa ra một văn bản Quy định về quy trình xử lý, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Tuy nhiên, tình trạng phát ngôn gây sốc, tình trạng ca sĩ ăn mặc “thiếu vải” vẫn xuất hiện trên sàn diễn khiến dư luận xã hội hồ nghi về tính nghiêm minh của những quyết định của cơ quan quản lý; thậm chí còn đặt câu hỏi, phải chăng mức xử phạt quá thấp so với nguồn lợi mà cá nhân, tổ chức… liên quan được nhận từ chương trình, đêm diễn…

Nguồn lợi kinh tế, mà nhiều lầm tưởng là đích đến của những phát ngôn gây sốc, lối ăn mặc hở hang, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa… chưa phải là tất cả. Trên hết họ đang hướng đến sự nổi tiếng và cổ súy cho trào lưu “tự do không giới hạn”. Và nếu trào lưu này được chấp nhận, văn nghệ sĩ sẽ dễ dàng bỏ qua yếu tố văn hóa, thách thức pháp luật để cho ra đời những sản phẩm “rác văn hóa” đầu độc giới trẻ, khiến họ quay lưng lại với thuần phong mỹ tục, với những giá trị vốn làm nên hồn cốt dân tộc Việt Nam…                                                 

Minh Nguyệt

Nguồn Văn nghệ số 22/2023


Có thể bạn quan tâm