April 26, 2024, 3:21 pm

Nhà văn Xuân Đức và tâm nguyện giới thiệu tác phẩm “Người không mang họ” với thế giới

Tháng 9/2019, nhà văn Xuân Đức được Hội nhà văn Việt Nam cử sang Kazakhstan tham dự “Diễn đàn các nhà văn châu Á” lần thứ Nhất. Tôi vinh dự đồng hành cùng ông trong chuyến đi này. Một cơ duyên để tôi được gặp và trò chuyện với ông ngoài đời, và được ông tin tưởng gửi gắm tâm nguyện giúp ông đưa tác phẩm “Người không mang họ” ra giới thiệu với độc giả thế giới. Điều tốt đẹp ấy còn đang thực hiện dang dở, thì ông đã vội ra đi…

Nỗi buồn của người không mang… sách dịch

Ngày 20/6/2020, tôi ăn trưa với nhà thơ Nguyệt Vũ. Chúng tôi trò chuyện về vấn đề dịch ngược văn học Việt Nam giới thiệu với độc giả thế giới. Cả hai đều nhận định rằng, khó khăn của việc này, không chỉ ở khâu tìm đầu ra cho tác phẩm văn học Việt ở thị trường sách quốc tế, mà còn ở khâu đầu tiên, đó là đầu tư dịch tác phẩm. Tôi đã nhắc đi nhắc lại với chị Nguyệt Vũ về trường hợp can đảm của nhà văn Xuân Đức, khi ông đầu tư một khoản tiền túi để dịch ngược tác phẩm Người không mang họ sang tiếng Anh. Nguyệt Vũ ngạc nhiên trước món đầu tư khá lớn mà nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức đã hào phóng chi cho việc dịch tác phẩm của mình. Không nhiều tác giả Việt Nam có thể mạnh tay như vậy.

Ngay tối 20/6, khi tôi đã về quê nghỉ ngơi, thì nhận được điện thoại của nhà thơ Nguyệt Vũ, chị báo tin dữ khiến tôi bàng hoàng: Nhà văn Xuân Đức đã đột ngột ra đi vì một tai nạn bất ngờ ngay trong nhà mình! Sau cuộc nói chuyện với chị Nguyệt Vũ, tôi đã kiểm tra lại thật cẩn thận các nguồn tin, chỉ mong sao chúng tôi đã nhầm. Tác phẩm mà ông tâm huyết, đã dịch xong, đang trong giai đoạn được biên tập, chưa kịp xuất bản ở nước ngoài, vậy mà Xuân Đức đã vội ra đi! Tôi thấy tiếc cho ông, thấy day dứt vì tôi đã không thể đẩy tiến độ quá trình dịch, biên tập tác phẩm của ông lên nhanh hơn nữa. Nghĩ lại việc này, tôi mới thấy, sự lận đận đã vận vào ông trong việc này, ngay từ đầu chuyến đi đến Kazakhstan, mà ông gọi đùa là “Chuyến đi bão táp”.

Trong các sự kiện tại Diễn đàn, nhà văn Xuân Đức rất vui khi tiếp xúc với các nhà văn nhà thơ nổi tiếng đại diện cho các nước châu Á. Ông liên tục nhờ tôi chụp ảnh cho ông với các bạn văn, để ông cập nhật lên Facebook. Ông khá hài lòng khi được chụp ảnh với nhà thơ Koun, nhà thơ Hàn Quốc từng được đề cử giải Nobel. Ông cũng tích cực làm quen với các bạn văn, nhờ tôi dịch cho ông, ông đặt ra nhiều câu hỏi cho bạn văn, chủ yếu xem ở nước họ, có chính sách gì để phát triển văn hóa đọc, để sách được phát hành rộng rãi, và việc dịch văn học ở nước họ có được hỗ trợ hay không?... Ông vui đó mà lại thoắt buồn đó. Thoáng buồn của ông, tôi đọc được khi ông ưu tư đứng trước gian trưng bày sách của Việt Nam tại Diễn đàn, trong đó có một số tác phẩm Hồ Chí Minh, hợp tuyển thơ Việt Nam và tác phẩm của Mai Văn Phấn, cũng như cuốn sách của tôi, đều đã dịch tiếng Anh, nhưng sách của ông thì chỉ in bằng ngôn ngữ Việt. Ông biết, các bạn văn nước ngoài cầm sách của ông lên xem, nhưng không thể đọc được. Qua hỏi han một số bạn văn nước ngoài, ông càng buồn khi thấy sách của họ được dịch ra ít nhất từ 4 đến 20 ngôn ngữ khác nhau. Trong khi ông cầm bút viết chuyên nghiệp đã nửa thế kỷ, số lượng tác phẩm đã nhiều, trong đó có tác phẩm được giải thưởng Nhà nước, có tác phẩm ăn khách, dựng thành phim, thành kịch, vậy mà bước ra sự kiện giao lưu văn học quốc tế, Xuân Đức lại chẳng có tác phẩm nào đã dịch, ít nhất là ngôn ngữ Anh, để có thể tự tin về chút “dấn vốn” quà văn ngoại giao mang theo tặng cho bạn nước ngoài, để bạn nghề có thể đọc được ông chút ít… Nhà văn Xuân Đức khá buồn trong suốt cả sự kiện Diễn đàn này, vì rõ ràng rằng, trong nước, ông là một tiểu thuyết gia, kịch tác gia nổi tiếng, nhưng ra tới sân chơi khu vực châu Á, không ai biết đến tác phẩm của ông, không ai biết đến ông.

Nhà văn Xuân Đức (Trái) và nhà thơ Koun (Hàn Quốc) trong “Diễn đàn các nhà văn châu Á” lần thứ Nhất tại Kazakhstan tháng 9/2019.

Can đảm dịch “Người không mang họ

Trong một bữa ăn sáng khi ở Kazakhstan, nhà văn Xuân Đức tìm cách ngồi cùng bàn với vợ chồng nhà văn Muhammad Haji Salleh (Malaysia). Ông trò chuyện thân tình với nhà văn này, nhưng tôi biết, mục đích chính của ông là để hỏi han về vấn đề dịch văn học ở Malaysia. Xuân Đức khá tâm đắc khi Muhammad Haji Salleh chia sẻ, rằng tại nước ông, hai chục năm nay đã thành lập Viện dịch văn học, được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Viện này ngoài việc dịch các tác phẩm kinh điển của quốc gia, thì thường chọn tác phẩm nổi tiếng đương đại, các tác phẩm đoạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi văn chương trong nước để dịch, quảng bá ra nước ngoài, đưa vào các sự kiện văn chương, đưa vào các thư viện của các nước trên thế giới, như một cách để khoe khéo sự giàu có tâm hồn người Malaysia, và còn là cách để phát triển trí tuệ các thế hệ tương lai. Cho dù cuộc sống có phát triển tới đâu đi chăng nữa, mà không chăm lo phát triển văn học, dịch văn học, xuất khẩu văn hóa qua con đường văn học, thì tâm hồn các thế hệ con cháu chúng ta hẳn sẽ nghèo đi, và đó là điều vô cùng khó cứu vãn.

Khi trở về Việt Nam sau chuyến đi giao lưu văn học tại Kazakhstan, nhà văn Xuân Đức đã vận động tài trợ để đầu tư dịch tác phẩm Người không mang họ của ông sang tiếng Anh. Ngay khi chưa chốt được tài trợ, ông đã nhiều lần liên lạc với tôi, khẳng định quyết tâm dịch tác phẩm, cho dù nhà tài trợ có thể chưa chốt được, thì ông sẽ bỏ tiền túi ra để thuê dịch tác phẩm. Tôi khâm phục sự can đảm cũng như sức làm việc của ông, dù tuổi đã khá cao, nhưng nhà văn Xuân Đức vẫn là một tên tuổi khá nóng trong làng viết kịch, viết văn, và ông có thu nhập khá từ nghề, nên đã dám mạnh dạn đầu tư dịch tác phẩm như vậy, coi như là một “tấm visa” văn học để tự giới thiệu và bước ra khỏi biên giới.

Qua giới thiệu của dịch giả trẻ Thùy Linh tại Hải Phòng, nhà văn Xuân Đức đã liên lạc được với dịch giả Phạm Văn Bình và thống nhất làm hợp đồng dịch tác phẩm Người không mang họ sang tiếng Anh. Việc dịch khá suôn sẻ, nhanh hơn so với dự định, nên đến ngày 29/11/2019, Xuân Đức vui mừng thông báo cho tôi biết, dịch giả Phạm Văn Bình đã hoàn thành việc dịch tác phẩm tâm huyết của ông. Ông gửi cho tôi bản dịch và nhờ tôi đọc giúp. Tôi nêu ý kiến, rằng cho dù tôi có đọc xong, thì trước khi xuất bản, cần có một biên tập viên bản ngữ biên tập bản thảo.

Đến khâu tìm biên tập viên bản ngữ thì chúng tôi gặp khó khăn. Do Xuân Đức không quen biết giới này nên ông nhờ cả vào tôi. Ông bảo, tôi thấy tin tưởng ai thì cứ nhờ người ấy biên tập, chi phí biên tập bao nhiêu thì ông sẽ trả. Lúc đầu, tôi chọn nhà văn Lady Borton. Nhưng tôi email cho bà qua một tuần, không thấy bà trả lời, thì đành bàn với Xuân Đức là chọn người khác. Cuối năm 2019, tôi gặp nhà thơ Bruce Weigl tại Hà Nội và ngỏ ý nhờ ông biên tập bản thảo tiếng Anh cuốn sách “Người không mang họ”. Bruce Weigl bảo tôi gửi qua email bản thảo để ông ước lượng công việc. Gửi bản thảo đi rồi, tôi báo với Xuân Đức và chúng tôi cùng phấp phỏng chờ đợi. Bruce Weigl là một nhà thơ cựu chiến binh, từng chiến đấu trong chiến trường Việt Nam, ông ấy hiểu cuộc chiến tranh này, và sẽ có thuận lợi khi đọc, biên tập tác phẩm Người không mang họ của Xuân Đức. Nào ngờ, chục ngày sau, Bruce Weigl cũng từ chối vì cho rằng tác phẩm lớn quá, mà ông thì lại đang có kế hoạch viết, xuất bản một cuốn sách của mình trong thời gian 2020.

Quả thực là lận đận với việc biên tập bản thảo dịch sang tiếng Anh đầu tiên của Xuân Đức, chúng tôi lại tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn biên tập viên Anh ngữ. Thêm vài trường hợp từ chối nữa vì bận, thì qua nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi được biết nhà văn, nhà báo James Borton. Qua một thời gian ngắn làm việc với James Borton, tôi thấy tin tưởng nên bàn với Xuân Đức là chọn J.Borton biên tập cho sách của ông. Xuân Đức lần nữa nhắc lại, rằng ông tin tưởng giao cho tôi lựa chọn biên tập viên Anh ngữ, vì ông không biết ai trong giới đó cả. James Borton ban đầu nhận việc ngay, nhưng sau nửa tháng lại bận một dự án khác nên xin lỗi không biên tập được. Tôi buồn đến mức không muốn báo tin này cho Xuân Đức nữa, nghĩ rằng ông đã tin tưởng tôi, giao cho tôi toàn quyền tìm biên tập viên cho cuốn sách của ông, thì tôi phải xử lý tình huống, không để ông bận tâm thêm nữa.

Nhà văn Xuân Đức nhận kỷ niệm chương và bằng chứng nhận tham gia “Diễn đàn các nhà văn châu Á” lần thứ Nhất

Trung tuần tháng 6/2020, sau khi nỗ lực tìm kiếm và thuyết phục, tôi đã tìm được người hợp ý biên tập bản thảo tiếng Anh cuốn Người không mang họ. Chưa kịp báo tin tốt cho ông, thì ông đã vội ra đi trong một tai nạn thật khó tin đối với tôi. Nhận tin dữ vào đêm 20/6, không chỉ choáng váng, tôi còn trằn trọc khó ngủ, tôi sẽ nói gì với người biên tập ở Úc? Tôi sẽ làm gì với việc dang dở của ông? Sao việc này lại lận đận đến vậy?

Nhưng thở than về mất mát này, về bất trắc này, về lận đận này, thì tôi cũng chẳng thể thay đổi được việc đã xảy ra. Tâm nguyện có chút “dấn vốn” để ngoại giao với bạn văn quốc tế của nhà văn Xuân Đức, tôi biết rõ, và tôi tự nhủ, sẽ làm đến cùng dù ông không còn nữa…

 


Có thể bạn quan tâm