April 26, 2024, 1:44 pm

Nhà văn Tô Hoài và câu chuyện Lên Sùng Đô

Người Dao gọi là “Phúc Thành” từ một Hiệu trưởng trường Suối Quyền. Dày nát mấy bộ quần áo, đá cắt mấy vết đau. Dân Suối Quyền đã bầu anh làm Bí thư xã. Rồi về nhận chức Trưởng Ban Tuyên giáo huyện. Sự chuyển dịch qua bao thăng trầm thời thế, Phúc Thành được dân yêu. Anh hiểu vùng Suối Quyền – Sùng Đô, đâu ở về phong trào sản xuất cây con, đường xá, mà anh hiểu dân Mèo, dân Dao đỏ ở Tầm văn hóa. Hiểu tâm trạng, ánh mắt con người.

Với chức danh mới, năm lần bảy lượt anh lên Sùng Đô bằng xe đạp, xe máy, có lúc bám vào đuôi ngựa vượt dốc. Khen cho con mắt tinh đời, và anh đã tìm được mạch nguồn của nhà văn Tô Hoài một lần đi qua, một lần ở lại với người Mèo. Phúc Thành là người “thêu hoa trên gấm” làm đẹp cho Sùng Đô. Anh cũng là người đã tìm được tập phóng sự “Lên Sùng Đô” của Tô Hoài viết về mảnh đất này.

Bài viết dưới đây là mấy chi tiết nhỏ anh cung cấp về nhà văn Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL

Sùng Đô – một làng Mèo nhỏ trên lưng núi quanh năm ủ trong mây trắng. Đường đi hiu quạnh, vắng vẻ. Tô Hoài độc hành lên Sùng Đô. Lúc ông đang dựa người vào thân cây ven đường, sau một trận mưa rừng, đợi mấy đứa trai gái Mông, dắt ngựa từ chợ Mường Lò ra, theo chân nó lên Sùng Đô. Trong câu chuyện chúng nói với nhau: Hổ đi tìm cái ăn. Bởi hổ đói, gặp người là đánh nhau với người. Hổ cũng sợ người chứ? Nhưng khi gặp tưởng người đánh nó nên nó gây sự… Hổ thường chui trong rừng sâu. Đêm khuya mới mò ra suối, vào nhà dân, cắp lợn. Ban ngày đói lắm mới ra khỏi rừng. Có thằng nói: Nhà cu Hỉn tối đến gài cửa kĩ, đêm cũng không dám nhóm lửa. Bởi em nó đã nhìn thấy Hổ nằm phục ở ngoài vách nứa từ chập tối. Chỉ cần con lợn chạy qua, con người đi tới, nó “táp” liền.

Tô Hoài – Nhà văn đã lăn lộn với Tây Bắc. Mỗi khi nghe tới chuyện hổ báo đều sợ. Câu chuyện trai gái Mông vừa nói làm ông chưa hết bàng hoàng. Tô Hoài mạnh dạn lên tiếng: “Nếu mọi người lên Sùng Đô, cho theo với”. Một thằng Mông mắt nhỏ, thấp đậm, rắn như thỏi sắt hỏi lại:

- Dám lên Sùng Đô à?

- Dám

- Lên Sùng Đô làm gì?

- Ăn rêu đá, bẫy chuột cùng chúng mày.

Chúng nó thấy vui cái bụng, đồng ý cho nhập bọn.

Sùng Đô – Làng Mây cách nhau 15km. Từ Quốc lộ leo núi hai mươi cây, mới đậu chân đến Giàng Pằng. Trước khi lên, Tô Hoài biết “Giàng Pằng cao chín tầng mây”. Ngày ấy mới có đôi ba mươi hộ người Mông. Nhà cửa như cái lá khô dán vào vách núi, trên dãy Yên Ngựa. Những ngôi nhà ánh lửa tự do nhất hoang sơ nhất tình cảm lại nằm sâu trong mắt mỗi con người. Ông Pằng (ông Tổ) người Mông ở Sùng Đô nghe đâu từ Sơn La sang. Ông chọn đỉnh cao nhất mà sống, cho nên gọi là Giàng Pằng (núi giời)… Trong cảm xúc ấy, Tô Hoài nhất định phải đến được Sùng Đô (Giàng Pằng).

Trong cảnh rét ngọt núi đá, và hơi núi phả ra ngùn ngụt xuống cánh đồng làng bản, nhiều lúc nhà nọ không nhìn rõ nhà kia. Người ta chỉ tìm ánh lửa là đến. Tô Hoài đã từng nói: “Đất nước và con người miền Tây để thương để nhớ cho tôi nhiều. Không bao giờ quên…”. Đúng vậy, hình ảnh đau thương và dũng cảm của người Tây Bắc lúc nào cũng có trong ông. Nhà văn đã trở thành người ngồi cùng bếp, ăn cùng chỗ, tắm cùng máng với trẻ Mông.

Ông lên Sùng Đô trong tâm tưởng ấy. Ông đến đó đâu phải chỉ để “ba cùng”. Đến để nhập hồn nhập cốt với nhân vật của mình, đến được “Chống bla” (rừng vắt). Hàng ngày đi vác củi, chiều cõng nước, lúc đào chuột, bẫy cáo, bắt cá suối, cùng ăn rêu đá, ăn thịt ngựa luộc không muối, nhai bọ hung xào với người Sùng Đô.

Trong tập phóng sự Lên Sùng Đô, Nxb Phổ thông in năm 1969, ông đã cho bạn đọc biết “Mùa thu 1952, ông theo đơn vị chủ lực từ sông Thao vào vượt đèo Khau Vác xuống Sùng Đô, tiến qua Nậm Mười giữa ban ngày, rồi ra cánh đồng xuống giải phóng Nghĩa Lộ”. Ngày ấy núi non thường là cỏ tranh mọc vàng úa. Gió thổi, ngọn cỏ tranh như mái tóc rẽ ra trông thấy đứa trẻ Mèo trần trụi, đứng dưới gốc chè. Những đôi mắt thơ dại của trẻ thơ như soi sâu vào lòng nhà văn. Dưới chân núi chưa có ruộng thường là những đồi tranh, vồng cỏ lút bùn. Cảnh tình đường đất khó khăn, từ rừng quế Sài Lương, lên Tà Hùa, trụt chân xuống Sùng Đô. Nhiều lúc đoàn quân phải dừng lại, khiến cái nồi, cái chảo của anh nuôi va vào cây rừng vang tiếng “coong coong”.

*

Xuân 1965, lần thứ hai Tô Hoài tìm về Sùng Đô. Nằm trên chóp núi, ẩm ướt, mắt nhà văn đi theo sau mấy thằng Mèo nom rõ vết móng con nai vừa “thục” xuống, bùn non văng lên lá cỏ ướt bóng nhẫy… Bọn trẻ con đưa ông vào nhà Giàng Trờ Kì, Chủ tịch xã. Sang xuân rồi! Tô Hoài thấy rét cứ thon thót.. Đang nói chuyện, Trờ Kì hỏi Tô Hoài:

- Cán bộ có biết người Mèo ở Sùng Đô, chỉ biết làm “nương phát”, chọc lỗ bỏ hạt. Người Mán xưa nay ghét Mèo. Nó bảo không cho thằng Mèo xuống núi làm “nương cày”. Thù quá! Nên dân Mèo “chôn” chân trong núi ăn củ mài sống. Sống chết nào ai biết? Hàng ngày úp mặt xuống nương phát cỏ, thả ngô thôi!

Hai dân tộc đi nghe thằng xấu thù nhau, Mán thả thuốc độc vào nhà Mèo. Mèo thả ma vào nhà Mán…

Tô Hoài đi theo Chủ tịch Trờ Kì lên Ủy ban. Chủ tịch đến Trưởng xóm A Thào cũng có mặt… Tô Hoài theo A Thào về Giàng Pằng, ngồi họp xóm, nghe họ bàn cãi. Nghe A Thào nói làm nương cày, cấy lúa nước, trồng sắn trên núi. Họ đâu tin. Một người già Mèo nói thủng thẳng: “Ở núi trời này, chỉ biết phát nương thôi!” Thế rồi bọn họ bỏ đi bói quẻ, lặn lội đến núi khác xem người Mán – người Dao có làm được lúa nước không? Có người nói: “Chính phủ không bằng ông Trời đâu?”

Tô Hoài cùng A Thào bàn nhau phải kiên quyết làm nương cày. Tô Hoài phân tích với A Thào. Tính nết mỗi con người đều có nguồn gốc. Không cố chấp với họ. Cứ làm “nương cày” đi, có lúa ăn. Thế nào họ cũng theo.

A Thào bảo: “Sùng Đô – người Mèo gọi là “Suối sâu”. Suối sâu, nước chảy trong vắt như lòng người. Người Mèo trung thực đi theo chế độ, tin vào chế độ, thì trước sau cũng tin vào người của Đảng. Ngày xưa Pháp lùng sục, người Mèo chạy cả vào núi sâu, không gặp người của Đảng không về… Sùng Đô, nó như cái tổ con chim, treo chót vót trên núi, giam cầm bởi cây rừng, và suối sâu, khó ai đến được thì cây sắn, cây lúa nước cũng khó trụ được. Đến ngay cây chuối trồng, người già vẫn không tin. Nó bảo: “Chuối sao chịu được sương muối gió bấc”. Vì lẽ đó nên cái đói, cái khổ cứ đeo đẳng người Sùng Đô.

Tô Hoài ngồi nghe, tay nhà văn vặn vặn cây củi. Lửa bùng cháy to hơn, câu chuyện càng thân mật. Ngoài kia sương xuống đẫm quá. Cái bếp lửa nổ lép bép gợi nỗi cô đơn của người Mèo.

Tô Hoài bảo. Khó nhọc cũng phải làm thôi!

Một người Mèo bước vào, nói: - Trông mặt cán bộ giống anh em người Mèo. Từ xa xưa tổ tiên người Mèo đi khắp nơi. Có khi cán bộ cũng là gốc Mèo đấy.

Tô Hoài mủm mỉm cười: Thế là anh em nhà “Giàng” gặp nhau rồi.

Thằng vừa nói là A Súa. Nhà nó xa lắm. Có con sông chảy, gọi là sông Đà. Hay Đà Bắc thì phải. Bỏ đi mấy nơi. Giờ lại tìm về Sùng Đô (Quê tổ). Cái khói bếp nhà thằng Mèo ám cả vào quần áo, lên đầu lên tóc lẫn cái mùi “mèm mém” chua chua ngấm vào đời mỗi con người. A Súa cười nói với Tô Hoài:

- Mày có đi với tao lên rừng đốt than, về thổi bễ đúc lưỡi cày, làm “nương cày” không?

- Tốt quá! Tao đi. Mày cũng nhất trí làm “nương cày” với A Thào à?

- Làm chứ! A Thào là đảng viên, nó nói chỉ có đúng thôi.

Tô Hoài nhìn sâu vào đôi mắt A Súa, chứa đựng bao nhiêu niềm tin… Hai người ngồi chung bếp lửa bỗng trở nên thân thiết. A Thào kéo ghế ngồi cạnh Tô Hoài nói vui: “Người Mèo từ nay không đi đâu nữa, ở lại đây với cán bộ Khai, với Tô Hoài. Người Sùng Đô đã trở thành người khác rồi”…

Sau buổi đó, Tô Hoài đi theo người Mèo xắn đất đắp bờ làm ruộng. Bàn với A Thào xuống bản Gioòng (Sơn Lương) gần Quốc lộ 32 gọi người Thái lên giúp. Nà Nọi đất rộng người thưa. Người Thái cho 12 gia đình lên chỉ việc. Sau họ xin ở lại cùng với dân Mèo…

Nhà văn vẫn lặng lẽ đi trong rét buốt tìm hình ảnh con người Sùng Đô. Cảm hứng ấy ông đã viết: “Giàng Pằng cao chín tầng mây/ Bên kia làng Mảnh, bên này Nậm Ni” (Nậm Ni là Nậm Mười). Làng Mảnh – Sùng Đô là một. Ông viết câu đó lúc vác ba cây vầu nước từ suối về (vác nước người Mèo gọi là Đề Cừ). Ông đã cùng những đảng viên ở đó trưng lên bức tranh dân tộc Xã hội chủ nghĩa trong hào khí cả nước chống Mỹ. Tô Hoài kể trong Phóng sự Lên Sùng Đô: “Năm sau cái nương lúa sắp chín bông mẩy trĩu đầu, vàng rượi”. Người Sùng Đô đã thấy no ấm, con chó nhà ai cứ ủng oẳng đùa với trẻ. Khói bếp mơ màng, bí đỏ, bí ngô, chuối chín, chim về ăn. Người ta cùng nhau lên núi hai tay rung rung khóm sắn lôi cả đống củ bám theo đất to quềnh to quàng rồi đốt lửa nướng ăn ấm bụng…

Cái năm được mùa ấy. Theo gợi ý của Tô Hoài chuyển Ủy ban xã xuống Nậm Mười, ở đấy có nước, có ruộng, dân đông. Mây dưới đó hình như cũng mỏng hơn trên Giàng Pằng. Thi thoảng có anh cán bộ giao thông cưỡi ngựa đưa công văn giấy tờ từ bản Gióng lên, qua nhà Bí thư Khai rồi sang Nậm Mười vào nhà A Thào.

A Thào cho mở lò rèn tại nhà Vàng A Súa, sau đó cho thành lập Hợp tác xã ở Giàng Pằng. Phong trào làm lúa nước ở Sùng Đô ngày càng phát triển. Dân Mèo “hạ sơn” ngày một đông. Hợp tác xã Sùng Đô được tỉnh và trung ương biết. Năm 1966 Bác đã gửi tặng Giàng A Thào một con ngựa, một chiếc yên với lời nhắn nhủ “Giàng A Thào dùng ngựa để đi vận động người Mèo hạ sơn, định cư làm lúa nước”.

Theo lời kể của Giàng A Sùng, con trai thứ 4 Giàng A Thào. Khi về Hà Nội, Tô Hoài có viết thư tay dài hai trang gửi cho A Thào (hiện A Sùng là Chủ tịch Hội đồng Nông dân xã). Trong lá thư, Tô Hoài có viết bài hát ca ngợi Sùng Đô, trong đó có câu “Nắng lên rồi! Họa mi hót chào/ Núi Sùng Đô ánh sao sáng ngời/ Đây có Giàng A Thào anh hùng/ Lời bao mến thương…”

Cụ Giàng Ảng Pa cho biết thêm, chẳng biết thư ông Tô Hoài viết gì. Sau đó A Thào sang bên phố Bảng, Đồng Văn vận động đồng bào Mèo hạ sơn làm lúa nước như bên Sùng Đô. Nếu đúng vậy, thì công nhà văn vận động đồng bào Mèo xuống núi đâu nhỏ?

A Thào trở thành anh hùng. Bác Hồ kí ngày 01/01/1967 nghĩa là sau hai năm Tô Hoài lên Sùng Đô. Sau đó anh được đi Liên Xô…

*

Sau bước chân Tô Hoài, quả núi Văn chương leo dốc lên Sùng Đô. May mắn tôi được theo anh em Văn Chấn, đi xe, đi ngựa, cuốc bộ mấy vòng núi lên Sùng Đô. Chủ tịch – Bí thư Sùng Đô Cứ A Sùng nói: “Có những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh suốt một nhiệm kì “bận mải” chưa lên với người Mèo Sùng Đô. Chỉ có bà Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy năm 2018 bơi vào đây trong khi lũ quét, nước ngập táp núi, trắng non ôm dân khóc. Còn Chủ tịch tỉnh Đỗ Đức Duy và Bí thư Văn Chấn Chu Đình Ngữ trụ lại 5 ngày với dân Sùng Đô để khắc phục hậu quả sau lũ”.

Cây gậy chống của nhà văn là nhân dân. Người Mèo Sùng Đô vẫn nguyên sơ như nắng như gió miền Tây. Đất Sùng Đô ấm bước chân Tô Hoài. Cái seo cày Sùng Đô, Tô Hoài nắm đi “cày nương”. Cán cuốc, cán dao người Mèo, Tô Hoài đã dùng tạo ra cảm xúc về Sùng Đô mãnh liệt… Đất và người miền Tây để thương để nhớ cho Tô Hoài. Ông đi với tâm thế của người viết “cắm bản”, nhấm từng củ gừng, cắn cùng quả ớt với anh Mèo. Ông thuộc lòng những câu ca dân tộc: “Đã yêu nhau chẻ cây chuối làm đuốc cũng cháy” hay “Quả ớt dẫu cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dẫu ngọt cũng bỏ vỏ đi”. Hiểu Sùng Đô, nhận ra có nhiều người giỏi để nhân dân tin cậy như Vàng Trờ Kì, A Thào, Cứ Thào, Vàng Thào… làm nên những điều tốt đẹp.

Hôm tiễn nhà văn xuống núi. A Thào bảo: “Mười năm sau, Sùng Đô sẽ khác”. Câu nói ấm áp thơm như mùi gỗ thông cháy ở bếp nhà A Thào.

Một quãng thời gian hơn nửa thế kỷ (1965-2020), Sùng Đô đổi thay gì? Vẫn không đường, không chợ, không điện nước. Chưa có mấy ai vào đại học. Điều ấy làm ta suy nghĩ… Bởi thiếu người “Làm trước cho dân xem”, hay thiếu “người tài giỏi” như A Thào?

Mắt tôi nhìn hắt lên con đường độc đạo nhỏ như rắn lượn, thăm thẳm bóng người con gái Mèo địu con lên dốc.

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Có thể bạn quan tâm