April 27, 2024, 11:45 am

Nhà văn Đoàn Tuấn: "Chiến tranh không chỉ là những đoàn quân ra trận..."

 "Dưới những nấm mộ kia không chỉ có một người lính ngã xuống, mà còn có trái tim những người thân yêu cũng đã chết theo họ..." - nhà văn Đoàn Tuấn

Nhà văn Đoàn Tuấn vừa có buổi ra mắt tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt xúc động và ấm tình đồng đội, vào sáng 9/4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Sau Đất bên ngoài Tổ Quốc (thơ, in chung với nhà thơ Lê Minh Quốc), Mùa linh cảm, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi và Mùa chinh chiến ấy, một lần nữa nhà văn Đoàn Tuấn lại viết về chiến trường K.

Cuốn sách gồm 31 chương, dày gần 300 trang, nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành

Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt là cuộc trở lại chiến trường xưa của người cựu chiến binh tên Ánh, trong hình ảnh của một nhà sư với pháp danh Phteah Saniphap (nghĩa là Ngôi Nhà Hòa Bình). Ông đã đi hành hương dọc biên giới, về lại những nơi từng là chiến trường khốc liệt để cầu nguyện, cầu siêu cho linh hồn đồng đội đã hy sinh, những người dân vô tội..."Tôi vẫn luôn ước có lễ cầu siêu thật lớn mang tầm quốc gia để cầu nguyện cho những linh hồn của đồng đội chúng tôi vẫn còn nằm lại bên ngoài Tổ quốc. Với suy nghĩ đó, tôi đã để nhân vật của mình trở lại chiến trường xưa, đi cầu siêu cho cả những người Việt đã mất từ những năm 1970, cho những người lính ở bên kia chiến tuyến, người Chăm, người Hoa, người Thái Lan... đã nằm lại với đất trong cuộc chiến.

Dưới những nấm mộ kia không chỉ có một người lính hy sinh mà còn có cả trái tim những người thân yêu cũng đã chết theo họ. Tôi đã đi rất nhiều nơi, gặp lại đồng đội và gia đình đồng đội đã hy sinh, có biết bao câu chuyện, bao nỗi đau mà người ở lại phải gánh chịu, phải trải qua suốt cả cuộc đời" - nhà văn Đoàn Tuấn xúc động nói.

Trong hồi ký Mùa chinh chiến ấy, ông khiến người đọc bật khóc khi kể câu chuyện về vợ một người lính, khi gặp ông đã hỏi: "Anh có biết đầu của chồng tôi ở đâu không?". Một nỗi đau không thể có câu trả lời khi thân xác người chiến sĩ tình nguyện ngã xuống trên đất bạn không còn nguyên vẹn.

Còn trong Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt là một câu chuyện đau lòng có thật khác, về người cựu chiến binh ở Lai Châu cứ hết lần này đến lần khác la hét, đập đầu vào tường. Chiến tranh đã qua đi nhưng di chứng của những ngày chết chóc, khốc liệt ấy vẫn mãi mãi ở lại trong ký ức, trái tim người lính.

"Chiến tranh không chỉ là những đoàn quân ra trận; những bản tổng kết rực rỡ hay những huân, huy chương rạng ngời. Đối với người lính, họ nhìn chiến tranh bằng cặp mắt khác. Họ soi rõ ngọn ngành từng vụ việc, từng cái chết, từng lần chết hụt, từng chuyện đau lòng. Và chỉ có những người lính chiến mới có thời gian và tâm trạng nhìn từng sự việc nhỏ như vậy" - nhà văn Đoàn Tuấn viết.

Nhà thơ Lê Minh Quốc - là đồng đội năm xưa của nhà văn Đoàn Tuấn - nói rằng, có những người phải gánh lấy sứ mệnh buộc phải đến một nơi nào đó, tham dự vào đó để về sau ghi chép lại với tư cách là chứng nhân. Và, Đoàn Tuấn chính là người ấy. Ông đã viết rất nhiều về cuộc chiến tranh vệ quốc biên giới Tây Nam năm 1979 nhưng vẫn không hết về ký ức, nỗi đau, những câu chuyện, ám ảnh và day dứt...

Với Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, nhà văn đã chọn cách đồng hiện giữa quá khứ - hiện tại và cho nhân vật một hành trình trở lại với ý nghĩa cao đẹp nhất. Nói như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, cũng từng là lính tình nguyện tại chiến trường K.: "Sau một cuộc chiến, không có gì ý nghĩa hơn một tiếng kinh cầu".

Trong số những cựu chiến binh có mặt chia sẻ cùng nhà văn trong buổi ra mắt sách, có những người năm xưa đã từng suýt chết trong gang tấc, có người đã từng tự tay khâm liệm, chôn xác đồng đội... Ngày hôm nay, những người lính của một thời cùng nhau hát Màu hoa đỏ, đọc những bài thơ dành tặng đồng đội, cùng nhắc lại những ngày chinh chiến, cùng tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. "Đất bên ngoài Tổ Quốc/Thương bạn còn nhói đau...".Một cuốn sách viết ra không phải có ý nghĩa là tác phẩm mới cho sự nghiệp mà với nhà văn Đoàn Tuấn, đó như một nén tâm hương tưởng nhớ. Trước và sau khi bắt tay vào mỗi bản thảo viết về chiến trường K., ông đều thắp hương tưởng niệm đồng đội. Người chiến sĩ thông tin D8-E29-F307 từng mang trong ba lô cuốn Truyện Kiều trên đường hành quân qua biên giới năm xưa nay đã bạc mái đầu. Đồng đội của ông cũng vậy. 

"Có những câu hỏi không ai muốn trả lời. Có những câu chuyện buồn không ai muốn gợi lại. Nhưng một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái. Một thái độ sống chân chính đòi hỏi chúng ta phải sống kỹ với từng chi tiết của quá khứ, của ký ức" - trang viết như một lời giãi bày và lựa chọn viết của nhà văn.

Song Giang 

Nguồn PNO 


Có thể bạn quan tâm