April 27, 2024, 8:44 am

Nhà văn Anh Động - chứa chan hồn Việt

 

Tôi được gặp nhà văn Anh Động lần đầu thế này:

Đầu năm 1981, tôi đi cùng một số tác giả sách giáo khoa cải cách giáo dục cấp I vào Nam Bộ tìm hiểu việc sách đang được dạy thử, ý kiến giáo viên, học sinh ra sao... Chập tối đến Rạch Giá, nhấp nhổm ngồi, lò dò đi qua rạch, tìm nhà anh em, mà không nghĩ đây là thị xã. Sáng hôm sau, nghe nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể: Văn nghệ Kiên Giang đang ở giai đoạn hình thành, tụ hội. Ở đây có ông Việt Tùng, bút danh Anh Động lắm vốn, đang viết...

Gặp ông Việt Tùng nghiêm ngắn như một công chức, nghe ông Anh Động dè dặt nói kể, tôi ngờ ngợ như đã gặp ông ở đâu rồi. Nhưng ông là người kiệm lời, chỉ có ánh mắt là hồ hởi "nói" nhiều. Ông hỏi: Mấy anh vô cực Tây Nam Bộ nầy, chịu được chớ? Hỏi, mà như dẫn gợi, mời mọc, tôi nghĩ thế. Mấy tháng sau, anh Nguyễn Khoa Đăng gửi cho tôi tờ Tạp chí Văn nghệ Kiên Giang, trong đó có bài thơ tôi ngẫu hứng, đại ý:

Đêm Kiên Giang nhập nhòa ánh điện

Tiếng dân ca xen lẫn nhạc Jazz

Trời âm âm chuyển dần sang mùa hạ

Nhận ra đây một vụng biển nhà...

Sau lần ngẫu hứng thơ ở Rạch Giá, Kiên Giang ấy, tôi có lý do để nhận ra: Là nhà văn, cũng như ai, Anh Động rất giàu cảm xúc và cũng có nhiều phút phiêu bồng chỉ mình tự biết tự hiểu cho mình..., nhưng khi ở vai trò người quản lý, thì ông rất tỉ mỉ và có nguyên tắc.

Nhà văn Anh Động chào đời năm 1941. Ông từng kể: "Tôi được sinh ra trong rừng U Minh (...), chưa kịp lớn lên thì tôi đã nếm mùi chiến tranh. Rồi tôi bắt đầu tham gia cuộc chiến tranh cứu nước. Nhiều lần quân thù làm cho tôi đổ máu thể xác lẫn đổ máu tâm hồn trên mảnh đất này. Tuổi thơ của tôi không được học ở một trường cấp I nào. Nhưng được học qua cuốn vần A, B, C và lời ru, lời kể chuyện "đời xưa" của mẹ. Những năm tham gia cuộc chiến, tôi nâng súng ngắm theo định hướng của mẹ, tôi cầm bút viết theo lời ru của mẹ..."

Còn nhớ là khi tham gia làm tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội Nhà văn, 1997, tái bản bổ sung vào các năm 2007, 2010), khi đọc mấy dòng trên của Anh Động, có người ngờ ngợ nói: Ông Anh Động mà viết bóng bẩy thế à? Tôi thưa: Nhà văn Anh Động viết tiểu thuyết Ven rừng tràm (1978) và các truyện Bóng núi Tô Châu, với Bên hàng Cù Oanh được giải thưởng.... nhiều người đã biết, ông còn là tác giả của hai tập thơ Sang sôngTóc nữa đấy.

Nhớ nghĩ lại chuyện nhỏ mà có ý nghĩa đáng kể của một cuộc đời này ở Anh Động (và một số nhà khác, người khác), tôi cứ băn khoăn: Cái vẻ ngoài của các ông các bà này đã làm "người đời" nhầm lẫn chăng? Hay là chúng ta đã thiếu sự điềm tĩnh mà đọc mà ngẫm, lại thiếu điều kiện mà trò chuyện, bạn bầu với bao nhiêu người đang cặm cụi và hăm hở nghĩ rồi viết kia?

Sự xa ngái về không gian địa lý, và nhất là sự yếu kém của việc tổ chức xuất bản - lưu thông sách đã tạo thêm ra cơ sự vậy chăng? Nhớ Anh Động, tôi cũng nhớ đến rất nhiều rất nhiều văn thi gia ta ở miền núi cực Bắc, và ở ngay tại miền Trung nữa... Chúng mình ít gặp nhau quá?... Thôi thì chưa vồn vã hay trầm tư với nhau ở một căn nhà, một bãi cây, một góc vườn, một mảng sông nước giữa nắng hay trong mưa ở đâu đó, ta tìm đọc nhau thôi, được không?

Đọc truyện (và thơ) của Anh Động, tôi dần dần nhận ra: Anh Động là một phong cách văn chương rặc Nam Bộ, rất riêng có của vùng đất phương Nam này, mà nhờ thế, ông có đóng góp cho sự phong phú, đa dạng của văn xuôi Việt hôm nay.

Đây là một đoạn kể và tả ngày Dũng trở về nhà sau ba năm đi bộ đội, bắt đầu là lời bà Sa Ngôl:

" - Lâu nay mầy được ăn gì mà cái vai mầy bự như con bò, cái thịt mầy chắc như cục đá núi Dài vậy, con - Bà chặm nước mắt, nói tiếp - Con Sa Rin nó trông mầy đến mòn cái đỉnh núi Tô, thằng Sa Đun nhắc mầy như con gà nhắc buổi sáng vậy, con ơi!

Thằng Sa Đun chạy lại câu ngang hông Dũng như dây trầu bám cây cau, Sa Rin đứng lựng bựng chỗ đầu võng mà nhìn Dũng đến nước mắt tuôn ra. Thằng Sa Đun lột nón, lấy súng Dũng mang vào...

... Sa Rin cười, hai má bóng lên như hai trái măng cụt chín, cái miệng bày ra hai hàm răng trắng hột bắp đều bân. Cái vai, cái vóc Sa Rin đã đủ sức con gái rồi. Dũng thấy Sa Rin đứng nhìn anh như một con sóc nhìn vào buồng chuối chín vậy. Dũng nghe trong ngực mình có cái gì cựa quậy êm êm..."

Bạn đọc nào "tỉnh thành" và kinh viện quá, sẽ thấy cồm cộm khi đọc văn của Anh Động ở đoạn trích này, bởi lối viết có vẻ thô mộc quá, mà ví von thì Khme Nam Bộ quá lại loáng thoáng như người vùng cao ở Tây Nguyên. Nhưng với số đông người đọc khác, thì họ lại nói: Tôi chưa được vào Nam Bộ nhiều, đọc mấy dòng này, tôi nhận ra sự khác biệt hay hay, như được đi du lịch một chút...

Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết của Anh Động, tôi bắt gặp rất nhiều lần thứ ngôn phong "như lời nói thường" mà không rề rà, trái lại, rất vừa đủ cho một đoạn trong một phần, một chương truyện. Như thế, đủ biết là tác giả đã từ sự chọn lựa chi tiết, sắp xếp các chi tiết theo một cấu trúc hợp lí, chặt chẽ của tay nghề viết truyện có hạng. Một chiều mùa hè ngồi với nhà văn Lê Văn Thảo ở Đồ Sơn, tôi đã nói như vậy. Nhà văn nói với tôi với giọng trầm trầm: Mầy nên vào Nam Bộ, Nam Bộ lục tỉnh mà sống... Sao vậy anh? Trong ấy nhiều tay viết giỏi mà ít người đọc họ quá... Ừ, thì cũng thiệt thòi cho anh em, mà nói cho cùng, cũng là cái lỗi, cái thiệt cho văn học cả nước nữa. Chừng như hiểu ra là tôi đang muốn nghe nữa, Lê Văn Thảo nói tiếp: Văn xuôi như truyện của Anh Động cũng có lúc rề rà đấy, nhất là ở truyện dài và tiểu thuyết, nhưng... Tôi nói xen: Nhưng đấy không phải là thứ rề rà khoe kiến thức dân tộc học hay độn văn hóa phong tục, phải không anh? Mầy nói đúng, nhưng nói riêng cho những thằng ham học, có chí với nghề viết thôi nghe, nói với bọn tập làm văn gia thích được khen, chúng nó đánh cho đấy. Rồi ông cười cười, mà nhìn vào mắt ông, tôi cảm thấy có một nỗi buồn buồn, lo lo.

Gần đây, tôi thấy Anh Động đi lại đã chầm chậm, ông như có vẻ ngại giao tiếp, tôi lại càng thắc thỏm với cái nỗi buồn buồn lo lo mà Lê Văn Thảo đã gieo vào trí tâm mình. Có phải là ở hai tác giả đặc sắc của văn xuôi Nam Bộ cuối thế kỉ XX này đã rất hiểu nhau? Có sự liên thông liên tưởng liên hệ tự nhiên với nhau từ lâu? Chỉ có điều khác: Lê Văn Thảo dường như được đọc nhiều hơn, nổi tiếng hơn.

 

Nhà văn Anh Động kể chuyện bác Ba Phi

 Bác Ba Phi, ông Ba Phi, chuyện Ba Phi... là một trong những cụm từ mà ai ai từng ở Nam Bộ hay đi qua Nam Bộ đều hay nhắc đến, rồi kể tiếp đôi ba chuyện. Nghĩ và, nói theo lối miền Trung, thì bậc cao niên thông tuệ lại còn vui rộn như ông Ba Phi, mọi người hay gọi là cố Ba Phi (tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, mất năm 1964). Cố Ba Phi quả là một tay kể chuyện dân gian kỳ tài kiệt hiệt vô song, để ai cũng có thể kể theo và bình luận mãi.

Nhưng tại sao chỉ có nhà văn Anh Động viết lại các chuyện mà cụ cố Ba Phi đã kể hơn nửa thế kỷ trước đó?... Thấy hay và có ích thì kể lại thôi, nhà văn Anh Động có lần trả lời với tôi, ngỡ như rất bâng quơ và đơn giản như thế. Tôi ngẫm ra: Chất của Anh Động là ở cái ngỡ như bâng quơ này. Ông cũng từng tự thuật chơi chơi là: "Đến 30/4/19975 tôi mới biết thế nào là chỗ ở của mình có điện và có lộ xe... với vốn chữ không đầy lá mít, tôi phải viết gì đây trong thời bình? Trăn trở 20 năm tôi vẫn không "ngồi dậy" nổi. Chắc có lẽ những ngày còn lại, tôi dành dúm chữ của mình ghi lại những gì mắt thấy tai nghe của thời thơ ấu xung quanh khu rừng U Minh của mình vậy. Mỗi cuộc đời đều có mang số phận khác nhau. Thôi thì đành vậy. Đôi dép mang dưới chân đây nó cũng có mang số nữa là..."

Hình như nhà văn Anh Động không bận tâm nhiều đến những bàn bạc khái luận về văn chương. Ông tự biết mình, nên tự định hướng viết cho mình, là "ghi lại những gì mất thấy tai nghe" bằng vốn chữ nghĩa "không đầy lá mít". Anh Động đã dợm chân bước vào gian nhà lí luận bằng cái tư thế làm chủ pha chút tự trào ngang ngang và không gây ra trái ngược cự cãi gì. Có phải đấy cũng là một chút cao minh của kẻ sĩ trong buổi lắm đua chen không nữa đây?

Từng ngụp lặn trong dòng sông tố cộng diệt cộng tàn khốc thời Mỹ - Diệm, nhà văn Anh Động có điều kiện hơn nhiều người để hiểu biết đến tận cùng những gian khó và cả những bao la sâu thẳm của tình đời nghĩa nước. Truyện của ông vì thế mà rất nhiều chi tiết thực, làm người đọc rưng rưng, khi lại uất nghẹn bừng bừng. Yếu tố nguyên mẫu tự truyện trong sáng tác của ông cũng khá rõ. Trong nhân vật một thanh niên bị giặc tra tấn bầm dập mà vẫn kiên gan ở truyện ngắn kia, với một nỗi hờn căm và khinh khi kẻ thù gian xảo tàn độc trong truyện Bên hàng Cù Oanh ấy..., ta thấy thấp thoáng Nguyễn Việt Tùng nữa. Nhà văn Anh Động quả đã không chỉ viết về những chuyện ông nghe được, thấy được, mà bằng cả sự từng trải, từng chứng nghiệm của riêng mình.

Truyện của Anh Động cũng có nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm thì thường lung linh hơn thực, và đôi khi, cũng xa xót hơn sự thật… Mỗi khi nhớ lại những đoạn văn phục dựng cảnh sinh hoạt văn nghệ dân gian của đồng bào Khme Nam Bộ nói riêng và của đời sống bình dân Nam Bộ nói chung trong văn xuôi của Anh Động, tôi muốn cho rằng truyện và tiểu thuyết của ông không chỉ được nhớ lâu nhờ vào bức tranh hiện thực kháng chiến đau thương và anh dũng, mà còn do qua đó, ông đã giúp bạn đọc hiểu thêm rằng: Nam Bộ mến yêu còn là một vùng văn hóa giàu bản sắc ở mỗi ngôi nhà, trong mỗi con người một cách cụ thể và sinh động.

Trở lại với băn khoăn tại sao Anh Động lại kể chuyện Ba Phi hào hứng và hấp dẫn như thế? Tôi đồ rằng: Bởi Anh Động đã nhập vào Ba Phi rất tự nhiên rồi.

Vả chăng, cũng có điều cần nói thêm là: Thật ra, mấy chục năm qua, đã có rất nhiều người kể chuyện, học chuyện bác Ba Phi, nhưng Anh Động kể, thì người ta coi là Ba Phi thứ thiệt - có trào lộng và phóng đại, có cười nghiêng ngả cho vui vẻ hết mực hồn nhiên để ngày mai lại hào hứng mà làm lụng giữa đồng sâu ngập hay giữa rừng giữa bãi minh mông..., lại cũng chứa ngụ bao ý bao tình. Chuyện Ba Phi qua Anh Động, lại cũng là một dạng thức "thay lời muốn nói" thời nay.

Mấy ngày này tôi đang được ngập trong ngôn từ hình ảnh chữ nghĩa của văn xuôi Anh Động. Lại có chút liên tưởng: Nhà thơ Trần Hữu Thung từng làm sách Từ điển tiếng Nghệ. Nếu ta làm Từ điển tiếng Nam Bộ, hẳn rất nên lấy tác phẩm của Anh Động và một số nhà văn nhà thơ khác làm cứ liệu. Riêng Anh Động có thể nói là ngôn phong Nam Bộ trong tác phẩm của ông, là sự sống tươi ròng, lại cũng đã là một sự chưng cất.

Văn và người Anh Động là văn và người cực Nam Tổ quốc ta chứa chan hồn Việt.


Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm