April 26, 2024, 10:45 pm

NHÀ TRƯỜNG, NHỮNG ĐIỀU CẦN NGHIÊM TÚC XEM LẠI

 

Vào khoảng trung tuần tháng 5, các nhà trường từ Mẫu giáo đến Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trong cả nước đều tất bật lo cho việc tổng kết và khen thưởng cuối năm học, kết thúc một năm học đầy nổ lực, cố gắng của thầy và trò và cũng không kém phần vui tươi phấn khởi vì kết quả mỹ mãn, vượt chỉ tiêu thi đua của trường và của ngành đề ra...

Thử lướt qua một vài báo cáo của trường Y. Trường X. Thuộc xã nọ, huyện kia, từ miền xuôi đến miền ngược, mọi người đều hoan hỷ, hài lòng, cho chất lượng “ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước...” với tỉ lệ học sinh học Khá, Giỏi bao giờ cũng chiếm khoảng... 7, 80%. Học sinh Trung bình chừng 18%, số còn lại là Yếu, khoảng 1 hay 2%? Cá biệt có lớp học mới đây ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh, sỹ số 43 em thì có... 42 em đạt loại Giỏi còn lại 1 em là Khá… Và cứ thế, các con số tròn trĩnh, đáng yêu ấy cứ báo cáo về Phòng, rồi Sở, rồi Bộ. Tất cả đều phấn khởi với chất lượng của năm học, càng phấn khích để đề ra những chỉ tiêu cao hơn cho năm học tới!

Việc chạy theo “chỉ tiêu thi đua” đã có từ rất lâu trong toàn ngành Giáo dục ở nước ta, trong đó có nhiều mặt. Ở bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề Chuyên môn, tức chất lượng giảng dạy, thông qua kết quả học tập của học sinh được đánh giá và Tổng kết định kỳ vào từng học kỳ và cuối năm học. Điều gì đã xảy ra trong thực tế của các nhà trường? Bởi cho dù cùng một chương trình học, nhưng tùy thuộc rất lớn vào các điều kiện như vùng miền, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngủ giáo viên, hoàn cảnh kinh tế của những gia đình học sinh v.v... nên không thể đánh giá chung hay cào bằng như nhau. Vì vậy để đạt “đủ chỉ tiêu” hoặc “vượt chỉ tiêu” thì chỉ có... ép buộc, nhồi nhét, không xong thì... dễ dãi đến tùy tiện. Tùy tiện sửa điểm, nâng điểm, cho điểm khống, để được “bằng chị, bằng anh” mà không phải bị kiểm điểm hay tụt hạng thi đua. Số học sinh đạt loại giỏi ngày càng nhiều và càng cao, là niềm tự hào của nhà trường lẫn cả cha mẹ, cứ nhìn học sinh đứng xếp hàng “lĩnh thưởng” cuối năm mà... mừng và lo? Bởi đâu có nhiều phần thưởng để phát, có trường vận dụng... “Phụ huynh hóa” theo kiểu yêu cầu phụ huynh mua phần thưởng vào cho nhà trường phát, hay như một Phòng Giáo dục nọ ở ngay trung tâm Thủ đô Văn vật, phát thưởng cho học sinh giỏi tiêu biểu, chỉ có... 1 cái hộp và tờ giấy, khiến hụ huynh phải bức xúc đưa lên Facebook? Kết quả nhiều năm nay, hàng năm, hể trường nào “nằm trong tầm ngắm” có kiểm tra, sẽ lòi ra học sinh học đến lớp 4 lớp 5 mà viết chữ “chưa chạy” hoặc đánh vần không thông, tương tự ở bậc học Trung học Cơ sở hay Trung học Phổ thông, vẫn có trường hợp học sinh “ngồi nhầm lớp” hay xếp loại giỏi, nhưng đi thi Tốt nghiệp thì bị hỏng v.v... khiến dư luận gần đây rất bức xúc.

Các hệ lụy của Thi đua, còn dẫn đến sự suy thoái về giá trị đạo đức của người thầy như... mua bán điểm, dối trá trong giảng dạy, tổ chức thi cử, học sinh thì ỷ lại, thiếu động cơ học tập và rèn luyện, thậm chí coi thường thầy cô, bởi nhiều hụ huynh có tiền và có quyền thì con cái đều xếp loại giỏi. Chưa kể những vấn nạn về gian lận trong thi cử mà các báo mới đây đã đưa tin. Và cứ thế ngành Giáo dục ngày càng tụt dốc, chất lượng học sinh ngày càng “xuống cấp”. Nếu không chịu nhìn lại vào thực tế, để chấn chỉnh, xây dựng lại thì nguy cơ không chỉ một thế hệ mà sẽ còn nhiều thế hệ sau mắc phải, khó có thể lường hết những tác hại mai sau!

Bên cạnh dư luận ngày càng lo sợ khi nạn bạo lực trong học đường ngày càng có biểu hiện thường xuyên. Một bộ phận học sinh không biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, kể cả ở trong gia đình. Lỗi có phải do chúng ta dạy học sinh biết “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, nhưng từ lúc bé nhỏ, độ tuổi Mẫu giáo Tiểu học, lại không nhắc đến yêu ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô và cả kính trọng người lớn tuổi? Bởi một quy luật hiển nhiên, bình thường, khi một cá nhân không biết “yêu” cha mẹ, anh chị em, những người ruột thịt, gần gũi, thì sao có thể ra xã hội mà yêu “đồng bào, Tổ quốc” được? Có lẽ, Bộ Giaos dục & Đào tạo cũng cần nên xem lại sách Giáo khoa, chương trình và mục tiêu dạy học, để Giáo dục phẩm chất đạo đức đúng nghĩa của “con người mới” và công dân có ích trước hết cho gia đình, nhà trường và lẫn Xã hội...

Sinh thời, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, người rất đề cao vai trò của giáo dục, đào tạo đã có những câu nói bất hủ còn mãi với thời gian và nhân loại như: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả:

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy.

- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy.

- Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy.

- Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy.  Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

Phải chăng các nhà trường và toàn nhanh giáo dục, “Vì sự học ngày nay” mà nên nghiêm túc nhìn lại để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến và khả thi, đúng với thực tế...

 

Nguồn Văn nghệ số 41/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm