April 26, 2024, 5:10 pm

Nguồn mạch biên thuỳ

Tàu KN 490 kéo ba hồi còi chào cảng Cam Ranh, hướng mũi ra Cửa Lớn. Sau lưng, những dãy núi mờ dần, mờ dần trong khói sóng. Trời biển tím biếc một màu trong bóng hoàng hôn. Đâu đó trên boong, có tiếng ghi ta bập bùng, và những câu hát bâng khuâng: Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Bão tố dập dồn chăng lưới bủa vây…

Trăng mười bảy như nhô lên ngay trước mũi tàu. Ðã ra với Trường Sa rất nhiều lần, nhưng lần nào, trong tôi, cảm xúc cũng thật tròn đầy, khó tả. Bây giờ, tôi cùng hàng trăm con người hòa cùng một nhịp của con tàu lắc lư theo sóng gió đại dương. Thi thoảng, trên những con sóng bạc đầu, xuất hiện những cánh cầu vồng nho nhỏ. Những bạn trẻ lần đầu ra Trường Sa háo hức không ngủ được, cứ canh chừng điện thoại. Giữa biển khơi, chỉ có sóng biển, không có sóng điện thoại. Rồi òa vỡ: Có rồi! Có sóng điện thoại là tới đảo rồi.

 

Lớp học ở Trường Sa.

 

Tàu KN 490 đi trung bình chừng 10 hải lý mỗi giờ. Thời tiết thuận lợi, mà phải mất tới mấy ngày tôi mới ra tới đảo Sinh Tồn. Biển bờ quê hương dài rộng quá! Tôi nghe dưới lớp lớp sóng dồi như có lời vọng về từ nghìn trùng; từ những ngày xưa gian khó cha ông đi mở cõi. Có lẽ, chính vì vậy mà không ít lần tôi gọi vùng biển, đảo nơi này là những giọt máu thiêng, mượn lời của người lính, nhà thơ Trần Đăng Khoa. Phải. Thiêng vì tình thâm. Thiêng vì nghĩa cả. Huyết quản Việt Nam một dòng thuần nhất trên giang sơn Lạc Hồng. Tôi đang hiện diện ở một tọa độ biển trời Tổ quốc. Rất cụ thể, có kinh độ, vĩ độ chính xác từng phút, từng giây trên bản đồ thế giới. Có tiếng gà gáy sáng trên tàu. Bình minh lên. Con tàu lại rộn ràng khẩu lệnh: Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!, và những khúc quân hành hùng tráng: Biển này là của ta/ Đảo này là của ta…

Lịch làm việc dày đặc, kín mít. Cho nên, lên những đảo chìm, tôi luôn muốn ở lại lâu nhất có thể. Đó là những đảo Cô Lin, Tốc Tan B, Núi Le A... Nhà đứng giữa biển, không một chút đất thừa ra. Ở đây, những tháng mùa khô, ngày nắng nóng, oi bức kéo dài từ năm giờ sáng cho tới hơn sáu giờ tối. Giữa sóng gió trùng khơi, giữa nắng nóng nung người, mà đảo cứ ngày một xanh hơn, đẹp hơn. Thiếu tá Nguyễn Dụng Thanh, Chỉ huy trưởng Đảo Cô Lin chia sẻ: Đất trồng cây được đưa từ đất liền ra, đóng trong từng bao nhỏ. Rồi phải che gió; chắn nước mặn cho cây. Đảo dùng nước mưa. Cho nên cứ phải chắt chiu. Cho người. Cho cây. Và không phụ lòng người, những chồi non vươn lên trong nắng gió, nhìn cứng cáp tựa những nhánh xương rồng. Khắc nghiệt vậy, mà anh em ở đây vẫn có rau xanh trong những bữa cơm. Tôi vào thăm nhà bếp. Trưa nay, anh em có thực đơn gồm gà kho, đậu hũ chiên, rau luộc và canh bầu. Rất sành điệu, còn có cả những trái ớt tươi rói, cùng nhiều loại rau gia vị mới hái. Tôi đùa cùng Nguyễn Dụng Thanh:

- Rau, ớt như thế này ở đất liền nhiều nhà phải sử dụng toàn đồ tủ lạnh không đó!

Thanh cười. Nụ cười hiền hậu quá đỗi.

Nhạc sĩ Hình Phước Long đưa cây phong ba vào ca từ bài hát của mình trong tâm sự người lính đảo, rằng: Đời anh như cây phong ba/ Vững vàng giữa đảo ngàn xa... Còn bây giờ, giữa biển trời Trường Sa giông gió, trước mắt tôi, không chỉ có cây phong ba bằng xương, bằng thịt mà còn có cả một loài cây mang tên gọi dữ dội cũng chẳng kém: Bão táp. Cây phong ba cao lớn, bóng che rợp đất. Cây bão táp dẻo dai, rễ bao quanh đá. Đột nhiên, tôi hình dung ra rằng, mai này, hễ nhắc tới cây phong ba, cây bão táp là người ta lại nghĩ ngay tới đất và người Trường Sa; hình dung ngay hình ảnh một người can trường, điềm nhiên trước những cơn gió dữ.

Trường Sa có những cây phong ba, bàng vuông, mù u cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi. Ở đây, có bốn cây cổ thụ được công nhận là cây di sản, gồm: cây phong ba trên đảo Song Tử Tây; cây mù u trên đảo Sơn Ca; cây bàng vuông trên đảo Nam Yết và cây mù u trên đảo Sinh Tồn. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho biết: Việc công nhận và cấp bằng công nhận cho bốn cây di sản ở Trường Sa vừa có ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, giáo dục truyền thống vừa minh chứng sự có mặt lâu đời của người Việt trên đảo Trường Sa. Quân dân Trường Sa hiện đang ngày ngày chăm sóc để cây thêm xanh tốt, vững vàng trước giông gió, giữ dáng hình đất nước ngàn năm.

Lính đảo chăm sóc rau xanh. Ảnh: LNA 

Lần nào ra Trường Sa, tôi cũng cố tìm thăm cho bằng được hai khối bia chủ quyền đã in dấu rêu phong. Tại đảo Nam Yết, bia chủ quyền nằm gọn trong khuôn viên chùa Nam Huyên. Còn tại đảo Song Tử Tây, di tích quốc gia đặc biệt này nằm trong trạm khí tượng thủy văn. Từ năm 2014, hai khối bia này được cấp Bằng di tích cấp quốc gia. Theo tư liệu hiện có của lịch sử Khánh Hòa, bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được Phái bộ quân sự chính quyền Việt Nam Cộng hòa dựng từ tháng 8/1956. Bia được xây bằng gạch. Trải thời gian, mưa nắng đã cũ mòn, nhưng chữ khắc lõm trên bia hãy còn đọc được. Thấp thoáng trong bóng cây xanh, những khối bia chủ quyền đậm màu thời gian gợi thật nhiều cảm xúc.

Đảo Trường Sa Lớn. Đêm nay, không ánh lửa làng chài soi giấc cô miên của thi nhân ngày nao xưa cũ. Chỉ có trăng. Trăng bàng bạc trên cây lá. Trăng lấp lánh ngoài biển xa. Đêm càng sâu càng tịch mịch, yên ắng lạ lùng. Đâu đó có tiếng chuông chùa thoảng đưa trong gió, hòa cùng sóng biển. Thanh âm nghe vừa xa, vừa gần, khiến lòng khách khôn xiết bâng khuâng. Tiếng chuông nền nã, thong dong, nghe ấm cả không gian, ấm cả lòng người. Chuông nhẹ tựa hư không. Sao cứ khiến hồn người thao thức? Ngoài kia, biển vẫn không thôi dào dạt những điệu ru ngàn đời của nó. Trong thanh âm thầm thì ấy, nghe ra, không chỉ có tiếng chuông chùa, mà có cả những lời hát tha thiết bay lên của lớp lớp trai tráng tuổi đôi mươi…

Những ngôi chùa ở Trường Sa có điểm rất đặc biệt là toàn bộ tên chùa, những bức hoành phi, câu đối... đều được viết bằng tiếng Việt, đường nét uyển chuyển, thanh tao mang đậm chất hồn Việt. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Đại đức Thích Tâm Thành, trụ trì chùa Sinh Tồn chia sẻ, được thực hành Phật sự ở Trường Sa là một vinh hạnh lớn. Nơi đảo xa, sư thầy cố gắng hướng dẫn, giúp người dân ở đây tu học, nâng cao đời sống tinh thần, tâm linh. Khi tôi đến, đại đức cùng những người dân, người lính trên đảo Sinh Tồn đang chuẩn bị cho lễ Phật Đản Phật lịch 2566. Ở Trường Sa, nhiều nơi bánh ít cúng cô hồn không được gói bằng lá chuối mà là lá… bàng vuông. Lá chuối mỏng, dẻo; còn lá bàng vuông dày, cứng. Chỉ có ở Trường Sa mới có bánh ít lá bàng vuông, đơn sơ mà gói ghém chút lòng thành của người đang sống đối với người đã khuất. Chân thành là ở đó. Mà dữ dội cũng ở đó.

Hai năm, tôi ra lại. Trường Sa đổi thay nhiều quá, nhanh quá. Ấn tượng nhất vẫn là một màu xanh đầy sức sống, xanh đến nao lòng. Để có được màu xanh cây lá trên một vùng đất khát, đầy nắng và gió là không hề dễ dàng. Ðảo nào cũng xanh hơn rất nhiều. Biển xanh. Trời xanh. Và cây xanh. Trường Sa hôm nay khoác chiếc áo xanh dịu mát, không chỉ của những cây phong ba, bão táp, bàng vuông… mà còn có cả cây ăn trái như xoài, chuối, đu đủ và nhiều loại rau xanh… Cây xanh bên chiến hào. Cây xanh trên bãi cát. Người chăm chút cho cây. Cây rợp bóng cùng người. Đại đức Thích Huy Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Đông chia sẻ, nắng, gió là vậy, nhưng trên bàn thờ Phật ở chùa vẫn luôn có những nhánh chuối xanh, những trái đu đủ tươi ngon hái từ vườn nhà. Lòng thành con người nơi đây như rộng mở cùng biển cả, hướng về chân, thiện, mỹ; hướng về một cuộc sống no ấm, an lành.

Những đảo tôi đã đi qua, đảo nào cũng có đàn ghi ta. Không còn những cây ghi ta chỉ có một dây của những ngày nào gian khó. Bây giờ, có nhiều điện gió, điện mặt trời, trên các đảo còn có cả ampli, loa… để hát karaoke. Lính hát. Văn công hát. Tôi nghe những người lính say sưa hát mà lòng the thắt:

... Nỗi nhớ cứ nghiêng về một phía...

Nghiêng về một phía, và biết lấy gì làm nguôi ngoai? Trên các tờ báo tường ở đảo, có rất nhiều thơ tình của lính, ở đó có những dòng chân tình, đằm thắm:

... Lính đảo thủy chung như sóng với bờ...

Chuyện kể, có người lính đảo hằng đêm ngồi tỉ mỉ kết từng chiếc vỏ ốc nhỏ xíu thành những đóa hoa hồng gửi về tặng người yêu ở tận trong đất liền. Sau này, khi trở thành vợ chồng, kỷ vật thiêng liêng ấy được cả vợ và chồng chăm chút hàng ngày, như bón thêm dưỡng chất cho một tình yêu vô bờ bến; để nó mãi gắn bó cùng người, đi theo những bước đường đời còn lại mà làm chứng nhân cho tình yêu trường tồn của người lính đảo.

- Em chào anh!

- Cháu chào chú!

Không phải chỉ có riêng tôi, những ai từng đặt chân lên quần đảo Trường Sa đều có ấn tượng rất đẹp về những lời chào. Khách lên đảo, gặp anh em chiến sĩ đều được họ chào trước, một cách niềm nở và chân thành như thể gặp người nhà. Người dân, và cả các cháu bé cũng vậy. Cho nên, lên Trường Sa, ai cũng cảm nhận được một không gian, một tình cảm ấm nồng như ở quê mình, như ở nhà mình. Yêu thương, và thân thuộc. Mộc mạc, và chân chất. Đây là một nét đẹp văn hóa độc đáo của Trường Sa mà không có nhiều địa phương có được.

Ở đảo, dường như cái gì cũng phải dành dụm, chắt chiu. Chỉ có mỗi không gian và thời gian là phóng túng, thăm thẳm và diệu vợi đến không cùng. Ngày lên. Đêm xuống. Nước lớn. Rồi lại ròng. Ðất liền gửi trọn niềm tin vào những người lính đảo. Ðể rồi, cứ một ngày biển, đảo yên bình cũng là một ngày trong những người lính đong đầy thêm nỗi nhớ. Nhớ nhà. Nhớ mẹ già. Nhớ cả người bạn gái tóc vương mùi bông bưởi. Anh Đỗ Trường Xuân, Hải đăng Đá Lát cho biết, đã lâu chưa về nhà. Ở đây, anh cùng đồng đội đêm đêm thắp sáng ngọn hải đăng, như mắt biển nhìn xa, về phía quê nhà. Nhớ về nơi ấy, mà cố gắng; mà thêm phần vững chãi, như những cây phong ba, bão táp trên đảo đứng giữa gió giật, mưa cuồng mà hoa lá vẫn cứ non tơ.

Đi trên cát nóng, tôi đến thắp hương trên mộ liệt sĩ ở Trường Sa. Thể phách, tinh anh những người lính đảo đã hóa hồn thiêng sông núi, đã hóa tượng đài. Anh ở đó, cho đất Mẹ yên bình. Và, đến lượt mình, đất Mẹ ôm anh; tha thiết ơ hờ những điệu hò non nước nghìn thu.

Khói hương cay lòng mắt.

Biển trời xanh vời vợi.

Lên trên các đảo, công việc đầu tiên của tôi là đến dâng hương tại các bàn thờ Tổ quốc. Trên các đảo lớn, nhỏ nơi biên thùy, những bàn thờ Tổ quốc được sắp đặt ở vị trí trang trọng nhất, đơn sơ mà trang nghiêm, luôn được chăm chút kỹ càng. Trong những nhà dân, nhà nào cũng có bàn thờ Bác Hồ, rất trang trọng. Những ngày lễ, Tết, người lính, người dân coi bàn thờ Tổ quốc ở đảo như ở nhà mình. Một chút hương trầm cho ấm áp niềm tin. Mấy nhành hoa dân dã cho tươi non cảm xúc. Trong khói hương đầm ấm, ánh mắt vị cha già dân tộc hiền từ nhìn lớp cháu con hôm nay như tiếp thêm nguồn sức mạnh, ý chí quyết tâm bảo vệ và dựng xây cho quân dân trên đảo.

Cùng ngồi thưởng trà trên tàu KN 490, Hòa thượng Thích Đức Thành trải lòng cùng những tâm nguyện của mình đối với đồng bào, chiến sĩ Trường Sa. Theo ông, đối với người Việt Nam, chùa vừa là một cơ sở sinh hoạt tôn giáo vừa là nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng của linh hồn dân tộc. Chùa, và giáo pháp che chắn những nỗi bất an, xua tan tà kiến, rợp bóng an nhiên cho tâm hồn con người, như vạch nối giữa đôi bờ đạo pháp và dân tộc. Chuyên tâm nguyện cầu cho hòa bình an lạc; đem hết sức mình hoằng pháp ở đảo xa, những vị tu sĩ ở Trường Sa mong muốn gầy dựng những khối tài sản tâm linh cho quân dân biên đảo. Ấy là triết lý nhân sinh ở hiền gặp lành, tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống. Trí tuệ, và từ bi. Niềm tin và sức khỏe. Những yếu tố tinh thần ấy có tác dụng như những chiếc áo giáp, giúp quân dân nơi biên thùy ứng xử một cách tự tin, vững vàng trước mọi biến cố của cuộc đời.

Nhìn những cô văn công mảnh khảnh, Chuẩn đô đốc Nguyễn Thế Tốt ngạc nhiên: năng lượng ở đâu mà nhiều quá! Sáng. Trưa. Chiều. Tối. Những Mai Đào, Hải Lý…, rồi Ngọc Anh, Đình Khải… Gặp những người lính, các em quấn quýt như cá nước.  Ở đâu, lúc nào, lời hát cũng cứ căng tràn sức sống. Nhiều người lính hát rất hay. Những tâm hồn trẻ trung cùng đồng điệu. Hải Lý kéo tay một người lính đứng ở vòng tròn ra cùng hát. Nhìn anh bối rối, thẹn thùng mà thương quá! Chợt nhớ tới lời hát Những người lính chưa một lần hò hẹn, trong cơn mơ vẫn gọi mẹ ơi… Trên tàu, đêm nằm nghe có tiếng sóng, tiếng máy tàu và cả tiếng cười tinh khôi của những người lính trẻ. Chính những người lính trẻ ấy đã viết những dòng tâm tư trên khắp các đảo: Chắc tay súng, vững tay lái; Còn người còn đảo. Thanh xuân ở họ trong trẻo quá, thanh cao quá!

Lên các đảo ở Truờng Sa, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh, được treo rất trang trọng. Còn nhớ, kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống Quân chủng Hải quân trên Đảo Trường Sa Lớn, giữa nắng gió Trường Sa, bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, giọng Đại tướng Lê Đức Anh đanh thép khẳng định: “… xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Nhiều người đi trong đoàn công tác của chúng tôi có người thân ở Trường Sa. Những giây phút tương phùng của họ quả thật đã lấy đi nước mắt của biết bao người chứng kiến. Những vòng tay ôm, những giọt nước mặt gặp gỡ, và chia xa. Đêm giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn xong, đoàn công tác di chuyển ngay. Tàu kéo còi chào đảo rồi dần rời cảng. Nhưng những người lính vẫn cứ đứng thẳng hàng, vẫy tay và hô vang tha thiết: Trường Sa vì Tổ quốc! Trên tàu, có tiếng đồng thanh đáp lại: Tổ quốc vì Trường Sa! Cứ vậy, những tiếng đối đáp nhỏ dần, nhỏ dần theo bọt sóng cuối thân tàu. Tôi nghe sống mũi cay cay. Và nhiều người lặng lẽ rút khăn tay.

Ngày trước, trong ba lô những người ra thăm Trường Sa có cả mì chính, ớt, nước mắm, mì gói… Nay không ai làm như vậy nữa. Bây giờ, trên bàn ăn của lính, tôi thấy có cả dầu ôliu, tương ớt Chinsu loại tốt. Thăm Trường Sa, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh rất xúc động. Ông nói rằng nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa sắp tới là nâng cao đời sống cho quân dân trên các đảo; tạo sinh kế cho người dân bằng những công việc, sản phẩm mang nét đặc thù của biển, đảo. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; nghiên cứu tổ chức các hoạt động hỗ trợ dân sự; du lịch biển, đảo; phát triển ngư nghiệp để xây dựng quần đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, vững về kinh tế, mạnh về quân sự, là khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tôi đến thăm Đại đức Thích Nhuận Đạt. Ông đang viết thư pháp trên vỏ sò, san hô. Những mảnh vỏ ốc hóa thạch, nghe nặng trĩu tháng năm. Mấy nhành san hô sải rộng, mang kích chiều biển cả. Đại đức hỏi tôi:

- Bạn muốn viết chữ gì?

- Thưa, thầy cứ tùy duyên!

Không hiểu sao, ông viết tặng tôi một chữ An đỏ thắm trên sắc trắng vỏ sò hóa thạch. Tôi hiểu, sư thầy viết chữ ấy không chỉ dành riêng tôi, mà cho cả một khát vọng hòa bình của dân tộc chúng ta.

Trên đường từ nhà giàn về cảng Cam Ranh, chúng tôi gặp áp thấp nhiệt đới. Nửa đêm. Trời trở gió. Sóng cấp 7, có lúc cấp 8. Con tàu trọng tải gần ba nghìn tấn bỗng trở nên nhỏ nhoi giữa cơn cuồng nộ của biển cả. Tôi lên đài chỉ huy. Anh em vẫn lặng lẽ thước kẻ và bút chì trong tay trước bản đồ hàng hải. Gần sáng, gió lặng dần. Phía lái tàu, đã thấy mặt biển lại hồng dần lên, bát ngát.

Trường Sa - Nha Trang, tháng 5/2022

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm