April 27, 2024, 12:19 pm

Người viết và trách nhiệm với thời cuộc

Lặng lẽ viết với một ý thức làm nghề nghiêm túc, sau 6 tập thơ đã xuất bản nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng dần định vị trong lòng độc giả về một giọng thơ khoáng đạt, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và truyền thống. Mới đây, Nguyễn Quang Hưng tiếp tục ra mắt tập thơ Mùa biến động (Nxb Hội Nhà văn, 2020) với những sự đột phá bất ngờ, tạo hứng thú cho người đọc. Các vấn đề thời sự được tác giả đề cập trực diện, thẳng thắn và cũng không kém phần gai góc. Liệu đây có phải là một minh chứng về trách nhiệm của người sáng tác với thời cuộc? Cuộc trò chuyện sau đây sẽ phần nào cởi mở điều đó.

* Tập thơ Mùa biến động của anh thực sự làm tôi bất ngờ. Một sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách cũng như đề tài, ở đó thi sĩ đã hướng trọn vẹn lòng mình với thời cuộc đầy biến động hiện nay. Anh có thể chia sẻ về “diện mạo mới” trong lần trình làng này?

- Nguyễn Quang Hưng: Về khía cạnh hứng thú thì tôi cũng đã nghĩ về những kiểu đề tài như thế từ lâu, có đến tập mới này thì tôi dồn cả vào. Còn ở các tập trước, tôi thường để thành một phần, một cụm. Như ở tập thơ năm ngoái - “Gió ngũ sắc”, tôi có “Nhu cầu điều trị”, ở tập “Lòng ta chùa chiền” năm 2013, tôi có phần “Hoảng loạn”. Năm 2015, ở tập “Chia ngũ cốc”, tôi cũng để một số bài ở đầu tập. Trong đó có một đoạn trong một bài khi đối thoại với thiên nhiên như thế này: “Cuộc ly khai này đến bao giờ?/ Khi nào chúng ta thôi cắt đứt ngươi - những mạch máu bền bỉ?/ Như hành xác nhau bằng dao nhọn/ Như vừa rỉa thịt mình vừa kêu khóc”. Dẫn lại chút để chia sẻ rằng thời sự, thời cuộc vẫn là mối quan tâm của người viết. Anh ta dành dung lượng, thời lượng cho nó thế nào trong quá trình sáng tác thôi. Và đến lần này, tôi cảm nhận rõ hơn, nhìn thấy nhiều hơn về tính áp lực, tính bất trắc, bất ổn của đời sống, nên những ý nghĩ băn khoăn, lo lắng, cả hoang mang về hiện tại, về tương lai sẽ xảy ra điều gì, về quá khứ ai đó hay chính tôi đã gây ra cái gì và phải điều chỉnh, sửa chữa ra sao, cứ dấy lên. Và rồi, để nói, để ngẫm, để dồn nén được nhiều điều, tôi viết cứ tràn đi, cả ngôn từ, câu chữ, độ dài câu, đoạn, mỗi bài thơ. Tôi muốn khi đọc chúng, thì ta cứ thấy có gì đó không yên ổn.

* Với “Mùa biến động” tôi có cảm giác như đọc một cuốn nhật ký bằng thơ bởi các vấn đề thời sự được cập nhật thường xuyên, liên tục với một thái độ sống rất thẳng thắn. Có phải con người công dân và ý thức làm nghề của một nhà báo đã tham góp phần nào vào “tiếng nói thơ” lần này?

- Nguyễn Quang Hưng: Một phần đúng là vậy đấy! Công việc, đặc thù nghề nghiệp, thái độ sống, quan niệm xã hội…, chúng vọng vào trang viết sáng tác nói chung nhiều đấy. Ở góc độ nghề nghiệp, thực tế trong viết báo, tổ chức nội dung cho trang báo, tôi cũng hay ý kiến lắm! Thấy có nhiều điều bất cập trong đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật là mảng đề tài mình theo dõi nhiều năm qua, là tôi cứ hay góp ý, phản biện, đưa ý kiến gợi mở và muốn góp chút giải pháp. Tôi nghĩ cả ở tư cách một công dân cũng vậy thôi, một công dân có thể vận dụng hiệu quả cái lĩnh vực mà anh ta đang công tác hay tình cảm, mối quan tâm với nơi anh ta đang sống để lên tiếng về đời sống và góp ý, phản biện, cảnh báo cho nó. Đến khi mang tư thế đó để “phát biểu” trong thơ, thì tôi thấy sáng tác nó cho mình một ưu thế vượt bậc của sự liên tưởng, tính hình tượng, khái quát, để có thể hình dung sâu hơn qua một hiện tượng, tình trạng nào đó trong thực tại, như dịch bệnh, như thời tiết, thiên tai chẳng hạn, hay như vấn nạn ô nhiễm môi trường. Cái hay của việc sáng tác và sống cùng sáng tác cũng là ở chỗ tự mình yêu cầu mình không dừng lại ở vấn đề thời sự mình nói đến, rồi chính những gì đang viết nó lại lôi kéo, gợi hứng cho mình phải nghĩ tiếp, viết tiếp, cho sâu hơn, xa hơn cái nội dung nhiễm bệnh hay nắng nóng phát ngốt kia. Chẳng hạn như ô nhiễm tâm hồn, như sự tự mình làm suy yếu mình. Như trước nguy cơ xâm phạm về chủ quyền thì mình xác định sự tỉnh táo và đoàn kết là những giá trị quý giá vô cùng mà lúc nào mình cũng phải giữ lấy. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh điều này, muốn nói thẳng thắn, muốn phát huy tiếng nói công dân, nhưng nếu nói một cách thô tháp, thì lại thành dở. Câu chuyện tìm tòi về nghệ thuật, ý thức sáng tạo và làm mới, làm khác mình, là ánh sáng không thể thiếu để làm hắt sáng lên tiếng nói công dân mạnh mẽ đó.    

* Lâu nay, chúng ta vẫn nhắc đến trách nhiệm của người cầm bút trước các vấn đề xã hội. Song trên thực tế, không ít tác phẩm cho thấy sự xa rời, thậm chí sự hời hợt của người viết trước các vấn đề nhân sinh, thời cuộc. Anh nghĩ gì về điều này?

- Nguyễn Quang Hưng: Điều đó là thực tế, và thực tế cả một vấn đề là người ta có thể làm gì để người cầm bút quan tâm hơn, tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn vào các vấn đề nhân sinh, thời cuộc. Tự thân người cầm bút phải thôi thúc mình, cái đó hẳn rồi. Nhưng có gì nữa không để xúc tác, cổ vũ cho quá trình thôi thúc đó.

Tôi nghĩ rằng, nên chăng người sáng tác, người phê bình, người đọc… có thêm nhiều dịp hơn để nói với nhau về nghệ thuật sáng tác chứ không dừng lại ở khía cạnh đề tài hay những đề xuất về chính sách, cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho sáng tác, xuất bản, quảng bá, phát hành...

* Còn quan điểm của anh về trách nhiệm của người sáng tác trước các vấn đề của đời sống?

- Nguyễn Quang Hưng: Cuộc đời người viết, anh ta không thể tách rời được đời sống, thời cuộc. Vì thế, anh ta cần nhận ra mình có trách nhiệm với nó, trong việc nói, kể, lên tiếng về nó, gợi mở để cùng nó đi đến sự tốt đẹp, mới mẻ hơn. Và đời sống, thời cuộc là bộ não khổng lồ cung cấp ý tưởng, chất liệu cùng những gợi ý nghệ thuật cho người viết nữa. Phải nói rằng, đến với đời sống, thời cuộc là trách nhiệm của người viết cả ở vai trò là một thành phần của nó, cả trong mối quan hệ của anh ta với tác phẩm, với sự phát triển, đổi mới ngôn ngữ, kỹ năng, bút pháp của mình. Vì thế, với anh, đó không chỉ là nơi anh chăm lo, mà nó còn nuôi anh. Tôi muốn nhấn mạnh vào khía cạnh lợi ích của đời sống với người viết, chúng ta đã nói rất nhiều đến nghĩa vụ của người viết với đời sống rồi.

Như khi tôi nghĩ về sự hủy hoại môi trường, và muốn viết về nó thì tôi mượn hình tượng cái cây trong sự đối sánh với con người để suy ngẫm. Và tôi nêu giả định, là rất có thể cây sẽ không nhả ô xy nữa, mà sẽ chỉ là khí độc, khi đó thì chúng ta khốn khổ biết bao. Nhưng bởi ta đã phản bội cây trước, thì làm sao cứ mãi đòi hỏi cây phải bao dung với ta. Như vậy, khi tôi vận dụng chi tiết đời sống, sự vật trong đời sống vào sáng tác, thì hình ảnh, hoạt động, đặc tính của nó chính là những gợi mở phong phú cho sự diễn đạt của mình.        

* Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng văn chương khác với báo chí, trước các vấn đề đang diễn ra người viết cần có độ lùi để ngẫm ngợi, và dù là phản ánh đời sống nhưng tuyệt đối không thể là bản sao cứng nhắc. Người viết cần làm thế nào để vượt qua những thách thức này để tác phẩm vẫn mang hơi thở của đời sống, có tính thời đại và mang giá trị về nghệ thuật?

- Nguyễn Quang Hưng: Cái ý trên như tôi vừa chia sẻ về sự chăm nuôi của đời sống với mình, cũng chính là một nhận định rằng, chúng ta phải bám lấy đời sống. Và bám lấy nó, không có nghĩa là bằng lòng với cái đơn nghĩa, cái bề mặt mà chúng ta thấy. Ví dụ như viết câu thơ theo kiểu đất đá đã đổ xuống rồi, bao nhiêu đường đã sạt lở, hoặc bệnh dịch tấn công ác liệt, hàng nghìn người phải cách ly, mình chia tay nhau cho ngày mai gặp lại…, thì khác gì lời nói thông thường. Mà bám lấy nó để từ chính cái cơ chế vận hành sinh động trong mối tương quan với nhịp sống, với sự vật xung quanh, nó gợi ý cho ta những liên tưởng, hình ảnh, chi tiết mà ta có thể sử dụng và tiếp tục suy ngẫm từ đó.

Đương nhiên, muốn vậy thì cái vốn mình có về thông tin, tri thức, và tình cảm, thái độ của mình, như là “thể trạng tâm hồn” của mình vậy, nó đã phải có quá trình tích lũy, chiêm ngẫm, trưởng thành nhất định để có thể tiếp đón, hòa quyện với những điều mình nhận vào thêm từ đời sống. Ở đây, tôi nghĩ ta sẽ đặt câu hỏi, ta sẽ nghĩ thêm, nói thêm gì từ câu chuyện này? Nói thêm được chút gì đó, hơn nữa, để câu thơ, bài thơ đa nghĩa hơn, rộng rãi hơn, chính là một mục tiêu thách thức và thú vị. 

Và nữa, tôi nghĩ đến một “khẩu hiệu” quen thuộc “Không tự bằng lòng”. Rất cần nhắc lại nhiều lần để vượt thoát khỏi những gì quen thuộc, dễ lặp đi lặp lại, sẽ lại có nguy cơ hiện ra trên trang viết.

* Hiện nay một “xã hội thông tin” diễn ra sôi động, náo nhiệt từng giờ, từng phút. Người viết, kể cả người có kinh nghiệm cũng dễ bị ngợp, thậm chí mất phương hướng. Nhưng nếu không nhận diện đúng thì điều mà chúng ta viết ra sẽ không có giá trị. Anh nghĩ sao về điều này?

- Nguyễn Quang Hưng: Ý kiến của chị khiến tôi nghĩ rằng, đừng tham! Đừng muốn nói vào một sáng tác của mình tất cả các thứ. Mà hãy bắt đầu từ cái gì đó cụ thể. Khi ta triển khai vấn đề, và không ngừng suy ngẫm, liên tưởng, nó sẽ từng bước “mách nước” cho ta việc phải huy động những gì cụ thể khác nữa, lắp ráp ra sao, trồng trọt thế nào. Điều này sẽ khiến cho không gian sáng tạo của chúng ta phong phú và dần đi đến không gian, hệ thống của mình, do mình sáng tạo, tái tạo. Đó là ở mặt thao tác. Còn trong quá trình nhận diện, tôi cho rằng nền tảng tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm cho nhận diện đúng thì không bao giờ là đủ. Và giữ lấy cùng với nó, không ngừng rèn luyện, là sự chân thành với đời sống, là nhiệt tình của ta trước thơ ca.

* Tôi bắt gặp trong tập thơ sự trăn trở, tự vấn của anh trước một “mùa biến động”, khi mà chính mỗi cá nhân cần định vị bản thân mình. Và rồi tôi cũng băn khoăn, độc giả của chúng ta, ai sẽ tìm đến những tác phẩm văn học để được thức tỉnh chính mình, khi mà cuộc sống có quá nhiều lo toan khiến chúng ta phân tâm và thỏa hiệp. Là người viết, trong thời buổi văn chương dường như có phần lép vế so với một số loại hình giải trí khác, anh hẳn cũng nghĩ ngợi về điều này?

- Nguyễn Quang Hưng: Tôi nghĩ trước hết ở việc gắn bó mình với thơ ca. Mình mong muốn nhưng không chỉ muốn không, mà tìm cách gắn bó mình với nó, bằng đọc, bằng cảm nhận tốt, bằng sáng tác cho dồi dào hơn, tinh hơn, hay hơn. Khi chính mình cuốn hút được mình hơn rồi, thì tôi tin rằng, sẽ có thể “lôi kéo” thêm được ai, những ai đó khi đọc. Với niềm tin đó, thì tôi nghĩ mình sẽ phải chủ động “cung cấp” thơ ra đời sống, như chia sẻ, như trò chuyện, như đối thoại, như cảnh báo, như phản biện, bằng thơ. Chính mình nên tự mở rộng biên độ tiếp cận của sáng tác nơi mình đến với mọi người qua các kênh mà mình có thể khai thác, vận dụng được, báo chí, in ấn và phát hành, mạng xã hội… Sự chân thành, nghiêm túc nhưng cũng đừng cứng nhắc của chính chúng ta trước trong ứng xử của ta với thơ ca, với người đọc, sẽ góp phần gây dựng thái độ tôn trọng của mọi người với thơ, cũng như ý thức về nó không phải là cái gì đó hời hợt, dễ dãi, bừa bãi hay viển vông, xa rời cuộc sống. Khi thơ ca có phần nhòa lẫn, chìm lấp trong sự va đập, chen lấn, thì chính người sáng tác chứ không phải ai khác, phải nâng nó lên để nó sáng đẹp.

Một số đồng nghiệp trong những ngày qua đã tự cảm nhận và có bài viết về tập thơ của tôi. Điều chung trong nhận xét của họ làm tôi thêm phấn khích, đó là tác giả nói nhiều điều hơn cái mà anh ta nhắc tới. Thời gian qua, tôi đã đưa khá nhiều bài lên facebook của mình, có những thời điểm thường xuyên, liên tục, và nhận thấy có nhiều người thích, có phản hồi tích cực. Đọc một số bài tôi nói đến nguy cơ bệnh dịch, có những đồng nghiệp, bạn đọc nói rùng cả mình, sợ thật đấy… Đó là sự khích lệ rất quan trọng để mình viết, mình sửa mình, nâng mình hơn nữa. 

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh có thêm nhiều tác phẩm hay trong thời gian tới!

PHONG ĐIỆP thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm