April 26, 2024, 7:05 am

Người thầy tôi chưa được học

Những kỷ niệm sâu sắc với Khóa học sinh cấp III Bắc Kiến Xương cả về thầy, về trò, về bạn bè khổ học trong những năm chiến tranh chống Mỹ mấy chục năm đã qua vẫn thấm đậm trong mỗi học sinh chúng tôi. Một trong những ấn tượng về các thầy cô “Thế hệ thầy giáo vàng”. Ngày ấy một người thầy tôi chưa từng được học, đó là thầy giáo dạy văn Nguyễn Hải Đạm.

 

Thầy giáo Nguyễn Hải Đạm với học sinh Kỷ niệm 30 năm. Thầy Hiệu trưởng Bùi Tấn, Trung tướng Đỗ Phúc Hưng, ngày Thành lập trường cấp III Bắc Kiến Xương năm 1996

 

Tôi còn học lớp 6 ở cấp II thì các anh cùng làng vào học cấp III năm ấy kể là ở trường các anh được học thầy giáo dạy văn rất giỏi là thầy Nguyễn Hải Đạm. Đứng trên bục giảng thầy làm chủ hoàn toàn kiến thức. Học sinh, cả thầy cô đến dự giờ, cứ mỏi tay ghi nhưng vẫn ngước mắt nhìn và nghe như nuốt từng lời thầy giảng… Chỉ với những lời các anh lớp trước kể lại mà tôi đã có một sự đam mê mà trong phần nguyện vọng làm hồ sơ đi học Trung cấp chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp cấp II Phổ thông là vào ngành Sư phạm với ước mong học thật tốt để là giáo viên dạy văn thật giỏi và trẻ như thầy giáo Đạm.

Lần đầu tôi được gặp thầy là Tết Nguyên đán năm 1967, mồng 3 Tết tôi cùng anh Đỗ Phúc Hưng đến xã Bình Minh mang hai cành hoa giấy thăm thầy giáo Trần Quang Duyến dạy trường cấp II Thanh Tân. Thầy rất quý anh em tôi vì đều học giỏi môn văn thầy dạy. Thầy Duyến sau đi bộ đội, vào đặc công nước, chiến đấu ở Cửa Việt - Quảng Trị. Năm 1976 thầy đi học thêm về kinh tế và chuyển công tác. Thật là may nhà thầy Nguyễn Hải Đạm lại sơ tán về gần nhà thầy Duyến. Chúng tôi sang thăm và chúc Tết thầy cô. Cô Liệu vợ thầy trẻ trung xinh xắn và nhanh nhẹn, có khuôn mặt trái xoan và một nốt ruồi trên má thật duyên. Cô là Kế toán trưởng chi điếm ngân hàng huyện Kiến Xương. Bé Trà Giang khoảng ba tuổi ngoan ngoãn đáng yêu. Cả gia đình ở căn nhà nhỏ lợp mái nứa ngăn nắp, giản dị, tường vách ngăn bằng những tấm cót, ngoài đồ dùng đơn sơ thanh bạch, giá sách của thầy với những cuốn văn học và khoa học dày cộm được đóng gáy vải cẩn thận... Bấy giờ chưa có điện, trên góc tường nhà thầy đóng một giá nhỏ để chiếc đèn dầu. Mỗi cạnh phía giáp vách lại có một tấm gương tráng phản chiếu ánh sáng ra mà thầy giải thích là: hai tấm gương phản chiếu làm ánh sáng “tăng gấp hai lần” so với không có gương... Thế rồi hai năm sau tôi cũng được bước chân vào cổng trường cấp III. Không được học thầy giáo Đạm nhưng lại nhiều lần được nghe thầy nói chuyện ngoại khóa về các sự kiện Chính trị Quân sự trong nước và Quốc tế, về Bác Hồ và các đời Tổng Bí thư của Đảng, các giai đoạn thăng trầm của cách mạng. Thầy phân tích và dẫn chứng những bài thơ gắn với sự kiện lịch sử của Đất nước của Tố Hữu, về sự vĩ đại của Bác Hồ khác với và các lãnh tụ trên Thế giói qua câu thơ: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn trượng đồng phơi những lối mòn” và ý nghĩa sâu xa trong từng khổ thơ của bài Tâm sự... Các anh chị học lớp 10 do thầy vừa dạy Văn vừa là giáo viên Chủ nhiệm cứ mỗi tuần trong buổi sinh hoạt lớp lại sôi nổi nghe thầy bàn định cả “chiến lược, chiến thuật” xây dựng lớp để giành giải thi đua xuất sắc của trường... Thầy là giáo viên dạy giỏi, mỗi tiết dạy của thầy đầy ắp những kiến thức và tư liệu phong phú mà mỗi học sinh trường tôi được học thầy là một khao khát...

Thầy Đạm rất trực tính, không ưa thói xu nịnh. Trò nào lỡ mắc khuyết điểm là thầy nhắc, nhở chấn chỉnh ngay. Hồi đó cô giáo M dạy Toán có mắc sai phạm trong sinh hoạt, bố cô giáo người Nam bộ, cực kỳ nóng nảy, có phản ứng gay gắt về hình thức xử lý kỷ luật của Hội đồng Nhà trường. Thế mà thầy hiệu trưởng Bùi Tấn cùng thầy Nguyễn Hải Đạm đã lý giải mềm mỏng, có lý có tình… “Anh Hai Nam bộ” đã “hạ hỏa”, hiểu đúng bản chất sự việc, lại cười tươi cảm ơn Nhà trường và thầy Hiệu trưởng. Thầy Bùi Tấn kể với chúng tôi: Thầy Đạm không là Đảng viên nhưng trong thầy có đủ phẩm chất của người Đảng viên Cộng Sản. Đó là trung thực, là trách nhiệm và dũng cảm đấu tranh bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng vụ lợi cá nhân và việc làm chưa đúng…

Khi đã đi bộ đội, được huấn luyện tân binh và học đào tạo Hạ sỹ quan, hai lần tôi về qua thăm trường, lớp 9B của tôi đã lên lớp 10B, lại được thầy Nguyễn Khải Đạm dạy môn Văn (Thế mới tiếc là “số tôi” không được học hết lớp 10 để được học thầy). Tôi tháo khẩu súng AK đeo bên người đặt ở gốc phi lao ngoài sân trường, vào chào các bạn, cũng là đến giờ của thầy lên lớp. Thấy tôi ríu rít cùng các bạn, thầy cười tươi ý tứ đứng ngoài cửa lớp cho chúng tôi hàn huyên, đến khi tôi bước ra thầy mới vào lớp dạy. Có lần đã là anh Tiểu đội trưởng, tôi về trường, được ngồi ở phòng thầy cùng một anh bạn vào bộ đội đặc công, kể cho thầy những chuyện ở đơn vị. Thầy chăm chú nghe và góp lời. Thầy còn gọi chúng tôi là “cậu” một cách thân mật và trân trọng.

Năm 1996 trường cấp III Bắc Kiến Xương kỷ niệm 30 năm ngày Thành lập, chúng tôi thật vui được quây quần bên thầy cô, bạn bè thuở cũ. Thầy Đạm, vẫn dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với nét mặt và ánh mắt hoạt bát, được các nhóm học trò vây quanh như ngày nào. Thầy nhắc đến các trò đi bộ đội đã anh dũng hy sinh không được trở về. Thầy nói đến tên một học sinh của trường, trong mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, dẫu biết là cuộc chiến ác liệt, có thể hy sinh, nhưng vẫn dũng cảm ở lại chiến đấu chứ quyết không đào ngũ. Thầy rớm nước mắt khi tôi hỏi thăm em Trà Giang bị bệnh hiểm nghèo đã mất. Thầy mong có ngày gặp mặt 35 năm của trường. Thầy nói thầy đang nghiên cứu tâm linh và thần học trong trị bệnh cứu người. Sau lễ kỷ niệm, tôi cùng thầy có đến chơi nhà một số bạn học cùng khóa ở thị xã Thái Bình. Ngờ đâu đó là lần cuối tôi được đi cùng thày.

Thầy Đạm mất tháng 2 năm 2000, khi tròn 66 tuổi. Trước ngày 20 tháng 11 năm 2018, thầy Hiệu trưởng Nhà giáo ưu tú Bùi Tấn, Trung tướng Đỗ Phúc Hưng và tôi đến thắp hương cho thầy, thăm vợ thầy là cô Liệu ở nhà số 76 ngõ 124 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thầy trò chúng tôi và cô Liệu thành kính đặt lễ hoa quả và tặng phẩm nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống trường cấp III Bắc Kiến Xương lên ban thờ thắp hương cho thầy. Ngắm nhìn di ảnh thầy mọi người bồi hồi xúc động cùng ôn lại những kỷ niệm về người thầy kính mến:

 

Thiếu tướng Phạm Tiến Luật, cô giáo Phạm Thị Liệu thắp hương tưởng nhớ Thầy Nguyễn Hải Đạm

 

Thầy Nguyễn Hải Đạm sinh năm 1934 tại làng Trung Tự (nay là phố Đông Tác, phường Kim Liên, thành phố Hà Nội), dòng dõi gia tộc nổi tiếng Nguyễn Đông Tác - ông nội của thầy là cụ Nguyễn Hữu Cầu đã tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Phan Bội Châu từ trước cách mạng tháng 8. Thân sinh ra thầy Đạm là cụ Nguyễn Hữu Tảo, là Giáo sư, trưởng khoa Tâm lý học đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội khi thành lập, thầy Nguyễn Hải Đạm được chọn đi học văn hóa và học trường Trung cấp Sư phạm ở khu học xá Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngay từ kháng chiến chống Pháp. Sau ngày hòa bình, thầy tốt nghiệp ra trường và dạy cấp II ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thầy được cử đi học ở Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1959. Tốt nghiệp Đại học, thầy về tỉnh Thái Bình dạy ở trường cấp III Duyên Hà, trường cấp III Đông Quan và trường cấp III Bắc Kiến Xương của chúng tôi, rồi thầy học lên Đại học chuyển lên làm trưởng khoa Ngôn Ngữ học trường Sư phạm 10+3 (sau là trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Thái Bình), năm 1995 sức khỏe yếu thầy nghỉ giảng dạy nhưng vẫn thường xuyên viết sách về giảng dạy Ngữ văn cả về trích giảng văn học trong Nhà trường ,bổ sung Từ điển Hán nôm trong tiếng Việt và viết báo cho báo hiao cho Giáo dục giáo dục đào tạo. Có lẽ thầy khát khao cháy bỏng mong muốn được truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm cả một đời dạy Văn cho các đồng nghiệp, các trò đang tiếp tục sự nghiệp trồng người mà trong thầy vẫn như còn đau đáu một điều gì đó về sự chưa thật hoàn thiện của nền giáo dục nước nhà trước thực tiễn phát triển của Xã hội hiện đại. Về dạy học ở Thái Bình thầy yêu và kết hôn với cô Phạm Thị Liệu quê xã Đông Hoàng. Cuộc sống hạnh phúc của thầy cô sinh được 4 người con: con gái đầu là em Nguyễn Thị Trà Giang (bị bệnh đã mất), con thứ hai là Nguyễn Thị Khánh Xuân đang kế tục sự nghiệp của thầy ở Khoa Ngôn ngữ học trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Thái Bình, con thứ ba là Nguyễn Thị Thúy Hà - Kỹ sư Công nghệ Thông tin, làm việc ở ngành Ngân hàng và con trai út là Nguyễn Hải Long, đang làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank. Các con của thầy cô đã trưởng thành vừa kế nghiệp của bố - Nhà giáo Nguyễn Hải Đạm và của mẹ - Cô Phạm Thị Liệu.

Bên thầy Hiệu trưởng, Nhà giáo ưu tú Bùi Tấn và hai cựu học sinh của trường cấp III Bắc Kiến Xương đi bộ đội đã được phong quân hàm cấp Tướng, cô Phạm Thị Liệu xúc động kể lại: Khi thầy Nguyễn Hải Đạm mất, một người bạn rất thân của thầy Đạm tên là Cảnh ở Thái Bình có đưa cho cô Liệu lá thư thầy Đạm gửi anh Cảnh cách đó 10 năm, thầy tâm sự là thầy sẽ ra đi năm thầy 66 tuổi (Lá thư đó hiện nay cô Liệu vẫn đang lưu giữ). Thật là kinh ngạc thầy đã tiên đoán được tuổi thọ của thầy như một điều huyền bí.

Hôm nay viết lại những kỷ niệm về thầy tôi vẫn thầm thốt lên: thầy giáo Nguyễn Hải Đạm kính yêu của chúng em ơi, em chưa được may mắn học môn văn thầy giảng dạy và thật hạnh phúc cho những học sinh đã được học thầy.

Nguồn Văn nghệ số 44/2020


Có thể bạn quan tâm