April 27, 2024, 5:41 am

Người say mê thẩm bình thơ Bác

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN LÊ XUÂN ĐỨC

Nhà văn Lê Xuân Đức (Còn có bút danh là Chu Mã Giang, sinh ngày 12/8/1939. Quê quán: Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ông từng học Cấp III Lam Sơn, học ĐHTH Văn, giảng viên ĐHSP Vinh, giáo viên chuyên Văn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thanh Hóa, Đại biểu quốc hội khóa 8, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Quốc hội.

- Tác phẩm chính: Chủ yếu thẩm bình thơ Bác Hồ: Đến với những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2002); Lời bình 79 bài thơ Bác Hồ (2006)…

- Giải thưởng: Giải thưởng văn xuôi Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải thưởng của Ban Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn Lê Xuân Đức đã từ trần ngày 10/11/2022, (tức ngày 17/10 năm Nhâm Dần) hưởng thọ 84 tuổi.

Văn nghệ xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Quế, như một nén tâm hương tiễn ông về cõi vĩnh hằng.                                     

VN

 

Nhà văn Lê Xuân Đức

Nhà giáo - nhà văn Lê Xuân Đức là người anh và đồng nghiệp của tôi cùng dạy ở trường THPT Lam Sơn mến yêu những năm 80 của thế kỷ trước. Ông dạy chuyên Văn cùng các thầy Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Ngọc Liễn, tôi dạy môn Toán. Tôi, thầy Đức, thầy Liễn là hội viên Hội Văn nghệ Thanh Hóa vừa tâm giao về nghề nghiệp vừa yêu quý văn chương. Thầy Đức là Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Văn nghệ, thầy Liễn viết văn còn tôi tập tõm làm thơ. Thế mà cũng “oai” ra phết, ở tỉnh lẻ nghèo và lắm chuyện. Cuộc đời dâu bể, thầy Liễn mất khi ở độ chín tài năng, thầy Đức rẽ sang hoạt động chính trị xã hội và về Hà Nội làm việc, còn tôi hì hụi sống, dạy học ở xứ Thanh, chớp mắt đã hơn hai mươi năm.

Nhà giáo - nhà văn Lê Xuân Đức sinh năm 1939 ở làng Trương Xá, xã Hòa Lộc, Hậu Lộc. Trong gia đình, dòng họ có truyền thống văn hóa, bố là viên chức ở Dinh đốc học, mẹ nội trợ, đảm đang, mất sớm khi cậu bé Đức mới hai tuổi. Lê Xuân Đức sớm tự lập. Năm 1956, Lê Xuân Đức khăn gói lên thị xã Thanh Hóa học Cấp III Lam Sơn (cả tỉnh khi ấy chỉ có một trường cấp III duy nhất). Ba năm học ở đây cậu học trò vùng biển lao động lấy tiền kiếm sống, ăn học. Buổi sáng học ở trường, chiều chân đất ra bến Hàm Rồng đẩy thuê xe goòng than cho nhà máy điện. Cơm ăn nhiều khi chỉ có một bữa, tối nhịn, quần áo mặc chỉ có một bộ, giặt đêm để sáng khô lại mặc. Ý thức lập thân, quyết chí tu thân, học tập là bản lĩnh của cậu học trò nghèo. Kỳ thi tốt nghiệp cấp III, điểm văn của Lê Xuân Đức 5/5, niềm tự hào của gia đình, thầy cô, bạn bè cùng trang lứa.

Năm 1960, Lê Xuân Đức được cử đi học ở Liên Xô (cũ) ngành Thể dục thể thao, nhưng từ bỏ chuyến đi nước ngoài hấp dẫn mà xin về học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ở đây ông ríu rít bạn bè: Mai Quốc Liên, Ngô Thảo, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Trung Thu, Trần Nhật Lam… Khóa học có 23 sinh viên Việt Nam và 11 sinh viên nước ngoài. Năm tốt nghiệp đại học, luận văn của ông cũng đạt điểm tối ưu 5/5, Giáo sư Đinh Gia Khánh đánh giá rất cao. Khi tốt nghiệp ra trường, theo yêu cầu, chàng sinh viên trẻ được phân về dạy trường Bổ túc công cộng Trung ương, rồi chuyển về Đại học Sư phạm Vinh, trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa. Từ người ham mê nghiên cứu văn học, Lê Xuân Đức nhanh chóng thành người thầy truyền cảm cái đẹp, cái thiện của câu văn, dòng thơ cho thế hệ trẻ. Năm 1976, thầy giáo dạy giỏi Lê Xuân Đức được mời về dạy chuyên Văn trường Trung học phổ thông Hàm Rồng và Trung học phổ thông Lam Sơn. Người thầy tận tụy với nghề tìm hạt gieo mầm cho những lứa học trò giỏi văn vươn mầm, xanh lá. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng có gần 10 năm dạy các lớp chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi thi quốc gia. Ông có nhiều học sinh sau này là giáo sư, tiến sĩ, những thầy giáo dạy văn giỏi, những nhà hoạt động chính trị xã hội. Nhà giáo Lê Xuân Đức ngày ấy còn chủ biên nhiều sách tham khảo cho ngành giáo dục như: Những bài tập làm văn hay lớp 12 (Nxb. Thanh Hóa), Một số bài giảng thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nxb. Giáo dục)…

Tưởng suốt đời ông gắn với trang giáo án, bảng đen, nhẫn nại cần cù luyện câu, chọn chữ dạy đạo lý làm người cho học trò. Nhưng nhân dân, đất nước cần Lê Xuân Đức nhiều hơn thế. Năm 1985, Lê Xuân Đức chuyển công tác làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ tỉnh, đây là bước ngoặt lớn rẽ lối trong đường đời của ông. Từ nhà giáo ông thành một công chức cần mẫn, uy tín, từ nhà văn ông thành Nghị sĩ của cơ quan lập pháp của đất nước, một Vụ trưởng năng nổ, trách nhiệm…

Công việc cuốn ông đi trong dòng chảy phát triển của đất nước cùng dòng mạch văn chương bền bỉ thuần hậu… Như một cơ duyên tiền định, nhà lý luận phê bình, nghiên cứu Lê Xuân Đức tự gắn kết máu thịt với thơ Bác Hồ, làm người thẩm bình chỉ một đề tài duy nhất: Thơ ca Hồ Chí Minh… Có nhiều tên tuổi lớn trong giới văn sĩ đã giới thiệu, nghiên cứu, bình luận thơ Bác, nhà văn Lê Xuân Đức có một con đường riêng, hồn cảm riêng, lặng lẽ thẩm bình thơ Bác với những khám phá, phát hiện mới, đóng góp đáng kể. Cũng như thơ Bác, những tác phẩm bình thẩm của Lê Xuân Đức bình dị, tinh tế, sâu lắng, chỉ vài trang viết mà lột tả được vẻ đẹp ngọc sáng của thơ Người…

Lê Xuân Đức cần mẫn, quyết tâm và có thuận lợi, ông dồn tâm sức, thời gian đến những nơi Bác có thơ, lần tìm xuất xứ những bài thơ của Bác, sưu tầm tìm thêm những bài thơ còn lưu giữ ở những vùng đất trên con đường hoạt động cách mạng của Bác. Đến nay, Lê Xuân Đức đã có trong tư liệu 181 bài thơ chữ Hán, trong đó có 133 bài và đề từ của Nhật ký trong tù và 47 bài ngoài Nhật ký trong tù, cùng hơn 150 bài thơ tiếng Việt. Ông đã đi nhiều nước Anh, Mỹ, Pháp, Thái Lan… để tìm hiểu các bài thơ Bác Viết ở đây. Ở Trung Quốc, ông thân thiết với các giáo sư: Hoàng Tranh, Lương Viễn, Chúc Ngưỡng Tu, Phạm Hồng Quý… để bồi bổ thêm vốn từ Hán, hiểu thêm văn hóa Trung Hoa, hiểu tận gốc thể loại thơ Bác. Một quy trình làm việc khoa học, biện chứng cả trên văn bản và cuộc đời một bài thơ...

Người làm thơ như Bác là bậc trí tài, người thẩm bình thơ Lê Xuân Đức là người mê cảm, tri ân. Cảm yêu, thẩm bình dăm bài đã khó, cảm yêu, thẩm bình hàng trăm bài của một tác giả thì khó vạn lần, phải có tấm lòng kính yêu vô hạn với Bác Hồ như thế nào, Lê Xuân Đức mới vượt qua được những thử thách của công việc phê bình văn chương… Xưa các bậc tiên sinh trí giả như Mao Tôn Cương bình chú Tam quốc diễn nghĩa, Thánh Thán nói về tình yêu của Mái Tây, Hoài Thanh đau đáu Thi nhân Việt Nam, còn Lê Xuân Đức để cả đời tìm hiểu tôn vinh cái đẹp siêu việt thơ Bác. Đáng quý, trân trọng và ngưỡng mộ biết bao. Nhà văn Lê Xuân Đức từ ngày nghỉ hưu cặm cụi trên bàn phím, trang giấy, chọn lọc câu chữ để lột tả hết cái thần của thơ Bác. Từ năm 2002 đến nay, ông đã xuất bản 15 công trình về thơ Bác Hồ, tập nào cũng trang trọng như tấm lòng tác giả và nhà làm sách.

Lê Xuân Đức đoạt nhiều giải thưởng: Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam (2013), Giải thưởng các tác phẩm xuất sắc Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2009, 2015), Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội (2007), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là những ghi nhận đóng góp quý giá của nhà văn Lê Xuân Đức cho văn học…

*

Hằng năm, vào ngày hội Thơ Rằm tháng Giêng, tôi đều dự lễ khai mạc. Buổi sáng xuân se lạnh không khí khuôn viên Văn Miếu dập dìu thi nhân và khách yêu thơ ấm cúng tình người. Hòa mình trong dòng hứng khởi thi ca, nghe hào sảng, thanh khiết bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ, một bài thơ đẹp về tâm thế, trong sáng về hồn cảm tỏa ngời khí chất của bậc trí tài làm chủ tạo hóa, làm chủ cuộc sống, hòa nhập thiên nhiên:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời

thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân

đầy thuyền.

Bài thơ ám vào tôi từ tuổi học trò rồi càng thấm khi được nghe thầy giáo Lê Xuân Đức giảng bình ở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn tỉnh Thanh. Tôi nhớ mãi giọng thầy đầm ấm, khúc triết: “Lại là trăng rằm tháng Giêng đang độ non tơ, trăng tròn như sự vật đang ở thời kỳ viên mãn nhất. Bài thơ của Bác mở ra ở lúc trăng vừa lên và khép lại ở chính giữa vòm trời… Việc quân cơ được nhất trí cao trên dưới đồng lòng, ra về trăng chứa đầy thuyền. Trăng đã tìm đến Bác, trăng cùng Bác và Bác cùng trăng trên đường về phơi phới tin yêu”. Lời bình thâu tóm cả hồn cốt của bài thơ, thấm vào lòng người nghe.

Lại nhớ ngày về hội trường kỷ niệm 80 năm thành lập College - Đào Duy Từ - Lam Sơn. Hôm ấy sân trường đầy cờ hoa và ồn ã thầy trò nhiều khóa về họp mặt. Ở một góc khuất yên bình, tôi thấy nhóm học trò chuyên Văn xưa đang vây quanh thầy Đức. Thoáng nghe ai đó nói hào hứng: “Thầy ơi! Xin thầy bình giảng lại ngắn gọn bài thơ Tảo giải (Giải đi sớm) của Bác cho chúng con nghe một lần nữa ạ”.

Và một giọng vang ấm:

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng

Những kỷ niệm tròn đầy của một nhà giáo, một nhà văn, nhà hoạt động xã hội. Còn gì ở cuộc đời, nếu phía sau ta, phía trước ta, không có niềm say mê khao khát về cái thiện, cái chân, cái mỹ cho thế giới này. Công việc thẩm bình thơ Bác Hồ đã là lẽ sống của nhà giáo - nhà văn Lê Xuân Đức. Tôi xin mượn lời chia sẻ của Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam thay cho lời kết: “Những công việc đó tôi nghĩ là không lúc nào cạn hết nguồn hứng thú, bởi tôi tin nhà văn Lê Xuân Đức cũng như tôi, chúng ta đều có chung một ý nghĩ: Văn thơ Hồ Chí Minh - thế giới không cùng cho những khám phá”.

Nguyễn Ngọc Quế

Nguồn Văn nghệ số 48/2022


Có thể bạn quan tâm