May 2, 2024, 5:05 am

Người giữ hồn văn hóa Việt trên xứ sở Bạch dương

 

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (nguyên cán bộ giảng dạy văn học Nga tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) hiện đang sống và làm việc tại Moscow (Liên bang Nga). Nhà thơ sinh ra trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu – một gia tộc có truyền thống khoa cử, văn chương tại Can lộc, Hà Tĩnh, cũng là dòng họ duy nhất ở Việt Nam được UNESCO hai lần vinh danh ký ức di sản nhân loại.

Nguyễn Huy Hoàng gắn bó với nước Nga như một định mệnh của cuộc đời. Sau gần một phần ba thế kỷ sinh sống và làm việc tại Xứ sở Bạch Dương, mảnh đất này đã mang lại cho ông những thành công trong khoa học và sự nghiệp sáng tác, nhưng cũng để lại cho ông niềm day dứt khôn nguôi cùng nỗi buồn sâu thẳm (cô con gái đầu lòng xinh xắn, thông minh mà vợ chồng ông rất mực yêu thương đột ngột mất tích ở nước Nga. Dường như mọi cánh cửa đều khép lại, ông đành từ bỏ mọi tương lai hứa hẹn đang chờ sẵn ở Việt Nam để ở lại Nga với hy vọng tìm lại được con gái). Song, Nguyễn Huy Hoàng đã vượt lên nỗi đau cá nhân, và bằng lao động sáng tạo của mình đã mang văn hóa Việt chia sẻ cùng bè bạn, cộng đồng của cả hai đất nước Việt - Nga.

Nguyễn Huy Hoàng là nhà văn đầu tiên tại Liên bang Nga được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Ông là người chủ biên, tổ chức hiệu đính các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại của Việt Nam như: Truyện Kiều, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, dịch tập thơ Chiến tranh Vệ quốc, Đợi anh về, Gia tộc Tổng thống V. Putin, Có khi nào, chuyện chúng tôi, bạn lại thêu dệt khác… Tập thơ dịch Đợi anh về đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn trao tặng tận tay Tổng thống Nga V.Putin, khi ông đến thăm Việt Nam.  Kể từ khi Liên Xô tan rã, sau nhiều năm văn học Việt Nam vắng bóng trên các giá sách của người dân Nga, những tác phẩm văn học được dịch bởi Nguyễn Huy Hoàng và những dịch giả nổi tiếng như Vũ Thế Khôi, Thúy Toàn, Đức Mẫn, Nguyễn Thị Kim Hiền, Thụy Anh, Trần Đình Hậu, Lê Nhân, Đoàn Tử Huyến… đã giúp nối lại nhịp cầu giao lưu văn hóa, văn học giữa hai đất nước Việt - Nga

Để hoàn thành luận án Tiến sĩ với đề tài về Nikolai Vasilyevich Gogol, Nguyễn Huy Hoàng đã viết hàng chục bài báo về văn học Nga đăng tải trong các tạp chí trong nước và ngoài nước, và một tập chuyên luận về tác giả nổi tiếng này. Vì N.Gogol là một nhà văn vĩ đại thế kỷ XIX sinh ra ở Ucraina, nhà nước Ukraina đã đề cao và vinh danh những tác giả nước ngoài nghiên cứu về nhà văn của dân tộc mình. Ngày 21/6/2017, Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật thế giới Ukraina đã phong tặng Nguyễn Huy Hoàng, người đã có những công trình sáng giá về N.Gogol, danh hiệu Viện sĩ. Gần đây nhất, nhân kỷ niệm ngày sinh của nhà văn N.Gogol (01/04/1809 - 01/04/2018), Viện Hàn lâm Văn học Thế giới Ukraina đã quyết định xét trao tặng giải thưởng cho các nhà bác học, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch thuật Ukraina và quốc tế.  Hơn 700 người nước ngoài được đề cử, trong số 16 người được trao giải thưởng bao gồm Mỹ, Cộng hòa Liên bang Đức, Kazakxtan, Belorus, Campuchia, Nguyễn Huy Hoàng là một trong số ba người Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng văn học Quốc tế Ukraina “Triumph” mang tên nhà văn N.Gogol - Giải thưởng dành cho những người “đã có những công trình nghiên cứu và đã đóng góp to lớn vào việc giới thiệu, phổ biến văn học Ukraina ở Việt Nam”. Sự lao động miệt mài, bền bỉ của Nguyễn Huy Hoàng sau gần 40 năm nghiên cứu, giảng dạy văn học Nga đã được ghi nhận xứng đáng.

Suốt hơn hai chục năm sáng tác văn học, Nguyễn Huy Hoàng đã cho xuất bản nhiều tập sách báo gồm nhiều thể loại như thơ, văn xuôi, truyện ký, kịch bản phim… và hơn chục lần tổ chức ra mắt sách ở Việt Nam tại các thư viện, các trung tâm, các nhà xuất bản và Viện Hàn lâm khoa học xã hội và các trường đại học. Ông góp sức tổ chức hơn chục đêm thơ hàng năm vào dịp Nguyên Tiêu, ông là người đầu tiên cùng Đại sứ quán đứng ra tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam tại Nga. Cùng với lãnh đạo Bến Thành, ông là người khởi đầu các cuộc gặp mặt cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam, sự kiện này có ý nghĩa rất lớn và duy trì cho đến ngày nay. Cùng với hai người trí thức trong cộng đồng, ông là người  xin phép thành lập bảo tàng Việt Nam tại trường 282 tại Matxcova và tổ chức một phòng trưng bày hiện vật văn hóa Việt Nam trong quần thể bảo tàng Tổ Quốc. Cũng tại trường 282, ông và cô giáo Phạm Thị Điềm đã tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, được coi là thành công nhất.

Dù sinh sống ở Nga nhưng ông vẫn được mời về giảng dạy văn học Nga cho một số trường đại học, cao đẳng trong nước như Đại học Quốc gia Hà nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Tĩnh…, được mời nói chuyện văn học nhiều đêm tại Praha, Vacsava, Berlin, tham dự nhiều Hội thảo Khoa học Quốc tế tổ chức trong nước. Người Nga và người Việt sống ở đất nước Nga thường trìu mến và trân trọng coi Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng là người giữ lửa hồn văn hóa Việt trên xứ sở Bạch dương.

Những năm tháng sống trên đất Nga, ngoài việc lăn lộn kiếm tìm con gái khắp nơi, ông đã xuất bản 3 tập giáo trình văn học Nga, chủ biên và dịch 4 tập sách từ tiếng Nga ra tiếng Việt và từ tiếng Việt ra tiếng Nga. Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Hoàng còn ra mắt 11 tập thơ, 3 tập truyện. Những tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Nga như các tập truyện ký: Đếm bước cuộc hành trình, Matxcơva thời mở cửa, Mưu sinh và các tập thơ: Ngoảnh lại, Dư âm, Phía bên kia trời, Miền yêu thương, Đa mang, Giữa thanh thiên bạch nhật, Vẫn còn có bao điều tốt đẹp, Ngoảnh lại, Một thời tôi từng có, Canh ngọn đèn đợi sáng,

      Đọc thơ Nguyễn Huy Hoàng, người đọc được chia sẻ cùng nhà thơ những trắc ẩn với thân phận những con người khốn khó, bất hạnh; nỗi niềm nhớ thương quê nhà sâu sắc của một người Việt xa xứ. Trong nỗi đau ly quê, tâm thức văn hóa Việt trỗi dậy mạnh mẽ. Với lối viết không kiểu cách, không bị cuốn theo những cách tân về hình thức, chỉ diễn tả chân mộc ý tưởng của mình, thơ Nguyễn Huy Hoàng  luôn mang những thông điệp văn hóa sâu sắc và giàu tính nhân văn. Xưa nay, trong tâm thức người Việt, dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu thì ký ức văn hóa về nguồn cội luôn là sợi dây thiêng liêng, bền chặt, neo giữ mỗi người với dân tộc, với đất nước, quê hương, và đây cũng chính là cảm hứng chủ đạo trong  thơ Nguyễn Huy Hoàng. Dấu ấn giá trị văn hóa Việt, vì thế, ta có thể thấy ở nhiều thi phẩm: Người Việt, Tết xa quê, Tiếng gọi, Dành cho con, Cố hương, Đêm cuối năm, Bên bờ Ban tích,Trong hồn ngọn gió heo may, Hoài niệm cố hương, Ngơ ngác, Nỗi nhớ tháng ba, Chùm hoa râm bụt, Với mẹ, Nước Nga, Tết này lại nhớ xưa… đó là những bài thơ mang nặng hoài niệm về con người, cảnh vật, phong tục, tập quán, sinh hoạt lễ hội… ở làng quê Việt. Hình ảnh quê hương, đất nước – nơi ra đi và cũng là nơi để trở về của mỗi con người hiện lên trong thơ Nguyễn Huy Hoàng thật ấn tượng, xúc động lòng người.

Tâm thức văn hóa Việt trong Thơ Nguyễn Huy Hoàng được kết tinh từ những trải nghiệm đắng cay của kiếp người. Vì thế tất cả những gì thi nhân trải lòng đều xuất phát từ tâm cảm của ông. Đó là nỗi nhớ hình bóng những người thân yêu “nơi xóm vắng” quê nhà, mà hình bóng người cha như một dấu lặng của tâm cảm ấy để khi câu chữ vang lên lòng người không khỏi xót xa: Lòng man mác nỗi niềm nơi xóm vắng/ Bóng cha già lau hương án gia tiên (Tết xa quê). Hình ảnh bà mẹ Việt hiện lên trong thơ của Nguyễn Huy Hoàng luôn khiến người đọc thương cảm, xúc động: Mẹ lúi húi canh chừng bên bếp lửa/ Nghe bước chân, thấp thỏm qua thềm / Sau cửa sổ, mịt mờ mây xứ tuyết/ Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi… (Tết xa quê)

“Mẹ hiền tần tảo” và “bếp lửa hồng” – hai hình ảnh thân yêu, gần gũi luôn là nỗi ám ảnh trong tâm thức thi nhân. Đó cũng là một biểu tượng đẹp đẽ của văn hóa Việt.  Giản dị chân mộc và ám ảnh – đó là nét riêng làm nên chất thơ trong phong cách Nguyễn Huy Hoàng. Từ làng quê nghèo khó ra đi lập nghiệp ở phương trời xa lạ, với trải nghiệm hành trình sống đầy gian truân nơi xứ người, tác giả càng thấm thía, trân quý, nâng niu những gì bình dị, gắn bó với mảnh đất nơi mình cất tiếng khóc tiếng chào đời. Chính tác giả đã chia sẻ “dù đi đến nơi đâu thì nỗi nhớ thương nước Việt vẫn luôn sâu thẳm ở trong lòng”.

Người đọc còn bắt gặp trong thơ Nguyễn Huy Hoàng những nét văn hóa tâm linh thiêng liêng của làng quê Việt, và nét văn hóa độc đáo ấy đã theo chân những người con nước Việt đi tha hương như một phần máu thịt trong cuộc đời của họ và nó luôn ám ảnh tâm thức họ:  Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ Tết/ Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà/ Mâm ngũ quả, khói hương thờ nghi ngút/ Lịch bên tường, đào thắm đỏ sắc hoa (Tết xa quê), Đêm xa nhà, trong những giấc mơ tôi gọi thầm tiếng Việt/ Bàn thờ tổ tiên ngự nơi trang trọng giữa nhà (Nước Nga). Dẫu biết rằng: Có tất cả nhưng làm sao có Tết/ Xung quanh con xa lạ nước non người (Tết xa quê). Song, có lẽ đằng sau mâm ngũ quả, ban thờ, khói hương,…là cả một tấm lòng hoài niệm, trân trọng hướng về những giá trị tinh thần ngàn đời không thể mất. Ở đây có thể thấy rất rõ sức mạnh của văn hóa dân tộc tựa như thần dược cứu rỗi tinh thần con người, nhất là khi con người đối diện hoàn cảnh cô đơn, bi kịch.

Thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ để bày tỏ tâm cảm của người trong cuộc, ông không nói hộ ai, ông chỉ nói cho chính tiếng gọi vang lên từ sâu thẳm trái tim mình và những người thân yêu, gắn bó máu thịt với cuộc đời ông. Hành trình sống với những đớn đau trong thân phận lưu đày để kiếm tìm giá trị đích thực của bản thể đã làm nên sức thuyết phục của thơ Nguyễn Huy Hoàng.  Phải chăng, với thơ, Nguyễn Huy Hoàng đã góp tiếng nói khẳng định một thông điệp nhân sinh đầy tính nhân bản như một hằng số văn hóa: Cội nguồn dân tộc, quê hương bao giờ cũng là điểm tựa, là niềm tin vững chắc nhất cho con người để vượt qua tất cả thử thách của số phận, sống và đối diện với tận cùng hạnh phúc, khổ đau và mất mát… 

    Nguồn Văn nghệ số 7/2019


Có thể bạn quan tâm