April 26, 2024, 1:23 pm

Người chỉ huy dàn kèn thổi Tiến quân ca trong ngày Độc lập

Đó là cụ Đinh Ngọc Liên. Tôi có cái duyên quen thân với anh Đinh Thắng Lợi, con trai cụ, từ năm 1965 khi vào học Trường Thiếu sinh quân của Tổng cục Chính trị. Sau này biết cụ cũng là dân Công giáo như cha tôi, nên chúng tôi càng gắn bó hơn, cho dù thế hệ chúng tôi không còn đi nhà thờ...

 

Buổi biểu diễn đầy lưu luyến tiễn NSND Đinh Ngọc Liên - Trưởng đoàn Quân nhạc về nghỉ hưu.

Ký ức tuổi thơ

Những năm 60 của thế kỉ trước, bọn trẻ con chúng tôi mỗi khi được vào sân Hàng Đẫy xem thi đấu bóng đá giữa đội Thể Công với Công an Hà Nội hay Đường sắt, Bưu điện là cả một vinh hạnh. Đứa nào cũng tò mò ngó nghiêng, đặc biệt theo dõi các chú bộ đội ngồi ngay sát chân khán đài A, sử dụng kèn Tây, có cái kèn lớn ôm vòng kín cả người, cử hành các khúc nghi lễ. Khi 2 đội tiến ra sân, dưới sự chỉ huy của một sĩ quan cầm cờ, hành khúc Chiến thắng Phủ Thông nổi lên. Giai điệu ấy cho đến giờ vẫn thuộc, cho dù theo quy định mới của Liên đoàn Bóng đá sử dụng nhạc điệu khác. Theo tôi Chiến thắng Phủ Thông vẫn là hành khúc ra sân hay nhất! Sau này mới biết lời của bài hát “Núi đồi Phủ Thông bao năm rên dưới gót thù/ Chim thôi lời ca, suối trong bừng lên tiếng thét...” được chính cụ Đinh Ngọc Liên, người chỉ huy dàn kèn cử hành Quốc ca trong ngày 2/9/1945, sáng tác sau chiến thắng Phủ Thông năm 1948.

Ông “Quản Kèn” của Trại Bảo an Binh Hàng Bài

Cụ Đinh Ngọc Liên sinh năm 1911 ở Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định. Là dân công giáo toàn tòng, cậu Liên sớm được vào học trường dòng. Phát lộ nhiều năng khiếu nhạc họa, văn thơ... Đinh Ngọc Liên còn là nhạc công chơi ac-mô-ni-om (harmonium), cử các bài Thánh ca.

Từ năm 1924, Camille Parmentier đã lập đội kèn chuyên phục vụ các nghi lễ đối nội, đối ngoại của Tòa Thống sứ Bắc kỳ. Năm 1930, ra Hà Nội, do sử dụng thành thạo kèn Tây, để mưu sinh Đinh Ngọc Liên tham gia đội kèn. Parmentier nhận thấy trong số lính kèn thì ông Liên đặc biệt nổi trội vì thổi tốt nhiều loại kèn, biết nhạc lý, ký xướng âm và có nhạc cảm tốt... nên đã chọn làm phụ tá. Có những lúc còn giao ông Liên cầm đũa chỉ huy. Dần dần lên đến chức Quản, có lính hầu và cái tên “Quản Liên” “chết” với anh từ đó.

Quản Liên vốn rất nghiêm khắc; khi chỉ huy mà nghe thấy nhạc công nào thổi sai là ném thẳng đũa về phía đó; người có lỗi phải nhặt đũa, đưa 2 tay trả lại thầy. Sau ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, Parmentier hồi hương, Quản Liên được tín nhiệm bầu làm đội trưởng. Thời gian này, đội kèn đóng ở Trại Bảo an Binh (nay là 40 Hàng Bài, đối diện với rạp chiếu bóng Tháng Tám).

Ngày 19/8/1945, sau mit-tinh của hàng vạn người ở Quảng trường Nhà hát Lớn, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, các cánh quân tiến về Phủ Khâm sai, Sở Liêm phóng, Tòa Thị chính, Nhà băng, nhà pha Hỏa Lò... Tại những điểm này tuy có khó khăn, nhưng quân Nhật và lính Bảo an không dám nổ súng nên giải quyết khá nhanh gọn. Riêng Trại Bảo an Binh, nơi có cả nghìn lính với đầy đủ súng ống cùng một kho vũ khí lớn, thì khó khăn hơn. Dù lực lượng cách mạng đã phá cổng chính, ào vào bên trong và chiếm lĩnh một số điểm trọng yếu, nhưng vì ở đây có kho vũ khí lớn. Dù đã đầu hàng nhưng quân Nhật ở Đông Dương còn có nhiệm vụ “giữ gìn trật tự cho đến khi Đồng Minh vào tiếp nhận” nên sợ Việt Minh chiếm được kho vũ khí sẽ phát súng đạn cho dân, dễ làm loạn. Họ cho 4 xe tăng cùng lính kéo ra bao vây Trại. Tình thế căng thẳng, có thể xảy ra nổ súng. Tin này được ông Nguyễn Quyết (sau này là đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) báo gấp về Phủ Khâm sai (sau 19/8 gọi là Bắc bộ Phủ), nơi có bộ chỉ huy tối cao của Tổng khởi nghĩa. Trần Tử Bình bàn bạc với Nguyễn Khang và Trần Đình Long, cử Lê Trọng Nghĩa đi xe Limousine cắm cờ đỏ sao vàng ra điều đình. Mặt khác, ở bên trong, các thành viên của đội Tự vệ vũ trang Việt Minh Hoàng Diệu cũng làm chủ và vận động lính Bảo an án binh bất động. Quản Liên vận động anh em đội kèn hưởng ứng.

Sau cuộc đàm phán kéo dài gần tiếng đồng hồ, quân Nhật đồng ý lui quân nhưng yêu cầu “phía nổi loạn” phải cử người đến gặp Tổng chỉ huy Nhật ngay tối 19/8. Lính Bảo an được cho phép trở về quê, còn ai muốn theo Việt Minh thì được nhanh chóng làm các thủ tục. Quản Liên đã động viên 72 nhạc công của mình đi theo cách mạng. Từ hôm đó, đội kèn có tên mới “Ban âm nhạc Giải phóng quân”. Trong ngày Quốc khánh 2/9/1945, đội kèn của Quản Liên vinh dự nhận nhiệm vụ cử hành Tiến quân ca trong lễ chào cờ ở Quảng trường Ba Đình. Cũng sáng đó, đội còn cử hành Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Vũ khúc tưng bừng (Lương Ngọc Trác)... Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tuần, đội kèn của ông tập và biểu diễn thành công chừng ấy tác phẩm cách mạng. Thật đáng khâm phục!

Chuyện về những thay đổi của “Tiến quân ca”

Tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, các đại biểu đã nhất trí chọn Tiến quân ca, sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, làm Quốc ca. Sau khi Ban âm nhạc Quân giải phóng ra đời, nhận được bản nhạc của Văn Cao, Quản Liên đã viết lại tổng phổ cho dàn nhạc kèn rồi cho tập, kịp trình diễn trong Ngày lễ Độc lập. Cầm bản nhạc trên tay, đọc rồi thử chơi, bằng cảm nhận của mình ông cảm thấy có gì đó cần phải sửa. Ông và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn bạc với nhạc sĩ Văn Cao cần có thay đổi nhỏ làm cho giai điệu khỏe hơn, mạnh hơn. Về chuyện này, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ: “Về nốt nhạc đầu tiên, ông Đinh Ngọc Liên cho dàn nhạc cử nốt nhạc này không ngân dài nữa, mà vào ngay với nốt nhạc liền sau nó. Tức là, nếu như cũ, lời ca là: “Đoàn… quân Việt Minh đi” thì chữ “Đoàn” phải hát kéo dài hơn. Còn khi đã sửa: “Đoàn quân Việt Minh đi”. Do đó các bản nhạc in sau này đã sửa hẳn như vậy, đến nay cứ nghe là thấy rất ổn. Tôi vẫn thầm cảm ơn ông Đinh Ngọc Liên về cái nốt nhạc này”. 

Cuộc đời gắn liền với vận mệnh đất nước

Kháng chiến chống Pháp, cùng đội quân đánh giặc, chúng ta vẫn có một đơn vị đặc biệt - Quân nhạc. Dàn Quân nhạc phát triển thành một tiểu đoàn. Trong thời gian này, ông đã sáng tác Chiến thắng Phủ Thông rồi phối khí, chuyển soạn nhiều ca khúc cách mạng cho dàn nhạc kèn, đánh dấu những bước đi đầu tiên của “khí nhạc” Việt Nam. Ngày 1/1/1955, đội Quân nhạc của ông được vinh dự đón Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ về lại Thủ đô. Không chỉ góp công sức xây dựng Đoàn quân nhạc Việt Nam trở thành đơn vị chính quy của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà ông còn là Trưởng đoàn trong nhiều năm. Sau 1958, ông được phong quân hàm trung tá. Ngoài việc xây dựng Đoàn Quân nhạc Việt Nam, Đinh Ngọc Liên còn góp công xây dựng các dàn kèn của Bộ Công an, Cung Thiếu nhi và nhiều xứ đạo Bắc bộ. Nhạc viện Quốc gia còn mời ông về dạy chỉ huy. Nhiều học sinh trong và ngoài quân đội nhờ ông đã trở thành những nghệ sĩ uy tín, những chỉ huy tài năng. Ông còn viết tổng phổ, hòa âm phối khí nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như: Chiến thắng Phủ Thông, Xuân chiến thắng, Hải cảng về ta, Chúng ta có Bác Hồ, Vọng gác tiền tiêu, Hành khúc tang lễ... hay Đa-nuyp xanh, Sóng Hắc Long giang, Vũ khúc Tây Ban Nha, Phiên chợ Ba Tư...

Đinh Ngọc Liên cũng là người thuyết phục cấp trên cho phép Đoàn Quân nhạc, một đơn vị thực hiện nhiệm vụ Nghi lễ trong Quân đội, được tham gia các hoạt động văn hoá - nghệ thuật xã hội. Vì thế đã có các buổi hoà nhạc định kỳ tối thứ bảy ở nhà kèn của Vườn hoa Chí Linh (nay là công viên Lý Thái Tổ), ở Ấu Trĩ Viên (Cung Thiếu nhi), trình diễn những hành khúc cách mạng, ca khúc trữ tình và cả những nhạc phẩm nước ngoài được yêu thích. Đây cũng là một nét văn hóa, một sắc thái đẹp của thủ đô.

Năm 1957, cụ Đinh Ngọc Liên là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng với các nhạc sĩ: Đỗ Nhuận, Tạ Phước, Lê Lan, La Thăng, Lưu Hữu Phước, Văn Chung, Nguyễn Hữu Hiếu, Lưu Cầu... và liên tục là ủy viên Ban Chấp hành và cố vấn Ban Chấp hành của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến cuối đời.

Với những đóng góp của mình, năm 1988, ông là Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên của Quân đội được Nhà nước được phong tặng. Năm 2017, Đinh Ngọc Liên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho Cụm tác phẩm nhạc nghi lễ - Trống hành khúc, trống tang lễ, Nhạc chào mừng, Các bài kèn hiệu; các tác phẩm khí nhạc: Xuân chiến thắng, Vọng gác tiền tiêu miền duyên hải và các ca khúc: Phủ Thông chiến thắng, Hải cảng về ta.

Đạo và Đời

Từ sau ngày theo Cụ Hồ đi kháng chiến, được kết nạp vào Đảng, Đinh Ngọc Liên không còn đi lễ nhà thờ nữa, nhưng ông vẫn thích về thăm các miền quê vùng Nam Định, thăm các linh mục quen biết xưa. Ông còn tham gia dàn dựng, thậm chí chỉ huy biểu diễn cho các dàn kèn của nhà thờ, chơi các bản Thánh ca và cả những bản nhạc cách mạng. Sau khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian hơn, ông càng năng về quê. Bà con các xứ đạo nhớ mãi hình ảnh cụ già dáng người cao cao, gầy gầy, tóc bạc trắng như cước, rất gần gũi và đồng cảm, chia sẻ với mọi người. Họ hay gọi cụ là Ngài và xưng hô là con.

Về đời tư, ông có 2 bà vợ. Người vợ sau là ca sĩ Bùi Thị Thái (tức NSND Tuyết Mai, phát thanh viên nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam). Các con của ông đều được học nhạc, chơi giỏi một loại nhạc cụ và đều khoác áo lính.

Quản Liên mất năm 1991, hưởng thọ 81 tuổi nhưng các sáng tác và tổng phổ viết cho dàn nhạc kèn của ông vẫn vang lên trong các dịp lễ hội Quốc gia, của Quân đội và ở các nhà thờ.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm