April 26, 2024, 7:35 pm

Ngược đỉnh Pờ Yầu

Làng Pờ Yầu của bà con Bahnar nằm trên địa bàn xã Lơ Pang, huyện Mang Yang cách trung tâm xã Lơ Pang, chỉ khoảng hơn 10km, nhưng bị ngăn cách bởi một ngọn núi cao, nên trong nhiều năm qua, Pờ Yầu vẫn là làng thuộc diện khó khăn nhất, nghèo nhất của tỉnh Gia Lai.

Cách đây 3 năm, từ Ủy ban nhân dân xã đi vào đến làng, đi bằng ô tô, xe máy phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ mới tới nếu trời khô ráo và phải có người địa phương dẫn đường. Xe ô tô chỉ đến được chân núi, còn đường từ đó lên núi hơn 7 cây số thì phải đi bằng xe máy hoặc đi bộ, bao lần thót tim khi xe lượn qua những khúc cua gập hay những đoạn dốc thẳng ngược, đường thì nhỏ đất đá lổn nhổn, mặt đường lồi lõm, một bên núi, một bên vực sâu thẳm, sơ sẩy yếu tay lái, xe mất thắng, trượt bánh là có thể rơi xuống vực. Nếu đi bộ dưới tiết trời nắng nóng của Tây Nguyên mùa khô, mồ hôi sẽ đổ đẫm mặt, cổ, lưng và phải đi cả ngày mới tới đỉnh núi, nơi bà con sinh sống với bao khó khăn, thiếu thốn, đói nghèo. Nghe kể hồi đấy bà con trong làng ốm đau, tai nạn khi lao động, chỉ có cách khiêng bằng võng vượt đường núi xuống đến bệnh viện huyện, ai bị nặng thì không thể cứu kịp.

 

Công nhân Công ty Điện lực Gia Lai lắp điện cho người dân làng Pờ Yầu

 

Pờ Yầu là ngôi làng biệt lập nằm trên đỉnh núi, trước đây cuộc sống của người dân đều tự cung tự cấp, kinh tế chủ yếu nhờ trồng lúa nước, cây bời lời và mỳ theo tập quán canh tác cũ, nên phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo, quanh năm không đủ ăn, đủ mặc. Làng có diện tích tự nhiên gần 7.000 ha, hiện có 117 hộ với 507 khẩu được chia làm 8 thôn, làng, dân tộc Bahnar chiếm 93,16% tổng số hộ. Trước năm 2005, tài sản lớn nhất của làng là hai máy phát điện chạy bằng sức gió do Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh tặng. Chiếc máy lúc đầu thiết kế để 6 nhà có thể được dùng điện nhưng cuối cùng chỉ có hai nhà có điện mà cũng chỉ có khoảng hai giờ mỗi ngày và cái âm thanh inh ỏi ồn ào của máy thì còn rõ trong kí ức của những người già. Đến Tết năm 2005, bà con làng trên đỉnh núi vui tưng bừng khi lễ đóng điện được tổ chức ngay tại làng. Khi các bóng điện được bật sáng dân làng nhảy múa reo hò hân hoan, ánh sáng bừng lên đem theo hy vọng về một cuộc sống đỡ gian khổ hơn ở vùng núi rừng hoang vu này. Món quà ấy là của công ty Điện lực Gia Lai đầu tư, đường điện kéo vào làng Pờ Yầu với tổng số vốn thời điểm lúc đó lên đến hơn 4 tỷ đồng, đường điện này chủ yếu phục vụ dân sinh. Nguồn điện cấp cho làng từ tuyến 475F21 đi qua xã Hà Ra, đường dây băng qua nhiều đồi núi với chiều dài đường dây khoảng trên 50km. Rồi bao sức người khó nhọc của các anh em công nhân áo vàng như sắc hoa dã quỳ trong hành trình kéo lưới điện về buôn xa. Bao khó nhọc, vất vả tốn kém sức người sức của thế nhưng mỗi tháng Điện lực Mang Yang chỉ thu được khoảng 700 ngàn đồng tiền bán điện và phải thu theo quý. Từ khi có điện, mọi người trong làng mua ti vi, quạt máy, nồi cơm điện, trong làng đã vui hơn bởi bà con được tiếp cận nhiều điều mới lạ từ những chương trình trên màn hình ti vi, bọn trẻ con, thanh thiếu niên rất mê các chương trình ca nhạc, phim, chúng tụ tập ở nhà rông cùng nhau xem, trò chuyện cười nói rôm rả, thầy cô giáo bám làng cũng đỡ buồn, họ chỉ bà con xem những chương trình bổ ích có để nâng cao đời sống tinh thần và tri thức. Nhưng dẫu có điện, cuộc sống của người dân vẫn gặp muôn vàn khó khăn do địa hình đồi núi chia cắt, làng lại cách xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn, các mặt hàng nông sản bà con làm ra, các sản phẩm nông, thổ sản, sản phẩm của nghề truyền thống không bán được. Mà nếu bán được thì giá rất thấp do việc chuyên chở đi lại quá khó, tốn kém sức người, nhiên liệu, phương tiện… Cái được nhất ở đây là không gian làng còn giữ nguyên nét kiến trúc truyền thống với ngôi nhà rông dựng giữa làng và những ngôi nhà sàn tranh tre nứa lá lô nhô xung quanh, dân làng thích đánh cồng chiêng khi vui, khi buồn, đấy là khi làng có lễ cưới, lễ bỏ mả, cúng năm mới, cúng cầu sức khỏe cho cha mẹ, mừng em bé tròn tuổi… phụ nữ giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống có từ bao đời, nghề đan lát đa số đàn ông còn làm giỏi, nhiều người ở tuổi trung niên vẫn thạo việc săn bắn, làm nhà, làm thuyền độc mộc, tạc tượng gỗ cho người đã chết, chị em ai cũng biết làm rượu ghè, làm thịt gác bếp, làm cơm nướng ống rất thơm ngon. Cái đẹp cái hay của văn hóa truyền thống giữ được nhưng cái lạc hậu, hủ tục cũng còn đeo bám trong đời sống đồng bào, đấy là lễ hội kéo dài, đập trâu, bò, heo, gà nhiều, ăn uống kéo dài gây tốn kém, nơi ăn chốn ở chưa vệ sinh nên bệnh dịch ảnh hưởng sức khỏe, bà con ham thích uống rượu quên lo làm ăn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bỏ học sớm… cứ luẩn quẩn như vậy nên cái nghèo đói bám chặt bao kiếp người ở đỉnh núi xa xôi ấy. Mấy lần chính quyền vận động bà con rời làng ra gần khu trung tâm, thuận tiện giao thông, nguồn nước sinh hoạt, điện, trường, chợ, trạm xá… nhưng người già, người trẻ còn chưa muốn, nếp sống hoang sơ, gắn bó với đất với rừng với sông suối từ khi lập làng đến nay đã thân quen, thấm vào tâm thức máu thịt bao thế hệ nên đâu dễ rời xa, thế nên chủ trương là thế, vận động là thế nhưng dùng dằng mãi làng vẫn trên núi, đời sống dân làng vẫn khó khăn. Và cái làng cùng hơn 500 đồng bào Bahnar trên núi Pờ Yầu cứ luôn là nỗi trăn trở, lo lắng, quan tâm của các đồng chí lãnh đạo địa phương.

Theo lời kể của anh Đinh Thưn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã, Bí thư chi bộ làng Pờ Yầu, thì làng từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã bao bọc, che chở nhiều cán bộ cách mạng của tỉnh, hồi ấy nhiều thanh niên của làng tham gia làm du kích, hy sinh xương máu bảo vệ núi rừng quê hương. Để đền đáp lại những cống hiến, đóng góp của bà con nơi đây trong những năm kháng chiến gian khổ, cuối năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ 15 tỷ đồng cho huyện Mang Yang làm một con đường giao thông từ tỉnh lộ 666 đến làng Pờ Yầu. Con đường có tổng chiều dài 7,4 km với mục tiêu cứng hóa trên đường mòn hiện trạng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, kết hợp công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Công trình này còn là sự kết hợp của tình quân dân, của cấp ủy chính quyền địa phương và đơn vị Quân đoàn 3 Anh hùng. Từ đầu tháng 1 đến sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020, hơn 140 lượt cán bộ chiến sĩ đã bám trụ ngày đêm trên công trường, góp 2.878 ngày công để hoàn thành 7.400 mét đường bê tông, 1.066 mét rãnh nước và 5 cống thoát nước. Hôm chúng tôi lên, xe ô tô đã bon bon ngược đỉnh Pờ Yầu trên mặt đường cứng, lòng đường rộng hai làn xe chạy ngược chiều nhau. Tuyến đường hoàn thành, chính quyền vui mừng, phấn khởi một thì bà con dân làng Pờ Yầu mừng vui mười. Làng Pờ Yầu có nhiều thay đổi lớn kể từ khi con đường hoàn thành. Giờ làng cũng đã được xây dựng trạm phát sóng điện thoại Viettel, đến nay, tỷ lệ dân làng dùng điện thoại di động khoảng 50-60% để liên lạc; nhà ở cho giáo viên ở điểm trường làng cũng được xây dựng, tạo điều kiện ăn ở cho 3 thầy cô giáo bám làng, gieo chữ cho các em học sinh Bahnar nơi đây. Tháng 5/2019, Công ty Điện lực Gia Lai đã đầu tư thay thế toàn bộ công tơ điện tử, thuận tiện cho việc thu tiền điện theo tháng cho nhân dân. Hiện tại, điểm trường làng Pờ Yầu có 2 cấp học là mầm non và tiểu học với hơn 70 học sinh, việc duy trì sĩ số là cả một nỗ lực lớn của các thầy cô giáo ở điểm trường này. Cũng do điều kiện đi lại còn khó khăn nên khi học cao hơn, nhiều em đã nghỉ học, ở nhà làm rẫy, đi rừng phụ cha mẹ kiếm sống. Mấy năm nay, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cung cấp nhiều loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, bời lời, mít thái, nuôi heo đen… và hướng dẫn người dân trồng và chăn nuôi đúng cách. Ngân hàng chính sách huyện hỗ trợ vốn vay, làng đã có 84/117 hộ nghèo được vay tiền để phát triển sản xuất, nên bây giờ người dân đã biết cách sử dụng đồng vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Hai năm trở lại đây, với quyết tâm không để Pờ Yầu bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội ở nơi này, nhờ thế hôm nay Pờ Yầu đã có bước phát triển vượt bậc, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 36%. Và theo như lãnh đạo huyện Mang Yang chia sẻ, cấp ủy, chính quyền huyện đang huy động mọi nguồn lực và ban hành kế hoạch riêng để đưa làng Pờ Yầu ra khỏi làng nghèo nhất của tỉnh Gia Lai trong năm 2021.

Chia tay Pờ Yầu trong tiếng cồng chiêng tiễn khách đầy lưu luyến, trong từng cang rượu cần tiễn khách, trong từng cái nắm tay thật chặt, tôi tin tưởng và hy vọng, tương lai gần thôi bà con Bahnar nơi ngôi làng trên đỉnh núi Pờ Yầu sẽ dần bớt khổ, bớt nghèo, những người trẻ tuổi của làng, những người cán bộ, công chức tâm huyết của xã, huyện sẽ đem tài sức của mình để xây dựng buôn làng thoát nghèo bền vững và mãi ấm no.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020  


Có thể bạn quan tâm