April 26, 2024, 6:16 pm

Ngôi nhà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trang 4 Báo Văn nghệ số 23 (3147) ra thứ 7 ngày 6 tháng 6 năm 2020 có đăng bài viết của tác giả Thanh Thảo với tựa đề Vẫn còn là mơ ước. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả, Chủ nghĩa xã hội vẫn còn là mơ ước của chúng ta và với cả loài người. Điều mơ ước đó có lẽ còn lâu, rất lâu nữa mới có thể là sự thật. Cũng phải thôi, sự phát triển của xã hội loài người, từ chế độ xã hội này sang chế độ xã hội khác phải trải qua hàng nhiều trăm năm, thậm chí hàng triệu năm cơ mà. Chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), có thể được tính từ năm 1917 (Cách mạng tháng 10 Nga) thì đến nay mới chỉ hơn 100 năm, chặng đường còn quá ngắn để có thể thay đổi một chế độ. Mới có 100 năm mà XHCN đã phải trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của nó, thậm chí có người còn cho rằng XHCN đã chết (kể từ sau khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã). Song trên thực tế, Chủ nghĩa Xã hội ngược lại vẫn tồn tại và phát triển theo hình thức, bước đi mới của nó.

Chúng ta hình dung XHCN như một ngôi nhà, ngôi nhà ấy đã được Max-Anghen thiết kế, nó tốt đẹp hơn ngàn lần so với Chủ nghĩa Tư bản hiện tại. Lê-nin là một trong những người đầu tiên thực hiện “thi công” ngôi nhà XHCN tại nước Nga, nhưng sau khi Người qua đời, những người “thi công” kế tiếp phạm sai lầm khiến ngôi nhà ấy phải sụp đổ. Sự sụp đổ đó là sụp đổ của một mô hình do thi công sai, chứ không phải do thiết kế sai. Hiện nay nhiều nước kể cả những nước trong thế giới Tư bản vẫn đang đi theo thiết kế của XHCN, như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch… ở các quốc gia này có nhiều điểm gần giống, hay tiến gần đến XHCN, đó là một xã hội công bằng, dân chủ, thu nhập cao… Ngay ở Mỹ có đến 51% người trẻ được hỏi đang mơ ước về XHCN. Ngay trong những ngày biểu tình rầm rộ hầu như khắc nước Mỹ đòi công bằng, công lý sau cái chết tức tưởi của anh chàng da đen Geogre Floyd, người ta đã kéo cờ đỏ búa liềm, biểu tượng của chủ nghĩa Cộng sản, của sự liên minh đại đoàn kết công nông thế giới. Quan sát hình ảnh người biểu tình dương cao cờ đỏ búa liềm, có người đã vội nghĩ rằng đã đến lúc cần phải thay thế Chủ nghĩa Tư bản bằng Chủ nghĩa Xã hội, nhưng có lẽ chưa phải lúc này. Cần phải có thời gian nữa, Chủ nghĩa Xã hội sẽ tự hình thành ngay trong lòng Chủ nghĩa Tư bản. Đó là quy luật phát triển tất yếu.

Chúng ta là “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” nhưng không có nghĩa là chúng ta đã là một nước XHCN hoàn thiện. Chúng ta đang xây dựng đất nước theo con đường XHCN, tức là đang thi công ngôi nhà XHCN theo thiết kế của Chủ nghĩa Max–Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngôi nhà XHCN lại chưa có hình mẫu, vì vậy chúng ta vừa thi công vừa chỉnh sửa, bổ sung, bản thiết kế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ thực tiễn cuộc sống người dân, chúng ta chỉnh sửa, bổ sung, để những gì tốt đẹp nhất của XHCN sớm đến với đời sống nhân dân, điều đó thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các kỳ đại hội. Từ những năm 2000 trở lại đây, cứ sau kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, đất nước ta lại như bước thêm một nấc thang mới, tiến lên gần hơn với XHCN. Đặc biệt là trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy tính ưu việt của chế độ XHCN, một chế độ vì con người, luôn đặt sự sống của con người lên trên hết. Có thể khẳng định chúng ta đang đi đúng hướng, ngôi nhà XHCN của Việt Nam theo thiết kế của chúng ta đang dần hình thành. Thật buồn cười khi có những kẻ chống phá cứ so sánh sự giàu nghèo giữa Việt Nam với các nước Tư bản phát triển phương Tây. Chẳng lẽ họ không biết CNTB phát triển phương Tây đã có lịch sử hơn 400 năm, ngay ở Hoa Kỳ cũng đã hơn 200 năm phát triển. Trong khi đó đất nước ta chỉ mới thực sự xây dựng và phát triển chỉ khoảng hơn 30 năm nay. Chúng ta hãy hình dung, nếu cứ đà phát triển như hiện nay 100 năm nữa, hay 300-400 năm nữa (tức là tương đương thời gian phát triển của các nước tư bản phương Tây) đất nước ta sẽ như thế nào? Cũng cần mở ngoặc là trong hơn 200 quốc gia TBCN trên thế giới số nước gọi là phát triển chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Điều quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là làm sao để có được đội ngũ những người tổ chức thi công ngôi nhà XHCN của Việt Nam. Ngôi nhà đang xây thì gặp không biết bao nhiêu khó khăn, phức tạp, không biết bao nhiêu lực cản. Ông đi qua, bà đi lại, người khen, kẻ chê, ai cũng góp ý, có ý kiến thực tâm xây dựng, nhưng cũng có ý kiến chỉ để phá. Làm sao để chúng ta không rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”.  Chúng ta đã có nền móng vững chắc của ngôi nhà đó là Chủ nghĩa Max-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nền móng vững chắc, nhưng ngôi nhà được xây dựng lên không ra gì, thì cũng không thể có được ngôi nhà đẹp và bền vững. Vì vậy nhiệm vụ đặt lên vai đội ngũ những người tổ chức thi công là cực kỳ quan trọng. Có thiết kế đúng đắn, có nền móng vững chắc rồi, nhưng đội ngũ những người thi công không đủ phẩm chất năng lực, thậm chí yếu kém, thi công cẩu thả, gian dối, ăn cắp vật tư… thì ngôi nhà sẽ bị phá hỏng, xiêu vẹo, méo mó, không còn là ngôi nhà hoàn hảo nữa.

Trở lại với Thanh Thảo, tác giả bài Vẫn còn là mơ ước đã nói ở đầu bài viết này. Đúng như nhận thức của tác giả, Chủ nghĩa xã hội đến nay “vẫn còn là mơ ước”. Tuy nhiên với tinh thần lạc quan và với những thành quả nhìn thấy được ở Việt Nam chúng ta, những năm gần đây, tôi nghĩ mơ ước của chúng ta về một xã hội tốt đẹp sẽ đến từng phần, sẽ trở thành hiện thực từng phần. Hay nói cách khác là XHCN đang dần hình thành trên đất nước chúng ta. Tôi hy vọng và đặt niềm tin vào điều đó. Vì người dân Việt Nam vốn rất tin yêu Đảng cộng sản Việt Nam (mặc dù có khá nhiều đảng viên không xứng đáng với sự tin yêu ấy). Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, nhân dân luôn đứng về phía Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng một dạ theo Đảng. Lịch sử 90 năm ra đời và phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều đó. Và lần này cũng vậy, gần 100 triệu người dân đất Việt tin tưởng đại hội Đảng các cấp và đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021-2025) sẽ lựa chọn được đội ngũ những người tổ chức thi công xuất sắc nhất, đủ phẩm chất, năng lực tổ chức “thi công” xây dựng ngôi nhà XHCN Việt Nam chúng ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”  như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trước lúc đi xa.

Trương Đức Cảnh

Cựu chiến binh Tp. Hồ Chí Minh

Email: laotruong1954@gmail.com

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm