April 26, 2024, 11:54 am

Nghĩ về truyền thống “tôn sư trọng đạo”

Mùa xuân năm 1980 của thế kỷ trước, năm đầu tiên bước vào nghề, tôi xin về dạy học tại một trường THCS ở một xã ven biển đồng bằng Bắc Bộ. Xa nhà, phương tiện đi lại thiếu thốn khó khăn, hầu như thứ bảy, chủ nhật tôi đều ở lại trường. Những ngày nghỉ, tôi thường đi bộ ra biển (trường cách biển khoảng một cây số). Và những chuyến thăm biển của tôi thật ý nghĩa vì lần nào cũng có ít nhất mươi, mười lăm cô cậu học trò đi theo “tháp tùng” cô giáo.

Ở sát biển các em chẳng lạ gì biển; nhưng điều quan trọng là các em được đi cùng cô giáo trẻ măng, được cô kể cho nghe rất nhiều truyện cổ. Vì vậy những chuyến ngao du bên bờ biển của cô trò chúng tôi hết sức thú vị. Có lần vào tuần trăng tròn, ngồi trên nền cát mịn màng sạch sẽ, một bên là biển cả hiền hòa với những lượn sóng tung bọt trắng xóa, một bên là cánh rừng phi lao rì rào se sẽ, giữa không trung là vầng trăng vàng thắm tròn vành vạnh tỏa sáng vằng vặc, tôi kể cho các em nghe truyện Nàng Tiên Cá của H.C Andersen. Câu chuyện cảm động về tấm lòng nhân hậu và tâm hồn cao thượng của nàng công chúa út nơi Thủy Cung đã lay động sâu xa tâm trí các em. Các em lắng nghe tưởng như có lúc nín thở, những cặp mắt long lanh - có lúc ngời sáng - có lúc đẫm lệ khiến tôi xúc động. Có lẽ vì thế mà tôi kể hay hơn, truyền cảm hơn. Truyện đã kể xong mà các em vẫn nín lặng đắm mình trong cảm xúc. Rồi bỗng có em đưa tay chỉ ra biển thì thầm: “Nàng Tiên Cá kìa!”. Giữa các lượn sóng nhấp nhô dưới ánh trăng, em ấy đã nhìn thấy Nàng Tiên Cá dịu dàng, xinh đẹp bằng tâm cảm hay trí tưởng tượng? Có lẽ là cả hai. Bất giác tôi phụ họa theo: “Đúng đấy! Nàng Tiên Cá đã nghe thấy chúng ta nói về chuyện của Nàng nên Nàng ấy đã hiện lên đó!”. Chắc chắn những cô cậu học trò của tôi ngày ấy cũng như tôi, sẽ không bao giờ quên giây phút hạnh phúc đó.

 

Tôn Sư trọng đạo là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

 

Thời gian tôi về dạy ở vùng quê này không lâu, chỉ một năm thôi nhưng tôi đã nhận được nhiều tình cảm tin yêu trìu mến của học trò. Đó là tình cảm hoàn toàn vô tư, trong sáng, không vụ lợi. Ấy là có lần, sớm tinh mơ tôi vừa tỉnh giấc, cảm nhận được mùi hương hoa ngọt ngào, tôi bổ đi tìm và phát hiện một bó hoa dành dành còn đẫm sương đêm đặt trên gờ cửa sổ. Tim tôi rung lên vì hạnh phúc. Tôi cắm hoa vào chiếc bình thật đẹp và mang lên lớp. Tôi nói trong khi quan sát đám học trò của mình:

- Cô rất cảm ơn vị Phúc Thần tí hon nào đó đã tặng cô loài hoa mà cô yêu thích!

Tất cả các gương mặt đều hân hoan, đều tươi roi rói, tôi chịu không sao nhận ra gương mặt của “Phúc Thần tí hon” bí ẩn kia…

Sau này, khi tôi chuyển về dạy tại một trường THCS ở một thành phố lớn, lại có những tình huống trong nghề khiến tôi cũng như học trò của tôi không thể nào quên.

Hồi đó, tôi dạy văn và chủ nhiệm lớp học sinh chuyên Tiếng Pháp của trường. Tôi dạy và chủ nhiệm các em từ lớp 6 đến lớp 9. Hết bốn năm, khóa này ra trường tôi lại đón khóa tiếp theo; cứ như thế cho đến ngày tôi nghỉ hưu. Theo sát các em 4 năm liền nên tình cảm cô trò rất gắn bó. Các em học chuyên Tiếng Pháp nhưng cũng rất thích học môn Văn tôi dạy. Một số em học Văn tốt và có khả năng viết nên tôi đã bồi dưỡng, hướng dẫn các em viết báo, gửi bài đăng trên báo Thiếu niên Tiền Phong và báo Hoa học trò. Vì đó là những tờ báo dành cho lứa tuổi học sinh nên bài các em viết in báo được trả nhuận bút khá cao. Lúc đó các em đang học lớp 8. Có một nữ sinh liên tục gửi bài đăng báo và nhận được một khoản tiền nhuận bút khá lớn: hơn 600.000đ. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước thì đó là số tiền không nhỏ. Em nữ sinh đó vui mừng đem tiền nhuận bút khoe với các bạn trong lớp. Vì học sinh lớp tôi chủ nhiệm đã quen coi cô giáo như là người mẹ thứ hai ở trường và xem các bạn trong lớp như anh chị em một nhà nên có điều gì vui buồn đều chia sẻ cùng nhau. Hôm đó tôi không có giờ dạy trên lớp nhưng vào cuối buổi chiều, học sinh bị mất tiền tìm tôi thông báo tình hình. Tôi lập tức đến lớp và yêu cầu các em ở lại ít phút. Tôi báo với cả lớp việc nữ sinh bị mất khoản tiền nhuận bút, và cùng với sự tường trình của nữ sinh đó, các em đều khẳng định người ngoài không ai có thể vào lớp lấy trộm số tiền đó. Chỉ có thể là một thành viên trong lớp đã làm việc này.

Tôi đứng lặng giây lát, trong tâm thật đau buồn vì tôi không thể ngờ học sinh của tôi lại có hành vi như vậy. Tôi nhìn bao quát cả lớp với tình thương yêu không thể nói thành lời. Rồi tôi nói với các em giọng nhẹ nhàng nhưng có chút nghẹn ngào: “Cô không tin lớp mình có bạn lại có hành vi trộm cắp ấy. Vì trộm cắp là một hành vi vô đạo đức. Bất cứ luật pháp một quốc gia nào cũng xem trộm cắp là một tội lỗi và mang ra xét xử. Cô không tin lớp mình có bạn vi phạm lỗi lầm to lớn như vậy. Bởi vì, đối với cô, 33 gương mặt các trò đều là 33 gương mặt Thiên Thần. Các con chăm ngoan, giỏi giang là niềm tự hào của cha mẹ các con và là niềm tự hào của cô. Cô nghĩ, có lẽ một bạn nào đó nhất thời không trụ vững nổi trước sự cám dỗ của khoản tiền nhuận bút kia và không chiến thắng được ham muốn nhất thời của bản thân nên đã lấy cắp số tiền đó, đó quyết không phải là bản tính của bạn ấy. Cô mong các con không lưu truyền tin này ra bên ngoài, nhất là các con không được nghi ngờ cho bất cứ bạn nào trong lớp. Các con hãy nhẫn nại chờ đợi. Cô có một giải pháp tốt nhất cho chuyện này là: Bạn nào đã trót lấy số tiền đó, vào sáng ngày mai, hãy đến lớp sớm nhất, hãy bỏ tiền vào phong bì và bí mật đặt trong ngăn kéo bàn giáo viên, cô sẽ đến lớp nhận và trả lại cho bạn bị mất. Cô và tất cả các bạn trong lớp sẽ không truy cứu đó là ai, cũng không muốn biết đó là ai. Và lớp mình sẽ mãi mãi là một gia đình; các con sẽ mãi mãi là anh chị em của nhau, yêu thương nhau, nhường nhịn nhau; các con sẽ mãi là các Thiên Thần đáng yêu của Cô!”.

Và rồi điều tốt lành như tôi mong muốn và tin tưởng đã đến. Sáng hôm sau tôi đến trường, em học sinh bị mất tiền đã đang chờ tôi ở cổng, tay cầm một chiếc phong bì mừng rỡ reo lên: “Cô ơi thấy tiền rồi, còn nguyên vẹn ạ!”. Tôi vào lớp bước lên bục giảng, vô cùng xúc động. Tôi đã khóc và nghẹn ngào nói: “Cô cám ơn các con! Cám ơn bạn nào đó đã tin cô, làm theo ý nguyện của cô. Bạn ấy đúng là một học sinh xuất sắc. Bạn đã dũng cảm thừa nhận sai lầm của mình và sửa chữa nó. Với bài học này, cô tin từ nay bạn sẽ trưởng thành và trở thành một người tốt, trung thực, vị tha, biết nghĩ cho người khác. Cám ơn con đã cho cô có được niềm tin tròn đầy vào các thế hệ học trò, vào con người. Cám ơn con! Cám ơn tất cả các con!”.

Vậy đó, trong gần ba mươi năm dạy học, tôi đã có biết bao câu chuyện, biết bao kỷ niệm sâu sắc về tình nghĩa thầy trò.

Tôi không bao giờ quên tình cảm các thế hệ học trò dành cho tôi: Sự tôn kính, tình yêu thương, niềm tin tưởng mãnh liệt vào kiến thức, vào lẽ sống mà tôi đã truyền thụ. Và tôi hiểu học sinh của tôi thực sự “Tôn Sư trọng Đạo” cũng như tôi từng vẫn tôn kính biết ơn các thầy cô của mình.

Nhân mạn đàm về truyền thống Tôn Sư trọng Đạo, tôi bèn mở cuốn Từ điển Tiếng Việt, trong đó giải nghĩa Tôn Sư trọng Đạo như thế này: “Kính trọng người thầy và coi trọng cái Đạo của người thầy”. Từ khái niệm mang tính phổ quát ấy, xét trong lĩnh vực dạy học phổ thông, tôi nhận thấy rằng Tôn Sư trọng Đạo ấy cần phải xét cả hai mặt: Không chỉ có người học tôn kính thầy, nghe lời thầy, làm theo lời dạy bảo của thầy một cách tuyệt đối mà bản thân người làm thầy ấy phải có một tiêu chuẩn thích ứng để học sinh tin cậy, tôn kính và nghe theo. Nghĩa là, người thầy ấy ngoài việc có trình độ kiến thức chuyên môn vững vàng, còn phải có phẩm chất đạo đức cao đẹp: chân thành, nhân hậu, thiện lương, vị tha, công bằng, tinh thần trách nhiệm cao, bao dung, độ lượng... Dạy học sinh, người thầy ngoài truyền thụ tinh hoa kiến thức ra, còn cần phải dạy học sinh những đạo lý làm người. Có như thế mới tạo thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp cho muôn đời sau - Truyền thống Tôn Sư trọng Đạo.

Lan Hoàng Miên

Nguồn Văn nghệ số 47/2022


Có thể bạn quan tâm